Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng chủ động tham gia hệ sinh thái bán dẫn

ĐNA -

Ngày 29/9/2023, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực sản xuất chip bán dẫn và mở chuyên ngành đào tạo kỹ sư Vi điện tử”. Hội thảo được ghi nhận là bước khởi động mạnh mẽ, đẩy mạnh hơn nữa mục tiêu đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực Vi điện tử (Microelectronics-Công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch). Đây cũng là “tâm thế chủ động” của nhà trường, tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn ASEAN.

Đại biểu dự hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực sản xuất chip bán dẫn và mở chuyên ngành đào tạo kỹ sư Vi điện tử”, cùng chụp ảnh lưu niệm. Ảnh trong bài Thanh Nhã – T.Ngọc và Đào Tuấn.

Sẽ mở mới chuyên ngành đào tạo Vi điện tử
Cùng với sự phát triển của các lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông, bao gồm Internet of Things (IoT), Artificial Intelligence (AI) và hàng loạt ứng dụng mới. Nhất là trong các lĩnh vực như y tế, ô tô tự hành, phân tích và xử lý dữ liệu, năng lượng tái tạo, nhà máy thông minh, đã đặt ra yêu cầu cao về nguồn nhân lực ngành Vi điện tử (Microelectronics – Công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch).

Dự kiến trong thời gian tới, Trường sẽ mở thêm chuyên ngành Vi điện tử để cung cấp nguồn nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực này.

“Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương phát triển ngành công nghiệp vi mạch điện tử. Và Đà Nẵng cũng là nơi có Khu Công nghệ cao hoạt động (và là 1 trong 3 Khu công nghệ cao của cả nước, đã có cơ chế ưu đãi, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn). Đà Nẵng cũng đã có doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu, thiết kế Chip.

Cùng với Đại học Bách khoa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng cũng là nơi đã và đang đào nhân lực nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này. Mỗi khóa tốt nghiệp, nhà trường đã cung ứng cho thị trường lao động ngành điện tử, khoảng 1.000 sinh viên.

Tuy nhiên, Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng chưa có một chuyên ngành đào tạo riêng về vi mạch điện tử; hội thảo hôm nay, cũng là hội thảo đầu tiên, nhà trường muốn lắng nghe ý kiến từ chính các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CHIP. Nhà trường sẽ tiếp thu và hoàn thiện, xúc tiến việc thành lập chuyên ngành đào tạo về Vi điện tử. Một ngành hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, cung ứng nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu giải quyết các vấn đề về linh kiện bán dẫn, thiết bị và hệ thống vi điện tử. Đây cũng là xu thế, đón đầu cơ hội về nhu cầu lao động có trình độ chuyên môn cao của các doanh nghiệp thiết kế, sản xuất Chip.

Mong ước của trường là góp phần tạo những điều kiện căn bản, có tính nền tảng, để Đà Nẵng tiến tới sẽ thành lập một Trung tâm nghiên cứu sản xuất Vi điện tử”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu- Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh.

Đề tài: “Thiết kế mạch điều khiển cánh tay Robot có xử lý ảnh”, sinh viên thực hiện: Huỳnh Võ Thiện Tuấn và Trần Minh Hùng ; GVHD : KS. Lê Hồng Nam. Giải Nhì, đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Khoa Điện tử – Viễn thông.

Những nền tảng cho ngành đào tạo mới
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng thành lập Ngành Điện tử – Viễn thông vào năm 1988, đến năm 2004, thành lập ở cấp Khoa (Điện tử – Viễn thông).

Liên quan đến lĩnh vực Vi điện tử (công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch), hiện có gần 30 môn học, bao gồm từ công nghệ đến thiết kế, được triển khai trong các chương trình đào tạo thuộc các khoa: Điện tử Viễn thông, Công nghệ thông tin, Khoa học công nghệ và tiên tiến, Điện và Cơ khí (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng).

