Các cơ quan chức năng khuyến cáo rằng, doanh nghiệp đang quản lý, vận hành, khai thác tòa nhà (văn phòng cho thuê), khách sạn ở Đà Nẵng cần chú ý hơn đến thực hành tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh tiết kiệm chi phí cho chính doanh nghiệp và đối tác, còn có ý nghĩa lớn trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Ngày 17/6/2022, đã diễn ra hội thảo “Giải pháp tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực tòa nhà, khách sạn” do Trung tâm tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng (Sở Khoa học – Công nghệ Đà Nẵng), phối hợp cùng các đối tác tổ chức.
“Thành phố Đà Nẵng, một trung tâm văn hóa – kinh tế của khu vực miền Trung và Tây Nguyên có tốc độ phát triển kinh tế về dịch vụ và du lịch khá cao, hẳn nhiên, kéo theo đó là mức tiêu thụ năng lượng ngày một tăng nhanh trong lĩnh vực tòa nhà, khách sạn. Vấn đề đặt ra là cần phải có các giải pháp thiết thực và sự đồng hành của doanh nghiệp nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo vào các lĩnh vực trên” – ông Dương Hoàng Văn Bản, Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Đà Nẵng, chia sẻ.
Được biết, so với các tỉnh, thành phố khác ở miền Trung, Đà Nẵng là địa phương không có nguồn điện năng nào khác (nhiệt điện, thủy điện, điện gió, …) hòa lưới điện quốc gia hay bù cho nhu cầu tiêu dùng tại chỗ.
Chỉ có hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất lắp đặt đạt ≤1MW. Tính đến cuối năm 2020, có tổng cộng 2.529 tổ chức, cá nhân sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà.
“Tại thành phố Đà Nẵng, điện là nguồn năng lượng chính yếu cho nhu cầu sử dụng trong mọi mặt của đời sống xã hội, cũng như sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ. Đà Nẵng được cấp điện hoàn toàn từ điện lưới quốc gia, thông qua hệ thống các đường dây và trạm biến áp 500kV, 220kV, 110kV, lưới điện phân phối 22kV” – ông Trần Huỳnh Vương Hoài Vũ, Phó Trưởng phòng Quản lý Năng lượng (Sở Công Thương Đà Nẵng), cho biết.
Hội thảo đã tập trung sâu làm rõ các chính sách, đặc biệt là tư vấn giải pháp, hướng đến sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà, khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng. Bởi cơ cấu kinh tế thành phố, đã và đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ: Dịch vụ (54%-60%) – Công nghiệp – Xây dựng (44%-39%) và Nông nghiệp (2%-1%).
“Chúng tôi sẽ kiên trì trong truyền thông, giới thiệu các công nghệ hiện đại, tiên tiến, dễ ứng dụng trong lĩnh vực tòa nhà khách sạn, những giải pháp mang lại khả năng cắt giảm chi phí điện năng, chuyển dịch sang năng lượng xanh. Chỉ đến khi chúng ta thực sự sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả, chúng ta mới cắt giảm đáng kể chi phí, giảm được giá thành, bảo đảm sức cạnh tranh cho doanh nghiệp của mình. Nhất là phải tham gia và đóng góp một cách đáng kể, giúp giảm bớt gánh nặng đầu tư công trình cung cấp năng lượng của Nhà nước” – lãnh đạo Sở Khoa học – Công nghệ thành phố nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội thảo, đã có nhiều giải pháp – ứng dụng công nghệ mới, được các doanh nghiệp trong nước giới thiệu, chia sẻ.
Đơn cử như “Giải pháp nước nóng trung tâm, sử dụng năng lượng mặt trời cho khách sạn resort”, một giải pháp được đánh giá (độc lập) cho thấy tiết kiệm chi phí điện năng lên đến 70% so với các giải pháp truyền thống. Tương tự, là chuỗi giải pháp (công nghệ): “Giải pháp nước nóng trung tâm sử dụng điện mặt trời kết hợp Heatpump”; Giải pháp điện mặt trời hòa lưới, hay giải pháp điện mặt trời tương tác lưới.
Các doanh nghiệp Việt Nam qua nhiều năm nghiên cứu, cũng đề xuất (giải pháp và thiết bị) ứng công nghệ thông minh trong giải pháp tiết kiệm năng lượng (đơn cử như Bộ giám sát tiêu thụ điện năng thông minh- sản phẩm được sản xuất trong nước, đã được nhiều khách sạn, khi nghỉ dưỡng, tòa nhà văn phòng sử dụng).
Đặc biệt, Công ty TNHH ESS Việt Nam (Vietnam Energy Saving Solution) – một trong những công ty đầu tiên cung cấp và lắp đặt hệ thống thiết bị bể trữ lạnh tại Việt Nam cho các siêu thị và là các công trình lớn – đã giới thiệu giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và triển khai ứng dụng hệ thống thiết bị trữ nhiệt cho máy điều hòa công suất trung bình và lớn nhằm nâng cao hiệu quả chạy máy và tránh vận hành giờ cao điểm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
“Đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án cho thấy, với một bể trữ lạnh dung tích không lớn, chi phí đầu tư tương đối nhỏ nhưng hằng năm thu lại lợi nhuận tương đối cao 65 triệu/năm, thời gian thu hồi vốn khá ngắn, khoảng 8 năm. Nếu đánh giá thêm hiệu quả do vận hành ban đêm tiết trời mát hơn thì chắc chắn hiệu quả còn cao hơn” – Đại diện Vietnam Energy Saving Solution phân tích.
Trao đổi thêm tại hội thảo, các doanh nghiệm thừa nhận, tại Việt Nam thời gian gần đây giá xăng dầu tăng cao và tình trạng thiếu điện vào mùa khô kèm giá điện ngày càng tăng, đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp. Việc sử dụng năng lượng có hiệu quả, tiết kiệm và hướng mạnh đến năng lượng tái tạo thực sự là đòi hỏi cần thiết và cấp bách trong thời điểm hiện nay.
Trước những cảnh báo nguồn năng lượng dầu mỏ, khí đốt… ngày càng cạn kiệt, năng lượng điện có dấu hiệu không đáp ứng được nhu cầu…Ngoài ra, là địa phương đang nỗ lực xây dựng thành công “Thành phố môi trường”; ngày 23/11/2021, UBND thành phố Đà Nẵng đã có kế hoạch số 202/KH-UBND, thực hiện “Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn”./.
T.Ngọc