Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng với cơ hội phát triển mới: Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn

ĐNA -

ĐÀ NẴNG, Ngày 10/10/2023, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng”, với tâm thế sẵn sàng đón đầu một cơ hội phát triển mới, mà Đà Nẵng đã có nền tảng. Thậm chí, Đà Nẵng còn chủ động, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 16/4/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng (về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông tiếp cận xu hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0). Nghị quyết này ra đời sớm hơn chủ trương chung về  chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư).

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng: Đà Nẵng sẽ chủ động triển khai xây dựng “Đề án phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của thành phố” . Ảnh trong bài: T.Ngọc

Ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận cao, nhưng rất kén nguồn nhân lực
Trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm điện tử, Việt Nam hiện xếp vị trí thứ 9 trong số các quốc gia tham gia cung ứng chuỗi giá trị này.

Ngành công nghiệp bán dẫn và vi mạch vẫn được xem là một trong những ngành công nghiệp “vàng”, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ USD. Song thách thức lớn nhất hiện nay, là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ quá trình nghiên cứu – thiết kế – sản xuất bán dẫn – vi mạch.

Cũng như một số quốc gia  trên thế giới, xác định ngành công nghiệp bán dẫn và vi mạch ở tầm vóc “công nghiệp mũi nhọn”; ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam nếu cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đa phần các trường đại học hiện nay chưa có một chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, bán dẫn mà chủ yếu là trên cơ sở các ngành liên quan. Nguyên nhân do chi phí đầu tư vào hệ thống phần mềm, phòng thí nghiệm để đào tạo quá lớn; Việt Nam vẫn còn hạn chế về đội ngũ chuyên gia thiết kế vi mạch, bán dẫn đáp ứng đúng tiêu chuẩn nhân sự có thể “truyền đạt, huấn luyện”.

Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế từ vi mạch, bán dẫn
“Thành phố Đà Nẵng có thể gọi là “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, với cách tiếp cận bắt đầu từ “nhân lực” để triển khai phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn, vi mạch; và tiến đến là tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn, vi mạch.

Đà Nẵng sẽ chủ động triển khai xây dựng “Đề án phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của thành phố” trong đó sẽ đánh giá đầy đủ thực trạng về nguồn nhân lực, về (mối tương quan giữa cung và cầu nguồn nhân lực, đối với) doanh nghiệp trên lĩnh vực bán dẫn và vi mạch của Việt Nam, của Đà Nẵng, cũng như xu hướng (tuyển dụng nhân sự) của thế giới.”, ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh: Trọng tâm của Đà Nẵng là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh cho biết: “Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định 5 lĩnh vực ưu tiên nguồn lực phát triển; trong đó có 1 lĩnh vực liên quan trực tiếp đến triển khai chuyển đổi số (đó là: Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số) và 4 lĩnh vực còn lại, cơ bản là phát triển trên nền tảng và hạ tầng số (Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp; Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics).

Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, đưa ra 1 trong 3 mhiệm vụ trọng tâm, đột phá rất cụ thể: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”.

Theo tính toán, đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022 kinh tế số của thành phố Đà Nẵng (gồm kinh tế ICT, kinh tế nền tảng, internet và kinh tế trong ngành, lĩnh vực khác) có đóng góp 19,76% GRDP. Đà Nẵng hiện có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số (trung bình 2,3 doanh nghiệp công nghệ/1.000 dân, đứng thứ 2 toàn quốc (sau TP. Hồ Chí Minh), và gấp 3 lần trung bình toàn quốc); có 46.000 nhân lực công nghệ số.

Chủ tịch Lê Trung Chinh nhấn mạnh thêm: Đà Nẵng đã nhận thấy ngành công nghiệp bán dẫn và vi mạch chính là động lực để tiếp tục phát triển, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, nhất là con người, trên tinh thần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài.

