Thứ tư, Tháng mười 16, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng: Thu hồi ấn phẩm độc hại “Cõi Nhớ”

ĐNA -

(Đà Nẵng). Theo chỉ đạo của Thành ủy thành phố Đà Nẵng, đầu tháng 6 vừa qua, Nhà Xuất bản tổng hợp Đà Nẵng đã ra Quyết định số 334/QĐ- NXB về việc thu hồi cuốn sách “Cõi Nhớ” của tác giả Quế Chi – Hồ Đăng Định. Để giúp cộng động mạng hiểu rõ vì sao cuốn sách này phải được thu hồi, Tạp chí điện tử Đông Nam Á đăng tải toàn văn bài viết của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn gửi đến lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng đề nghị xem xét xử lý cuốn sách này và trách nhiệm của Ban giám đốc Nhà Xuất bản tổng hợp Đà Nẵng.

Kính gởi các đồng chí lãnh đạo TP Đà Nẵng!

Giữa tháng 12/2022, tôi (Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn) được anh em chuyển cho xem bài viết “Cõi Nhớ – một ấn phẩm có âm mưu diễn biến hoà bình” trên Tạp Chí điện tử Đông Nam Á. Cuốn sách này do tác giả Quế Chi – Hồ Đăng Định, một sĩ quan chế độ ngụy Sài Gòn đang định cư tại Mỹ là tác giả.

Nếu chỉ đọc báo thôi thì chúng ta chưa vội vàng kết luận Nhà Xuất bản Đà Nẵng đã phạm sai lầm trong việc cấp phép xuất bản tác phẩm này và cũng không vì tác giả là một sĩ quan chế độ cũ mà ta đã vội quy kết, chụp mũ … mặc dù tôi cũng rất tin độ thận trọng và trách nhiệm của Ban Biên tập Tạp Chí Đông Nam Á. Do vậy, tôi đã tìm đọc quyển sách này để xem có thực Nhà Xuất bản Đà Nẵng đã phạm sai lầm tiếp tay cho một sản phẩm mang tính chất diễn biến hoà bình như Tạp chí Đông Nam Á đã viết. Để tìm đọc, tôi có nhờ một số anh em ở Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế giúp, kể cả nhờ Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng song cũng rất khó khăn, nhưng cuối cùng tôi cũng có một bản.

Dành hẳn mấy ngày đọc, nghiền ngẫm và hôm nay tôi viết bài này để gởi đến các Cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng để các đồng chí lãnh đạo các Cơ quan đó nghiên cứu có biện pháp xử lý nghiêm túc, rút ra những kinh nghiệm tránh để một Nhà xuất bản của Nhà nước ta phạm phải những sai sót nghiêm trọng trong vấn đề biên tập , thẩm định những tác phẩm dạng như cuốn “Cõi Nhớ”.

Chiều 10/12/2022, tại Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (số 1 Phan Bội Châu, thành phố Huế) tổ chức ra mắt tập sách “Cõi Nhớ” của Hồ Đăng Định.

“Cõi Nhớ”, một cuốn sách dày, có 447 trang và 41 bài gồm cả lời thưa chuyện đầu sách của tác giả, lời giới thiệu gần giữa sách và lời bạt ở cuối sách. Đây là một cuốn sách như lời giới thiệu là hồi ức song thực chất là cuốn sách theo thể loại tạp văn chia làm ba phần, với nhiều thể loại, trong đó phần một có các chuyện kể mộc mạc về một phố thị của thành phố Huế qua các giai đoạn lịch sử kể từ năm 1946 về sau, lời kể mang đậm văn hoá Huế với những từ ngữ nếu không phải người Huế cũng không thể hiểu được, đặc biệt trí nhớ của tác giả về những con người, địa danh, địa chỉ, tên đất, tên nhà của một thời xa xưa; Phần ba gồm những bài viết của người khác nói về tác giả và tác phẩm sách Thị Tứ ngày xưa – nhớ nhớ quên quên. Nếu lược bỏ một số bài có cách nhìn sai phạm, lược bỏ nhưng sai phạm về nhận thức chính trị, về lịch sử trong một số bài … thì đây có thể là một tác phẩm có thể chấp nhận được cho những người dân xứ Huế.

