Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng: Khởi động đào tạo giảng viên nguồn về vi mạch bán dẫn khóa đầu tiên; Khai trương Trung tâm VKU-SSTH



ĐNA -

(Đà Nẵng). Sáng nay 26/3/2024, tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng đã diễn ra chuỗi sự kiện: Khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại thành phố Đà Nẵng; Khai giảng khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn năm 2024 cho sinh viên và giảng viên nguồn (khóa đầu tiên); Khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh (VKU-SSTH) của VKU.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh (thứ ba, thứ hai, từ bên trái sang), Giám đốc Đại học Đà Nẵng PGS.TSNguyễn Ngọc Vũ (thứ ba, từ phải sang), cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh trong bài: T.N.

“Nhằm tăng tốc trên hành trình xây dựng hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn, thành phố xác định cách tiếp cận dựa trên phát triển nguồn nhân lực làm trọng tâm.Để triển khai tốt các nội dung về phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Đà Nẵng, bên cạnh cơ sở vật chất, hệ thống chính sách hỗ trợ, sự chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ giảng viên có chất lượng, đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, có vai trò vô cùng quan trọng.

Lễ khởi động chương trình đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn hôm nay có thể được xem là một dấu mốc cụ thể, là bước đi quan trọng trong chiến lược đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch, bán dẫn thành phố”, ông Hồ Kỳ Minh – Phó CT thường trực UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định.

Hiệu trưởng VKU, PGS.TS Huỳnh Công Pháp nhấn mạnh thêm: “Sự kiện là bước khởi đầu cho chặng đường phát triển, và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, về vi mạch bán dẫn cho thị trường trong, ngoài nước, của một đại học công lập hàng đầu và chủ lực, trong cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao các lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, điện tử cho Đà Nẵng, cho cả nước.

Tăng cường vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng
“Đây là những nỗ lực chung của tất cả chúng ta, nhằm tăng cường vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn đa dạng, an toàn và linh hoạt toàn cầu.

Xin chúc mừng VKU, thành phố Đà Nẵng và Synopsys đã triển khai chương trình đào tạo cho giảng viên về trí tuệ nhân tạo và bán dẫn. Chương trình này thể hiện cam kết trong việc tăng cường hợp tác giữa chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân và các trường đại học nhằm phát triển nhân tài công nghệ cao tại Việt Nam.

Hoa Kỳ nhận thức vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng bán dẫn linh hoạt, và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sự phát triển của ngành công nghiệp này tại Việt Nam.

Tháng trước, Hoa Kỳ đã trao khoản tài trợ trị giá 13,8 triệu đô la cho Đại học Bang Arizona để củng cố hệ sinh thái bán dẫn ở các quốc gia đối tác quan trọng, bao gồm cả Việt Nam, nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp Hoa Kỳ”, Bà Susan Burn, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Hồ Chí Minh, khẳng định.

“Hoa Kỳ nhận thức vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng bán dẫn linh hoạt” – Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh, Bà Susan Burn.

Sự kiện khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn của VKU tại Đà Nẵng , góp phần định hình một trong những nhiệm vụ được ưu tiên, có ý nghĩa quan trọng trong triển khai thực hiện chủ trương, đề án phát triển vi mạch bán dẫn của thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây là những bước chuẩn bị căn bản, để Đà Nẵng tham gia vào chuỗi sản xuất vi mạch, bán dẫn toàn cầu, dựa trên nguồn nhân lực là yếu tố quyết định và ưu tiên phát triển nhân lực cho khâu thiết kế và khâu kiểm thử trong chuỗi giá trị của bán dẫn và vi mạch.

