Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”

ĐNA -

Chiều ngày 16/9/2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp cùng Sở Y tế, tổ chức tập huấn công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID – 19 trong tình hình mới.

“Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, hội nghị tập huấn chiều hôm nay dành cho gần 200 cán bộ, công chức, viên chức đại diện cơ quan tham mưu giúp việc Thành ủy; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hội, đoàn thể chính trị – xã hội; đại diện Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã; Phòng Văn hóa – Thông tin các quận và Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao quận, huyện; các hội, hiệp hội doanh nghiệp; đại diện các sở, ban, ngành và đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ phụ trách Trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện; lãnh đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Bà Nguyễn Thu Phương – Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Đà Nẵng: Hội nghị tập huấn lần này cũng đặt ra cho nhiệm vụ truyền thông nhiều yêu cầu mới về hình thức và nội dung, đó là tính đa dạng, phong phú, và thiết thực, phù hợp với bối cảnh mới. – Ảnh trong bài: T.Ngọc.

Thành phố Đà Nẵng xác định hoạt động truyền thông là nhiệm vụ thường xuyên cần được tiến hành liên tục, đồng bộ, với kịch bản chương trình, và kế hoạch cụ thể, quyết liệt. Có như vậy mới nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và mọi người dân trên địa bàn. Đặc biệt là truyền thông đẩy mạnh ý thức tự giác tiêm vaccine phòng COVID-19.

Đây cũng là một phần của kế hoạch Đà Nẵng hưởng ứng chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với chủ đề “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”. Cùng với nhiều biện pháp đồng bộ khác, hy vọng rằng những thông điệp của đợt truyền thông mới sẽ được cộng đồng Đà Nẵng đón nhận và lan tỏa trên toàn thành phố”, bà Nguyễn Thu Phương – Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Đà Nẵng chia sẻ.

Ý nghĩa nhân bản của các chiến dịch tiêm vaccine
Theo ông Nguyễn Hóa – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, báo cáo viên chính của buổi tập huấn -, tổ chức Y tế thế giới vẫn bảo lưu dự báo cho đến cuối 2023, dịch bệnh COVID-19 mới được kiểm soát triệt để. Hiện tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, dịch bệnh này vẫn hoành hành.

Số liệu mắc COVID-19 đến ngày 12/9/2022, cho thấy, trung bình 7 ngày qua (từ 6/9 đến 12/9) có 455.379 ca nhiễm (đưa tổng số ca nhiễm trên toàn cầu lên 614.343.914 ca), trong đó ngày 12/9, ghi nhận 453.819 ca. Số ca tử vong của 7 ngày qua là 1.432 ca (đưa tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì COVID-17 lên 6.518.150 trường hợp).

Tuy nhiên, số ca mắc trung bình của 7 ngày qua, so với số ca mắc trung bình của 7 ngày trước đã giảm 22%, tương tự, số ca tử vong cũng giảm 28%.

“Số ca mắc vẫn còn cao, nhưng tỷ lệ tử vong thì đã giảm, điều này phải khẳng định là nhờ các chiến dịch tiêm vaccine” – ông Nguyễn Hóa phân tích.

Ông Nguyễn Hóa – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, báo cáo viên chính của buổi tập huấn.

Tại Việt Nam (số liệu tính đến ngày 11/9/2022) đã có 11,4 triệu người mắc COVID-19, 43.000 trường hợp đã tử vong. Tháng 8/2022 được ghi nhận là tháng số ca mắc tăng 2,4 lần so với tháng 7/2022 (với 72.324 ca mắc). Số ca tử vong của tháng 8/2022 (24 ca) tăng 18 ca so với tháng 7/2022.

“Đáng lưu ý là số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại. Trong 7 ngày qua (từ 5/9 đến 11/9/2022), trung bình có 2.900 ca mỗi ngày. Riêng ngày 7/9/2022, là ngày có số ca mắc cao nhất trong 4 tháng (3.878 ca/ngày)” – ông Nguyễn Hóa nhấn mạnh.

Đối với thành phố Đà Nẵng, trong tuần ghi nhận có 717 ca mắc COVID-19 (giảm 13.2% so với tuần trước), phần lớn người bệnh khi nghi ngờ các triệu chứng đã đến các cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm hoặc tự test nhanh, sau đó phát hiện đã mắc COVID. Tổng số ca mắc trên địa bàn Đà Nẵng tính từ ngày 1/1/2022 đến nay là 97.372 ca với 240 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19. Và từ ngày 23/4/2022 đến nay, không ghi nhận thêm ca tử vong liên quan đến COVID-19. Năm 2022 này, Đà Nẵng đã đạt đỉnh dịch vào thời điểm 28/2. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hiện nay tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 và 4 của thành phố vẫn còn thấp.