Thế nhưng thật đáng trách Nhà xuất bản Đà Nẵng (NXB Đà Nẵng) đã không thẩm định, biên tập, tái bản cuốn sách “ Thượng Tứ ngày xưa – Nhớ nhớ, quên quên” theo như yêu cầu của tác giả mà đã xuất bản một tác phẩm mới “Cõi Nhớ“ với sự bổ sung những bài viết của nhiều tác giả mà trong đó có những nội dung sai phạm về chính trị và lịch sử nghiêm trọng. Điều đáng trách hơn nữa là Nhà xuất bản tổng hợp Đà Nẵng sau khi được Cơ quan quản lý (Sở Thông tin và Truyền thông) yêu cầu báo cáo giải trình về tác phẩm này, liên quan đến bài báo của Tạp chí Đông Nam Á thì đã có lời lẽ thiếu tự vấn trách nhiệm, hạn chế về ý thức chính trị, khi cho rằng “bài báo đó mang tính quy chụp, thiếu căn cứ khoa học, hoàn toàn chủ quan và có định kiến thiên lệch ….áp đặt tính chính trị nặng nề cho một tác phẩm văn học …v..v..”.

Hồ Đăng Định tặng và bán sách chưa được cấp phép phát hành trong ngày lễ ra mắt. Đây là hành vi vi phạm pháp luật

Điều đầu tiên sau khi đọc đi đọc lại nhiều lần, tôi có thể khẳng định bài viết của Tạp chí Đông Nam Á khi cho rằng, xuất bản “Cõi Nhớ” là có âm mưu diễn biến hòa bình là có cơ sở vì mấy lý do sau đây:

Một là, Tác giả đã nhiều lần khẳng định đề nghị giúp đỡ tái bản cuốn sách “Thượng Tứ ngày xưa – Nhớ nhớ quên quên“, một cuốn hồi ức “ … anh giao cho Sơn giúp anh tái bản cuốn sách ni …” (trang 441) , và như lời của Trần Đức Anh Sơn “ Trang 141 : Em sẽ giúp anh tái bản cuốn sách này …”, thế nhưng Trần Đức Anh Sơn lại đổi tên thành “Cõi Nhớ”, biến tác phẩm thuộc thể loại hồi ức thành một cuốn tạp văn với việc bổ sung thêm nhiều bài viết không được biên tập chặt chẽ để lọt quá nhiều hạt sạn gây sai phạm về chính trị và lịch sử, nếu để người đọc nhất là lớp trẻ sẽ bị hiểu sai về lịch sử, hiểu sai bản chất của hai cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành lại độc lập, tự do cho dân tộc (1945-1975). Vậy động cơ gì mà Nhà xuất bản tổng hợp Đà Nẵng lại đồng ý xuất bản một tác phẩm mới với tên gọi mới mà cho đó là tái bản, trong khi lời bạt và bài viết của tác giả đều khẳng định yêu cầu tái bản cuốn sách cũ đã được xuất bản 2013?

Hai là, nội dung cuốn sách “Cõi Nhớ”, với tầm nhìn của một sĩ quan quân đội ngụy Sài Gòn, việc Hồ Đăng Định viết và xuất bản ở Mỹ theo cách nhìn của Mỹ là chuyện bình thường vì từ trước đến nay Mỹ luôn tìm cách che dấu bản chất xâm lược Việt Nam, nhưng khi đưa sách đó về xuất bản ở Việt Nam, thì những quan điểm, cách nhìn đó đã đi ngược lịch sử và quan điểm của dân tộc, của Đảng ta. Thể hiện trên mấy vấn đề sau :

