Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng ứng dụng AI, Blockchain, Bigdata phát triển nguồn tin khoa học, công nghệ

ĐNA -

Phát biểu tại hội thảo khoa học tham vấn ý kiến, hoàn thiện đề án “Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ, phục vụ nghiên cứu khoa học – phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại thành phố Đà Nẵng”, diễn ra ngày 11/11/2022; ông Võ Đức Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố), chia sẻ:

Đà Nẵng sẽ hiện đại hoá hoạt động thu thập, số hóa, xử lý dữ liệu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, thông minh (AI, Blockchain, Bigdata) vào hoạt động thu thập, số hóa, xử lý dữ liệu thống kê, phân tích và dự báo. Những nội dung này phù hợp với chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, đó làm “phát triển và nâng cao chất lượng hệ thống thông tin khoa học công nghệ quốc gia theo hướng chuyển đổi số”.

Sinh viên trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng trong giờ tự học. Hệ thống thông tin khoa học công nghệ của trường là nguồn tham khảo chính. Ảnh: Chia sẻ từ DUE

Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cũng đưa vào đề án nội dung: bổ sung, mua quyền truy cập các nguồn tin về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ các tổ chức, cá nhân khác …; bổ sung, mua quyền truy cập các nguồn tin khoa học và công nghệ phục vụ cho nhu cầu đặc thù của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp.

Một ưu tiên khác nữa là phát triển nguồn tin khoa học trực tuyến. Ứng dụng trắc lượng thư mục để tạo lập các sản phẩm thông tin khoa học và xây dựng cơ sở dữ liệu trích dẫn khoa học của Việt Nam, làm công cụ kiểm soát, thống kê việc trích dẫn các tài liệu khoa học, trên cở sở đó có thể đánh giá, xếp hạng khoa học đối với các công trình nghiên cứu, cán bộ khoa học, tạp chí khoa học, tổ chức khoa học, trường đại học…

Được biết, từ năm 2018, Quyết định số 1285/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã đề ra mục tiêu “phát triển nguồn tin khoa học công nghệ trên quy mô quốc gia”, nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời và bảo đảm ngưỡng an toàn thông tin tri thức khoa học công nghệ trong nước và quốc tế, phù hợp với chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Định hướng phát triển nguồn tin khoa học công nghệ được xác định phải “đảm bảo bám sát chiến lược phát triển khoa học công nghệ, tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học,…”.

Theo ông Lê Đức Viên – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, trong thời đại công nghệ số, thông tin đóng vai trò là một nguồn lực quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Riêng với thông tin khoa học và công nghệ, đã có nhiều nhận định, đánh giá “là nguồn lực đầu vào phục vụ đắc lực cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Tạo lập, phát triển, sử dụng nguồn tin khoa học công nghệ, luôn là yêu cầu rất bức thiết, là nhiệm vụ quan trọng để nước ta có thể chủ động tham gia vào tiến trình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuy nhiên, ông Lê Đức Viên cũng thẳng thắn chia sẻ rằng, công tác phát triển nguồn tin khoa học công nghệ được quan tâm ở hầu hết các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu – nơi tập trung các hoạt động nghiên cứu, đào tạo. Song trên thực tế, yêu cầu phát triển nguồn thông tin khoa học công nghệ đang là bài toán khó đặt ra đối với hầu hết các đơn vị bởi nhiều hạn chế.

Ông Lê Đức Viên – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng: Tạo lập, phát triển, sử dụng nguồn tin khoa học công nghệ, luôn là yêu cầu rất bức thiết hiện nay. Ảnh: T.N.

Nguồn tin hiện có với số lượng còn ít và chưa được cập nhật thường xuyên. Nhiệm vụ và nghiệp vụ bổ sung, phát triển nguồn tin diễn ra rời rạc, chưa có sự hợp tác chặt chẽ, dẫn đến tình trạng nguồn lực được phân bổ và sử dụng chưa hợp lý. Điều này cũng là nguyên nhân làm cho nguồn tin khoa học công nghệ bị trùng lặp, lãng phí. Phần lớn kinh phí cho hoạt động phát triển nguồn tin khoa học công nghệ đến từ ngân sách nhà nước, nhưng lại được quản lý, cấp phát bởi nhiều cơ quan bộ, ngành, địa phương khác nhau, ở tầm vĩ mô chưa hề tính tập trung trong quản lý, liên thông và nhất quán. Thực trạng này đòi hỏi cần phải có những giải pháp khắc phục và định hướng phát triển phù hợp.

Với thành phố Đà Nẵng, trước những yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra theo định hướng và mục tiêu phát triển, nhận thức tính cấp thiết, tầm quan trọng trong phát triển nguồn tin khoa học công nghệ, UBND thành phố đã ban hành quyết định số 2683/QĐ-UBND (điều chỉnh, bổ sung danh mục đề án, dự án, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, ngày 4/8/2021), và đã giao Sở Khoa học – Công nghệ chịu trách nhiệm xây dựng đề án “Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại thành phố Đà Nẵng”.

