Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng: Triển lãm nghệ thuật VƯƠN KHƠI – Tổ quốc tôi, nhìn từ biển khơi

ĐNA -

Cận cảnh là những xóm làng vạn chài duyên hải, nơi biết bao thế hệ truyền nghề đi khơi. Dấu ghe thuyền ngư dân Việt đến đâu, chủ quyền Tổ quốc ta vươn đến đó … Cận cảnh là những mái đình làng biển, nơi bao đời tôn trọng những tập tục, gìn giữ chữ Thiêng – chữ Kính. Và những ngư dân làng chài đã răn bảo nhau phải giữ nghề, giữ cốt cách của con người vạn chài sống bên mái đình lộng gió biển. Tổ quốc tôi, nhìn từ biển khơi là bản sắc văn hóa những làng chài bản địa. Mỗi trang viết, mỗi câu chuyện góp phần thành hình bản sắc Việt – nhân cách Việt …   

Sức thu hút của triển lãm ngay từ phiên khai mạc. Ảnh trong bài: Trần Ngọc.

Triển lãm nghệ thuật “VƯƠN KHƠI” vừa khai mạc sáng ngày 20/5/2022 tại Bảo tàng Đà Nẵng là triển lãm rất đặc biệt. Lần đầu tiên, giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và những nét kiến trúc đặc trưng của làng chài tại thành phố Đà Nẵng, được tái hiện, lan tỏa.

“Trước hết, những tư liệu, thông tin, những câu chuyện làng chài được chính người dân các làng nghề chài nhớ và kể lại. Với sự hỗ trợ và hướng dẫn của các giảng viên, các bạn sinh viên trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã trực tiếp về các làng chài, thực hiện thu thập, ghi âm, ghi chép, chụp ảnh và chính các em viết lại kể lại vẽ lại những điều đó. 

Đây là sản phẩm của chính các em sinh viên, nói cách khác, chính các bạn trẻ đã thực hiện công việc giữ gìn, lan tỏa và bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa cũng như những nét kiến trúc đặc trưng của các làng chài tại thành phố Đà Nẵng, các tỉnh duyên hải miền Trung.

Thật xúc động và tự hào, khi chính các bạn trẻ thiết thực góp phần phát huy giá trị văn hóa cộng đồng, văn hóa xưa cũ được lưu giữ trong nghề biển và các làng chài” – TS. Lê Công Toàn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng nhấn mạnh.

Triển lãm Vươn khơi là thành quả trong khuôn khổ dự án Knowledge in Action for Urban Equality (KNOW): Nghiên cứu về các làng chài ven biển thành phố Đà Nẵng, được thực hiện trong thời gian 3 năm, từ năm 2019 đến năm 2021. Sản phẩm trưng bày tại triển lãm cũng chính là sản phẩm hơn 300 sinh viên, giảng viên đến từ các Khoa Kiến trúc, Ngoại ngữ… và các bạn tình nguyện viên đến từ Trung tâm học tập gắn kết cộng đồng và Phòng Hợp tác quốc tế – Truyển thông (Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng- CELC-DAU), dự án đã nhận được sự hỗ trợ quý báu từ University College London và Tổ chức Liên minh Nhà ở Châu Á (ACHR).

Triển lãm nghệ thuật “Vươn khơi” (do Bảo tàng Đà Nẵng – Đại học Kiến trúc Đà Nẵng phối hợp thực hiện) giới thiệu và trưng bày 2 ấn phẩm sách, gồm “ĐÀ NẴNG – MÁI ĐÌNH LÀNG BIỂN” , sách tập trung giới thiệu các công trình văn hóa tín ngưỡng của người dân làng chài, tập trung vào mô tả đời sống tín ngưỡng ngư dân (thờ Cá Ông, thờ Mẫu và thờ Cô hồn); “HỒI KÝ LÀNG CHÀI” – tập ghi chép, bút ký phản ảnh những nét đẹp đặc trưng của văn hóa làng chài, những làng nghề truyền thống gắn liền với biển cả. Độc đáo là những bài viết “kể chuyện đời, chuyện nghề của người dân làng chài”.

Sức thu hút của triển lãm ngay từ phiên khai mạc. Ảnh trong bài: Trần Ngọc.

Đây cũng là 2 cuốn sách do Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng xuất bản dựa trên những thành quả nghiên cứu tâm huyết về các giá trị văn hóa, lịch sử của cộng đồng các làng chài. Từ đó lan tỏa rộng rãi những nét đẹp truyền thống mà cộng đồng các làng chài và ngư dân đã gìn giữ biết bao đời. 

