Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng: Ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn

ĐNA -

(Đà Nẵng). Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng chương trình Gặp gỡ Đà Nẵng – Meet Da Nang 2024; công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng do UBND thành phố tổ chức; trưa nay (26/1/2024), đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn giữa Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA), Công ty Cổ phần giáo dục quốc tế Sun Edu và Trường Đại học Duy Tân.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Huỳnh Thành Đạt; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng; Chủ Tịch UBND thành phố, ông Lê Trung Chinh; đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc Gia (NIC) thuộc Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư và các đại biểu. Ảnh trong bài: Minh Chung – T.Ngọc.

Theo bản ghi nhớ (MOU), các bên sẽ cùng hợp tác tổ chức hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn cho thành phố Đà Nẵng, tạo sự lan tỏa và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn, đón đầu nhu cầu về nhân lực chất lượng cao của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn trong thời gian đến cho thành phố Đà Nẵng.

MOU cũng thể hiện, các bên sẽ cùng tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu cho đối tượng là giảng viên, cán bộ quản lý có chuyên môn về thiết kế vi mạch bán dẫn tại thành phố Đà Nẵng; tổ chức chương trình đào tạo sinh viên kỹ thuật trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, hoạt động hợp tác 3 bên được ký kết hôm nay sẽ mang lại nhiều lợi ích chung cho Đà Nẵng và đất nước. Bộ cũng kỳ vọng, thực tiễn triển khai hoạt động đào tạo nhân lực này sẽ cung cấp thêm các luận cứ phục vụ hoạt động hoàn thiện thể chế ưu chế đầu tư công nghệ cao nói chung và công nghệ vi mạch bán dẫn nói riêng.

Bộ Khoa học và Công nghệ chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố Đà Nẵng trong triển khai phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, thông qua chương trình triển khai sản phẩm quốc gia, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”,ông Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh.

Nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn trên cả nước là rất lớn
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh khẳng định “UBND thành phố sẽ tạo điều kiện để cụ thể hoá các nội dung thoả thuận đã được ký kết, đề nghị Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp cùng với Trường Đại học Duy Tân, Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất các cơ chế, chính sách triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định, góp phần xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố.

Tôi tin tưởng các nội dung thoả thuận là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực vi mạch; góp phần hỗ trợ cung ứng nguồn nhân lực chất lượng ở lĩnh vực này cho thành phố trong tương lai; thúc đẩy hiệu quả hoạt động xúc tiến hỗ trợ, thu hút các dự án đầu tư lớn vào thành phố, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của thành phố cũng như trên cả nước.

“Một trong các giải pháp hàng đầu để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là sớm phát triển nguồn nhân lực chuyên môn về thiết kế vi mạch có trình độ cao”- Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Lê Trung Chinh.

Nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn trên cả nước là rất lớn, và đang có tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực bán dẫn trên thế giới, không chỉ riêng tại Việt Nam. Do đó, một trong các giải pháp hàng đầu để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là sớm phát triển nguồn nhân lực chuyên môn về thiết kế vi mạch, nhất là nguồn nhân lực trong nước có trình độ cao, ổn định, cạnh tranh để xây dựng và thu hút các công ty thiết kế vi mạch lớn trên thế giới đến hoạt động tại Việt Nam.

Đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc Gia (NIC- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chính thức trao chứng nhận bản quyền, phần mềm thiết kế vi mạch của Cadence cho đại diện Ban Giám hiệu Đại học Duy Tân.

Từ kinh nghiệm đi trước trên thế giới và các địa phương trong nước cũng như trên cơ sở phát huy thế mạnh của mình, thành phố Đà Nẵng đang tập trung xây dựng một chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, trước mắt tập trung ở khâu thiết kế vi mạch và phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch và định hướng cung ứng không chỉ cho thành phố mà còn cho cả nước.

Về phía thành phố, chúng tôi cũng đang đề xuất Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó lồng ghép một số cơ chế, chính sách có liên quan nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và nguồn nhân lực thiết kế vi mạch.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Lê Trung Chinh tặng hoa tri ân và chúc mừng Đại diện NIC và đại diện Ban Giám hiệu Đại học Duy Tân.

Khác với nhiều ngành công nghiệp hiện có, bán dẫn là một lĩnh vực công nghệ cao vô cùng phức tạp, tinh vi. Các công đoạn trong sản xuất vi mạch có thể gói gọn vào ba khâu chính là (1) thiết kế, (2) chế tạo và (3) lắp ráp, kiểm tra, đóng gói. Trong đó, hai mảng thiết kế và lắp ráp, kiểm tra, đóng góp có chi phí gia nhập thấp hơn nhiều so với khâu sản xuất chế tạo đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn vượt quá khả năng và trình độ khoa học và công nghệ của Việt Nam hiện nay.

Nỗ lực tham gia vào các khâu thiết kế và lắp ráp, kiểm tra, đóng gói đang được xác định là cơ hội và tương lai cho Việt Nam tham gia chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đang nhận được sự quan tâm trung ương đến địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng chúng tôi”./.

T.Ngọc