Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng: Khởi động dự án xây dựng nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa.

ĐNA -

Chiều ngày 28/6 đã diễn ra Lễ ký kết chính thức giữa Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng (với tư cách là Chủ dự án, đại diện cho Cơ quan chủ quản dự án là UBND thành phố Đà Nẵng), với đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) thông qua Tổ chức iDE (International Development Enterprises).

Hai bên đã đi đến thống nhất khởi động dự án “Xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam (gọi tắt là dự án DMDP).

Theo đó, dự án DMDP sẽ được thực hiện trong thời gian 3 năm, từ năm 2021 (tính từ thời điểm bắt đầu triển khai dự án là vào tháng 5/2021) đến năm 2024, với tổng kinh phí tài trợ của DANIDA là 10.000.000 krone Đan Mạch (DKK), tương đương 34,6 tỷ VN đồng.

(từ trái sang) Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố Đà Nẵng; UBND Quận Thanh Khê, Quận Ngũ Hành Sơn, tổ chức iDE và Quận Sơn Trà, giới thiêu văn kiện hợp tác vừa được ký kết. -Ảnh trong tin: Trung Đức

Chia sẻ về mục tiêu của dự án, ông Phan Đình Hiệp (Quản lý dự án của iDE) cho biết, DMDP có nhiều mục tiêu và kết quả chủ yếu, bao gồm: Tăng cơ hội sinh kế trong quản lý rác thải nhựa, cụ thể là tăng 25% lợi nhuận cho các thành phần kinh tế tham gia chính thức và phi chính thức trong hệ sinh thái rác thải nhựa ở địa bàn dự án.

Trong đó, dự kiến sẽ làm tăng thu nhập hàng ngày của những người thu gom rác thải nhựa từ 170 đến 200.000 đồng/ngày, hơn 200.000 đồng/ngày, khi dự án được triển khai. Tổng số lượng nhân lực tham gia cho việc thu gom, dự kiến khoảng 750 người, trong đó có khoảng 500 lao động nữ.

Dự án cũng sẽ khảo sát và chọn 125 cơ sở thu mua rác thải nhựa để thực hiện các hỗ trợ liên quan, giúp cơ sở hoàn thiện quá trình hoạt động, và cùng tham gia các hoạt động trong phạm vi dự án.

Người và cơ sở thu gom sẽ thực hiện thu gom, đóng góp cho quá trình tái sử dụng rác thải nhựa có trách nhiệm, tạo đầu vào cho nguồn nguyên liệu tái chế với số lượng thu gom, xử lý và tiêu thụ (ước chừng) 5.000 tấn rác thải nhựa/năm (trong 3 năm thực hiện dự án).

Từ đó, giảm thiểu khả năng lượng rác thải nhựa này có thể trôi ra đại dương, giảm lượng rác thải nhựa hiện có trong môi trường tự nhiên, nâng tỷ lệ thu hồi nhựa từ các loại rác thải nhựa ở địa bàn dự án lên 35%.

Cùng với các hoạt động truyền thông (tập trung thay đổi hành vi), hướng đến người dân và doanh nghiệp (tại địa bàn được chọn triển khai dự án gồm 3 quận: Ngũ hành Sơn, Sơn Trà và Thanh Khê); dự án còn cung cấp các trang thiết bị cần thiết như thùng đựng các loại rác sau khi phân loại…, dần tạo thói quen cho người dân, cho cộng đồng doanh nghiệp, vừa tiện lợi cho hoạt động thu gom, vừa giữ không để rác thải nhựa tràn ra môi trường. Dự án phấn đấu có 40% các hộ gia đình và 40% doanh nghiệp tham gia các hoạt động phân loại rác tại nguồn (ở địa bàn được chọn triển khai dự án).

Từ nguyên liệu nói trên, các doanh nghiệp tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam sẽ tái chế, làm ra và cung cấp các sản phẩm mong muốn, với giá cạnh tranh cho thị trường. Đặc biệt với nguồn cung cấp nguyên liệu đáng tin cậy như trên, dự án có thể tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả trong tương lai. Và mục tiêu làm tăng giá trị đầu tư vào nền kinh tế rác thải nhựa trên địa bàn dự án, được xác định bắt đầu từ 0 lên 3.000.000 Krone Đan Mạch (DKK).

