Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đại học Đà Nẵng đề xuất mô hình, lộ trình mới cho hợp tác Đại học – Doanh nghiệp



ĐNA -

Ngày 29/6/2023, đã diễn ra hội nghị “Hợp tác đại học-doanh nghiệp Đại học Đà Nẵng năm 2023”. Đây cũng là diễn đàn có quy mô lớn nhất từ trước đến nay (của Đại học Đà Nẵng), về hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp. Đại diện lãnh đạo của gần 40 doanh nghiệp là đối tác của Đại học Đà Nẵng, của các trường thành viên, các đơn vị thuộc và trực thuộc đã có mặt tại sự kiện chuyên đề.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Đà Nẵng; PGS.TS Lê Thành Bắc – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng và Thạc sỹ Đinh Thị Mỹ Hạnh – Trưởng Ban, Ban Công tác học sinh, sinh viên Đại học Đà Nẵng, đã chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, cũng đã diễn ra nghi thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng với CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn và Tổng Công ty Điện lực miền Trung. Trong ảnh: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Đà Nẵng (bên phải) và Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung, ông Ngô Tấn cư, giới thiệu văn kiện hợp tác vừa được ký kết. Ảnh trong bài: Trần Thanh Nhã – T.Ngọc.

Khởi đầu cho một tiến trình hợp tác mới
“Hội nghị Hợp tác đại học – doanh nghiệp do Đại học Đà Nẵng tổ chức hôm nay, nhằm đánh giá thực trạng hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp, tổ chức với Đại học Đà Nẵng nói chung, các đơn vị đào tạo thành viên nói riêng thời gian qua, với mong muốn lớn nhất là nhận được các giải pháp đề xuất để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong thời gian đến.

Chúng tôi mong muốn lắng nghe các ý kiến từ chính doanh nghiệp về nhu cầu trong mối liên kết hợp tác và qua đây trao đổi giải pháp nhằm thúc đẩy sự liên kết hiệu quả, bền vững trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học – đổi mới sáng tạo, với mục tiêu hài hòa lợi ích, các bên cùng có lợi, phát triển học hiệu nhà trường cùng thương hiệu doanh nghiệp”, PGS.TS Lê Thành Bắc – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh, chịu sự tác động từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, và những tiến bộ không ngừng trên nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ, những yêu cầu có tính cấp bách của xu thế chuyển đổi số; đã, dang và sẽ đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp cần phải tuyển dụng lực lượng lao động mới, có khả năng làm việc tương ứng, thay thế lượng lực lao động truyền thống, đang dần không đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Đặc biệt, Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng, đang và sẽ đón làn sóng đầu tư mới từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, trong đó có nhiều thương hiệu công nghệ – công nghiệp uy tín. Nhu cầu về lực lượng lao động chất lượng cao, đủ khả năng cạnh tranh về năng lực trên thị trường lao động, chắc chắn sẽ tăng cao trong vài năm đến.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng: Hợp tác đại học– doanh nghiệp, cần có chương trình hành động, kế hoạch hợp tác cụ thể, thiết thực, hiệu quả cao hơn.

“Hội nghị lần này, khởi đầu cho một tiến trình hợp tác mới, của một xu thế tất yếu, có ý nghĩa hết sức quan trọng, của quá trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Nhưng trước hết, là cho nhu cầu sử dụng lao động của chính doanh nghiệp. Hợp tác đại học– doanh nghiệp, do vậy, càng lúc có ý nghĩa rất lớn, làm rõ hơn trách nhiệm của doanh nghiệp đối với thế hệ trẻ. Một dẫn chứng là thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tặng học bổng khuyến học, giúp sinh viên vượt qua những khó khăn. Đây cũng chính là góp phần nuôi dưỡng nhân tài trong sinh viên, chăm lo cho tương lai phát triển của đất nước.

Đối với các đại học, hợp tác với doanh nghiệp là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng đòi hỏi của xã hội. Lãnh đạo các trường, tổ chức, đơn vị thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng phải nâng cao hơn nữa nhận thức và phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động hợp tác đại học– doanh nghiệp, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch hợp tác cụ thể, thiết thực, và mỗi ngày một hiệu quả cao hơn”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng, nhấn mạnh.

Từ thành tựu đến nhận diện khó khăn, thách thức, cản ngại
Theo báo cáo “Hoạt động hợp tác đại học – doanh nghiệp tại Đại học Đà Nẵng”, quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường có tính gắn bó hữu cơ, nhằm hỗ trợ lẫn nhau trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Doanh nghiệp là nơi kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực. Doanh nghiệp cần gắn chặt với nhà trường để thay đổi căn bản về cơ chế vận hành hệ thống. Mô hình hợp tác này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhà trường, bởi sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, người học có thể thích ứng nhanh chóng với những đòi hỏi của doanh nghiệp, của thị trường lao động.