Qua cuốn sách đã cố tình xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta, biến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thành chiến tranh Việt – Pháp, biến cuộc kháng chiến chống Mỹ thành nội chiến (Tr9 :  Khi cuộc chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ ; Tr 110 : Bom đạn chiến tranh Việt – Pháp ; Tr 131 : Cuộc chiến tranh Việt – Pháp kéo dài nhiều năm … đã tiêu phí không biết bao nhiêu sinh mạng thanh niên và lương dân vô tội , đồng thời xua đuổi những người may mắn còn sống sót ra khỏi thôn xóm thân yêu, trù phú của họ trên mọi mền đất nước) với cách nhìn này gián tiếp quy tội cho Đảng ta gây ra cuộc chiến tranh và gây ra bao cảnh tương tàn trong kháng chiến chống Pháp. Thừa nhận Bảo Đại, một tên vua bù nhìn là Quốc trưởng, khi được Pháp đưa về thành lập cái chính phủ tay sai Quốc gia Việt Nam (Tr 108 : Đức Quốc trưởng Bảo Đại …Hoàng thượng mà tôi có duyên cầm cờ đi đón khi Ngài hồi Loan năm 1949 “bài Bà con lối xóm , ca kê dê ngỗng “…). Với Mỹ vẫn giọng điệu cũ, là quân đội đồng minh giúp chế độ tay sai Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ thế giới tự do (Tr 331- các đơn vị quân đội đồng minh Hoa Kỳ “ bài Tướng Toàn và tôi “…), như vậy Mỹ đâu phải đi xâm lược Việt Nam? Với ý đồ rửa tội cho Mỹ rất rõ khi không dùng cụm từ Quân giải phóng miền Nam mà dùng cụm từ quân đội miền Bắc (Tr 332- cuộc tấn công đồng loạt và dữ dội của quân đội miền Bắc … đã dồn quân đội miền Nam vào một tình thế bị động lúng túng. Hay như ở Tr 335- đã giải vây thành phố Kon Tum và giữ được Pleiku khỏi áp lực nặng nề của quân đội Bắc Việt “ bài Tướng Toàn và tôi “…), rõ ràng ý nói đây là cuộc chiến giữa miền Bắc Cộng sản với “miền Nam tự do “. Do đó, khi nói đến sự kiện ngày 30/4/1975, ngày giải phóng miền Nam, tác giả đã thể hiện với lời lẽ đau buồn (Tr 36- cho đến ngày miền Nam “ sập tiệm” thì ba tôi và công ty cũng “sập tiệm“ luôn “bài Tiệm ăn Lạc Thành – Lời Mạ tôi dặn “, hay như ở Tr 181- cho đến ngày miền Nam sụp đổ thì tiệm ăn Lạc Thành cũng sập tiệm theo luôn “bài Đi kéo ghế ở Huế …”; Tr 245- nhưng rồi sau biến cố tháng 4, đất nước đổi thay, tôi và Hà cùng các bạn đồng đội trên toàn miền Nam đi trình diện để đi tù cải tạo 6,7 năm sau mới lục tục trở về “bài Vài kỷ niệm rời với Trịnh Công Sơn “…). Rõ ràng, lời văn trong sách đã thể hiện cách nhìn sai lệch mang nặng tư tưởng của chế độ ngụy trước đây, cố tình không nhìn rõ sự thật của đất nước và dân tộc.

Bản thân tác giả và một số người tham gia viết bài trong “Cõi Nhớ” vẫn mang nặng hận thù cách mạng, không nhìn nhận sự thật họ chỉ là những kẻ lầm đường, lạc lối làm tay sai cho Pháp, rồi làm tay sai cho Mỹ, đáng lẽ phải đưa ra xét xử trước Toà án tội phạm chiến tranh; qua lời văn họ vẫn tự hào mình là những người lính “Việt Nam cộng hoà”, chiến đấu dũng cảm, anh hùng, và cái chết của họ là sự hy sinh vì nước (Tr 304- cựu sĩ quan quân đội VNCH, …Tr 307- cố trung tướng Nguyễn Văn Toàn của quân đội VNCH… Tr 306- khi nói về Toàn đi lính cho Pháp với giọng tự hào  thích sống đời quân ngũ, thông minh và gan dạ … Tr 319- những quân nhân, đại diện là những tướng lĩnh …họ cũng rất thông minh, rất hiền hoà và đối xử với nhau cũng rất cao thượng, lịch sự, rất thấu tình đạt lý … Tr 338 – thì thằng lính nào dám hy sinh “ bài Tướng Toàn và tôi”… Tr 435- Đòn thù hận dập vùi cay đắng vị, cuộc tang thương đất nước thấm ngậm ngùi. Sau tù tội, lê thân tàn lang bạt …. Xưa hào hùng mang giày xô áo trận, rừng cao nguyên in dấu vết ngang tàng … Như giấc mộng hào hùng ngày tháng đó, nỗi đau này còn rước máu  mấy phôi pha ….  Nỗi đau xưa lại rước máu trong hồn … “bài Cuối đường chinh chiến “.  Tr 420 – tại sao những thương phế binh anh hùng và bất hạnh phải sống cơ cực và khốn cùng đến thế? …họ đang sống những ngày cuối cùng trong tủi nhục… Tr 423-424- anh (tức Định) kêu gọi bà con, xin thức tỉnh và đoái hoài đến những người đã hy sinh tính mạng hay một phần thân thể trong cuộc chiến vừa qua  ”bài Nước mắt đàn ông“). Hồ Đăng Định  đã gọi ta là địch (chỉ riêng điều này Nhà xuất bản tổng hợp Đà Nẵng đã đứng về phía bọn chống chế độ mới cho xuất bản một cuốn sách gọi Quân giải phóng miền Nam là địch – đủ để xử lý trách nhiệm rồi), là Cộng sản với lời lẽ cái gì xấu là thuộc về Cộng sản ( Tr 328- thăm các đơn vị Tùng thiết đang đụng địch trong rừng …Tr330- tình hình địch và bạn… Hàng ngày nơi đóng quân của các đơn vị bạn và các hoạt động của các đơn vị địch đều phải được báo cáo …Tr 289- …không đồng quan điểm với ta là Cộng sản, không đi chung con đường ta đi là Cộng sản …không hợp ý ta là Cộng sản …   Tr 290 – Nhà báo này tố nhà báo kia ăn tiền Cộng sản; ông tiến sĩ này tố ông tiến sĩ nọ có liên lạc với đại sứ Việt Nam cộng sản; tiệm phở này, tiệm phở kia là ổ kinh tài của cộng sản ở nước ngoài … “bài Xin được gọi nhau là chúng ta “).

