(Đà Nẵng). Ngày 30/10/2024, đã diễn ra khóa đào tạo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các hệ thống lạnh công nghiệp, thương mại, do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng) tổ chức.
Nội dung đi từ tổng quan hệ thống lạnh, đến các phương pháp xác định chỉ số hiệu quả năng lượng (COP), các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho hệ thống lạnh, cả kỹ thuật bảo trì, bảo dưỡng để duy trì một cách tối ưu hiệu suất của hệ thống.
Trước làn sóng toàn cầu nỗ lực “Xanh hóa năng lượng”
Được biết, khóa đào tạo nằm trong kế hoạch hành động của chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, một nhiệm vụ được Bộ Công Thương chính thức giao Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng, với yêu cầu vừa triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, vừa đồng thời có những hỗ trợ cụ thể, giúp doanh nghiệp thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng trên địa bàn Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.
“Khóa đào tạo lần này chú ý đến những kiến thức trọng tâm và kỹ năng tính toán cơ bản, hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ xác định được điểm yếu trong tiêu thụ năng lượng của hệ thống lạnh, mà còn định hướng và đánh giá cơ bản tiềm năng của các giải pháp tiết kiệm năng lượng đối với hệ thống. Vấn đề đặt ra ở đây là bằng cách nào đánh giá được hiện trạng sử dụng năng lượng của hệ thống lạnh và những giải pháp nào có thể áp dụng đối với hệ thống”, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng, cho biết.
Tiết kiệm năng lượng hiện là một trong chuỗi giải pháp giúp doanh nghiệp (sản xuất và cung ứng dịch vụ) đáp ứng các tiêu chí về môi trường mà thị trường đặt ra, doanh nghiệp cũng sẽ hạ giá thành hợp lý đối với sản phẩm, dịch vụ, tạo tiền đề và nền tảng để gia tăng sức cạnh tranh cho thương hiệu. Khái niệm “Xanh hóa năng lượng (Greening energy ) trong sản xuất, cung ứng dịch vụ” đã là xu hướng chung của toàn cầu và được ghi nhận là thành tố quan trọng của nhóm giải pháp tối ưu đưa đến phát triển bền vững.
Việt Nam là quốc gia đã tham gia Nhóm các tác đối Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP); và trước đó, Việt Nam, với tư cách là một nước thành viên đang phát triển, tự nguyện tham gia Thỏa thuận Paris (trong khuôn khổ của Công ước khung về biến đổi khí hậu, được xem là một thỏa thuận tiếp nối Nghị định thư Kyoto). Việt Nam cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và sẽ có các đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC).
Trong cụ thể hóa các chiến lược và cam kết tại hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26, diễn ra từ ngày 1 đến 12/11/2021, tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ rằng: Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và động lực phát triển bền vững,
Doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm chi phí sản xuất. Ảnh: T.Ngọc.
Phát triển bền vững trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước
Mới đây, Nghị quyết 169/NQ-CP, ngày 30/9/2024 của Chính phủ* đã xác định (một trong những) mục tiêu là “Phát triển Đà Nẵng xứng đáng với vai trò là trung tâm, là đầu tàu, dẫn dắt của vùng bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; xây dựng và phát triển Đà Nẵng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế, đô thị du lịch lớn gắn với kinh tế biển; là trung tâm nghề cá hiện đại, gắn với ngư trường Hoàng Sa.Đà Nẵng phối hợp với với Bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Hiện thực hóa chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, với nội dung cụ thể là triển khai sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các các hệ thống lạnh công nghiệp, thương mại, ngành hữu quan thành phố Đà Nẵng cũng hướng đến các tiêu chí xây dựng thành công mô hình Thành phố môi trường.
Có thể thấy yêu cầu và trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (đối với hệ thống lạnh công nghiệp, thương mại), tại địa bàn Đà Nẵng, đã và đang tập trung cao ở khối sản xuất-dịch vụ gắn với kinh tế biển (đánh bắt, chế biến thủy hải sản và hoạt động du lịch của thành phố biển).
Theo Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn thành phố Đã Nẵng, đến nay Đà Nẵng đã có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển ngành thủy sản, tạo thành chuỗi giá trị ngành từ khai thác thủy sản, chế biến đến phân phối, tiêu thụ xuất khẩu, dịch vụ hậu cần nghề cá, bao gồm Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, Khu Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang và Chợ Thủy sản đầu mối Thọ Quang. Trong đó, Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với ngành nghề đang hoạt động chủ yếu gồm: Sản xuất chế biến thủy hải sản; Trung tâm dịch vụ và trưng bày sản phẩm, Kho lưu giữ hàng hóa, Kho bãi và dịch vụ logistic.
