Sáng ngày 28/4/2023, trong không khí thiêng liêng, hào hùng kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), thành phố Đà Nẵng đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1, phân khu 1, công trình nâng cấp, tôn tạo Đài Tưởng niệm thành phố; cải tạo mở rộng Quảng trường 29 tháng 3.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UBND thành phố, ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh: “Hôm nay, ngày 28/4/2023, trong không khí thiêng liêng, hào hùng kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, quý vị đại biểu và bà con nhân dân đã về tham dự buổi Lễ khánh thành công trình Nâng cấp, tôn tạo Đài Tưởng niệm thành phố và cải tạo mở rộng Quảng trường 29 tháng 3 (Giai đoạn 1), một công trình có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng của thành phố.
Được xây dựng từ năm 1994, Đài tưởng niệm là công trình thể hiện truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn, tri ân các anh hùng liệt sỹ” của dân tộc ta, nhất là đối với mảnh đất Quảng Nam – Đà Nẵng giàu truyền thống cách mạng. Cùng với tượng Mẹ Nhu, Công trình Đài tưởng niệm đã trở thành biểu tượng của thành phố Đà Nẵng vào thập niên 1990.
Từ thời điểm đó đến nay, thành phố chúng ta đã có những sự đổi thay kỳ diệu. Để xứng tầm với những đổi thay đó, thành phố đã quyết định triển khai đầu tư Nâng cấp, tôn tạo Đài Tưởng niệm thành phố và cải tạo mở rộng Quảng trường 29 tháng 3 (còn được gọi là Quảng trường 2 tháng 9, Quảng trường thành phố) với nhiều hạng mục.
Đây là tấm lòng của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân thành phố Đà Nẵng ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ trong công cuộc chiến đấu, xây dựng và bảo vệ thành phố.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay công trình đã hoàn thành xây dựng phân khu 1- giai đoạn 1 và cũng là phần quan trọng nhất. Trong đó có bức Phù điêu “Trang sử đất Quảng” đã được giữ lại nguyên bản về nội dung và phóng lớn hơn, hoành tráng hơn.
Nhân sự kiện này, thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi trân trọng bày tỏ lòng tri ân chân thành đến các bậc tiền bối cách mạng, các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng lực lượng vũ trang, các thương, bệnh binh, gia đình chính sách, những người đã cống hiến một phần xương máu, cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng, thống nhất đất nước”.
Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ của thành phố Đà Nẵng (người dân Đà Nẵng thường gọi là Tượng đài 2 tháng 9), cao 45m, đối diện với Quảng trường 29 tháng 3. Tượng đài có bố cục chính gồm có 3 cánh tạo, tạo thành thế chân vạc vững chãi, đưa tượng đài vươn cao. Đây là ý tưởng thiết kế tâm huyết, có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và tinh thần sáng tạo của Kiến trúc sư Phạm Sỹ Chức, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng và (Cố họa sỹ, nhà điêu khắc) Đỗ Toàn.
Thế đứng vươn cao của tượng đài biểu đạt tinh thần không khuất phục, ý chí đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc của biết bao thế hệ anh hùng liệt sỹ luôn kiên định. Từ 1994 đến nay, Tượng đài trở thành địa chỉ giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nơi diễn ra nghi thức dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.
“Sau khi hoàn thiện giai đoạn 2, với nội dung đầu tư, nâng cấp xung quanh Tượng đài và cảnh quan Quảng trường thành phố phía trước Tượng đài, toàn bộ công trình sẽ là Quảng trường lớn của thành phố, nơi tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng, đồng thời là điểm dừng chân cho du khách để có thể hiểu thêm và yêu quý hơn mảnh đất truyền thống, tươi đẹp này”, Chủ tịch UBND thành phố, ông Lê Trung Chinh khẳng định.
Được biết, theo phân kỳ đầu tư, phân khu 1 – giai đọan 1 có tổng diện tích xây dựng 9.594m2, ngân sách thành phố thực hiện đầu tư hơn 42,771 tỷ đồng; phân khu 2 – giai đoạn 2 sẽ được đầu tư hơn 70, 149 tỷ đồng (theo nguồn kinh phí xã hội hóa)./.
T.Ngọc