Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng: Hình thành nền kinh tế tuần hoàn từ cách thức quản lý, ứng xử với chất thải



ĐNA -

Ngày 25/8/2022, tại Trung tâm Hội chợ – Triển lãm Đà Nẵng, đã chính thức diễn ra phiên khai mạc Triển lãm – hội thảo quốc tế về giải pháp và công nghệ xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam.
Sự kiện do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, Công ty Informa Markest và các đơn vị liên quan tổ chức.
Đây là lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng đăng cai tổ chức sự kiện.

Nghi thức ấn nút khai trương triển lãm. Ảnh trong bài: Trung Đức – Asean News.

“Đây cũng là cơ hội để thành phố tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong công tác phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn, góp phần triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường”, ông Lê Quang Nam – Phó Chủ tịch UBND thành phố nhìn nhận.

Hình thành nền kinh tế tuần hoàn từ cách thức quản lý, ứng xử với chất thải
Triển lãm và hội thảo diễn ra trong bối cảnh Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đi vào cuộc sống được 8 tháng, so với các Luật trước đây, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều điểm mới, và rất mới.
Các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật, đã đưa ra nhiều quy định mới liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Đó là quy định về phân loại tại nguồn; quy định về nguyên tắc giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý được tính dựa trên khối lượng chất thải phát sinh và đã được phân loại theo quy định.
Luật cũng quy định trách nhiệm của các bên liên quan như: Hộ gia đình, cá nhân (cộng đồng dân cư được Luật quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường); chủ nguồn chất thải; Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tổ dân phố, tổ chức chính trị xã hội; … trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Đặc biệt, lần đầu tiên Luật tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.

Ông Lê Quang Nam – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng: Chúng ta vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách phù hợp …

“Thực tế hiện nay, hạn mức ngân sách các cấp đầu tư cho khu vực công ích, để quản lý chất thải rắn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, trong khi đó lại rất khó khăn trong kêu gọi xã hội hóa, bởi cơ chế, chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực này còn thấp, chưa đồng bộ.
Tương tự, chưa thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ từ khâu thu gom, vận chuyển, đến xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt; công nghệ sử dụng cho các khâu vừa đề cập nhìn chung còn lạc hậu. Chúng ta vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách phù hợp”, ông Lê Quang Nam – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chia sẻ thêm.

Triển lãm và hội thảo được nhìn nhận là cơ hội lớn để các cơ quan, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ; nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ; đặc biệt khuyến khích và ưu tiên thúc đẩy chuyển giao công nghệ xử lý môi trường mới, công nghệ tái chế, năng lượng tái tạo, phù hợp cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Nhằm đáp ứng các quy định (định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải) của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cụ thể là những quy định mới liên quan đến quản lý, nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Xe thu gom chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện giao thông chật, hẹp của khu dân cư.

Khuyến khích xã hội hóa quản lý chất thải rắn sinh hoạt: Cơ chế ưu đãi phải cụ thể và kịp thời
Tuy chưa đầy đủ – trọn vẹn, Triển lãm cũng đã giới thiệu năng lực thực tế của doanh nghiệp Việt Nam, cũng như giải pháp công nghệ của một số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, trong tham gia giải quyết các vấn đề môi trường; tham gia vào quy trình kinh tế tuần hoàn.

“Tôi thật sự vui mừng nhận thấy Triển lãm quốc tế hôm nay đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các đơn vị, các doanh nghiệp tiêu biểu trong và ngoài nước với 35 gian hàng.

Triển lãm đã thể hiện được tính đa dạng cao, trong thành phần tham gia lẫn các sản phẩm, ấn phẩm hết sức phong phú được giới thiệu, trưng bày.

Điều đó là minh chứng sinh động cho thấy chúng ta đang dần làm chủ và tiếp cận với các phương thức quản lý, các mô hình công nghệ xử lý chất thải tiên tiến trên thế giới” – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Bảo vệ Môi trường, ông Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh.

Còn theo GS. TSKH Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ Trưởng thường trực Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam: “Hội thảo và Triển lãm có ý nghĩa rất lớn là tạo cơ hội cho các đơn vị trong ngành có cái nhìn tổng quan về cơ chế chính sách mới, thực trạng quản lý và xử lý chất thải, môi trường tại các đô thị Việt Nam; là cơ sở đáng tin cậy để các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương, các nhà đầu tư và cộng đồng người dân tìm hiểu, đề xuất giải pháp và công nghệ phù hợp để xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam trong thời gian tới.

