Thứ hai, Tháng Một 6, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng khởi động thí điểm “Chương trình Trường học Xanh” tại 20 điểm trường



ĐNA -

(ĐÀ NẴNG), Chiều ngày 9/11/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã tổ chức khởi động chương trình (triển khai thí điểm) Trường học Xanh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Công ty Tetra Tech – ARD, INC, tài trợ.

Trường học Xanh là hoạt động thuộc chương trình “Thành phố Sạch, Đại dương Xanh – Clean Cities Blue Ocean – CCBO.

Được biết, từ năm 2014, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Bộ tiêu chuẩn và quy trình xét chọn công nhận “Trường học Xanh” (tại Quyết định số 9083/QĐ-UBND ngày 17/12/2014). Gần 10 năm qua, đây là một trong những nội dung quan trọng, được ưu tiên thực hiện lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục thành phố.

Gần đây, ngày 2/4/2021, UBND thành phố đã ban hành tiếp quyết định 1099/QĐ-UBND, phê duyệt đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố Môi trường” giai đoạn 2021-2030, trong đó, chính quyền Đà Nẵng xác định 1 trong 4 nhóm giải pháp trọng tâm là “Tăng cường nâng cao nhận thức, năng lực về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố”, mục tiêu đến năm 2025, “100% trường học triển khai phân loại rác thải tại nguồn”.

“Đà Nẵng rất vinh dự là 1 trong 4 thành phố tại Việt Nam, tham gia chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh”. Triển khai thí điểm Trường học Xanh là một trong những hợp phần quan trọng của chương trình, nhằm thúc đẩy công tác quản lý chất thải rắn nói chung và phân loại Chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nói riêng, góp phần thi hành hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản liên quan đến triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố.

Chương trình tạo điều kiện hình thành một thế hệ tương lai sống thân thiện, có trách nhiệm với môi trường; góp phần xây dựng Đà Nẵng, thành phố môi trường trong tương lai” – ông Đặng Quang Vinh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng. Ảnh trong bài: T.Ngọc

Mới đây, ngày 2/11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt (Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT). Chương trình Trường học Xanh sẽ góp phần thúc đẩy thành phố Đà Nẵng triển khai đều hoạt động bảo vệ môi trường này đến hai cấp học còn lại là THCS và THPT, lan tỏa được một chương trình hành động chung, ở tất cả trường học trên địa bàn.

Trước mắt, chương trình CCBO hỗ trợ Đà Nẵng triển khai thí điểm mô hình Trường học xanh tại 20 trường ở 5 quận/huyện (Hải Châu, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Hoà Vang). Đồng thời, chương trình sẽ đồng hành cùng thành phố xây dựng dự thảo và tổ chức tham vấn các bên liên quan về “Khung tiêu chí Trường học Xanh”, và áp dụng rộng rãi tại các cấp học trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đây chính là khởi đầu cho yêu cầu và là mục tiêu xây dựng môi trường học tập, vui chơi xanh – sạch – đẹp, thân thiện, phù hợp với các em, tạo điều kiện hình thành một thế hệ tương lai sống thân thiện, có trách nhiệm với môi trường; góp phần xây dựng Đà Nẵng, thành phố môi trường trong tương lai”, ông Đặng Quang Vinh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, nhấn mạnh.

Trong phát biểu của mình, bà Nguyễn Thị Bích Hiền – Giám đốc Chương trình “Thành phố Sạch, Đại dương xanh” Việt Nam, khẳng định, “CCBO là chương trình trọng điểm cấp toàn cầu. nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhiễm đại dương, nhưng về giải pháp, biện pháp thì tập trung ở khu vực ở đất liền, trên lục địa. Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia đã hưởng chương trình. Cùng với Huế, Biên Hòa, Phú Quốc, Đà Nẵng là 1 một trong 4 tỉnh/thành phố của Việt Nam tham gia chương trình.

CCBO đặc biệt quan tâm đến thay đổi nhận thức của cộng đồng về ô nhiễm rác thải nhựa và giải pháp tích cực là phân loại rác ngay tại nguồn. Chính các em học sinh, với những hoạt động của chương trình Trường học xanh, hướng đến mục tiêu đến năm 2025, “100% trường học triển khai phân loại rác thải tại nguồn”, sẽ lan tỏa trong toàn môi trường học đường, lan tỏa trong gia đình, rồi tác động đến nhận thức của cộng đồng.

Hàng đầu, từ bên phải sang: bà Nguyễn Thị Bích Hiền – Giám đốc Chương trình “Thành phố Sạch, Đại dương xanh” Việt Nam; bà Đỗ Vân Nguyệt – Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn).

Chủ trì phiên hội nghị khởi động chiều 9/11, là bà Nguyễn Thị Bích Hiền – Giám đốc Chương trình “Thành phố Sạch, Đại dương xanh” Việt Nam và ông Đặng Quang Vinh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng.