Những người thực hiện đều có chung kỳ vọng, khi chạm tay vào sách và lật giở đọc, mỗi người chúng ta đều cảm thấy tự hào hơn với những tài sản cộng đồng, từ đó tăng ý thức bảo tồn các tài sản của làng biển Việt Nam.

Ngoài 2 tập sách, không gian Bảo tàng Đà Nẵng còn trưng bày 15 bài (bản) vẽ;  20 tác phẩm ký họa về làng chài, hình ảnh người ngư dân trong bối cảnh sinh hoạt, lao động. 

Trong khuôn khổ triển lãm còn có tọa đàm “Người truyền lửa – Ngư nghiệp xưa và nay” cùng với các hoạt động trải nghiệm hướng dẫn đan lưới; cuộc thi viết dành cho những người yêu thích biển và các giá trị văn hóa truyền thống tại các làng chài trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (chủ đề liên quan đến đời sống của người ngư dân) …  

“Đến với “VƯƠN KHƠI”, công chúng được NGHE câu chuyện cảm động về sự gắn bó giữa con người và biển cả, NHÌN những công trình kiến trúc mái đình làng biển xưa và nay, THẤU HIỂU đời sống của ngư dân mưu sinh trên sông nước qua những trang sách và các tác phẩm về làng chài, CHẠM đến những giá trị của làng chài truyền thống qua nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị…”, ông Trần Văn Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục – Truyền thông – Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ.

“Thông điệp chính của triển lãm Vươn khơi được ẩn dụ, được gửi gắm trong những câu chuyện giản dị về hoạt động sinh kế, tín ngưỡng, tình yêu biển cả và mong ước của người dân làng chài, hay những bản vẽ, bức ký họa.

Nhóm thực hiện dự án hy vọng góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà có lẽ đang ngày càng bị mai một trong tiến trình đô thị hóa. Làng biển, người dân miền biển đang phải chịu những thay đổi và tác động trong nhịp sống và bối cảnh hiện đại.

Chúng tôi mong rằng, công việc bảo tồn để hình ảnh những làng chài không chỉ còn là trong ký ức mà có cơ hội tồn tại mãi mãi, cũng như được phát triển hơn trong tương lai sẽ nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý, cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức” – ThS. KTS. Phan Trần Kiều Trang, Giám đốc CELC-DAU, bày tỏ. 

Là người trực tiếp tham gia … bạn Nguyễn Thanh Thúy (quê quán thôn Vân Hòa, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên; sinh viên năm thứ 4, ngành Tiếng Anh Du lịch, khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng) thổ lộ cảm xúc:

Bạn Thanh Thúy tự hào “khoe” bút ký “Hành trình vị ngon từ Nam Ô” trong tập sách HỒI KÝ
LÀNG CHÀI.

Là người con của vùng cao, miền sơn cước, khái niệm và cảm nhận biển trong em khá hẹp. Lúc còn ở quê thì thi thoảng có xuống biển Tuy Hòa để chơi cho thỏa thích. Cảm nhận của em về  làng chài, nghề chài cũng chưa sâu đậm. Cho đến khi em ra Đà Nẵng để học và có cơ hội về các làng chài Mân Thái Sơn Trà), Nam Ô (Liên Chiểu) của Đà Nẵng để thực hiện thu thập thông tin và viết bài), em mới hiểu rõ về làng chài – nghề lưới, biết các phong tục, tập tục tín ngưỡng thờ cúng của người làng chài, biết lễ hội miền biển có gì là nét đặc trưng ? Thực lòng, khi nhận thức về biển về bản sắc văn hóa cộng đồng làng biển, em đã yêu Đà Nẵng như chính quê hương em. Và thật may mắn khi em được tham gia dự án này, để có một góc nhìn riêng đất nước mình, tổ quốc mình, đó là nhìn từ biển khơi, từ những làng biển duyên hải”.

ThS. KTS. Phan Trần Kiều Trang, Giám đốc CELC-DAU tặng quà tri ân đại diện các cộng đồng
làng chài đã hỗ trợ xuyên suốt quá trình thực hiện dự án.

Ban tổ chức còn có một mong ước là triển lãm Vươn khơi sẽ lan tỏa đến nhiều trường học, tụ điểm công cộng, để mọi người dân Đà Nẵng, du khách phương xa về Đà Nẵng, được một lần … ngắm nhìn Tổ quốc chúng ta, góc nhìn từ biển khơi, cùng cảm nhận sự tràn đầy của sóng, gió với nắng và thấu hiểu những con người kiên trung, bao thế hệ đã bám biển, giữ đảo, giữ biển./.  

Triển lãm Vươn khơi kéo dài đến hết ngày 22/5/2022.

PV. Trần Ngọc