Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, phát triển sản xuất Xanh

ĐNA -

(Đà Nẵng).Ngày 15/8/2024, tại Đà Nẵng, đã diễn ra hội thảo “Giải pháp tiết kiệm năng lượng trong hệ thống khí nén công nghiệp” do Trung tâm tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng) tổ chức.

2 chủ đề quan trọng của hội thảo là tiếp cận Chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ mới và Giải pháp tiết kiệm năng lượng trong hệ thống khí nén công nghiệp.

Ông Dương Hoàng Văn Bản – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng: Chúng tôi đã đã triển khai nhiều hoạt hỗ trợ doanh nghiệp đổi  mới công nghệ, triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ảnh: T.Ngọc.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả – đồng hành trong xây dựng Thành phố Môi trường
Được biết, từ cuối năm 2020, UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch thực hiện “Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn, giai đoạn 2020-2030” tại quyết định số 4929/QĐ-UBND.

Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường”, giai đoạn 2021 – 2030, cũng xác định “Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững: Triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình, các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, (áp dụng) hệ thống quản lý môi trường ISO 14000 góp phần giảm thiểu việc khai thác, sử dụng tài nguyên, nguyên, nhiên liệu và giảm phát thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… 100% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất thuộc đối tượng được cấp Chứng nhận đạt hệ thống quản lý môi trường ISO 14000 theo quy định. Đến năm 2025 hoàn thành “Mô hình khu công nghiệp sinh thái” và đến năm 2030 có từ 2 đến 3 khu công nghiệp sinh thái.

Thành phố Đà Nẵng cam kết “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Lấy bảo vệ môi trường làm nền tảng xây dựng thành phố sinh thái, nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Lồng ghép công tác bảo vệ môi trường vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0.

Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng các chính sách hỗ trợ trong hoạt động cải tiến công nghệ sản xuất. Đến Giai đoạn 2026 – 2030, trong phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, thành phố hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, các giải pháp có mức phát thải các-bon thấp; khuyến khích áp dụng mô hình quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; xây dựng mô hình các khu công nghiệp sinh thái, bền vững. Đà Nẵng cũng sẽ ban hành kế hoạch lâu dài trong tận thu thế mạnh năng lượng tự nhiên và phế phẩm của Đà Nẵng (nắng, gió, nước, phụ phẩm công nghiệp…) áp dụng các mô hình phát triển năng lượng để phát triển kinh tế – xã hội.

Ông Huỳnh Sang- Trưởng phòng Quản lý Công nghệ – Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng: Đây là chính sách rất đặc thù của thành phố Đà Nẵng trong hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Ảnh: T.Ngọc

Chính sách mới hỗ trợ đổi mới công nghệ – bà đỡ giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ tiên tiến, thân thiên môi trường
Ngày 30/7/2024, tại kỳ họp XIX, Hội đồng nhân dân thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua và ban hành Nghị quyết, quy định chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Nghị quyết số 35/2024/NQ-HĐND). Nghị quyết số 35/2024, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 8 năm 2024, và thay thế Nghị quyết số 18/2016/NQ-HĐND ngày 11/8/2016; Nghị quyết số 194/2018/NQ-HĐND ngày 19/12/2018.

“Đây là chính sách rất đặc thù của thành phố Đà Nẵng trong hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước, ban hành một chính sách riêng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, giúp doanh nghiệp tăng thêm điều kiện để đổi mới công nghệ. Trong thực tế, các Nghị quyết số 18/2016 và Nghị quyết số 194/2018, đã được triển khai hiệu quả. Nay Nghị quyết số 35/2024 sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Huỳnh Sang – Trưởng phòng Quản lý Công nghệ – Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, nhấn mạnh.

Doanh nghiệp quan tâm chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 35/2024 hãy liên hệ địa chỉ trên (Mã QR trong ảnh, khi quét sẽ hiển thị nội dung Nghị quyết số 35/2024).

Đối tượng áp dụng của Nghị quyết số 35/2024 là các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ và thương mại trên địa bàn thành phố được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (không bao gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), hợp tác xã; các tổ chức trên địa bàn thành phố.

Loại hình công nghệ được hỗ trợ gồm: Công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao. Công nghệ nhằm nâng giá trị gia tăng, cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; công nghệ giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động; công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Công nghệ tiên tiến; phương pháp gia công mới, tiên tiến; công nghệ thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển; (hoặc) Nghiên cứu tạo công nghệ mới, thiết kế, chế tạo thiết bị công nghệ mới, nghiên cứu giải mã công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ. (Áp dụng cho doanh nghiệp, tổ chức) thực hiện xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Và ngoài ra, các trường hợp đặc biệt khác sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

Hội thảo “Giải pháp tiết kiệm năng lượng trong hệ thống khí nén công nghiệp” thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp. Ảnh: T.Ngọc.