2 sinh viên Trương Công Phước và Nguyễn Thành Trung – chuyên ngành Kỹ thuật Điện Tử – tại Lễ Bảo vệ đồ án tốt nghiệp của Khoa.

“Các học phần liên quan vi điện tử (được giảng dạy nhiều năm nay) của nhà trường gồm: Cấu kiện điện tử; Vật lý bán dẫn; Kỹ thuật mạch điện tử; Kỹ thuật số; Công nghệ VLSI; Thiết kế vi mạch tương tự, hỗn hợp; Ngôn ngữ mô tả phần cứng FPGA; Cấu trúc dữ liệu và giải thuật; Cảm biến và đo lường; Hệ thống nhúng; Tổ chức máy tính; Kiến trúc và thiết kế máy tính; Hệ thống thời gian thực; PBL2 Thiết kế mạch điện tử; PBL4 Chuyên đề thiết kế vi mạch)

Ngoài các giờ học lý thuyết, sinh viên cũng được tiếp cận thực hành với các phần mềm thường được sử dụng trong đào tạo kĩ sư ngành vi mạch bán dẫn. Về cơ bản, sinh viên có thể hiểu rõ nguyên lý hoạt động và nguyên lý thiết kế dùng trong vi mạch bán dẫn, có thể phần lớn đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các công ty thiết kế vi mạch trên thị trường”, Trưởng Khoa Điện tử – Viễn thông, TS. Ngô Minh Trí cho biết.

Trưởng Khoa Điện tử – Viễn thông, TS. Ngô Minh Trí.

Cũng theo TS. Ngô Minh Trí – Trưởng Khoa Điện tử – Viễn thông, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông, chuyên ngành Vi điện tử sẽ được thiết kế nhằm trang bị cho người học các kiến thức về: vật liệu điện tử, vật lý bán dẫn, hệ thống nhúng, thiết kế vi mạch tích hợp, kiểm thử, công nghệ sản xuất vi mạch để nghiên cứu giải quyết các vấn đề về linh kiện bán dẫn, thiết bị và hệ thống vi điện tử. Người học được trang bị kiến thức Kỹ sư về thiết kế vi mạch và các thiết bị điện tử để đảm nhận các vị trí công việc, liên quan đến lĩnh vực hệ thống nhúng và IoT; dây chuyền sản xuất và kiểm thử linh kiện, thiết bị, vi mạch điện tử.

Theo đuổi lĩnh vực Vi điện tử, người học cần chuẩn bị những gì?
Tại phiên thảo luận mở diễn ra sáng nay, các bạn sinh viên cũng bày tỏ quan tâm rằng “để làm việc trong lĩnh vực Chip bán dẫn, sinh viên cần học tốt những môn nào, cần chuẩn bị, rèn luyện những kỹ năng gì?”.

Trả lời thế hệ đàn em hôm nay, ông Nguyễn Bảo Anh – cựu sinh viên khóa 2002-2007, ngành Điện tử Viễn thông của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng- hiện là Giám đốc kỹ thuật, phụ trách phát triển các dự án công nghệ cao, Trưởng Văn phòng Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng, đảm nhận vai trò điều hành, quản lý công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và tầm ảnh hưởng của công nghệ bán dẫn tiên tiến tại Việt Nam, chia sẻ rằng: Các môn học cơ bản cung cấp những kiến thức nền tảng cho sinh viên. Nhưng khi đi làm, nhân viên thường chỉ sử dụng kiến thức ngọn, quên đi phần kiến thức gốc. Tuy nhiên, chính các môn học nền tảng mới giúp sinh viên ra quyết định, khi họ ở vị trí và đảm nhận vai trò cao hơn trong doanh nghiệp chẳng hạn như quản lý, giám đốc phụ trách kỹ thuật. Để trở thành kỹ sư giỏi đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và kiến thức là không bao giờ là thừa. Điều quan trọng là người học đào sâu kiến thức như thế nào.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường sinh viên cần mạnh dạn ứng tuyển vào các chương trình thực tập sinh của doanh nghiệp. Đây là cách để sinh viên có được lợi thế về kinh nghiệm trong công việc.