Trong nhiều năm qua, Đại học Đà Nẵng, cũng như các đơn vị thành viên đều đã triển khai các phương thức hợp tác với doanh nghiệp qua nhiều mô hình, kể cả kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp – trường đại học – địa phương, và hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau, hợp tác tập trung vào 5 nội dung chính: Đào tạo – Nghiên cứu khoa học – Hỗ trợ sinh viên thực tập, tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp – Doanh nghiệp đồng hành xây dựng, thiết kế và hỗ trợ cơ sở vật chất, thực hành thí nghiệm công nghệ cao; và  trao tặng học bổng, phần thưởng cho sinh viên vượt khó, học giỏi, rèn luyện tốt. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đã hợp tác và gắn bó lâu dài với Đại học Đà Nẵng và luôn có những hỗ trợ đồng hành rất đáng quý. Đó là Liên đoàn Kinh tế Keidanren và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản JCCI đã có 23 năm gắn bó, Tập đoàn Thép JFE (Nhật Bản) đã hợp tác 10 năm và liên tục hỗ trợ học bổng, cũng như nghiên cứu/giảng dạy lĩnh vực vật liệu; Hiệp hội Logistics vùng Wallonie (Bỉ) cũng có 10 năm cộng tác và hỗ trợ đào tạo ứng dụng, phát triển (chuyên ngành) Logistics.

Chủ tọa hội thảo, từ trái sang: PGS.TS Lê Thành Bắc – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng (đang phát biểu) ; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Đà Nẵng và Thạc sỹ Đinh Thị Mỹ Hạnh – Trưởng Ban, Ban Công tác học sinh, sinh viên Đại học Đà Nẵng.

Chia sẻ tại diễn đàn hội nghị, nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ ra những bất cập, cản ngại, làm cho hiệu quả hợp tác giữa đại học (nhà trường) và doanh nghiệp có nơi (bao hàm cả Trường-Doanh nghiệp), còn nhiều hạn chế. Về phía nhà trường, có nơi chưa thật sự chủ động trong đề xuất các nội dung hợp tác với doanh nghiệp; đa phần các nội dung này là đề xuất từ doanh nghiệp. Một số đơn vị chưa ý thức rõ sự cấp thiết của vấn đề và thiếu quyết tâm trong xây dựng một mối quan hệ lâu dài với các doanh nghiệp. Ở phía doanh nghiệp, cũng xảy ra tình trạng tương tự.

“Nhìm chung, khi ai có nhu cầu thì mời gọi bên còn lại, chứ chưa có sự chủ động, có những đánh giá sâu sát, đề ra chương trình hợp tác sao cho cụ thể thiết thực. Chẳng hạn cần hợp tác, ngồi lại cùng nhau xem xét đầu ra của nhà trường đã phù hợp với đầu vào của doanh nghiệp hay chưa ? ; nhu cầu (về nguồn nhân lực) của chính doanh nghiệp đã có điểm gặp gỡ với năng lực đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực mà nhà trường đang có. Hợp tác nhà trường – doanh nghiệp trong thực tế vẫn còn thiếu tầm chiến lược, đủ để phát huy được tiềm năng của cả hai bên, đồng thời cũng giải quyết được yêu cầu và nhu cầu, cùng hài hòa lợi ích của cả 2 phía. Bản thân nhà trường luôn rất cần sự hợp tác đầy trách nhiệm của doanh nghiệp để tăng cường trải nghiệm thực tế (từ quy trình sản xuất, hoạt động) của chính doanh nghiệp, cũng như những tham vấn, định hướng sát thực tế về nghề nghiệp, về yêu cầu chuyên môn, kỹ năng mà sinh viên cần thích nghi, đáp ứng” –    TS. Nguyễn Quang Vũ, Trưởng phòng, Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn phân tích.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng: Nhiều nội dung hợp tác chủ yếu xuất phát từ nhu cầu mang tính chủ quan, thiên lệch xuất phát từ một bên.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng): “ Các nội dung trong ký kết hợp tác MOU giữa Nhà trường – Doanh nghiệp vẫn còn mang tính hình thức, ký kết hợp tác nhưng thiếu sự đôn đốc, cơ chế hợp tác để triển khai bám sát các mục tiêu, lộ trình, đặc biệt hạn chế ở khâu tổng kết, đánh giá, do đó hiệu quả hợp tác còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu của các bên. Cả 2 phái cũng chưa có cơ sở dữ liệu để theo dõi, rà soát tiến độ thực hiện của MOU. Chưa có chính sách đối tác – đối tác chiến lược phù hợp và cá thể hóa theo nhu cầu của mỗi loại hình doanh nghiệp/mô hình hoạt động của doanh nghiệp. Chưa thiết lập được mạng lưới quan hệ với các doanh nghiệp lớn có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn trong khu vực và trên thế giới.

