“Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng năm 2023” là lễ hội quy mô cấp thành phố, do UBND thành phố chủ trì. Trước đó, năm 2021, Lễ hội đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể”, tại quyết định số 601/QĐ-BVHTTDL ngày 3/2/2021, đồng thời cũng là 1 trong 15 lễ hội có quy mô lớn nhất trên cả nước (được Tổng cục Du lịch Việt Nam xếp hạng từ năm 2000).
Đặc biệt tại lễ hội năm nay, kết gắn với sự kiện đón nhận bằng công nhận Ma Nhai (văn tự được khắc lên vách đá) tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới (khu vực châu Á – Thái Bình Dương); sẽ diễn ra nội dung diễn thuyết, giới thiệu về Ma Nhai Ngũ Hành Sơn, triển lãm 78 tác phẩm Ma Nhai. Đây là lần đầu tiên, Ma Nhai Ngũ Hành Sơn được vinh danh, giới thiệu trang trọng, sau khi được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới (tại kỳ họp diễn ra ngày 23 đến 26/11/2022).
“Trước đó, vào năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1820/QĐ-TTg, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 9), trong đó, có di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Và vào năm 2014, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng chính thức có quyết định công nhận Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng tự hào là địa bàn mang trên mình nhiều di sản, trong đó, có 4 di sản cấp quốc gia, 1 di sản cấp thế giới. Chính vì vậy, chúng tôi càng nỗ lực nhiều hơn cho một Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng xứng tầm với vùng đất di sản. Một lễ hội đặc sắc, văn minh với tiêu chí 5 không: Không có trộm, cướp và tệ nạn xã hội; Không có lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng; Không xả rác, không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; Không chèo kéo khách, nâng giá, ép giá; Không phóng sinh và các hoạt động mê tín dị đoan”, ông Nguyễn Hòa – Chủ tịch UBND Quận Ngũ Hành Sơn nhấn mạnh.
Sáng nay, 24/2/2023, BTC Lễ hội Quán Thế Âm và lễ đón nhận bằng công nhận Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đã tổ chức họp báo.
Theo đó, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng sẽ diễn ra từ ngày 8/3 đến ngày 10/3. Nghi thức khai Kinh Thượng Phan và thượng kỳ diễn ra vào sáng 8/3/2023. Và vào lúc 19giờ ngày 8/3/2023 (17 tháng Hai âm lịch) sẽ diễn ra lễ khai mạc lễ hội.
Tại lễ khai mạc, sẽ có nội dung công bố – trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho độc bản Lá Bồ Đề lớn nhất, được mạ vàng 24K; cho độc bản 16 bức tranh sứ (Bát Tràng), cẩn trên tường 4 ngôi tháp thuộc chùa Quán Thế m.
Lễ Vía (lễ chính thức) của Đức Bồ tát Quán Thế Âm sẽ diễn ra lúc 7h ngày 10/3/2023 (nhằm ngày 19 tháng Hai âm lịch). Trong Lễ Vía, sau các nghi lễ tôn giáo là nghi thức gắn bảng (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) tại Động Quan Âm – địa điểm (chính) tổ chức Lễ hội; Lễ rước tôn tượng và lễ hóa trang Quán Thế Âm Bồ tát.
Trong khuôn khổ Lễ hội năm nay, còn có sự kiện khai trương Thư viện Vạn Hạnh với hơn 3 vạn ấn phẩm liên quan đến văn hóa, đến Phật giáo (vào lúc 16giờ, chiều ngày 8/3/2023) và diễn thuyết về văn hóa đọc (diễn giả là Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, ông Lê Hoàng). Trước đó, vào lúc 15giờ30 (kéo dài đến 17giờ30), là Lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân Công chúa và Lễ tế Xuân – Cầu Quốc thái Dân an. Vào lúc 9 giờ sáng, ngày 9/3/2023, Ngài Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, sẽ thực hiện trồng cây Bồ Đề lưu niệm.