Được biết, dự án DMDP được triển khai từ hợp tác giữa Tổ chức iDE Việt Nam, với 2 đối tác thương mại là Công ty Oceanworks (OW), Công ty ReForm Plastic (RF) cùng Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng.

iDE là tổ chức phi chính phủ quốc tế, có Văn phòng chính tại Mỹ, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1991.

iDE áp dụng các nguyên tắc thị trường để góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn Việt Nam thông qua các dự án theo định hướng thị trường, ví dụ như tiếp thị, phát triển mạng lưới cung ứng, để hỗ trợ cho các hộ dân và doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam cải thiện sản xuất, tiếp cận thị trường và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tất cả các dự án của iDE đều được thực hiện theo định hướng thị trường, kích thích sự thay đổi bằng cách tạo nhu cầu và phát triển cung ứng các ý tưởng và công nghệ mang lại tác động tích cực đáng kể cho người dân, dự án phần lớn liên quan đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa giá trị cao, một số dự án khác bao gồm cấp nước và vệ sinh nông thôn, công nghệ tưới tiết kiệm hiệu quả.

Ông Phan Đình Hiệp (Quản lý dự án của iDE) giới thiệu dự án.

Tổ chức iDE Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý và điều phối tổng thể xuyên suốt quá trình thực hiện dự án này. OW lo cung cấp các dự báo về nhu cầu khối lượng và chất lượng rác thải nhựa cần thu mua; tìm kiếm và thiết lập quan hệ kinh doanh với các cơ sở tái chế tại Việt Nam. Theo kế hoạch, trên sàn thương mại trực tuyến của OW sẽ có thêm hai doanh nghiệp (hoạt động ở lĩnh vực tái chế và bán hàng) từ dự án. Và doanh số thu mua qua sàn sẽ tăng thêm 10%.

Và đây là lần đầu tiên, thành phố Đà Nẵng sẽ tham gia cung ứng nguyên liệu (rác thải nhựa) đầu vào (cho OW), so với trước đó, các giao dịch thu mua của OW chỉ tập trung ở các tỉnh phía Nam.

Trong khi đó, RF thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm được sản xuất tại cơ sở sản xuất của RF, tiếp thị sản phẩm của RF và phát triển thị trường đầu ra cho các sản phẩm đã được tái chế.

Dự án cũng đặt mục tiêu phấn đấu “tổng giá trị đơn đặt hàng nhựa từ Việt Nam” , thông qua các doanh nghiệp mà dự án đã giúp kết nối trong suốt thời gian vận hành dự án, đạt tương đương khoảng 1.800.000 USD. Và sẽ có khoảng 10 công ty mua nhựa tái chế từ Việt Nam thông qua dự án.

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng chịu trách nhiệm hỗ trợ dự án (về thủ tục hành chính, pháp lý), quan hệ với các địa bàn thực hiện và đề xuất hiệu chỉnh cho hoạt động được dự án thiết kế, đảm bảo dự án được thực hiện phù hợp với mục tiêu của dự án và mục tiêu của địa phương.

Đặc biệt, ở giai đoạn cuối của dự án (năm 2024), sẽ có 2 chính sách/sáng kiến được cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng ban hành, ủng hộ (cách làm) hoặc hỗ trợ dự án DMDP (và/hoặc) hoạt động của hai đối tác thương mại OW và RF. Chính sách/sáng kiến này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để dự án đạt được mục tiêu đề ra trong thời gian đến.

Nhiều đại biểu có mặt tại phiên hội thảo và ký kết chiều nay bày tỏ những đồng tình và đánh giá cao về dự án DMDP, và nhìn nhận đây là hiệu quả có ý ngĩa rất thiết thực trên nhiều mặt. Đó là hỗ trợ kết nối hệ thống thu gom (rác thải nhựa) phi chính thức theo một mô hình có sự hỗ trợ kỹ thuật để đạt hiệu suất tốt trong thu gom, tái chế, làm rõ kết quả vòng tuần hoàn. Đó cũng là sự khẳng định về chuỗi giá trị của rác thải nhựa, thôi thúc hành động của cộng đồng, biến rác trở thành tài nguyên thật sự./.

PV.Trung Đức.CQĐD.TCĐNA.MTTN