Hướng tới xây dựng một thành phố sinh thái, có nền kinh tế tuần hoàn, liên quan đến hoạt động sản xuất, dịch vụ; đề án xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường (giai đoạn 2021 – 2030), đề cập đến mục tiêu “giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp, thương mại, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trên địa bàn”.
Đề án cũng hướng đến hình thành các “Khu công nghiệp sinh thái”, khuyến khích thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn, 100% doanh nghiệp hoạt động trong các Khu công nghiệp, chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường.
Các chủ trương và mục tiêu trên của Đà Nẵng “đồng nhịp” với Thông tư số 25/2020/TT-BCT (ban hành ngày 29/9/2020 của Bộ Công Thương), liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hành kiểm toán năng lượng.
Theo Thông tư này, đối tượng chịu tác động chính là những đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm (để sản xuất) có mức tiêu thụ năng lượng trên 1000TOE (tương đương 3 triệu kwh), các tòa nhà, khách sạn, resort … tiêu thụ năng lượng trên 500TOE.
Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng), toàn thành phố Đà Nẵng hiện có 52 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm. Với chức năng nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã và đang cung ứng dịch vụ về tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện môi trường; bên cạnh đó, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện báo cáo kiểm toán năng lượng (năm 2022 Trung tâm đã triển khai kiểm toán năng lượng cho 4 doanh nghiệp sản xuất và hỗ trợ thực hiện một giải pháp tiết kiệm năng lượng tại CTCP Xi măng Vicem Hải Vân).
“Hoạt động kiểm toán năng lượng và hệ thống quản lý năng lượng – giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các doanh nghiệp sản xuất“ cũng là chủ đề phiên hội thảo do Trung tâm tổ chức vừa diễn ra (sáng ngày 3011/2022), thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp.
Duy trì và làm mới chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ
Một số giải pháp rất thiết thực đã được đưa ra, nhằm hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong hoạt động công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng, là “triển khai hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lựa chọn các công nghệ hiện đại và thân thiện môi trường, thay đổi các thiết bị lạc hậu tốn nhiều năng lượng và thải nhiều khí thải để đầu tư các dây chuyền, máy móc hiện đại hơn”.
Theo ThS. Đinh Hữu Tuyến – Phòng Quản lý Công nghệ – Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, chủ trương nhất quán của UBND thành phố là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Với đối tượng doanh nghiệp thụ hưởng khá rộng (chỉ trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), bao gồm lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và thương mại, kể cả hợp tác xã, có hoạt động nghiên cứu tạo công nghệ, chuyển giao công nghệ, thực hiện đổi mới, cải tiến công nghệ.
Chính sách hỗ trợ cũng hướng đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn có hoạt động nghiên cứu tạo công nghệ, nghiên cứu công nghệ tạo sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao; giải mã công nghệ, triển khai ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, cải tiến công nghệ thực hiện chuyển giao cho các doanh nghiệp hoặc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, kết quả giải mã công nghệ; ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ.
“Mức hỗ trợ cho một doanh nghiệp mua công nghệ, giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ, thiết kế kỹ thuật, bí quyết công nghệ lên đến 70% giá trị hợp đồng mua (công nghệ độc lập được chuyển giao), tối đa là 3 tỷ đồng/doanh nghiệp/năm và không giới hạn số dự án hỗ trợ. Tương tự, cũng hỗ trợ đến 70% cho chi phí thực hiện nghiên cứu tạo công nghệ; ươm tạo công nghệ; giải mã công nghệ; thiết kế chế tạo thiết bị có hàm chứa công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ cao; cải tiến công nghệ; đổi mới quy trình công nghệ sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, tiết kiệm năng lượng và hiệu quả” – ThS. Đinh Hữu Tuyến cho biết.
Được biết, theo Quyết định số 3836/QĐ-UBND của UBNDTP ngày 29/11/2021 và Nghị quyết số 62/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND TP, Đà Nẵng cũng khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động tạo ra và xác lập tài sản trí tuệ, thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong nước được cụ thể hóa với mức 30 triệu đồng/ sáng chế, giống cây trồng mới (đã có quyết định chấp nhận hợp lệ) và 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu. Trong trường hợp đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, mức hỗ trợ là 60 triệu đồng/sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, giống cây trồng mới (khi đề nghị bảo hộ đã được chấp nhận hợp lệ).
Đại diện Phòng Quản lý Công nghệ – Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng cũng chia sẻ thêm, “một số nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ dành cho tổ chức, doanh nghiệp, vẫn được chúng tôi theo dõi, nắm bắt tình hình và tiếp tục tham mưu chính quyền thành phố tiếp tục hỗ trợ theo hướng có lợi hơn cho những doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu tạo công nghệ, chuyển giao công nghệ, thực hiện đổi mới, cải tiến công nghệ, hoặc nghiên cứu công nghệ tạo sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao; giải mã công nghệ, triển khai ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến hơn”.