Ban tổ chức cho biết, Chùa Quán Thế Âm sẽ tổ chức thường xuyên các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, thiền tọa, pháp đàn… trong những ngày diễn ra lễ hội. Bên cạnh đó, là các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc: biểu diễn nghệ thuật Nhật Bản; hô hát Bài chòi; các góc Trà thư kết hợp biểu diễn âm nhạc dân tộc; triển lãm ảnh về Danh thắng Ngũ Hành Sơn thư pháp, đá cảnh; hội hoa đăng, lửa trại; trình diễn nghệ thuật nấu ăn Món chay; hội Đua thuyền truyền thống, hội cờ làng, kéo co… Biểu diễn thả diều nghệ thuật, trình diễn khinh khí cầu; diễu hành xe hoa chào mừng Lễ hội và Thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước năm 2023 và biểu diễn chế tác đá mỹ nghệ Non Nước tại 5 không gian trưng bày.
“Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng thực sự là một trong những lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của đạo Phật. Lễ hội cũng là nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng độc đáo, là nỗ lực của người dân địa phương trong phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là dịp để đồng bào phật tử nói riêng và nhân dân nói chung cầu cho Quốc thái Dân an, chúng sanh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước”, ông Tạ Tự Bình – Phó Chủ tịch UBND Quận Ngũ Hành Sơn khẳng định.
Lan tỏa giá trị Ma Nhai Ngũ Hành Sơn
Trước ngày diễn ra Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, vào ngày 1/3/2023, cũng tại di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, sẽ diễn ra Lễ đón nhận bằng công nhận Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn, với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.
Tại động Hoa Nghiêm có 20 ma nhai. Động Huyền Không hiện đang lưu giữ 30 ma nhai, trong đó có ngự bút của vua Minh Mạng “Huyền Không Động”. Động Tàng Chơn có 20 ma nhai. Động Vân Thông có 2 ma nhai. Động Linh Nham có 3 ma nhai. Tại hang Vân Căn Nguyệt Quật, động Thiên Phước Địa, hang Vân Nguyệt Cốc có 3 bia ma nhai ngự bút của vua Minh Mạng năm 1837, khắc ghi tên hang, động.
Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là nguồn sử liệu quý giá cung cấp các thông tin đặc biệt từ quá khứ, bao hàm cả địa danh địa phương, bổ sung cho các tài liệu cổ như Ô châu cận lục và Phủ biên tạp lục cũng như các bộ địa chí của triều Nguyễn.
Đặc biệt, cũng qua Ma Nhai, hậu thế ngày nay biết thêm diện mạo ban đầu, vẻ đẹp nguyên thủy của danh thắng Ngũ Hành Sơn – một vùng thắng tích được mệnh danh là “Nam châu đệ nhất danh thắng”. Lịch sử hình thành và phát triển của Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, các kỹ thuật điêu khắc đá thủ công đã không còn phổ biến.
UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận Ngũ Hành Sơn thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản quý báu này. Xem đây là sứ mệnh bảo vệ và phát huy giá trị “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn” xứng tầm với vị thế của một di sản tư liệu thế giới; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử nói chung và của Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn nói riêng.
“Một trong những công việc ưu tiên hàng đầu mà chúng tôi đã, đang và sẽ triển khai quyết liệt là hạn chế tối đa, giảm nguy cơ các tác động tự nhiên, cùng như của con người, khiến các văn tự trên đá bị bào mòn, thậm chí hư hại”, ông Hà Vỹ – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cho biết.
Còn theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, sắp đến, sẽ có biện pháp nghiêm cấm hẳn để bảo vệ Ma Nhai, nhất là không để con người (chủ yếu là du khách), tác động đến Ma Nhai. Về quảng bá giá trị Ma Nhai Ngũ Hành Sơn, trong năm nay, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ mở 10 lớp tập huấn cho 1.000 hướng dẫn viên du lịch, bổ sung và cập nhật kiến thức về một di sản tư liệu vô cùng độc đáo mà Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng sở hữu được.
“Chúng tôi đang thực hiện số hóa dữ liệu về Ma Nhai và sắp tới chúng tôi sẽ cập nhật lên Bản đồ di sản Đà Nẵng. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện gắn QR Code tại các hang, động ở Ngũ Hành Sơn có ma nhai. Du khách chỉ cần quét là có ngay thông tin rất đầy đủ về nội dung văn tự được khắc lên đá ở hang, động mình đang tham quan. Tư liệu cho từng ma nhai được chúng tôi thực hiện rất công phu. Từ nguyên bản (đọc âm), dịch nghĩa, tác giả – các chú thích về tác giả, niên đại của ma nhai, …”, ông Thiện nhấn mạnh./.
Trung Đức