Chia sẻ với các học viên tham dự lớp tập huấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hóa, tái khẳng định “Các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực đã thực hiện các nghiên cứu nghiêm túc và cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy mối liên quan giữa một số bệnh như rụng tóc, mất trí nhớ, thậm là vô sinh với việc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Điều này là trái ngược với nhiều thông tin không có cơ sở khoa học đang được lan truyền, thậm chí, vẫn có một bộ người dân tin rằng là có (các triệu chứng như rụng tóc, mất trí nhớ, …) nếu tiêm vaccine.
Xin lưu ý, nếu để nhiễm virus (SARS-CoV-2), trở thành bệnh nhân COVID-19, thì giai đoạn “hậu COVID-19”, khả năng suy giảm trí nhớ là có thật”.

Cơ quan Y tế khuyến cáo các vấn đề hậu COVID-19.

Những thông điệp – biện pháp mới để sớm kiểm soát dịch bệnh
Được biết, ngày 12/9 vừa qua, Bộ Y tế đã chính thức phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với chủ đề “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”. Thông điệp phòng, chống dịch COVID-19 cùng các biện pháp hữu hiệu (bao gồm: Khẩu trang – Khử khuẩn (2K) – Vaccine – Thuốc – Điều trị – Công nghệ), … Đặc biệt là đưa các nội dung phòng, chống dịch COVID-19 đến với mỗi người dân, nâng cao ý thức và sự chủ động hơn trong phòng dịch ở mỗi người dân, chính là yêu cầu mới mà chiến dịch đặt ra. Trong đó, có thay đổi nhận thức về tiêm vaccine phòng COVID-19.

Về định hướng truyền thông, Báo cáo viên Nguyễn Hòa cho biết, Nghị quyết số 38/NQ-CP, ngày 17/3/2022, của Chính phủ, đã ban hành rất cụ thể chương trình phòng, chống dịch COVID-19, cần thực hiện.

Một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm cần kiên trì thực hiện, sớm kiểm soát được dịch bệnh, được xác định rõ, đó truyền thông về tiêm chủng vaccine. Bởi các biến chủng mới của COVID-19 liên tiếp được ghi nhận và WHO cũng đã liên tục cảnh báo mức độ lây lan nhanh gấp nhiều lần của các biến chủng này.
Các cơ quan báo chí, cổng/trang TTĐT và các phương tiện/kênh truyền thông khác cũng được gửi gắm trách nhiệm tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng tự nâng cao sức khỏe, tự bảo vệ mình trong bối cảnh chung sống với các biến thể mới; kỹ năng nhận biết, cảnh giác với các triệu chứng cho thấy dấu hiệu bản thân đã nhiễm virus (SARS-CoV-2), và các kỹ năng phục hồi giai đoạn sau điều trị COVID-19. Hình thức và nội dung tuyên truyền cần cố gắng đa dạng bằng nhiều cách, sinh động, nhưng chính xác, dễ hiểu, và dễ đến với cộng đồng, với mọi nhóm đối tượng.

“Trước đây bệnh Sởi được xác nhận là bệnh rất dễ lây nhiễm. Một trẻ mắc Sởi, có thể lây bệnh cho 15 trẻ khác. Nhưng đến khi triển khai tiêm vaccine ngừa Sởi trên diện rộng, bảo đảm trẻ nào cũng được tiêm, chúng ta đã chặt đứt chuỗi lây nhiễm của Sởi. Đối với virus SARS-CoV-2 và dịch bệnh COVID-19, cũng phải như thế.

Thường xuyên sử dụng khẩu trang nơi đông người, và tiêm vaccine đúng liều theo lịch trình (mà Bộ Y tế đã hướng dẫn) là hai yếu tố quyết định nhất, để loại bỏ dần sự lây lan COVID-19, bảo vệ cộng đồng chúng ta an toàn, mọi trạng thái đời sống xã hội diễn ra bình thường trong tình hình mới”- ông Nguyễn Hóa nhấn mạnh.

BTC buổi tập huấn đã dành thời gian để các đại biểu và học viên tham dự trao đổi thêm với Báo cáo viên về nội dung và nghiệp vụ truyền thông theo sát chiến dịch “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”./.
Trần Ngọc