“Chúng tôi đã đưa vào đề án yêu cầu xây dựng nền tảng kỹ thuật dùng chung, của hệ thống cơ sở dữ liệu của thành phố về khoa học và công nghệ; xây dựng tiêu chuẩn về dữ liệu và kết nối, cho phép liên kết và chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống cơ sở dữ liệu của thành phố về khoa học và công nghệ với cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ. Hình thành và phát triển hạ tầng kỹ thuật số thông tin, thống kê, thư viện khoa học công nghệ, sử dụng các công nghệ mới có khả năng cung cấp các dịch vụ thông tin, thống kê, thư viện số hiện đại, linh hoạt theo thời gian thực”, ông Võ Đức Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố) phân tích.

Trong khuôn khổ hội thảo khoa học tham vấn ý kiến, hoàn thiện đề án “Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ, phục vụ nghiên cứu khoa học – phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại thành phố Đà Nẵng; trên tinh thần cầu thị và học hỏi, BTC đã mời hai chuyên gia giàu kinh nghiệm là bà Võ Thị Thu Hà – Trưởng phòng Quản lý Thông tin, Thống kê Khoa học công nghệ – Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia và bà Đặng Thị Luận – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học công nghệ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ “Kinh nghiệm trong việc phát triển nguồn tin khoa học công nghệ” và “Mô hình phát triển nguồn tin khoa học công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh”.

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, ông Võ Đức Anh: Đà Nẵng sẽ hiện đại hoá hoạt động thu thập, số hóa, xử lý dữ liệu. Ảnh: T.N.

“Thông tin khoa học công nghệ của Nhà trường hiện được lưu trữ và khai thác, sử dụng như thế nào (thỏa mãn nhu cầu tham khảo, nghiên cứu trong nội bộ và bên ngoài)?.

“Là Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế của một Đại học rất mạnh về nghiên cứu khoa học, có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu, sáng tạo; khả năng chuyển công giao công nghệ cao; các Thầy có đề xuất – kiến nghị gì để “Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại thành phố Đà Nẵng”; chuyển hóa NGUỒN TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ trở thành một nguồn lực – một động lực với tính khả dụng cao hơn, thiết thực và đặc biệt hữu ích hơn, phục vụ phát triển ?”. Đây là nội dung hai câu hỏi phỏng vấn, được Asean News dành riêng với PGS.TS. Đặng Hữu Mẫn (Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) ; Tiến sỹ TÀO QUANG BẢNG (Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng).

Và dưới đây là những chia sẻ từ góc nhìn của “Người trong cuộc”.

Phát triển mô hình thư viện điện tử dùng chung

PGS.TS. Đặng Hữu Mẫn:
Đối với một trường đại học định hướng nghiên cứu như Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng, nguồn tin khoa học công nghệ chính là nguồn lực đầu vào cực kỳ quan trọng, phục vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên và người học, góp phần tăng cường chất lượng công bố khoa học, phục vụ hoạt động đào tạo, và là tiêu chí quan trọng để nâng cao học hiệu của Trường. Nhà trường luôn đặc biệt quan tâm, trên cơ sở tham khảo các trường đại học lớn ở Việt Nam và quốc tế, chúng tôi đã đầu tư phát triển bài bản các nguồn thông tin khoa học công nghệ, sẵn sàng phục vụ cả các nhà nghiên cứu ở các cơ quan, tổ chức bên ngoài trường.

Nguồn tin khoa học công nghệ của Trường hiện được lưu trữ dưới hai dạng bản in trên giấy và điện tử, bao gồm giáo trình, sách tham khảo – chuyên khảo trong nước và quốc tế; các tập san, tạp chí khoa học chuyên ngành; kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế; các báo cáo chuyên san và tài liệu thống kê của các cơ quan quản lý; các đề tài nghiên cứu các cấp cùng với hệ thống các thuyết minh, báo cáo kết quả và minh chứng ứng dụng; hệ thống luận án khoa học; và đặc biệt là các cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành có trả phí được cung cấp bởi các công ty, các nhà xuất bản có uy tín ở trong nước và quốc tế.

