Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh trên nền tảng công nghệ LoRa/LoRaWAN

ĐNA -

Sáng nay (3/8/2023), tại hội trường Đại học Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, phối hợp cùng Viện Công nghệ Quốc Tế DNIIT – Đại học Đà Nẵng (Viện DNIIT) đã khai mạc hội thảo tập huấn, hướng dẫn “Phát triển ứng dụng thông minh IoT trên nền tảng FreeLora thành phố Đà Nẵng”.

Bản đồ vùng phủ sóng hiện tại của mạng LoraWireless TP. Đà Nẵng. Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng.

Hội thảo hướng đến giới thiệu, hướng dẫn phát triển ứng dụng IoT trên nền tảng FreeLora thành phố Đà Nẵng, hỗ trợ và thúc đẩy cộng đồng phát triển các ứng dụng IoT trong các lĩnh vực trên hệ thống LoRa của thành phố, phục vụ xây dựng đô thị thông minh

Đối tượng chính tập huấn, hướng dẫn là các cơ quan nhà nước thành phố; sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên sau đại học từ các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu; các Hiệp hội, Hội, doanh nghiệp, các nhóm khởi nghiệp trên địa bàn.

“Hội thảo hôm nay đã chính thức mở màn cho chuỗi hội thảo tập huấn đào tạo bồi dưỡng năng lực làm chủ công nghệ, cũng như các công cụ nhằm phát triển các ứng dụng, dịch vụ IoT trên nền tảng FreeLoRa của thành phố. Đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần phát động một cao trào xây dựng và triển khai các ứng dụng IoT muôn sắc muôn màu. Tôi cho rằng, số anh chị em có mặt hôm nay cũng chính là “những hạt giống quý đầu tiên” đảm bảo sự thành công, tính tiên phong của Đà Nẵng”, GS.TSKH Lê Thành Nhân – Viện trưởng Viện DNIIT, chia sẻ.

GS.TSKH Lê Thành Nhân – Viện trưởng Viện DNIIT: Đây là tính tiên phong của Đà Nẵng trong nhận thức về hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ảnh trong bài: T.Ngọc.

LoRa/LoRaWAN là một công nghệ truyền thông không dây được phát triển để cung cấp kết nối mạng rộng và tiêu thụ năng lượng thấp cho các ứng dụng Internet of Things (IoT).

Tại Đà Nẵng, 3 năm vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, phối hợp với Viện DNIIT, thí điểm triển khai xây dựng hệ thống mạng truyền thông FreeLoRa cho các ứng dụng Internet of Things (IoT), dựa trên công nghệ LoRa/LoRaWAN (hình thành mạng LoraWireless công cộng), trên địa bàn.

”Chúng tôi thí điểm ban đầu với 4 trạm thu phát sóng, tại 4 vị trí gồm: Tầng 22 tòa nhà Công viên phần mềm; Tòa nhà Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng, Trạm VTV trên bán đảo Sơn Trà và Tòa nhà Trung Nam. Tất cả các quận, huyện của thành phố đã được phủ sóng mạng LoRa. Hiện nay Sở cũng Viện DNIIT, đang tiếp tục bổ sung trạm thu phát, cơ bản phủ kín sóng khu vực trung tâm Thành phố.

Đà Nẵng đã xác định mục tiêu đến năm 2030 “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”.

”LoRa/LoRaWAN là công nghệ xanh, thân thiên môi trường, đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực và ứng dụng khác nhau” – ông Lê Sơn Phong – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng.

Để phát triển hạ tầng cho ứng dụng thành phố thông minh, nhiều thành phố trên khắp thế giới, cũng như các thành phố lớn của tại Việt Nam, hiện đang tiến hành nhiều dự án Đô thị thông minh ứng dụng Internet of Things (IoT). Trong đó LoRa là một công nghệ truyền thông không dây được phát triển để cung cấp kết nối mạng rộng và tiêu thụ năng lượng thấp cho các ứng dụng Internet of Things (IoT).

Với khả năng truyền thông xa và khả năng thâm nhập vào các vùng không gian hạn chế, LoRa/LoRaWAN là công nghệ xanh, thân thiên môi trường, đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực và ứng dụng khác nhau: ứng dụng quản lý đô thị, ứng dụng nhà thông minh, ứng dụng theo dõi biển đổi môi trường, , phòng chống cảnh báo thiên tai, ứng dụng công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, …”, ông Lê Sơn Phong – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, cho biết.