Các nguồn lực này không chỉ là cơ hội mới mà là sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và của các cơ sở đào tạo để có những thay đổi trên lĩnh vực, mà Đà Nẵng có một vài lợi thế nhất định. Một số giải pháp, biện pháp được đề xuất cho tầm nhìn sắp đến, có thể kể ra như: Đào tạo ngay nhóm kỹ sư hiện có, có chính sách cho sinh viên tham gia học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, thu hút chuyên gia. Bên cạnh đó, thành phố có chính sách đầu tư phát triển cho một số doanh nghiệp vi mạch hiện có, xúc tiến và thu hút doanh nghiệp lớn về công nghiệp bán dẫn và vi mạch, tạo sức lan toả lớn.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trực tiếp chủ trì hội thảo, từ trái sang: Phó Bí thư thường trực Thành ủy – Chủ tịch HĐND, ông Lương Nguyễn Minh Triết; Bí thư Thành ủy, ông Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND thành phố, ông Lê Trung Chinh.

Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vi mạch bán dẫn,  nền tảng đã có của Đà Nẵng
Ngày 16/8/2023, UBND thành phố ban hành kế hoạch số 163/KH-UBND về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố đến năm 2030. Trong đó xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch; đồng thời xác định mục tiêu đến năm 2030: Kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố; đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 7 Khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm.

Ngành chức năng thành phố chia sẻ thêm rằng, “mỗi năm có khoảng 750 sinh viên các chuyên ngành liên quan điện tử, vi mạch tốt nghiệp. Đà Nẵng hiện có các công ty hoạt động về thiết kế vi mạch như: Synopsys, Uniquify, ASavarti, Renesas, Synapse, FPTSemi, Sannei Hytechs… với khoảng 550 kỹ sư. Và chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành (liên quan đến vi mạch) đang ở mức khoảng 900 sinh viên”.

Trong phát triển nguồn nhân lực, các chuyên gia đến từ Synopsys, hay Marvell, đều có chung nhìn nhận: Đà Nẵng có được nền tảng rất tốt là nhiều trường đại học đã chủ động đào tạo những ngành có liên quan (điện tử, công nghệ thông tin), một số trường, bước đầu đã có đào tạo chuyên sâu.

“Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) có gần 30 môn học bao gồm từ công nghệ đến thiết kế vi mạch, bán dẫn được triển khai trong các chương trình đào tạo thuộc các khoa: Điện tử Viễn thông, Công nghệ thông tin, Khoa học công nghệ và tiên tiến, Điện và Cơ khí. Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (Đại học Đà Nẵng), có nhiều ngành đào tạo có các khối kiến thức liên quan đến công nghệ vi mạch như công nghệ kỹ thuật máy tính, hệ thống nhúng và IoT, công nghệ thông tin…; dự kiến chuẩn bị công bố chương trình đào tạo công nghệ vi mạch trong quý IV/2023.”- Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam phân tích.

Phó Chủ tịch UBND thành phố, ông Lê Quang Nam: Đà Nẵng đang cần rất nhiều ý kiến tư vấn, tham vấn về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết: Đối với lĩnh vực vi mạch bán dẫn, Trường có 5 Khoa đang tổ chức đào tạo cho 7 ngành/chuyên ngành (gồm Kỹ thuật điện tử viễn thông; Kỹ thuật  máy tính (Khoa Điện tử Viễn thông), Công nghệ thông tin (Khoa Công nghệ thông tin), Điện tử viễn thông, Hệ thống nhúng và IoT (Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến), Kỹ thuậtđiều khiển và tự động hóa (Khoa Điện) và Kỹ thuật Cơ điện tử (Khoa Cơ khí), với gần 30 môn học có liên quan trong các khung chương trình. Tổng số sinh viên tốt nghiệp từ các ngành/chuyên ngành trên là khoảng 500 sinh viên mỗi năm.