Cựu sinh viên Nguyễn Bảo Anh phát biểu tại hội thảo và trò chuyện với các bạn sinh viên trong giờ giải lao.

Cựu sinh viên Nguyễn Bảo Anh cũng hy vọng Nhà trường sẽ đào tạo đủ lượng kiến thức cần thiết cho người học, với đủ số tín chỉ, để sinh viên có thể lĩnh hội được hết kiến thức, đồng thời có khả năng áp dụng vào trong thực hành. Đây chính là điều mà các doanh nghiệp cần.

Đại diện các Công ty (như Synopsys, Renesas, Synapse, VHT – Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel, Savarti, …) trong trao đổi tại hội thảo, đều đề cập đến năng lực nghiên cứu, thiết kế, chiến lược phát triển của mình, dự báo về nhu cầu nhân sự. Qua đó, cũng nói rõ yêu cầu nào về kiến thức chuyên môn, kỹ năng là thực sự cần thiết, đối với kỹ sư ứng tuyển, nói cách khác, người ứng tuyển cần hoàn thiện, sẵn sàng như thế nào cho vị trí muốn ứng tuyển.

Cụ thể, các bạn sinh viên cũng cần chuẩn bị những kỹ năng, thái độ sao cho hòa nhập và thích nghi nhanh, phù hợp với sắc thái văn hóa doanh nghiệp. Đó là thái độ minh bạch trong nghề nghiệp, tự chủ – tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình, có năng lực học tập, sự sáng tạo trong giải quyết vấn đề.

Điều này càng cho thấy, quá trình đào tạo luôn cần sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà trường và Doanh nghiệp, giúp người học vừa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, vừa có sự chuẩn bị và trau dồi sớm thái độ, kỹ năng nghề nghiệp.

Sinh viên chuyên ngành rất quan tâm đến hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực sản xuất chip bán dẫn và mở chuyên ngành đào tạo kỹ sư Vi điện tử”.

Một đóng góp để Việt Nam là thành viên tích cực của hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á
Việt Nam đã có cam kết sẽ đóng góp tích cực vào hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á. Tuyên bố chung của Việt Nam – Hoa Kỳ mới đây, khẳng định quan hệ hai nước đã lên tầm chiến lược toàn diện, cũng xác định rằng “một trong các nội dung hợp tác chiến lược là về đổi mới sáng tạo, trong đó có phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”. Và Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan…

Tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit) với chủ đề “Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng:

“Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã xác định phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Từ chủ trương này, trong thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ.

Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ rằng, Việt Nam cần xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn cho các tập đoàn bán dẫn hàng đầu, cũng như các chính sách đầu tư hợp lý, cung cấp các tiện ích cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn”.

Rõ ràng, theo xu thế trên, nhất định sẽ có sự gia tăng về nhu cầu tuyển dụng trong các công ty vi mạch điện tử, cùng với yêu cầu ngày càng cao về nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng đủ về kỹ thuật chuyên môn. Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng xác định đầu tư thành lập chuyên ngành Vi điện tử, phục vụ cho quá trình đào tạo và tham gia nghiên cứu là hết sức cần thiết, đón đầu một cơ hội lớn của phát triển, có đóng góp thiết thực cho hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.

Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo.

 

Được biết, sắp đến, sẽ diễn ra hội thảo chuyên đề Vi mạch điện tử (do 2 Đại học quốc Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh chủ trì), trong khuôn khổ hội thảo sẽ có ký kết hợp tác với 3 trường Đại học Bách khoa về đào tạo chip bán dẫn. Đây là những chuẩn bị cần thiết để kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á, đồng nghĩa rằng, Việt Nam sẽ cùng tham gia hợp tác, chia sẻ kiến thức và kỹ thuật, cùng nhau tạo ra các giải pháp cho ngành một ngành công nghiệp chiến lược đầy tiềm năng./.

T.Ngọc