Qua “Cõi Nhớ” đã bộc lộ tư tưởng chống chế độ, chống đất nước, kêu gọi đoàn kết thống nhất những người cựu tù chính trị, để làm thay đổi đất nước : (Tr 277- khi có những cựu tù chính trị sang miền đất hứa này … Đã mang lại cho cộng đồng một sinh khí mới …hào hùng, sôi nỗi, có lập trường dứt khoát, có tính chiến đấu cao …. Tr 281- chúng ta là một sức mạnh đáng kể, có quyết tâm cao, có lập trường rõ rệt, sẽ có nhiều đóng góp cho cộng đồng, cho đất nước….  Tr 282- Chuyện dài HO của chúng ta sẽ là một thiên tiểu thuyết hay ho, đầy những bản hùng ca … bài Tản mạn về chuyện dài HO “. Hay như trong bài Xin được gọi nhau là chúng ta:  Tr 283- Anh người di tản …giả từ quê hương …ngày cuối tháng 4. Chị người thuyền nhân Dũng cảm …ước mơ tìm thấy tương lai cho con cái. Bạn, kẻ may mắn hơn ra đi trong trật tự … Tôi người tù nhân bất hạnh,…cuối cùng cũng đến được miền đất mới …. Tr 284 …chúng ta có những cái chung rất lớn. Chung cội nguồn dân tộc, chung khát vọng tự do và có lẽ cùng chung niềm mơ ước hẹn một ngày về … Vậy xin được gọi nhau là: Chúng ta … Tr 286- Thế nhưng khối người Việt hải ngoại chưa có một sức mạnh tương xứng và chưa được người khác nể vì. Vì sao?  Vì chúng ta chia rẽ, vì chúng ta không có lãnh tụ tài ba và đạo đức, có đủ uy tín để làm được những điều có ích cho đất nước.  Vì đại đa số chúng ta quá thầm lặng, quá thụ động, thờ ơ với đại cuộc …) Hồ Đăng Định đã xác định, chúng ta là tất cả những kẻ đã bỏ nước ra đi đến miền đất hứa, đến với đất nước tự do. (Tr 414- vươn vai hít thở dài và sâu, đầy khoản khoái khi Định ta thoát cũi, sổ lồng đặt chân đến đất nước tự do Hoa Kỳ năm 1991 …. Tr 416- Quế Chi đã viết, bởi đó là tâm tình, là thao thức của người lính bại trận, tức tưởi trong bao năm sống trong tù đày, bị đè nén, áp bức, bị coi thường … như một nhà chính luận sâu sắc …”bài Về Quế Chi “. Tr 287 Họ than phiền rằng, những tưởng anh em HO mới qua nhiều nhiệt huyết, có chung màu xanh áo lính, màu lam áo tù, thì sẽ đoàn kết hơn, kiên quyết hơn, làm được nhiều việc ích quốc lợi dân hơn…. Tr 289- ra đi gặp lại bạn bè, nhắc lại thời còn lon lá oai phong, kể cho nhau nghe những chiến công hiển hách …trên chiến trường. “bài Xin được gọi nhau là chúng ta “.). Và Hỗ Đăng Định đã dùng một đoạn trong bài thơ Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi của Du Tử Lê, một sĩ quan nhà báo ngụy nỗi tiếng chống Cách mạng và bị ta xử án tử hình vắng mặt đầu năm 1975. ( Tr 289-  Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi, Có một chút gì nghe rất thốn đau, Hẹn bay về chết trong tay Mẹ, Tổ quốc nghìn năm bỏ được sao ? “Bài Xin được gọi nhau là Chúng ta “.)   Rõ ràng tác giả đã ngầm kêu gọi đoàn kết để trở về chống phá đất nước.