Các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực xử lý môi trường có mặt ngay phiên khai mạc triển lãm – hội thảo.

Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành tìm hiểu, ứng dụng công nghệ xử lý môi trường, công nghệ tái chế, tái tạo năng lượng, hướng tới công nghệ xanh, công nghệ sạch trong nền kinh tế tuần hoàn”.

Trước những đòi hỏi cấp thiết trong quản lý – ứng xử với chất thải trong bối cảnh mới, Lãnh đạo Tổng cục Bảo vệ Môi trường cho rằng, phải sớm hình thành, ban hành và triển khai cơ chế chính sách ưu đãi, thiết thực hỗ trợ, khuyến khích xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Đặc biệt là khuyến khích đầu tư xây dựng và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, áp dụng mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý theo phương thức đối tác công tư (PPP), đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và bền vững của dự án, phát huy và đa dạng hóa nhiều nguồn lực cho xử lý chất thải.

 

Cộng đồng trẻ học sinh-sinh viên Đà Nẵng rất quan tâm đến triển lãm …

Muốn vậy, phải tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Các địa phương phải chủ động bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy hoạch, bố trí đủ kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý trên địa bàn.

Trong 2 phiên hội thảo của ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã tiếp thu những chia sẻ của các vị khách quốc tế: Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Ngài Christoph Prommersberger (với báo cáo Hà Lan-Đối tác của Việt Nam trong Quản lý chất thải) ; ông Adachi Ichiro – Chuyên gia quản lý môi trường Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (tham luận: Kinh nghiệm quản lý và các giải pháp quản lý chất thải rắn tại Nhật Bản) ; ông Hideki Wada – Chủ tịch, Cố vấn trưởng Công ty Vietnam Waste Planning, Nhật Bản (tham luận: Kinh nghiệm xây dựng chính sách và giải pháp quản lý chất thải đô thị tại Nhật Bản); ông Kelvin Vương – Giám đốc Quỹ Climate Fund Managers (Báo cáo: Cân nhắc đầu tư dự án quản lý chất thải từ góc độ đầu tư tư nhân); ông Yoshiharu Suzuki – Giám đốc Chi nhánh Công ty HItachi Zosen Việt Nam tại Hà Nội, ông Chen Hao – Giám đốc đầu tư kiêm Trưởng văn phòng đại diện SUS tại Việt Nam (tham luận: Hitachi Zosen – SUS: hợp tác mang tới giải pháp cho các dự án Điện rác tại Việt Nam) ; ông Kwanyoung Kim – Giám đốc Quỹ Sáng kiến Hợp tác Công nghệ Xanh (Green Technology Partnership Initiative) Trung tâm Công nghệ Xanh, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin – Truyền thông Hàn Quốc (báo cáo chuyên đề: Thúc đẩy quản lý tổng hợp chất thải rắn đô thị bằng tiền xử lý, Khai thác bãi chôn lấp và Phát triển máy phân tích chất thải thông minh di động: Hợp tác giữa ASEAN và Hàn Quốc về Chất thải rắn đô thị).

Thiết bị xử lý rác thải y tế của một doanh nghiệp Việt Nam.

Tại diễn đàn hội thảo, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra “Một số rào cản và giải pháp để doanh nghiệp tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt nhìn từ kinh nghiệm quốc tế” của ông Nguyễn Quốc Công (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) ; trong khi đó, ông Nguyễn Hà – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn AMACCAO phân tích về “Thực trạng bất cập của vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt tại các tỉnh thành trên cả nước”. Bên cạnh đó, là “Đề xuất sửa đổi một số các văn bản liên quan đến khoảng cách ly an toàn đối với các cơ sở thu gom, xử lý chất thải rắn” từ Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam./.
Triển lãm – hội thảo quốc tế về giải pháp và công nghệ xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng, tiếp tục diễn ra trong ngày mai (26/8/2022).

GS. TSKH Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ Trưởng thường trực Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam: 2 phiên hội thảo với 21 bài tham luận của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước, có chất lượng rất cao.
Trung Đức