(Đà Nẵng). Lễ hội Lân – Sư – Rồng Hải Châu – Đà Nẵng, lần thứ hai, năm 2024 đã chính thức khai mạc tối qua (9/8). Chương trình do UBND quận Hải Châu phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng tổ chức.
Các hoạt động khai mạc, các phiên thi đấu vừa được truyền hình trực tiếp, vừa live stream trên các nền tảng mạng xã hội. Mọi khán giả yêu thích môn nghệ thuật này ở khắp mọi miền, đều dễ dàng theo dõi.
“Trong văn hóa tâm linh của người Việt xưa, Lân – Sư – Rồng là biểu trưng cho sự thịnh vượng, may mắn, hạnh phúc và bình an. Ngày nay, múa Lân Sư Rồng không chỉ là một bộ môn nghệ thuật biểu diễn, mà còn là hoạt động văn hóa ý nghĩa, kết hợp giữa nét đẹp tâm linh và các loại hình múa dân gian, võ thuật truyền thống, mang đậm bản sắc Á Đông.
Chúng tôi có quyết tâm cao hơn và đã đặt mục tiêu tổ chức theo quy mô lớn hơn, nhằm tạo một dấu ấn mạnh mẽ, lan toả sự kiện văn hoá tâm linh truyền thống của dân tộc đến du khách, người dân và các cháu thanh thiếu niên nhi đồng”, ông Trương Thanh Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hải Châu, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chia sẻ.
Các Đội thi đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ảnh: T.Ngọc.
Lễ hội Lân – Sư – Rồng Hải Châu – Đà Nẵng năm 2024 có sự tham gia của 21 đội thi đến từ khắp mọi miền đất nước: An Giang, Bình Dương, Khánh Hóa, Đồng Tháp, Hồ Chí Minh, Kontum, Lâm Đồng, Phan Thiết, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế giao lưu, học hỏi và thể hiện tài năng của mình, qua những màn tranh tài, trình diễn đặc sắc, điêu luyện và đầy bất ngờ.
Đồng hành cùng lễ hội, ngoài các nhà tài trợ hảo tâm, Liên đoàn Lân Sư Rồng thành phố Hồ Chí Minh, và Kênh Múa Lân đã trực tiếp hỗ trợ chuyên môn cho sự kiện. Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Liên đoàn Lân Sư Rồng Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Tú cũng có mặt trong những ngày diễn ra lễ hội.
Lân (của Đội thi đấu Đằng Nghĩa – Thành phố Phan Thiết) hoàn thành nhiệm vụ cắm cờ vào vị trí quy định. Ảnh: T.Ngọc.
Nhiều chuyên gia nhất quán nhận định rằng, múa Lân bắt nguồn từ một hoạt động nghệ thuật đường phố ở Trung Quốc.
Tuy chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa phương Bắc , trong đó có bộ môn nghệ thuật đường phố múa Lân, tuy nhiên, sau khi nghệ thuật này du nhập vào Việt Nam và trải qua bao thăng trầm của lịch sử, múa Lân cũng mang theo những nét văn hóa đặc trưng của người Việt bao gồm tạo hình, hình thức múa và âm nhạc biểu diễn. Tùy theo mỗi miền đất nước, các yếu tố vừa kể, cũng có sự khác biệt, mang yếu tố bản sắc vùng miền trong tiếp thu văn hóa.
Biểu diễn múa Rồng và Lân trong phiên khai mạc. Ảnh: T.Ngọc
Múa Lân ngày nay vẫn được duy trì và có vị trí, vai trò không thể thiếu xuất hiện những dịp trọng đại, các dịp lễ, Tết Trung Thu và cả Tết Nguyên Đán, đã trở thành nét văn hóa bản sắc của người Việt Nam nói chung và các nước phương Đông nói riêng. Đặc biệt, múa Lân với hình ảnh Lân và ông Địa gắn với tuổi thơ nhiều, nhiều thế hệ.
“Loại hình nghệ thuật trình diễn Lân – Sư – Rồng hấp dẫn, đẹp mắt, tinh tế và đầy sáng tạo. Điều mong đợi lớn nhất của Ban Tổ chức chúng tôi là Lễ hội Lân Sư Rồng Hải Châu – Đà Nẵng năm 2024 sẽ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, góp phần gìn giữ, bảo tồn một nét đẹp văn hóa truyền thống”, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội, ông Trương Thanh Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hải Châu, nhấn mạnh.
Đại diện Ban Trọng tài (đến từ Liên đoàn Lân Sư Rồng Thành phố Hồ Chí Minh) tuyên thệ (ảnh trái) ; Ban tổ chức tri ân các Nhà Tài trợ đồng hành cho lễ hội. Ảnh: T.Ngọc.
Lễ hội Lân – Sư – Rồng Hải Châu – Đà Nẵng, lần thứ hai, năm 2024 diễn ra liên tục vào chiều tối từ ngày 9 đến 11/8. Các Đội lần lượt trải qua 2 bài tranh tài (là Địa Bửu, và Mai Hoa Thung). Tối 11/8/2024, diễn ra phiên tổng kết, trao giải và bế mạc./.
Trần Ngọc