Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng, trích ngân sách, hỗ trợ gần 9 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng

ĐNA -

Trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (năm 2023), ngày 16/5/2023, đã diễn ra hội thảo khoa học “Khoa học và Công nghệ – Giải pháp tiết kiệm năng lượng – Hướng tới phát triển bền vững”, do Trung tâm tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng) chủ trì tổ chức.

Chủ tịch UBND thành phố, ông Lê Trung Chinh ((bìa trái ảnh) và Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng (bìa phải ảnh) trao kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ (năm 2021). Ảnh: Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng.

Hội thảo cũng hướng đến các mục tiêu, như nâng cao nhận thức và văn hóa đổi mới sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, tạo nên động lực tăng trưởng mới cho kinh tế, xã hội. Hội thảo cũng giới thiệu chi tiết, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn (của UBND thành phố). Đặc biệt, nỗ lực kết nối cung cầu giữa các đơn vị cung ứng giải pháp, thông qua không gian giới thiệu công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng; giải pháp – công nghệ, thiết bị nâng cao hiệu suất sản xuất trong doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, là các hoạt động hỗ trợ trong năm 2023 mà Đà Nẵng (đã và) đang triển khai trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.

“Chúng tôi kỳ vọng hội thảo cũng là cơ hội vừa chia sẻ thông tin, vừa kết nối giữa 3 bên (Cơ quan  quản lý nhà nước – Doanh nghiệp sản xuất – Đơn vị cung ứng thiết bị giải pháp tiết kiệm năng lượng). Khi doanh nghiệp sản xuất tiếp cận được nhiều kênh thông tin đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, sử dụng năng lượng hiệu quả, chắc chăn doanh nghiệp sẽ nghĩ đến kịch bản và giải pháp tiết kiệm năng lượng, cũng  như cải thiện năng lực cạnh tranh của chính mình.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức công bố giá bán điện bình quân (tính từ ngày 4/5/2023), sẽ tăng từ 1.864,44 đồng lên 1.920,37 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng tăng 3%. Với quyết định này, giá điện bán lẻ bình quân đã được điều chỉnh tăng sau 4 năm bị kìm giữ (kể từ tháng 03/2019). Với việc tăng giá bán lẻ điện, một số chuyên gia nhận định, nhiều ngành sản xuất (bao gồm xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy), vốn sử dụng nhiều điện, có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực. Trong đó, chủ yếu là tác động từ giá nguyên vật liệu, giá vốn của sản phẩm làm ra. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Để hạn chế tối đa ảnh hưởng của việc này, ngoài tăng cường tối đa các giải pháp quản trị doanh nghiệp, ưu tiên đổi mới công nghệ nhằm tối ưu dây chuyền sản xuất; doanh nghiệp cũng rất cần xem xét lại, rà soát lại, tiến hành đo đạc và đánh giá lại thực trạng sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu và lắng nghe ý kiến tham vấn, hiến kế của giới chuyên gia. Câu chuyện cốt lõi là ảm bảo việc sử dụng năng lượng hiệu quả nhất có thể, càng giảm tổn thất, giảm tiêu thụ, theo hướng càng thấp càng tốt”, ông Dương Hoàng Văn Bản, Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ thành phố Đà Nẵng chia sẻ.

Ông Dương Hoàng Văn Bản, Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ thành phố Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc

Tiết kiệm năng lượng – Hướng tới phát triển bền vững, góc nhìn từ đổi mới sáng tạo, tăng hàm lượng sở hữu trí tuệ trên sản phẩm
Theo Thạc sỹ Đinh Hữu Tuyến (Phòng Quản lý công nghệ – Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng), từ năm 2016, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đăng ký sở hữu trí tuệ, kể cả hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Nhiều cơ hội tiếp cận chính sách (hỗ trợ tiết kiệm năng lượng) cũng đã mở ra hướng đi tích cực cho doanh nghiệp, trên nhiều mặt.