Điều kiện để được hỗ trợ kinh phí thực hiện đổi mới công nghệ nêu rõ (có các nội dung đề nghị hỗ trợ phù hợp với quy định đã nêu trên); Doanh nghiệp, tổ chức đã chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm xã hội, bảo vệ môi trường. Thời điểm nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ không quá 36 tháng. Trong trường hợp (Doanh nghiệp, tổ chức, Hợp tác xã) thuộc đối tượng ưu đãi, hỗ trợ của nhiều chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thì được quyền chọn (một) chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ có mức hỗ trợ cao nhất, để được xét, hỗ trợ kinh phí.

Đối với nội dung thực hiện chuyển giao công nghệ hoặc nghiên cứu, cải tiến, giải mã, ươm tạo công nghệ; (doanh nghiệp/tổ chức nộp hồ sơ) phải đảm bảo thêm các yêu cầu gồm: Chứng minh năng lực thực hiện nghiên cứu, cải tiến, giải mã, ươm tạo công nghệ; Phải là chủ sở hữu hoặc có quyền chuyển giao công nghệ.

Về nguyên tắc, theo ông Huỳnh Sang- Trưởng phòng Quản lý Công nghệ – Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, công tác tiếp nhận hồ sơ, xét và ra quyết định hỗ trợ đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, không trùng lặp. Thực hiện hỗ trợ duy nhất (1 lần) cho 1 doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã có công nghệ hoặc thiết bị sử dụng công nghệ tương tự nhau.

Các trường hợp không trong diện hỗ trợ gồm: Các dự án đã và đang thực hiện bằng nguồn vốn của Nhà nước hoặc đã nhận từ nguồn khác của Nhà nước. Nhận công nghệ được chuyển giao từ các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã đã được hỗ trợ theo Nghị quyết này, hoặc đã nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Công nghệ bị cấm hoặc hạn chế chuyển giao hoặc dự án nghiên cứu có tiềm ẩn yếu tố ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, môi trường, tính mạng và sức khỏe con người.

Mức hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ (hỗ trợ chi phí mua thiết bị công nghệ phục vụ đổi mới công nghệ): Hỗ trợ tối đa 30% chi phí mua thiết bị công nghệ có hàm chứa công nghệ cao. Hỗ trợ tối đa 70% nếu kèm theo hợp đồng chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ tối đa 15% chi phí mua thiết bị công nghệ có hàm chứa công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Hỗ trợ tối đa 50% nếu kèm theo hợp đồng chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã tối đa 70% cho chi phí công nghiên cứu. Kinh phí hỗ trợ cho các dự án không vượt quá 3 tỷ đồng/Doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã trong một năm và mỗi Doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã được hỗ trợ tối đa 2 dự án.

Từ phải sang, hàng trước: Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ; Ông Dương Hoàng Văn Bản – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, thăm gian hàng giới thiệu thiết bị kiểm soát, tiết kiệm năng lượng, … Ảnh: T.Ngọc.

Hỗ trợ (đối với) hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, bao gồm hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý phù hợp tiêu chuẩn: Hỗ trợ 30 triệu đồng cho doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã xây dựng, đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý phù hợp tiêu chuẩn (ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000, ISO 45001, ISO 13485, ISO 15189, ISO 27001, ISO 50001, ISO 17025 hoặc các tiêu chuẩn hệ thống quản lý khác). Hỗ trợ 35 triệu đồng khi doanh nghiệ, tổ chức, hợp tác xã áp dụng cùng một lúc từ 2 tiêu chuẩn, hoặc công cụ quản lý tiên tiến trở lên trong hệ thống quản lý. Và mỗi doanh nghiệ, tổ chức, hợp tác xã chỉ được hỗ trợ 1 lần cho các nội dung vừa nêu. Thực hiện hỗ trợ 15 triệu đồng/sản phẩm để doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác thực hiện đánh giá chứng nhận sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn và mức hỗ trợ là không quá 2 sản phẩm/năm/ doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã.

Là dạng năng lượng tiện lợi nhưng đắt đỏ, giải pháp nào cho tiết kiệm năng lượng máy nén khí
Qua tham luận “Tiết kiệm năng lượng trong hệ thống công máy nén khí nghiệp”,  TS. Ngô Phi Mạnh (Khoa Công nghệ Nhiệt – Điện lạnh, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng) nhấn mạnh rằng: Khí nén là dạng năng lượng đắt đỏ (expensive) trong nhà máy.

TS.Ngô Phi Mạnh: Khí nén là dạng năng lượng đắt đỏ trong nhà máy. Ảnh: T.Ngọc.