Giúp doanh nghiệp chủ dộng xác định đúng giá trị định mức tiêu hao năng lượng
Cũng theo Thông tư số 25/2020/TT-BCT (ban hành ngày 29/9/2020 của Bộ Công Thương), doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm phải thực hiện báo cáo kiểm toán năng lượng 3 năm/1 lần và khuyến khích xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001.
Với 2 yêu cầu này, việc xác định đúng phương pháp và giá trị định mức tiêu hao năng lượng là rất quan trọng và có nhiều ý nghĩa với chính doanh nghiệp. Trong phiên hội thảo ngày 30/11/2022, TS. Đoàn Anh Tuấn – Chuyên gia đến từ Đại học Đà Nẵng, đã chia sẻ một số giải pháp tiết kiệm năng lượng chính, cũng như giới thiệu định mức và phương pháp tính suất tiêu hao năng lượng trong ngành sản xuất bia nước giải khát, thép, giấy, thép, nhựa,…; và Thạc sỹ Phạm Phú Thanh Sơn (Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng), đã truyền đạt một số lưu ý trong thông tư 25/2020/TT-BCT liên quan đến yêu cầu thực hiện kiểm toán năng lượng và hệ thống quản lý năng lượng. Hướng dẫn sử dụng phương pháp hồi quy để xác định các SEUs, EnPI, EnB, …trong quá trình xây dựng hệ thống quản lý năng lượng.
“Với những nỗ lực trong cung cấp và chia sẻ thông tin về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, sử dụng năng lượng hiệu quả; cũng như đi sâu vào các yêu cầu của kiểm toán năng lượng và hệ thống quản lý năng lượng; giới thiệu những giải pháp tiết kiệm năng lượng chính cho một số ngành, … Chúng tôi hy vọng, mỗi doanh nghiệp, mỗi đơn vị sẽ xem xét, đối chiếu lại, hiện trạng sử dụng năng lượng của chính mình. Từ đó, định hướng triển khai các giải pháp tiết kiệm nhằm tối ưu quá trình sử dụng năng lượng tại đơn vị, doanh nghiệp mình, có biện pháp tối ưu chi phí năng lượng tốt nhất, nhờ đó giảm được chi phí sản xuất và tăng giá trị sản xuất”, Thạc sỹ Dương Hoàng Văn Bản – Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Đà Nẵng chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo Sở Khoa học – Công nghệ Đà Nẵng, hơn 10 năm về trước, khi Luật số 50/2010/QH12 về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội thông qua. Rất nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn cho biết, họ rất ngỡ ngàng, không hiểu gì hết khi nghe từ “Kiểm toán năng lượng”.
Đến khi các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị tư vấn bắt đầu chuỗi hoạt động hỗ trợ (trong thực hiện kiểm toán năng lượng), đã dần tạo tính chủ động cho nhiều doanh nghiệp. Và đến nay, do nhận thấy những lợi ích mang lại rất rõ, doanh nghiệp đã và đang thực hiện rất nghiêm túc về tiết kiệm năng lượng. Hoạt động thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đã chuyển sang trạng thái mới có tính hệ thống hơn. Đây sẽ là nền tảng quan trọng, tiến đến xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 đối với doanh nghiệp trọng điểm,.
Rõ ràng, trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay, vấn đề sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng càng lúc, càng được đơn vị cung ứng dịch vụ, lẫn doanh nghiệp sản xuất đặc biệt quan tâm.
“Với kinh nghiệm kiểm toán năng lượng tại doanh nghiệp, chúng tôi xin khẳng định, khi chúng ta xác định đúng suất tiêu hao năng lượng thì điều đó vô cùng có ý nghĩa đối với mỗi doanh nghiệp, mỗi đơn vị. Dữ liệu chính là cơ sở đối chứng về hiệu quả sử dụng năng lượng giữa các tháng hay giữa các năm, giữa các doanh nghiệp trong một thành phố, giữa các thành phố trên cả nước với nhau và cả với các nước trong khu vực.
Tại Đà Nẵng, một số doanh nghiệp đã thu hoạch được hiệu quả sử dụng năng lượng rất tốt, nhờ xác định được các cơ hội tiết kiệm năng lượng tiềm năng, kết quả này có thể so sánh với nhà máy của doanh nghiệp khác cùng ngành trong khu vực. Và đến nay, tỷ lệ thực báo cáo kiểm toán năng lượng của các doanh nghiệp trọng điểm tại Đà Nẵng đã đạt tầm 80%. Đây là dấu hiệu rất đáng mừng, bởi các ngành sản xuất và dịch vụ, cũng đã thiết thực chung tay cho sự thành công của đề án xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường”, Thạc sỹ Phạm Phú Thanh Sơn phân tích./.
T.Ngọc