Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng: Quen mà lạ với triển lãm “Con giống”

ĐNA -

Trong lịch sử mỹ thuật truyền thống của người Việt, hình tượng con giống rất phong phú. Từ con chim lạc, con cóc trên mặt trống đồng Đông Sơn đến những con giống trên gốm Lý Trần, gốm Chu Đậu.
Hội họa hiện đại Việt Nam cũng có nhiều nghệ sĩ theo đuổi đề tài con giống như họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng…

Đại diện Nhóm tác giả tặng kỷ vật cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh trong bài Trung Đức

Tiếp nối dòng chảy ấy, nhóm 4 nghệ sĩ gồm Lê Minh Trí, Lê Ngọc Thuận, Vũ Hữu Nhung, Lê Thiết Cương cùng làm “điêu khắc” con giống.

Chiều ngày 23/7/2022, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Triển lãm điêu khắc Con giống đã chính thức khai mạc.

Trước đó, triển lãm điêu khắc Con giống được tổ chức tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (từ ngày 20/5/2022 đến ngày 27/5/2022).

Sau thành công ở Hà Nội, Triển lãm tiếp tục diễn ra tại Coco Casa, đường Trường Sa, Thịnh Mỹ, Cẩm An, Hội An, Quảng Nam (từ 8/7/2022 đến hết ngày 15/7/2022).

Có mặt tại Đà Nẵng, triển lãm sẽ giới thiệu, trưng bày các tác phẩm Con giống đến hết ngày 10/8/2022 và sau đó đến Huế vào trung tuần tháng 8 năm 2022.

“Nhận thấy đây là một triển lãm hay và chất lượng với sự kết hợp đầy sáng tạo, hài hòa, mang tính đối thoại cao giữa các yếu tố hiện đại và truyền thống; chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật tốt đẹp, một sự thăng hoa thú vị bắt nguồn từ cốt lõi văn hóa truyền thống qua ngôn ngữ nghệ thuật đương đại, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã chính thức mời các nghệ sĩ tiếp tục đưa triển lãm “Con giống” đến với thành phố biển Đà Nẵng.

Triển lãm mang đến một không gian văn hóa ấn tượng cho Đà Nẵng.

Với triển lãm “Con giống”, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần lan tỏa những cái hay, cái đẹp và cái mới trong nghệ thuật, góp phần làm phong phú, sâu sắc hơn đời sống văn hóa tinh thần của người dân, của du khách, mang thêm làn gió tươi mới đến với đời sống nghệ thuật của thành phố” – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Chị Nguyễn Thị Trinh bày tỏ.

Khác với Hà Nội và Hội An, tại Đà Nẵng, trong danh sách những tác giả , “có sự xuất hiện “Bè 2” của “Con giống”, đó là 6 họa sỹ khách mời: Nguyễn Như Đức, Phạm Trần Quân, Hoàng Phương Liên, Nguyễn Hồng Phương, Phương Bình và Nguyễn Thanh Hải.

Con giống điêu khắc và con giống hội họa như một bản song tấu của hình khối, màu sắc.

Triển lãm mỹ thuật với chủ đề “Con giống” là triển lãm có sự kết hợp đầy sáng tạo, nhưng hài hòa giữa các yếu tố mỹ thuật hiện đại và truyền thống. Gần 60 tác phẩm được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau, cách tạo hình đa dạng, độc đáo, mang đến công chúng và du khách yêu mến nghệ thuật thị giác nhiều trải nghiệm vừa thân quen, vừa rất mới lạ.

Không khỏi ngỡ ngàng trước sức sáng tạo của các nghệ sỹ …

“Có thể nói Triển lãm đã làm phong phú hơn các hoạt động bảo tàng, phục vụ nhu cầu thưởng lãm và học hỏi rất đa dạng của công chúng. Qua triển lãm, các họa sỹ, nhà điêu khắc Đà Nẵng, cũng như các tỉnh thành trong nước có thêm cơ hội giao lưu, chia sẻ các ý tưởng mới, cùng đóng góp cho sự phát triển chung của nền mỹ thuật Đà Nẵng, khu vực duyên hải trung bộ cũng như của cả nước” – đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết thêm.

Và đây là những chấm phá, cuộc trò chuyện “để hiểu nhau hơn” với nhóm 4 nghệ sĩ Lê Thiết Cương, Lê Minh Trí, Lê Ngọc Thuận, Vũ Hữu Nhung:

Lê Minh Trí là nghệ sĩ trẻ nhất nhóm, sinh năm 1992, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Đây là lần đầu anh lộ diện bằng những tác phẩm trâu bò lợn gà và nhất là chó, con vật mà anh yêu thích. Tất cả đều bằng gỗ phủ sơn rồi vẽ thêm các họa tiết, các miếng màu, tương phản mạnh, xanh đỏ tím vàng, thành một kiểu điêu khắc pha hội họa, điêu khắc màu.

Nghệ sỹ Lê Ngọc Thuận góp mặt với triển lãm Con giống các tác phẩm điêu khắc gỗ voi, rồng, trâu, gà trống…

Các con giống mỗi con một dáng vẻ nhưng đều cùng một ý tưởng xuyên suốt: Cách tạo hình hiện đại trên nền văn hóa truyền thống của người Cơ Tu, Tây Giang, Quảng Nam. Lê Ngọc Thuận đã làm cho truyền thống điêu khắc gỗ của người Cơ Tu trở nên mới lạ, làm cho truyền thống ấy không bị đóng băng.

“… Con giống phải là con – không giống, con giống phải là con khác” – Nghệ sỹ Lê Thiết Cương

Trong khi đó, Nghệ sỹ Vũ Hữu Nhung mang đến triển lãm lần này các tác phẩm được thực hiện trong mấy năm gần đây, cùng một đề tài: Ngựa. Bộ ngựa lần này do Vũ Hữu Nhung sáng tác với chất liệu sở trường “sành Phù Lãng” của anh. Tác giả khai thác vốn dân gian từ những con ngựa gỗ, ngựa đá, ngựa gốm, ngựa giấy. Độ đanh của chất sành, độ no của hình khối, sự cân bằng về tỉ lệ tác phẩm ngựa lần này được kỳ vọng tạo ấn tượng với người xem.

ác tác giả, bằng hữu, chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Sở Văn hóa – thể thao, Hội Mỹ thuật thành phố, …

Nghệ sỹ Lê Thiết Cương tham gia hơn chục tác phẩm điêu khắc con giống, chất liệu đồng và sắt, sáng tác trong hai năm 2020 và 2021. Chắc chắn vẫn là quan niệm nghệ thuật tối giản, dù là hội họa hay điêu khắc. Chắc chắn vẫn là quan niệm điêu khắc – mặt, mặt phẳng, diện. Lê Thiết Cương không thể làm gì khác ngoài làm tối giản.

“Điểm khởi đầu của bất cứ nghệ thuật nào cũng từ đời sống. Đời sống ấy có thể là cái cây, là dòng sống, là con chim … Và nghệ thuật phải đưa ra một khuôn mặt khác của đời sống ấy. Vẫn là cái cây ấy, nhưng lại không còn là nó, vẫn dòng sống ấy như là một dòng sông khác, vẫn là con chim ấy nhưng lại là một con chim mới. Nghệ sỹ là kẻ sáng tạo, là “sáng thế”, con nên con giống phải là con – không giống, con giống phải là con khác” – Nghệ sỹ Lê Thiết Cương bộc bạch tại phiên khai mạc chiều 23/7/2022./.
Trung Đức