Thông qua các môn học cơ bản như cấu kiện điện tử, vật lý bán dẫn, thiết bị bán dẫn… sinh viên có thể nắm bắt các công nghệ khác nhau được dùng để tạo nên vi mạch bán dẫn, đặc biệt tập trung vào bóng bán dẫn hiệu ứng trường MOS (MOS FET) là công nghệ được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Sinh viên ngành Kỹ thuật cơ điện tử được đào tạo về lĩnh vực chế tạo cảm biến (sensor) tích hợp trong vi mạch, hay còn được gọi là MEMS (Micro-electromechanical systems) thông qua học phần Hệ thống vi cơ điện tử. Sinh viên cũng được học về thiết kế vi mạch cho cả mạch số và tương tự, ví dụ như học phần Giới thiệu về thiết kế vi mạch, Ngôn ngữ mô tả phần cứng VHDL/Verilog, Kỹ thuật điện tử; Kỹ thuật xung số; Công nghệ VLSI; Thiết kế vi mạch số, Thiết kế vi mạch tương tự, Thiết kế hệ thống vi xử lý…

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng).

Phần thực hành cho ngôn ngữ mô tả phần cứng Verilog/VHDL được thực hiện trên các bộ kits từ các hãng Renesas, Microchip Technology, Xilinx hay Altera. Nhà trường có một phòng máy được trang bị phần mềm thiết kế vi mạch Cadence theo chuẩn công nghiệp, có tất cả 15 licenses. Nhờ vào chính sách hỗ trợ học thuật của một số hãng công nghệ lớn, sinh viên có thể tiếp cận các phần mềm thường được sử dụng trong đào tạo đại học … Về cơ bản, sinh viên sau khi học các môn học trên có thể hiểu rõ nguyên lý hoạt động và nguyên lý thiết kế của vi mạch, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

 Vấn đề đặt ra của Đà Nẵng: Thách thức còn ở phía trước
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam, Đà Nẵng đang cần rất nhiều ý kiến tư vấn, tham vấn. Như: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn sẽ như thế nào để đáp ứng được yêu cầu (rất cao của nhà tuyển dụng). Có hàng loạt vấn đề như nguồn nhân lực là đội ngũ Giảng viên của các địa chỉ đào tạo; Thực hiện đào tạo bổ sung (ra sao) đối với các kỹ sư ngành điện tử, viễn thông và các chuyên ngành gần như Cơ Điện tử; Tự động hóa; Điện; Điện tử đáp ứng ngay nhu cầu hiện tại của các doanh nghiệp. Đặc biệt, tổ chức đào tạo kỹ sư cho lĩnh vực thiết kế vi mạch; Kỹ thuật viên phục vụ cho kiểm thử, sắp đến sẽ như thế nào? Thêm một câu hỏi cần được tư vấn đó là bằng những chính sách nào, Đà Nẵng thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao trong và ngoài nước đến với thành phố, đặc biệt là nguồn lực người Việt (đang nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài trong lĩnh vực này) ?.

Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Synopsys khu vực Nam Á, nhấn mạnh rằng: “Điều đáng lưu ý là đặc thù của nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực vi mạch-bán dẫn. Đó là tâm thế sẵn sàng của một lao động toàn cầu, nghĩa là “có thể xách va-li lên đường” làm việc ở một nơi khác, thậm chí là nước ngoài. Và đây cũng là một ngành đòi hỏi tinh thần cầu tiến tự học, học suốt đời. Nhà trường phải chú ý giáo các em sinh viên điều này rất kỹ”

Mặc dù mức lương của các kỹ sư vi mạch này cao hơn so với các ngành khác của lĩnh vực Điện-Điện tử-Tự động hóa nhưng sinh viên ít lựa chọn theo đuổi.  Một chuyên gia phân tích thêm 3 guyên nhân chính:

