Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đại dịch COVID-19 đã khiến nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng

ĐNA -

Ngày 24/3/2023, bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao với chủ đề “Việt Nam chiến thắng bệnh lao”. Đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua. Số bệnh nhân lao được phát hiện giảm, tỉ lệ bệnh nhân tử vong tăng… đang báo động nguy cơ nước ta có thể đối mặt với sự bùng phát của bệnh lao trong cộng đồng.

TS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc BV Phổi Trung ương phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao – Ảnh: VGP

COVID-19 tác động nghiêm trọng đến chẩn đoán và điều trị bệnh lao
Theo Báo cáo bệnh lao toàn cầu của WHO năm 2022, số lượng tử vong do bệnh lao đã tăng lên trong 2 năm liên tiếp và lần đầu tiên ước tính số lượng người mới mắc bệnh lao hàng năm cũng đã tăng lên sau hơn một thập kỷ. Đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua. Toàn bộ những tiến độ đã đạt được tính đến năm 2019 bị chậm lại, đình trệ, hoặc hoàn toàn đảo ngược, mục tiêu thanh toán bệnh lao toàn cầu đã bị chệch hướng.

Tác động rõ ràng nhất chính là sự sụt giảm lớn về số bệnh nhân lao được phát hiện trên toàn cầu. Từ mức cao nhất là phát hiện 7,1 triệu người bệnh năm 2019, đã giảm xuống 5,8 triệu vào năm 2020 (giảm 18%), trở lại mức phát hiện của năm 2012. Năm 2021, số phát hiện bệnh nhân lao đã phục hồi một phần, lên mức 6,4 triệu trường hợp được phát hiện (mức phát hiện của năm 2016-2017).

3 quốc gia ảnh hưởng lớn nhất đến sự sụt giảm này là Ấn Độ, Indonesia và Philippines (chiếm 67% tổng số sụt giảm toàn cầu). Tuy đã có sự phục hồi vào năm 2021, nhưng tỉ lệ sụt giảm tại các quốc gia này vẫn chiếm tới 60% mức độ sụt giảm toàn cầu so với năm 2019. Một số quốc gia khác có gánh nặng bệnh lao cao với mức giảm trên 20% là Bangladesh (2020), Lesotho (2020 và 2021), Myanmar (2020 và 2021), Mông Cổ (2021) và Việt Nam (2021).

Số ca bệnh lao được thông báo giảm năm 2020 và 2021 có thể làm tăng số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị, dẫn đến tăng số ca tử vong do lao và mức độ lây truyền trong cộng đồng. Ước tính trên toàn cầu vào năm 2021, số ca tử vong do lao là 1,4 triệu trường hợp trong nhóm người không có HIV và 187.000 trong nhóm người sống chung với HIV. Ước tính có khoảng 10,6 triệu người mắc lao trên toàn cầu vào năm 2021, tăng 4,5% so với năm 2020 (10,1 triệu).

Tỉ lệ mắc mới lao cũng tăng 3,6% trong năm 2021 so với năm 2020, đảo ngược mức độ giảm 2% hàng năm đã tồn tại trong 2 thập kỷ. Số trường hợp mắc lao kháng thuốc cũng tăng lên trong năm 2021, với 450.000 trường hợp mắc mới.

Đối mặt với nguy cơ bệnh lao bùng phát
Theo TS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc BV Phổi Trung ương, nước ta cũng không nằm ngoài bối cảnh chung trên thế giới. Sau 2 năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng, chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Số lượng và tỉ lệ tử vong do lao ở Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020.

“Chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Đây là một trong những nguyên nhân Chương trình chống lao quốc gia phải đánh giá lại các mục tiêu của chương trình, thực hiện cập nhật kế hoạch chiến lược phòng chống lao quốc gia và đề xuất điều chỉnh lộ trình chấm dứt bệnh lao vào năm 2035”, Giám đốc BV Phổi Trung ương chia sẻ.

Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện, hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo. Tỉ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, gần 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

Huy động sự hưởng ứng của cả cộng đồng cho phòng chống lao
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, để thực hiện được những mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống lao quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ phê duyệt, Chương trình chống lao quốc gia cần tăng cường vận động để nhận được sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hỗ trợ công tác phòng, chống lao, thể hiện qua việc cụ thể hóa và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nói chung về khám chữa bệnh và văn bản riêng về công tác phòng, chống lao. Sự ủng hộ cũng được thể hiện qua việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới phòng, chống lao từ Trung ương tới địa phương.

Đồng thời, huy động sự hưởng ứng của cả cộng đồng với công tác phòng, chống lao, tăng cường tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao.

Cần có các chiến dịch, chương trình truyền thông, huy động cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống lao, nâng cao nhận thức của người dân, giảm mặc cảm, kỳ thị bệnh lao; vận động đầu tư đa nguồn cho công tác phòng, chống lao bao gồm ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, tài trợ quốc tế, bảo hiểm y tế, xã hội hoá…

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay trên toàn cầu là “Đúng, chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao”, với hy vọng và niềm tin mạnh mẽ như một lời khẳng định đanh thép rằng việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể. Và năm 2023 là một năm rất quan trọng để chúng ta cùng vào cuộc. Đây được coi là “năm của hy vọng” để nhận được sự chung tay, tập hợp sức mạnh của toàn cầu trong tiến trình thanh toán bệnh lao.

Tiến Chí-Thanh Vân