Đơn cử trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ (Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 8/11/2016 và quyết định số 26/2019/QĐ-UBND ngày 16/5/2019), đối tượng được xem xét hỗ trợ khá rộng (bao gồm doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ và thương mại trên địa bàn, kể cả mô hình doanh nghiệp hợp tác xã; doanh nghiệp tổ chức thực hiện ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ), có hoạt động nghiên cứu tạo công nghệ, chuyển giao công nghệ, thực hiện đổi mới, cải tiến công nghệ.

Tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố, có hoạt động nghiên cứu tạo công nghệ, hay nghiên cứu công nghệ tạo sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao; giải mã công nghệ, triển khai ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, cải tiến công nghệ thực hiện chuyển giao cho các doanh nghiệp hoặc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, kết quả giải mã công nghệ. Trong đó, ưu tiên xem xét , doanh nghiệp, tham gia sản xuất sản phẩm chủ lực của thành phố; sản xuất hàng xuất khẩu, các mặt hàng thuộc các lĩnh vực được thành phố ưu tiên phát triển; Doanh nghiệp đã đạt Giải thưởng chất lượng Việt Nam (Tôn vinh doanh nghiệp đi đầu về năng suất chất lượng), đồng thời thực hiện tốt các hoạt động xã hội; hoặc doanh nghiệp có hoạt động chuyển giao công nghệ thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của Chính phủ, …

Đặc biệt, thành phố còn có chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ (độc lập), với mức hỗ trợ đến 70% giá trị hợp đồng mua công nghệ, giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ, thiết kế kỹ thuật, bí quyết công nghệ. Theo quy định, sẽ không giới hạn số dự án hỗ trợ (trên địa bàn) và mức hỗ trợ tối đa, có thể lên đến 3 tỷ đồng/doanh nghiệp/năm.  3 tỷ đồng cũng là mức hỗ trợ tối đa, giúp doanh nghiệp mua thiết bị công nghệ có hàm chứa công nghệ, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Thạc sỹ Đinh Hữu Tuyến (Phòng Quản lý công nghệ – Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng). Ảnh: T.Ngọc

Tính từ năm 2017 đến 2023, ngân sách thành phố đã hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng cho 63 dự án (được đề xuất từ chính doanh nghiệp, là đối tượng được hỗ trợ). “Trong đó, có các dự án nghiên cứu chế tạo thiết bị công nghệ, hay đầu tư lắp đặt máy móc thiết bị doanh nghiệp. Quy trình và sản phẩm nhận được hỗ trợ đã thực sự nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hầu hết đều góp phần tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chi phí sản xuất cho doanh nghiệp”,  Thạc sỹ Đinh Hữu Tuyến, nhấn mạnh.

Một số doanh nghiệp đã nhận hỗ trợ (từ chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ) điển hình như: CTCP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, CTCP Điện Trường Giang, CTCP Công nghệ QCM, Công ty TNHH Châu Đà, CTCP Kỹ thuật Điện Tuấn Huy, CTCP Công nghệ Đức Huy, CTCP Kim Cương Kính, CTCP Nhôm kính Nam Ân, Công ty TNHH SX&TM Minh Thịnh Lợi, Công ty TNHH SX&TM Toàn Gia Phú. Gần đây nhất, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành hỗ trợ (670 triệu đồng), chi phí mua thiết bị phục vụ đổi mới công nghệ cho dự án “Hệ thống cân hóa chất tự động“ của CTCP Cao su Đà Nẵng.

 Ngoài ra, Nghị quyết 62/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố còn quyết định, dành một phần ngân sách sự nghiệp khoa học công ghệ thành phố để hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ. Đây cũng là chính sách thiết thực khuyến khích đổi mới sáng tạo, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Trong đó, bao gồm hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong nước (Sáng chế, giống cây trồng mới: 30 triệu đồng/đơn (đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ); Kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu: hỗ trợ 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ). Hỗ trợ đăng ký bảo hộ ở nước ngoài (Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, giống cây trồng mới: 60 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ, …)

“Các dự án nghiên cứu chế tạo thiết bị công nghệ, hay đầu tư lắp đặt máy móc thiết bị doanh nghiệp, kể cả quy trình và sản phẩm nhận được hỗ trợ, đã thực sự nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, và hầu hết đều góp phần tiết kiệm năng lượng rõ nét, giảm thiểu chi phí sản xuất cho doanh nghiệp”,  Thạc sỹ Đinh Hữu Tuyến, nhấn mạnh.