Một là, nhận thức của xã hội về sự phát triển ngành này chưa theo kịp với tình hình phát triển do đây là lĩnh vực khá mới mẻ, ít thông tin, ít doanh nghiệp tuyển dụng… Hai, đây là ngành học khó, nó đòi hỏi người học có nền tảng về STEM. Ngoài ra, yêu cầu về tiếng Anh cao, cũng như áp lực công việc lớn (vì phần lớn phải làm việc cho các dự án nước ngoài). Trong suốt quá trình làm việc đòi hỏi người kỹ sư không ngừng cập nhật công nghệ mới để thiết kế ra các vi mạch đáp ứng yêu cầu của các ứng dụng mà khách hàng đưa ra. Ba là, chi phí đào tạo chuyên ngành này cao hơn nhiều so với các chuyên ngành khác trong lĩnh vực Điện-Điện tử-Tự động hóa do cần có các phần cứng và phần mềm chuyên dụng giá cả khá đắt đỏ cũng như việc xây dựng đội ngũ giảng dạy có kinh nghiệm thực tế chuyên ngành này khá khó khăn.

Nêu đề xuất, kiến nghị trực tiếp vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực vi mạch, PGS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ thônng tin và Truyền thông Việt – Hàn,  khẳng định rằng, phải có nhiều trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo. Chủ trương chung, rất cần xem xét và có chính sách học phí ưu đãi, hoặc cho vay đối với người theo học chuyên ngành. Ở cấp địa phương, chính quyền thành phố Đà Nẵng cần xây dựng đề án “Giữ chân và Thu hút nhân lực”, thành phố có thể tài trợ học phí cho sinh viên có hộ khẩu ở Đà Nẵng, hỗ trợ hoặc tài trợ chi phí chỗ ở cho sinh viên ngoài Đà Nẵng theo học vi mạch tại Đà Nẵng.

Một chính sách không thể thiếu là hỗ trợ cho các trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp (xúc tiến) hợp tác và thu hút các chuyên gia người Việt ở nước ngoài về Đà Nẵng làm việc.

“Đào tạo nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn có môt đặc thù là trường đại học với doanh nghiệp phải đẩy mạnh hợp tác lẫn nhau, để hình thành các chương trình đào tạo (Accelerator). Khi nhà trường bắt tay với doanh nghiệp, chúng ta sẽ triển khai đào tạo Giảng viên nguồn (tuyển chọn từ các trường đại học tại Đà Nẵng). Hoặc triển khai chương trình tăng tốc (Accelerator program) cho các sinh viên xuất sắc tuyển chọn từ các sinh viên năm cuối hoặc vừa mới ra trường. Hợp tác cũng cho phép chúng ta có những lớp đào tạo chung, xây dựng khu thực tập, triển khai dự án doanh nghiệp tại trường, … Nói chung đa dạng loại hình, chương trình đào tạo (chính quy, tăng tốc, tập huấn,..)

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng lưu ý thêm, trong đào tạo, phải tránh xu hướng kỹ sư vi mạch chỉ có thể tham gia vào các công đoạn gia công thiết kế vi mạch (outsourcing) theo đơn đặt hàng, hoặc láp ráp-kiểm định (back-end). Các kỹ sư được đào tạo (của Đà Nẵng, cũng như Việt Nam) cần hướng đến “nghiên cứu, thiết kế”.

PGS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ thônng tin và Truyền thông Việt – Hàn.

Một thực tế cho thấy khi “Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á”, chúng ta phải khẳng định năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn. Các trường đại học (không riêng trên địa bàn Đà Nẵng, mà đã là “mối trăn trở chung” của tất cả các trường đào tạo lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ).

Trường đại học (chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ) Việt Nam thực sự đang đứng trước những thách thức, về nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút sinh viên tài hoa và các nhà khoa học, tập trung được chất xám, nghiên cứu lĩnh vực vi mạch, bán dẫn” ở tầm cao mới, mang lại uy tín công nghệ quốc gia và nguồn thu lớn cho kinh tế quốc gia. Công nghiệp bán dẫn và vi mạch những năm gần đây đã phát triển thành ngành công nghiệp quan trọng, chiếm một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. /.

Trần Ngọc