Ba là, qua “Cõi Nhớ”, tác giả và Trần Đức Anh Sơn đã thể hiện khá rõ trong đó những tư tưởng ca ngợi chế độ cũ, nhớ về một thời hào hùng, chiến trận, ngấm ngầm đảo ngược lịch sử, không thừa nhận chế độ nguỵ Việt Nam Cộng Hòa là chế độ tay sai cho Mỹ xâm lược Việt Nam, biến Mỹ thành đồng minh và miền Bắc xâm lược miền Nam, vận động đoàn kết thống nhất trong lực lượng người Việt ở nước ngoài, nhất là “những quân, cán, chính Việt Nam cộng hoà …Tr 287-“  nhăm quay về đất nước để làm đổi thay chế độ.

Hồ Đăng Định (Ngoài cùng bên phải) và khách mời

Từ những phân tích trên có thể khẳng định trước đây Nhà xuất bản Thuận Hoá cấp phép cho Thượng Tứ ngày xưa – nhớ nhớ quên quên cũng đã để lọt “những hạt cát vào trong tác phẩm”, thì nay trong nội dung cuốn “Cõi Nhớ”, Nhà xuất bản Đà Nẵng không chỉ để lọt “nhiều hạt sạn mà còn nhiễm độc dược vào trong món ăn tinh thần”.

Văn học thường dễ lợi dụng tính hai mặt, riêng “Cõi Nhớ” không hiểu vì sao khâu thẩm định, biên tập lại để lọt một tác phẩm có hại mà xét rộng ra cái lợi thì chẳng có bao nhiêu song cái hại thì khá rõ ràng, thế nhưng lãnh đạo Nhà xuất bản tổng hợp Đà Nẵng đã cấp phép lại không thể nhìn ra. Một câu hỏi mong các vị lãnh đạo Nhà xuất bản tổng hợp Đà Nẵng trả lời trước công luận; và kính mong các cấp lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cần quan tâm xử lý kịp thời.

Viết thêm: Rất mừng là các đồng chí lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã có quan điểm rõ ràng và chỉ đạo xử lý đúng đắn. Dù rằng, 600 ấn phẩm độc hại trên đã được Hồ Đăng Định và Trần Đức Anh Sơn tung ra xã hội khó có khả năng thu hồi.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn.

Cơ quan chức năng phạt, thu hồi ấn phẩm độc hại” Cõi nhớ”.
Vào tháng 12/2022, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế có văn số: 1563/CV-CAT-PA03 và Sở Thông tin và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế có công văn số: 58/STTTT-TTBCXB gửi Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng về việc liên quan và xem xét xử lý đối với ấn phẩm “Cõi nhớ” của tác giả Quế Chi – Hồ Đăng Định.

Sau khi Thành ủy thành phố Đà Nẵng chỉ đạo xử lý. Ngày 2/6/2023, Cty TNHH MTV Nhà xuất bản tổng hợp Đà Nẵng đã ra quyết định số: 334/QĐ-NXBĐan thu hồi xuất bản ấn phẩm “Cõi nhớ” .

Ngày 15/6/2023, Cục Xuất bản, In và Phát hành có công văn số: 717/CXIPH-QLXB đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố phối hợp kiểm tra, rà soát việc thu hồi ấn phẩm “Cõi nhớ”

Ngày 22/6/2023, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng ban hành Công văn số: 1474/STTTT-TTBCXB đề nghị UBND các quận, huyện và các cơ sở phát hành trên địa bàn thành phố phối hợp kiểm tra, rà soát và thu hồi ấn phẩm “Cõi nhớ” nếu phát hiện và giao ấn phẩm cho Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng xử lý theo quy định.

Ngày 28/7/2023, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính sồ: 72/QĐ-XPHC đối với Cty TNHH MTV Nhà xuất bản tổng hợp Đà Nẵng về hành vi xuất bản ấn phẩm “Cõi Nhớ” có nội dung sai sự thật nghiêm trọng, quy định tại điểm b, khoản 2, điều 24, Nghị định 119/2020/NĐCP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc thu hồi 600 ấn phẩm “Cõi nhớ” do Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Văn hóa Cửu Đức là đối tác liên kết xuất bản với Cty TNHH MTV Nhà xuất bản tổng hợp Đà Nẵng đã phát hành.

Ban Biên tập