Được biết, các học viên đã bắt đầu khóa học từ hai hôm nay

Đáp ứng nguồn nhân lực yêu cầu phát triển ngành điện tử, vi mạch bán dẫn trong tương lai.
Được biết, năm 2024, một trong những mục tiêu lớn được Đà Nẵng xác định như hướng đi đột phá là tập trung đào tạo lực lượng giảng viên nguồn. Giảng viên, chuyên gia trực tiếp giảng dạy đến từ VKU (Đại học Đà Nẵng), Viện Công nghệ Thông tin (Đại học quốc gia Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC). Công ty Synopsys Việt Nam là đơn vị đồng hành hỗ trợ với các bản quyền phần mềm chính hãng, phục vụ đào tạo.

 Khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên gồm 25 học viên là giảng viên được tuyển chọn từ các trường Đại học trên địa bàn thành phố gồm Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học FPT.

TS. Bùi Duy Hiếu, Chuyên gia, Giảng viên Vi mạch bán dẫn, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học quốc gia Hà Nội (thứ hai, từ phải sang) giới thiệu Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Văn Quảng (thứ hai, từ trái sang) về chương trình đào tạo (ảnh phải).

Chương trình đào tạo diễn ra trong 6 tháng, trong đó sẽ có 3 tháng (171 giờ) học lý thuyết và 3 tháng học theo dự án (project-based training) với 4 modun về Thiết kế mạch có mật độ tích hợp cao (VLSI design); Thiết kế số và ngôn ngữ mô tả phần cứng (SystemVerilog/Verilog/VHDL); Thực thi mạch tích hợp số cơ bản; Thiết kế mạch tương tự cơ bản.

Điểm nhấn của chương trình là việc các giảng viên nguồn được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy của Synopsys. Khi hoàn thành chương trình, các giảng viên có thể xây dựng giáo trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn để truyền đạt lại cho sinh viên tại Trường của mình. Đây cũng là kỳ vọng lớn nhất, trong mục tiêu triển khai chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành điện tử và vi mạch bán dẫn trong tương lai.

“Tôi rất vui mừng trước hợp tác quan trọng này giữa VKU, Đà Nẵng và Synopsys. Hợp tác này thể hiện những đóng góp to lớn mà các doanh nghiệp Mỹ đang thực hiện cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Các công ty Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ đô la vào đây, đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài và đổi mới.

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC)

Điều này đặc biệt đúng trong ngành công nghiệp bán dẫn. Các công ty Mỹ như Synopsys đã đi tiên phong trong việc tăng trưởng và phát triển ngành công nghiệp quan trọng này tại Việt Nam. Những sản phẩm này cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ điện thoại đến ô tô – cơ sở hạ tầng kỹ thuật số làm nền tảng cho nền kinh tế hiện đại của chúng ta.

Sự kiện hôm nay khiến tôi lạc quan về những gì Hoa Kỳ và Việt Nam, cùng với các đối tác như Hàn Quốc và Nhật Bản, có thể cùng nhau đạt được để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, phát triển khu vực tư nhân và thịnh vượng chung”, Bà Susan Burn – Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Trong khuôn khổ sự kiện, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn đã tổ chức khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh (VKU-SSTH). Trung tâm có chức năng đào tạo, nghiên cứu, kết nối và chuyển giao công nghệ, được trang bị 30 máy tính và phần mềm thiết kế vi mạch có bản quyền của Synopsys, cùng nhiều trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu vi mạch bán dẫn và công nghệ thông minh với nguồn kinh phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng trong dự án ODA 7,7 triệu USD của Chính phủ Hàn Quốc giai đoạn 2022-2027 phục vụ đào tạo các khóa vi mạch bán dẫn.

Đại diện Tổng lãnh sự Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo Công ty Synopsys Việt Nam; Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội và các trường Đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, … đã có mặt tại sự kiện.