Hệ thống nguồn tin trong Thư viện dưới cả hai hình thức bản in và điện tử, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu quốc tế kết nối với các nhà xuất bản hàng đầu thế giới như Elsevier, Springer, Sage và Emerald đã góp phần không nhỏ vào những thành quả nghiên cứu khoa học của cán bộ viên chức Nhà trường thời gian qua trên các tiêu chí như số lượng công bố quốc tế uy tín, số lượng các đề tài ngiên cứu cấp nhà nước, số lượng các công trình khoa học công nghệ đạt giải thưởng từ cấp thành phố trở lên, số lượng các tham vấn chính sách cho các địa phương,…

Trong vòng 5-6 năm trở lại đây, Thành phố Đà Nẵng thông qua Sở Khoa học & Công nghệ đã thực sự xây dựng được mục tiêu rõ ràng, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ. Trong việc phát triển các nguồn tin khoa học công nghệ, Thành phố cũng đã đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu về nhiệm vụ khoa học công nghệ, tiếp cận các nguồn tin quốc tế, cũng như tăng cường thông tin sở hữu trí tuệ của các nghiên cứu trên địa bàn. Tuy nhiên, để chuyển hóa nguồn tin khoa học công nghệ trở thành một nguồn lực, phục vụ phát triển, theo tôi cần tập trung vào một số hướng như sau:

Giảng viên trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng làm việc tại Không gian nghiên cứu cứu, sáng tạo

Bổ sung, phát triển các nguồn tin khoa học công nghệ cốt lõi mang yếu tố quốc tế: Đây là các tập san, tạp chí khoa học chuyên ngành; kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, tài liệu thống kê của các cơ quan quốc tế, trên nhiều lĩnh vực ứng dụng khác nhau, mà Đà Nẵng đang hướng đến như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, năng lượng, tài nguyên biển, và các lĩnh vực khoa học xã hội như du lịch dịch vụ, logistics, dịch vụ tài chính,… Các nguồn tin này đa số thuộc các NXB quốc tế uy tín và yêu cầu chi phí đầu tư lớn, do đó Thành phố có thể phối hợp xã hội hóa với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn. Điều quan trọng là cần cân nhắc quy mô và hình thức truy cập các cơ sở dữ liệu quốc tế, lựa chọn các chủ đề phù hợp với trọng tâm và định hướng phát triển.

Phát triển mô hình thư viện điện tử dùng chung cho các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn, tiến đến kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ. Nếu có chính sách hợp lý trong chia sẻ nguồn lực và hạ tầng cơ sở vật chất, sẽ góp phần tăng cường khai thác, sử dụng nguồn tin khoa học công nghệ. Hiện tại Trung tâm Thông tin học liệu của Đại học Đà Nẵng cũng như của các trường thành viên, đã được đầu tư rất hiện đại với hàng triệu đầu sách, tạp chí khoa học và hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử uy tín. Đại học Đà Nẵng có thể là đầu mối có hiệu quả trong mô hình này. Thành phố có thể làm đầu mối tổ chức các cuộc thi, các sự kiện nhằm thúc đẩy khai thác, sử dụng nguồn tin khoa học công nghệ trong nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo và sản xuất kinh doanh.

Sớm tối ưu hóa hệ thống lưu trữ

Tiến sỹ Tào Quang Băng:
Công tác lưu trữ các thông tin khoa học công nghệ của Trường Đại học Bách khoa được thực hiện một cách khoa học và cẩn thận vì những hồ sơ, thông tin này được sử dụng, khai thác trong thời gian dài sau đó. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về khoa học công nghệ của Nhà trường, xuất phát từ nhu cầu cần cung cấp dữ liệu và thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ cho quản lý, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đào tạo, chuyển giao công nghệ và các công tác khác. Cơ sở dữ liệu về khoa học công nghệ của Nhà trường được lưu trữ bản cứng và bản mềm được upload trên Cổng thông tin khoa học công nghệ của Nhà trường, người đọc luôn thuận tiện và dễ dàng tham khảo.

Doanh nghiệp nước ngoài đến thăm không gian nghiên cứu của trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Chia sẻ từ DUT.

Mối quan tâm đầu tiên của tôi, chính là yêu cầu quản lý và cung cấp thông tin tài liệu lưu trữ điện tử chứa đựng những rủi ro như: cơ sở dữ liệu bị xóa, thông tin bị chỉnh sửa…Chính vì vậy cần sớm thiết kế một hệ thống lưu giữ tránh tình trạng xâm nhập trái phép, thực hiện chế độ quản lý tài liệu điện tử như là một bộ phận tổng thể các hồ sơ tài liệu.

Cần đầu tư và tiếp tục phát triển nguồn tin khoa học công nghệ nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời và bảo đảm ngưỡng an toàn thông tin tri thức khoa học công nghệ trong nước và quốc tế, phù hợp chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Nhà Trường trong từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Trong định hướng phát triển nguồn tin khoa học công nghệ, cần đảm bảo bám sát chiến lược phát triển, tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học…

Cần mở rộng, bổ sung các nguồn tin khoa học công nghệ quốc tế, mua quyền truy cập các tạp chí từ các nhà xuất bản nổi tiếng: Elsevier, Springer Nature, Taylor & Francis Group… Do vậy, cần tăng kinh phí cho thông tin về khoa học công nghệ./.
Trần Ngọc