“Nhiều nội dung hợp tác chủ yếu xuất phát từ nhu cầu mang tính chủ quan, thiên lệch xuất phát từ một bên chứ chưa thực sự có khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu sâu, toàn diện để lựa chọn các thế mạnh, nội dung hợp tác thực chất, hiệu quả. Một số nội dung hợp tác chủ yếu tập trung đề xuất doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, học bổng là chính mà chưa có tìm hiểu nghiên cứu nhu cầu, thế mạnh của các doanh nghiệp, từ đó các nội dung nhà trường đề xuất vẫn còn phiến diện, chưa có tính hợp lý và khả thi cao” – PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu nhấn mạnh.

Hợp tác, kết nối phải có tầm nhìn dài hạn, bền vững hơn, hiệu quả hài hòa hơn cho mỗi bên tham gia Theo Thạc sỹ Đinh Thị Mỹ Hạnh – Trưởng Ban, Ban Công tác học sinh, sinh viên Đại học Đà Nẵng, có thể thấy rất rõ, nội dung hợp tác (của doanh nghiệp) chủ yếu là mới tìm kiếm, tuyển chọn các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nên hiệu quả tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực còn rất lãng phí, chưa khai thác hết nguồn nhân lực được các nhà trường đào tạo.

Thạc sỹ Đinh Thị Mỹ Hạnh – Trưởng Ban, Ban Công tác học sinh, sinh viên Đại học Đà Nẵng: Nhà trường phải coi trọng vai trò đồng hành, tham gia của các doanh nghiệp, nhất là đội ngũ chuyên gia, doanh nhân trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Các trường thì lại chưa có nhiều phương thức, mô hình hoạt động hướng về đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, từ đó đổi mới quản trị đại học và từ hợp tác (cùng) doanh nghiệp; hay thu hoạch bài học “nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến chương trình giảng dạy hiệu quả” cho nhà trường. Do vậy, chính nhà trường phải có những khởi động mạnh mẽ hơn, mời doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có uy tín tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo, đảm bảo mục tiêu ít nhất mỗi chương trình đào tạo cần có 2-3 doanh nghiệp tham gia đóng góp nội dung; mỗi ngành đào tạo đều có doanh nghiệp hợp tác trong thực tập – việc làm.

Nhà trường phải coi trọng vai trò đồng hành, tham gia của các doanh nghiệp, nhất là đội ngũ chuyên gia, doanh nhân trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, từ khâu khảo sát cung – cầu, mở ngành nghề đào tạo, xây dựng, góp ý, phản biện và liên tục cải tiến, hoàn thiện các chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra đến quá trình tổ chức vận hành, nhất là đào tạo thực hành, thực tập và đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị để rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành, học đường với môi trường làm việc thực tế của doanh nghiệp. Cần đưa các tiêu chí thúc đẩy, ràng buộc trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả hợp tác nhà trường-doanh nghiệp vào hệ thống kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo. Chính điều này mang lại độ tin cậy và mạnh dạn “đặt hàng tổng thể” từ các doanh nghiệp/hiệp hội các doanh nghiệp đối với nhà trường.

Chỉ có hợp tác với doanh nghiệp, mới rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo lý thuyết với thực tiễn
“Tôi cho rằng cần tạo mọi điều kiện để các chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại Khu Công nghệ cao được giảng dạy tại Đại học Đà Nẵng, cung cấp kiến thức thực tế từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất cho sinh viên. Ngược lại, doanh nghiệp hoạt động tại Khu Công nghệ cao, hay các khu công nghiệp trên địa bàn, cũng phải tạo điều kiện cho sinh viên Đại học Đà Nẵng tham gia thực tập nhằm nâng cao kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên, tạo điều kiện thuận lợi cao hơn cho nhu cầu tuyển dụng.

Hội nghị trở thành diễn đàn có quy mô lớn nhất từ trước đến nay (của Đại học Đà Nẵng), về hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp.

Hợp tác giữa doanh nghiệp – nhà trường và chính quyền luôn là nhu cầu tất yếu khách quan và mang tính khả thi trong thực tiễn phát triển kinh tế gắn với nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp cùng sự cạnh tranh của thị trường lao động. Bên cạnh đó, mối liên kết hợp tác này còn khắc phục tình trạng bất cập, lãng phí trong hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ, triển khai các nghiên cứu này đi vào thực tế, thương mại hóa được các kết quả nghiên cứu, từ đó đóng góp vào giá trị gia tăng của nền kinh tế, gắn với kinh tế trí thức, chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, ông Trần Văn Tỵ – Phó Trưởng Ban, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, đề xuất.

Thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ trong Nhà trường là đề xuất được nhiều đại biểu quan tâm, xem là mô hình mới, góp phần làm đa dạng hóa nội dung hợp tác, tạo ra nhiều cơ hội để nhà trường và doanh nghiệp thúc đẩy mạnh mẽ hơn chương trình hợp tác, thay đổi các phương thức đã không còn phù hợp, thậm chí, chỉ là hình thức.

Doanh nghiệp trong nhà trường, được ghi nhận là mô hình mới, có thể giải quyết được nhiều vấn đề trong tăng cường hợp tác cả về đào tạo (cung ứng nguồn nhân lực) hay nghiên cứu (để chuyển giao công nghệ), rất tiếc, cho đến nay vẫn chưa hình thành bất kỳ mô hình nào. Hợp tác trong đào tạo, “từ doanh nghiệp cho Nhà trường và từ Nhà trường cho doanh nghiệp”, vì vậy vẫn còn quá khiêm tốn, so với tiềm năng. Dù Nghị định 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ, quy định về hoạt động khoa học công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, đã thực sự mở đường, cho phép “doanh nghiệp được đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm, cơ sở thiết bị khoa học công nghệ ngay tại các trường đại học”, trong khuôn khổ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp (nghiên cứu, chuyển giao công nghệ). Nhiều ý kiến khẳng định, nếu mạnh dạn có chiến lược “nuôi dưỡng”, “ươm mầm” tài năng tại các trường đại học, thông qua  , đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính, hay các “mô hình truyền thống” như tài trợ học bổng, thực hiện tuyển dụng trước và sau tốt nghiệp, … thì đó cũng là kênh đầu tư của doanh nghiệp cho chính mình.

PGS.TS Lê Thành Bắc – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng: năm học 2022 – 2023, Đại học Đà Nẵng đã chọn chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp”.

Ở góc nhìn khác, ông Trần Văn Tỵ – Phó Trưởng Ban, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đề xuất thêm: “ theo điều 6 Nghị định 109/2022/NĐ-CP, quy định cơ sở giáo dục đại học (cũng) được thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học. Doanh nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện theo quy định được đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Trên cơ sở quy định này, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng khuyến khích Đại học Đà Nẵng thành lập được các doanh nghiệp khoa học – công nghệ tìm năng, thu hút các doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Đại học Đà Nẵng tham gia vào các chương trình/dự án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao, và xem xét sự phù hợp để đầu tư vào phân khu nghiên cứu – phát triển tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

PGS.TS Lê Thành Bắc – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhìn nhận: “Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là một mô hình hợp tác phổ biến trên thế giới, đã tác động tích cực tới hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo lý thuyết với thực tiễn. Tại Việt Nam, trong những năm qua, mô hình hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường lao động là một nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi cơ sở đào tạo.

Thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng trong thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn nữa; năm học 2022 – 2023, Đại học Đà Nẵng đã chọn chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học gắn với yêu cầu thực tiễn vì mục tiêu phát triển bền vững”. Trong đó chú trọng,nâng cao tính chủ động của mỗi nhà trường, mỗi đơn vị thành viên trong các hoạt động hợp tác; chú trọng việc phân tầng hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên; hoàn thiện cơ sở dữ liệu sinh viên, cựu sinh viên và doanh nghiệp”.

Chia sẻ góc nhìn từ nhà trường (nhà đào tạo) đến cộng đồng doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) bày tỏ “Doanh nghiệp Cần nhận thức đầy đủ hơn về ích lợi cũng như xu thế tất yếu của mối liên kết nhà trường – doanh nghiệp, từ đó hoạch định cơ chế phối hợp cũng như hoạch định nguồn nhân sự cho tương lai; cần nhìn nhận việc hợp tác, liên kết với Trường Đại học mang tính chiến lược: tìm cơ hội kinh doanh, có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao, để đổi mới, sáng tạo phục vụ cho phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng có thể đặt hàng cơ sở đào tạo giải quyết những vấn đề cần thiết mà doanh nghiệp đang và sẽ có nhu cầu… Có cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, nghiên cứu cho các nhà khoa học và sinh viên ở các trường đại học, khuyến khích họ tham gia các dự án và chia sẻ học thuật với doanh nghiệp.

Hoạt động hợp tác Trường Đại học và Doanh nghiệp cần phải được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa vì nó xu hướng tất yếu và nhu cầu tự thân mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai bên tham gia. Để phát triển hợp tác này thì Nhà trường đóng vai trò chủ động, tích cực, Doanh nghiệp đóng vai trò tiếp nhận, tương tác và cung cấp nguồn lực. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể phản biện, góp phần xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo cho trường đại học, hướng theo nhu cầu sử dụng nhân lực từ phía doanh nghiệp.Điều này hạn chế, khắc phục tình trạng đào tạo lại sau khi tuyển dụng./.

T.Ngọc