Nhưng khí nén (từ hệ thống khí nén) lại được ứng dụng khá phổ biến trong sản xuất công nghiệp (sản xuất giấy, lĩnh vực hóa dầu, chế biến gỗ, bao bì, ngành dệt may, hóa chất, ô tô; trong sản xuất thực phẩm, dược phẩm, nước uống, ngành nhựa …). Khí nén không thể thiếu trong truyền động và vận hành thiết bị,trong vận chuyển và nâng hạ (hàng hóa, dây chuyền), dùng trong điều khiển và tự động hóa. Khí nén đúng là một dạng năng lượng rất tiện lợi, nhưng chi phí sản xuất đắt đỏ. Quá trình vận hành tạo ra khí nén, tiêu hao nhiều điện năng.

“Tại các nhà máy công nghiệp hiện nay, ngoài các hệ thống thiết bị sử dụng năng lượng lớn phổ biến, thì hệ thống khí nén đang được sử dụng trong rất nhiều ngành nghề và hoạt động sản xuất.

Khí nén tạo ra từ các thiết bị nén khí có công suất trong khoảng từ 5 mã lực (hp) cho tới hơn 50.000 mã lực. Theo các kết quả đánh giá, 70 – 90% năng lượng đầu vào cho hệ thống khí nén bị tổn thất dưới dạng nhiệt, ma sát, tiếng ồn và do sử dụng không đúng. Trong thực tế vận hành đã cho thấy, đối với một vòng đời máy nén khí, chi phí vận hành một hệ thống khí nén công nghiệp, đắt hơn nhiều so với chi phí mua máy nén. Do đó, cơ hội tiết kiệm năng lượng nhờ các hoạt động cải tiến hệ thống chiếm khoảng từ 20 đến hơn 50% điện tiêu thụ tương ứng có thể mang lại tiết kiệm hàng trăm nghìn USD mỗi năm tùy hệ thống”, ông Dương Hoàng Văn Bản – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, chia sẻ.

Khí nén là nguồn năng lượng đắt đỏ, và hiện đang bị lạm dụng, dùng không đúng mục đích gây lãng phí (trích từ slide của TS. Ngô Phi Mạnh).

TS.Ngô Phi Mạnh đề xuất tiết kiệm năng lượng với các giải pháp: Giảm rò rỉ là một trong những giải pháp tiết kiệm nhất, dễ thực hiện nhất nhưng hiệu quả mang lại rất cao. Các hệ thống khí nén yêu cầu tỷ lệ rò rỉ < 10% so với tổng nhu cầu khí nén. Nhưng thực tế, rò rỉ tại các hệ thống khí nén từ 20-40%. Công suất hệ càng lớn, thời gian hoạt động càng dài thì càng tiêu tốn năng lượng do rò rỉ. Một nghiên cứu từ thực tế đã cho thấy, chỉ với một lỗ rò (có đường kính 4 mm), hệ thống khí nén có thời gian vận hành trong năm là 8000 h, thì tổn thất điện năng là 5.200 kWh (tương đương khoảng 104 triệu đồng tiền điện)

Ngừng sử dụng khí nén không đúng mục đích. Khí nén là nguồn năng lượng đắt đỏ, nhưng khí nén bị lạm dụng và được dùng không đúng mục đích gây lãng phí !. Giảm nhiệt độ không khí hút vào máy nén. Điều khiển máy nén hợp lý và Giảm áp suất làm việc. Áp suất làm việc quá cao so với áp suất yêu cầu thì sẽ sinh ra 2 hiện tượng. Đó là tạo nên nhu cầu giả cho hệ thống và càng làm tăng lưu lượng khí rò rỉ.

Trung tâm tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ nói riêng, Sở Khoa học và công nghệ chúng tôi nói chung, đã triển khai nhiều hoạt hỗ trợ doanh nghiệp đổi  mới công nghệ, hỗ trợ triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, cũng như tổ chức các hội thảo để thông tin, giới thiệu về các công nghệ mới, thiết bị mới cho doanh nghiệp.

Thông qua chuỗi hoạt động trên, doanh nghiệp cũng đã dần xác định hiện trạng sản xuất của mình và đã có các hoạt động cải tiến, năng cao hiệu suất, năng suất chất lượng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả hơn nữa, doanh nghiệp vẫn cần thêm nhiều sự hỗ trợ, sự đồng hành tham gia từ nhiều ngành”, ông Dương Hoàng Văn Bản nhấn mạnh thêm.

Khí nén là nguồn năng lượng đắt đỏ, và hiện đang bị lạm dụng, dùng không đúng mục đích gây lãng phí (trích từ slide của TS. Ngô Phi Mạnh).

Trần Ngọc