Trách nhiệm, sứ mệnh đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo
Lãnh đạo VKU cũng cho biết, từ tháng 3/2024 này (đến tháng 09/2024), cùng lúc triển khai khóa bồi dưỡng ngắn hạn về Thiết kế vi mạch bán dẫn cho 20 sinh viên năm 3, năm 4 đang học các ngành gần như Công nghệ kỹ thuật máy tính, hệ thống nhung và IoT, Công nghệ thông tin và nhân viên đã đi làm có nhu cầu chuyển đổi sang Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Năm 2024, VKU tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu cho 03 lĩnh vực gồm Máy tính và Công nghệ Thông tin (960 chỉ tiêu); Kinh doanh và Quản lý (460 chỉ tiêu); Báo chí và Truyền thông (80 chỉ tiêu) với 16 ngành/chuyên ngành đào tạo. Trong đó Thiết kế vi mạch bán dẫn, Marketing, Công nghệ truyền thông, An toàn thông tin là 4 ngành/chuyên ngành đào tạo mới (tuyển sinh cùng với 12 ngành/chuyên ngành đã có).

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm nhân dịp khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh (VKU-SSTH) của VKU. TS.Trần Thế Sơn – Phó Hiệu trưởng VKU, giới thiệu về VKU-SSTH.

Đối với chuyên ngành Kỹ sư Thiết kế vi mạch bán dẫn, VKU tuyển sinh 60 chỉ tiêu hệ đại học chính quy với nhiều chính sách ưu đãi dành cho người học, cụ thể: thí sinh có điểm xét tuyển từ 27 điểm trở lên sẽ được xét hỗ trợ 100% học phí 2 học kỳ đầu tiên; từ 26 – 27 điểm được xét hỗ trợ 75% học phí 2 học kỳ đầu tiên; từ 24 – 26 điểm được xét hỗ trợ 50% học phí của 2 học kỳ đầu tiên. Ngoài việc được hưởng các chính sách hỗ trợ, người học còn được xét hỗ trợ miễn phí 100% chỗ ở trong Ký túc xá của Trường từ 01 – 04 học kỳ đầu của khóa học.

“VKU đã rất tích cực triển khai nhiều hoạt động, là đơn vị tiên phong hoàn thành thủ tục và công bố tuyển sinh Kỹ sư thiết kế Vi mạch bán dẫn năm 2024, với tổng chỉ tiêu dự kiến đào tạo từ 600 – 1.000 kỹ sư đến năm 2028, đồng thời cũng đã điều chỉnh chương trình đào tạo các ngành gần, trong đó có thêm định hướng Vi mạch bán dẫn để đào tạo chuyển đổi các sinh viên từ năm 1 (khóa 2023) đến năm 3 (khóa 2021) nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp bách nguồn nhân lực lĩnh vực này.

 Ngoài ra, VKU cũng đã mở chương trình đào tạo thạc sỹ, phát triển nhóm nghiên cứu về vi mạch bán dẫn. Xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực về đóng gói, kiểm thử Vi mạch bán dẫn. Tuyển sinh đào tạo các lớp upskills cho sinh viên. Phát triển, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. VKU cũng đã hoàn thành Xây dựng Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh (SSTH); Phòng thí nghiệm và nghiên cứu Công nghệ mới và Vi mạch bán dẫn với Nam Long Group…”, PGS.TS Huỳnh Công Pháp cho biết thêm.

(từ trái sang) Giám đốc Đại học Đà Nẵng PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và  Hiệu trưởng VKU PGS.TS Huỳnh Công Pháp tiến hành nghi thức khai trương Trung tâm VKU-SSTH của VKU.

Theo Phó CT thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, trên cơ sở kết quả đào tạo cơ bản khóa I này, thành phố sẽ tiếp tục lựa chọn 10 giảng viên, cử tham gia đào tạo khóa nâng cao tiếp theo. Trong năm 2024, thành phố Đà Nẵng cũng sẽ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, triển khai các khóa đào tạo tiếp theo cho đội ngũ giảng viên, cũng như nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn,  cử giảng viên của các trường Đại học trên địa bàn sang nghiên cứu, học tập trực tiếp tại các cơ sở đào tạo quốc tế. Hợp tác quốc tế cũng sẽ được mở rộng sang các đối tác uy tín ở các nước khác trong các khóa đào tạo tiếp theo./.

Trần Ngọc