“ Phiên hội thảo lần này được tổ chức, nhằm trao đổi, thảo luận và góp ý để hoàn thiện “Quy trình ươm tạo” của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng”. Một nhiệm vụ đã được Sở Khoa học và công nghệ thành phố chính thức giao cho Trung tâm.
Tôi cho rằng có những vấn đề rất quan trọng để nâng cao hiệu quả của quy trình ươm tạo.
Đó là tính chặt chẽ, đồng bộ về pháp lý của quy trình, bao hàm cả khả năng đáp ứng của Nhà nước, của khu vực công cho quy trình ươm tạo. Đó là tính khả dụng, tạo nên sự lan tỏa và nhận được sự đồng hành của các dự án khởi nghiệp, của những ý tưởng đổi mới sáng tạo”, TS.Lê Đức Viên – Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Đà Nẵng nhấn mạnh.
Ngày 21/10/2022, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng), đã tổ chức hội thảo tham vấn về “Quy trình ươm tạo” của Trung tâm.
Đại diện các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các Vườm ươm doanh nghiệp, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp, các đơn vị, cá nhân khởi nghiệp… đã tham dự sự kiện.
“Bên cạnh các báo cáo đề dẫn giới thiệu về quy trình ươm tạo hiện có, chúng tôi tạo ra một diễn đàn mở, vừa trao đổi, thảo luận vừa chia sẻ thêm kinh nghiệm.
Hội thảo lần này hướng đến mục tiêu xây dựng được một quy trình nghiệp vụ cho hoạt động ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp phát triển loại hình doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ, mô hình kinh doanh mới, có khả năng tăng trưởng nhanh, giải quyết được các vấn đề xã hội, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố”, ông Võ Đức Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng cho biết.
Một vấn đề luôn được các đại biểu quan tâm tại hội thảo, đó là vì sao số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp luôn có tỷ lệ thành công lại khá thấp ? vì sao doanh nghiệp khởi nghiệp khó sống nổi ?
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp khởi nghiệp thường thiếu kinh nghiệm, chưa xác định mô hình kinh doanh và khi lên kế hoạch kinh doanh thì hoàn toàn không phù hợp, điều này có một xuất phát điểm chung là chưa xác định ngay từ đầu mục tiêu kinh doanh là gì?.
“Một startup thường vấp phải những khó khăn ngay từ buổi đầu như thiếu nghiên cứu về thị trường đang muốn tiếp cận, thiếu chiến lược tiếp cận thị trường. Thiếu nguồn lực tiềm năng và các mối quan hệ cần thiết để phát triển doanh nghiệp một cách toàn diện và đối với nguồn nhân lực, đặc biệt, luôn còn thiếu “một founder” có đầy đủ kỹ năng, bản lĩnh dẫn dắt doanh nghiệp” – Đại diện Trung tâm vườn ươm doanh nghiệp DNES, mô hình vườn ươm hợp tác công tư của Đà Nẵng chia sẻ.
Chia sẻ mối quan tâm của doanh nghiệp khởi nghiệp, tại hội thảo có 4 báo cáo quan trọng được trình bày: “Quy trình ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng ; “Quy chế hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng” của Khu công nghệ cao Đà nẵng ; “Quy trình ươm tạo FINC” của Trung tâm vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng – DNES; và “Quy trình chương trình tăng tốc khởi nghiệp VTS” của Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn.
Đây là những nội dung vừa cung cấp cơ sở pháp lý, vừa mang tính gợi mở các hướng tiếp cận hết sức cần thiết, kể từ khi nảy sinh ý tưởng sáng tạo, hay bắt đầu hiện thực hóa một ý tưởng khởi nghiệp. Dẫn dắt cá nhân hay một nhóm tác giả đi đúng hướng để tránh những bế tắc hay rủi ro.
“Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng chúng tôi, sẽ đồng hành cùng quá trình ươm tạo cho đến bước cuối cùng (bước 5, sau ươm tạo). Trung tâm hỗ trợ dự án tiếp cận các nguồn vốn, kể cả lên kế hoạch truyền thông tiếp thị, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm”, ông Lê Văn Kiệt, chuyên viên Trung tâm cho biết thêm.
Được biết, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.Bước đầu đã xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách tạo môi trường thuận lợi và cơ sở pháp lý để hỗ trợ phát triển khởi nghiệp.
Năm 2020 và 2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ trực tiếp cho 17 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và 2 vườn ươm, triển khai các chương trình ươm tạo với kinh phí là 2,836 tỷ đồng.
Năm 2022, Sở đang hỗ trợ kinh phí cho 2 doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm khởi nghiệp; 2 Vườn ươm doanh nghiệp và 1 cơ sở giáo dục để triển khai các chương trình ươm tạo, tăng tốc doanh nghiệp với kinh phí 1,100 tỷ đồng.
Tính đến nay, thông qua hỗ trợ chương trình ươm tạo của các Vườn ươm, đã thực hiện hỗ trợ phát triển 29 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nội dung thực hiện hỗ trợ của Sở, đã tập trung vào yêu cầu hoàn thiện công nghệ, sản xuất thử sản phẩm để phát triển các sản phẩm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ thông tin; áp dụng các công nghệ 4.0 (như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu) vào công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực công nghệ sinh học, chế biến thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ./.
T.Ngọc