CCBO tin rằng, chương trình Trường học xanh, thiết thực góp phần xây dựng quy định phân loại rác thải rắn tại nguồn, ở Đà Nẵng với sự phối hợp tích cực của Sở Tài nguyên và Môi trường, của Chi cục Bảo vệ môi trường, các ban, ngành, chính quyền quận huyện của thành phố, sẽ tạo thêm động lực và là nguồn lực, hướng tới xây dựng thành công Đà Nẵng là Thành phố môi trường”.

Trường học Xanh là hoạt động thuộc chương trình “Thành phố Sạch, Đại dương Xanh – Clean Cities Blue Ocean – CCBO”. CCBO có mục tiêu ngăn chặn làn sóng ô nhiễm nhựa đại dương thông qua cải thiện quản lý chất thải rắn ở cấp quốc gia và địa phương. CCBO là một trong những chương trình trọng điểm và tiêu biểu toàn cầu của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) tại Châu Á, Mỹ La tinh và vùng vịnh Caribe. USAID thực hiện tài trợ, thời gian triển khai trong 5 năm (2019-2024). USAID cùng các đối tác sẽ cung cấp chuyên môn kỹ thuật đạt chuẩn quốc tế hiện đại và triển khai các giải pháp bền vững do địa phương làm chủ thông qua chương trình tài trợ.

“Mô hình Trường học xanh hiện được triển khai thành công ở nhiều thành phố, nhiều quốc gia. Ở thành phố Thượng Hải, các em học sinh được hướng dẫn các kỹ năng phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nguồn. Cũng chính các em khi về nhà, phổ biến lại yêu cầu này cho cả gia đình để cùng thực hành như ở trường. Một cách làm rất thành công. Phân loại rác bắt đầu từ trường học. Thành phố môi trường bắt đầu từ thế hệ xanh. Và đây cũng là phạm trù quan trọng nhất của mô hình Trường học xanh: Chương trình Trường Học Xanh = nhà trường và học sinh chủ động tìm hiểu và tham gia sống xanh, và từ đó lan tỏa lối sống thân thiện với môi trường trong cộng đồng.”, bà Đỗ Vân Nguyệt – Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) chia sẻ.

Bà Đỗ Vân Nguyệt – Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn): Phân loại rác bắt đầu từ trường học. Thành phố môi trường bắt đầu từ thế hệ xanh.

Tại Hà Nội, chương trình Trường học xanh, giai đoạn thí điểm (năm học 2021-2022), đã được thực hiện tại hơn 100 trường học thuộc 4 quận, huyện trên địa bàn (gồm Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đông Anh và Thạch Thất), thu hút được sự tham gia của 43.000 học sinh với 40.000 hành động xanh trong các chủ đề: không khí sạch, rác thải, năng lượng, nước sạch và không gian xanh.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, đã ký kết hợp tác triển khai chương trình giáo dục truyền thông môi trường trong trường học. Đến năm 2018, chương trình Trường học xanh chính thức được triển khai.Và năm học 2022-2023 vừa qua, là năm thứ 5, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh mô hình “Trường học xanh”, tạo môi trường học tập, sinh hoạt thân thiện, qua đó, nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh. Liên Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Giáo dục và Đào tạo đã tiếp tục ký kết hợp tác phát triển chương trình “Trường học xanh” đến năm 2025.

Triển khai mô hình Trường học Xanh, Đà Nẵng học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các mô hình đi trước.

Được biết, năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có Đại học đầu tiên là Đại học Xanh, đó là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Trường đã khánh thành, đưa vào hoạt động  USSH’s Garden (Vườn học tập xanh) và phát động thực hiện chương trình Đại học Xanh.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình Trường học Xanh, bà Đỗ Vân Nguyệt cho biết rất cần xây dựng và ban hành các quy định, chỉ dẫn, giám sát, khen thưởng cụ thể trong nhà trường. Khi đi vào triển khai, phải ghi chép, thống kê và có minh chứng cụ thể về giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường (giáo viên, học sinh theo dõi và kiểm kê thường xuyên theo tháng tại trường học, hoặc tại gia đình của chính các em).

Ở nhà trường, một trong những ưu tiên là phải bố trí sớm hệ thống thùng chứa phân loại chất thải rắn sinh hoạt (tại lớp học, văn phòng, sân trường, bếp ăn, căng-tin…) phù hợp với tình hình phát sinh chất thải tại trường và phù hợp tình hình quản lý rác thải địa phương. Để phát huy các đội, nhóm của các em, trong hành động bảo vệ môi trường, nhà trường phải xây dựng nhóm nòng cốt (giữ vai trò dẫn dắt, quản lý) và đặc biệt, phải huy động sự tham gia từ phía Hội Cha Mẹ học sinh./.

Đại diện Trung tâm CAB, chia sẻ về hiện trạng và đề xuất giải pháp cho các trường học tại Đà Nẵng, khi triển khai mô hình.

T.Ngọc