Theo GS.TSKH Lê Thành Nhân – Viện trưởng Viện DNIIT “Đây không chỉ là sự đột phá trong công nghệ số, mà còn là sự tiên phong của Đà Nẵng trong nhận thức về hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”.

“Nền tảng truyền dẫn miễn phí này, thực sự mở ra tiềm năng cho phát triển các ứng dụng IoT trên mọi lĩnh vực ở địa bàn thành phố chúng ta. Hẳn nhiên, đó chỉ mới là tiềm năng, mới chỉ là điều kiện cần.

Điều kiện đủ cho sự thành công của nền tảng này, phụ thuộc vào số lượng các ứng dụng, các dịch vụ IoT được phát triển trên nền tảng FreeLoRa. Càng nhiều ứng dụng, càng nhiều dich vụ IoT được phát triển trên nền tảng này, sẽ là sự minh chứng tuyệt vời cho các chủ trương các định hướng nhìn xa trông rộng của Thành phố Đà Nẵng, trong công cuộc xây dựng thành phố thông minh thân thiện môi trường.

Tôi rất vui mừng trước sự quan tâm của Thành phố  và sự quyết tâm của lãnh đạo và cán bộ của Sở Thông tin và Truyền thông. Khi chính “cơ quan quản lý nhà nước định hướng cổ vũ”, cho phép xây dựng và thử nghiệm thành công một nền tảng truyền tin IoT FreeLoRa dựa trên công nghệ LoRa/LoRaWAN, một công nghệ truyền tin xanh thân thiện môi trường”, GS.TSKH Lê Thành Nhân phân tích thêm.

Khóa hội thảo – tập huấn đầu tiên về công nghệ LoRa/LoRaWAN và ứng dụng IoT, phát triển trên nền tảng truyền tin LoRa/LoRaWAN (FreeLoRa) của thành phố Đà Nẵng.

Chương trình hội thảo kéo dài đến ngày 4/8/2023, với 4 nội dung chính, gồm: Giới thiệu công nghệ LoRa/LoRaWAN; Giới thiệu một số ứng dụng IoT phát triển trên nền tảng truyền tin LoRa/LoRaWAN (FreeLoRa) của thành phố; Tập huấn các công cụ và thiết bị cần thiết để phát triển các ứng dụng IoT trên nền tảng FreeLoRa; và hướng dẫn sử dụng các công cụ và thiết bị để phát triển một ứng dụng IoT trên nền tảng truyền tin FreeLoRa của thành phố.

TS. Lê Quốc Huy (trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng) giới thiệu chuyên đề các chuẩn truyền thông không dây và công nghệ không dây LoRa cho hệ thống IoT.

Chủ trì truyền đạt các tham luận, nội dung tập huấn là các chuyên gia, kỹ sư chuyên ngành Điện tử viễn thông của trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng (TS. Lê Quốc Huy; ThS. Trần Văn Lic, Đại học Virginie, USA (PGS. TS. Nhật “Rich” Nguyễn với đề tài: Một nền tảng dữ liệu để dự đoán ngập lụt đô thị ở những thành phố thông minh), và  của các công ty công nghệ Đà Nẵng và Việt Nam. Hội thảo cũng giới thiệu, ứng dụng hệ thống giám sát ô nhiễm môi trường trong thành phố sử dụng công nghệ LoRaWAN ( của Nhóm Nghiên cứu Nguyễn Văn Tiến, Huỳnh Xuân Ngọ, Nguyễn Hữu Thắng đến từ trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng).

Một số tính năng, ưu điểm của mạng LoraWireless. Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng.

Được biết, không chỉ củng cố, phát triển nền tảng FreeLoRa của thành phố Đà Nẵng, các lớp tập huấn, các hội thảo chuyên đề, sẽ tiếp tục được (Sở Thông tin và Truyền thông, phối hợp cùng Viện Công nghệ Quốc Tế DNIIT – Đại học Đà Nẵng ) tổ chức, nỗ lực này nhằm không ngừng phổ biến rộng rãi các kiến thức về công nghệ và công cụ phát triển các ứng dụng IoT trên nền tảng FreeLoRa của thành phố. Lan tỏa tinh thần sử dụng công nghệ IoT trong nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh, thân thiện môi trường của Đà Nẵng. /.

T.Ngọc