Đà Nẵng có 25 doanh nghiệp chế biến thủy sản, tổng công suất cấp đông 200 tấn/ngày (khoảng 55.000 tấn/năm). Ngoài mặt hàng thủy sản đông lạnh xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp cũng đã phát triển các mặt hàng chế biến sâu từ thủy hải sản như chả cá, thủy sản khô, sấy, thủy sản ăn liền (rim, tẩm gia vị, hấp, hun khói…)với tổng công suất ước khoảng 5.000 tấn/năm; thủy sản đóng hộp có công suất 3.600 tấn/năm; nước mắm khoảng 10.000 lít/năm…Giá trị xuất khẩu hàng thủy sản năm đạt khoảng 230 triệu USD.
Ở góc độ du lịch, dịch vụ; trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1.281 cơ sở lưu trú du lịch với 46.256 phòng (tăng đến 101 cơ sở với 3.835 phòng so với cùng kỳ 2023). Trong đó cơ sở lưu trú du lịch 4-5 sao hoặc tương đương là 110 cơ sở với 21.293 phòng; 3 sao và tương đương, là 101 cơ sở với 6.672 phòng; khối 2 sao trở xuống: 1.070 phòng với 18.291 phòng. Cơ sở lưu trú du lịch 4-5 sao (và tương đương) ở ven bờ biển và dọc bờ biển có khoảng 80 cơ sở (chiếm khoảng gần 73% khối 4-5 sao và tương đương).
Rõ ràng, đây là hai lĩnh vực có nhu cầu rất lớn về hệ thống lạnh công nghiệp. Với quyết tâm xây dựng thành công Thành phố môi trường, Trung tâm Kinh tế biển bền vững, Đà Nẵng cần có những hỗ trợ, chia sẻ dài hơi về giải pháp tiết kiệm năng lượng đến các doanh nghiệp.
“Hệ thống làm lạnh là một trong những hệ thống quan trọng nhất, đối với một số ngành và doanh nghiệp như chế biến thực phẩm, tòa nhà, khách sạn, siêu thị, dược phẩm…Trong quá trình vận hành, những hệ thống này tiêu thụ rất nhiều năng lượng (chủ yếu là điện năng), có thể chiếm đến 30-70% tổng lượng điện tiêu thụ (tùy thuộc đặc thù ) của doanh nghiệp. Câu chuyện làm thế nào giảm thiểu được chi phí điện năng tiêu thụ cho hệ thống làm lạnh, là một trong những vấn đề đã và luôn được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất” – bà Nguyễn Thị Mỹ Linh – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng, phân tích.
Theo TS Nguyễn Thành Văn, Trưởng bộ môn Kỹ thuật Nhiệt – Lạnh, trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng, Trưởng Đại diện Hội Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam tại Đà Nẵng: Về mặt kỹ thuật, có rất nhiều giải pháp để tối ưu hóa hệ thống lạnh công nghiệp và thương mại như nâng cao hiệu quả thiết bị máy nén lạnh (thay máy nén piston bằng máy nén hiệu suất cao hơn); hay thiết bị ngưng tụ. Khi nhiệt độ ngưng tụ tăng 1 độ C thì năng suất lạnh giảm hơn 1%; điện tiêu thụ lại tăng 1% nhưng hiệu quả làm lạnh giảm đến 3%. Với thiết bị bay hơi, khi nhiệt độ bay hơi tăng 10C thì năng suất lạnh tăng (3,6÷7,3)%, lượng điện tiêu thụ giảm (3,6÷5,2)% nhưng hiệu quả làm lạnh tăng khoảng (3,5÷5)%. Để tối ưu hóa hệ thống, còn phải chú ý đến động cơ, bơm, hay quạt. Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng đến quạt tiết kiệm năng lượng có cánh dẫn hướng.
Giải pháp khác để tiết kiệm năng lượng cho hệ thống lạnh công nghiệp và thương mại cũng khá nhiều. Từ khâu đơn giản như cách nhiệt, cách ẩm đảm bảo theo điều kiện tối ưu; Thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh thiết bị. Doanh nghiệp cần có giải pháp tận dụng nhiệt thải khi ngưng và nhiệt thải máy nén sản xuất nước nóng, thu hồi lạnh từ quá trình xả đá dàn bay hơi và rã đông sản phẩm; Bố trí sản phẩm cần làm lạnh hợp lý kết hợp lắp hệ thống trữ lạnh. Trong thực hành tiết kiệm năng lượng, cần có giải pháp quản lý, kể cả quản lý hệ thống chiếu sáng.
Giải pháp có tính căn cơ hơn là doanh nghiệp cần trang bị đủ các thiết bị đo đếm để dễ quản lý năng lượng. Nếu thu thập được các dữ liệu và qua phân tích dữ liệu, doanh nghiệp sẽ xác định được đâu là khâu, quy trình cần giám sát nhiều hơn để quản lý chặt chẽ năng lượng, giảm tổn thất tiêu hao lớn và đi đến quyết định cải tiến, nâng cấp hệ thống lạnh công nghiệp, thương mại đang khai thác./.
Trần Ngọc
* Nghị quyết số 169/NQ-CP của Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 79-KL/TW ngày 13 tháng 5 năm 2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045