Lãnh đạo thành phố và Sở Khoa học Công nghệ trao kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Ảnh: Sở Khoa học công nghệ thành phố Đà Nẵng.

Trân trọng giải pháp đến từ doanh nghiệp Việt
Được biết trong năm nay, ngân sách thành phố cũng sẽ đầu tư, triển khai hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ, thương mại thực hiện mô hình quản lý năng lượng ; đánh giá trình độ công nghệ, xây dựng đường cơ sở tiêu thụ năng lượng đối với ngành dệt may tại thành phố Đà Nẵng; xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát điện năng tại các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến giấy; Đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng và đề xuất giải pháp tiết kiệm cho lò hơi tại các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Áp dụng năng lượng mặt trời trong chiếu sáng công cộng.

Đại diện Sở Thương thành phố Đà Nẵng, giới thiệu nhiều thông tin do Mạng lưới tiết kiệm điện Việt Nam, VESN, công bố.Ảnh: T.Ngọc

Trước đó, tại thành phố Đà Nẵng, hưởng ứng chủ trương thực hiện chương trình quốc gia (sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020-2030) ; hay kế hoạch (số 150/KH-UBND ngày 06/8/2021), tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn; thành phố Đà Nẵng đã có khoảng 80 doanh nghiệp ký kết, tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải tự nguyện . Công ty (TNHH MTV) Điện lực Đà Nẵng cho hay, trong các năm qua, thành phố đã tiết kiệm được tối thiểu 2% điện thương phẩm.

Theo đại diện Sở Thương thành phố Đà Nẵng (và chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả; Mạng lưới tiết kiệm điện Việt Nam, VESN), trong khi  gần như không thể lưu trữ (điện năng), cho dù với chi phí thấp (do vậy cung – cầu về Điện luôn cân bằng), thì dư địa sử dụng năng lượng, điện hiệu quả tiết kiệm, thực tế vẫn còn rất nhiều. Thay đổi nhận thức của chính người sử dụng, phải là là giải pháp cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Đã đến lúc cần (truyền thông) cho cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, phải xem điện là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp rất mạnh đến đời sống và kinh tế  củamọi đối tượng, rộng hơn là tác động đến nhiều ngành nghề kinh tế (do vậy, luôn phụ huộc vào điện). Điện không còn là mặt hàng bao cấp, điện là tài nguyên, một tài nguyên như các dạng năng lượng sơ cấp khác. Tinh thần “Tiết kiệm điện mọi lúc, mọi nơi và với mọi đối tượng” phải ưu tiên được truyền thông liên tục và đa dạng.

Doanh nghiệp rất quan tâm đến chuỗi giải pháp tiết kiệm điện năng, nhà thông minh, chiếu sáng đô thị thông minh. Ảnh: T.Ngọc

Một điểm sáng nữa, mở ra xu thế sử dụng công nghệ, giải pháp tiết kiệm bền vững. Đó là, cácdoanh nghiệp Việt Nam, đã phát triển thành công chuỗi giải pháp cho vấn đề tiết kiệm năng lượng, từ nhà xưởng – công nghiệp, đến văn phòng công sở, học đường, bệnh viện, hệ thống các di tích, điểm đến (giải pháp chiếu sáng cảnh quan, tôn vinh và trân trọng nét đẹp của di tích bằng công nghệ xanh). Kể cả giải pháp chiếu sáng thông minh cho đường phố về đêm, bảo đảm các hoạt động kinh tế đêm diễn ra bình thường nhưng không tiêu tốn quá nhiều năng lượng. CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, và Tổng CTCP Công trình Viettel (VCC) đã chia sẻ nhiều giải pháp của doanh nghiệp Việt, giúp người dân, đến tổ chức, cơ quan, … thực hành thiết kiệm năng lượng hiệu quả./.

Trần Ngọc