Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đại học Đà Nẵng khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, tại Làng Đại học Hòa Quý – Điện Ngọc



ĐNA -

(Đà Nẵng). Sáng nay 25/11/2024, Đại học Đà Nẵng, đơn vị chịu trách nhiệm về tư vấn khảo sát, thiết kế xây dựng; các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thẩm tra và tư vấn giám sát đảm bảo yêu cầu về môi trường và xã hội, … các bên liên quan, đã phối hợp tổ chức khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, thuộc Tiểu dự án 1 “Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý – Điện Ngọc, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB)”. Thời gian thực hiện thi công dự kiến trong khoảng 400 ngày, kết thúc vào cuối năm 2025.

Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, quận Ngũ Hành Sơn và đại diện nhà thầu thi công ấn nút khởi công dự án. Ảnh: T.Ngọc.

Theo TS.Nguyễn Hiệp – Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA (Đại học Đà Nẵng), Tiểu Dự án 1 (có quy mô hơn 2.760 tỷ đồng) là dự án nhóm A, được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư từ nguồn vốn hỗn hợp. Gồm vốn vay ODA của Cơ quan Phát triển quốc tế (thuộc WB) với tổng số tiền là 98 triệu USD và nguồn vốn đối ứng trong nước gần 20 triệu USD, trong đó Ngân sách Trung ương cấp phát là 90%, Đại học Đà Nẵng vay lại và đối ứng 10%.

Đây là dự án công trình hạ tầng kỹ thuật cấp III, được thực hiện trên phạm vi diện tích 49 ha, thuộc Khu Quy hoạch xây dựng Đại học Đà Nẵng (tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật có giá trị xây lắp và thiết bị hơn 300 tỷ đồng, với yêu cầu được triển khai đầu tiên, trong tổng số 7 hạng mục công trình xây dựng của dự án.

Các hạng mục (xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật) gồm san nền (trên diện tích khoảng 32 ha); xây dựng 8 tuyến đường (có tổng chiều dài 4.750m); hệ thống thoát nước mưa (dài 8.300 m); hệ thống thoát nước thải (trên 4.500 m); Trạm xử lý nước thải (công suất 275m3/ngày đêm); hệ thống cấp nước và PCCC (dài gần 5.000 m); hệ thống cấp điện với tuyến cáp trung thế (khoảng 3.200m), đồng bộ cùng các hệ thống chiếu sáng, thông tin liên lạc và camera giám sát hiện đại.

TS. Nguyễn Hiệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA Đại học Đà Nẵng: Dự án được thực hiện bài bản dưới sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, WB, Đại học Đà Nẵng, các bên liên quan. Ảnh: T.Ngọc.

“Dự án được thực hiện bài bản dưới sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, WB, Đại học Đà Nẵng, các bên liên quan. Trong từng hạng mục đều có sự tham gia thẩm duyệt, thẩm định đúng quy định, quy trình của các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Công an và Bộ Xây dựng; được tổ chức đấu thầu rộng rãi trên Cổng thông tin của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo Quy chế Đấu thầu, mua sắm hiện hành của Ngân hàng Thế giới; và được sự hỗ trợ nhiệt tình theo các thỏa thuận đấu nối của các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải (thành phố Đà Nẵng), các đơn vị hữu quan; nhờ đó, Ban Quản lý Dự án ODA Đại học Đà Nẵng đã có được thiết kế và dự toán đúng quy định, đảm bảo chất lượng để triển khai các bước mời thầu và cuối cùng, đã lựa chọn được 2 liên danh gồm 4 nhà thầu đáp ứng các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, tham gia thi công công trình”, TS.Nguyễn Hiệp – Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA (Đại học Đà Nẵng), nhấn mạnh.

Tiền đề quan trọng để tiếp tục triển khai 6 hạng mục còn lại của dự án kéo dài trong nhiều năm
Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng (công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng), các hạng mục sẽ đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, để tiếp tục triển khai xây dựng các công trình của Đại học Đà Nẵng (theo Quy hoạch được phê duyệt), đặc biệt là 6 hạng mục còn lại trong phạm vị dự án. Bên cạnh đó, với điều kiện hạ tầng kỹ thuật mới, việc tiếp cận và sử dụng các công trình hiện hữu của Đại học Đà Nẵng tại Khu Đô thị Đại học Đà Nẵng (tại Hòa Quý – Điện Ngọc) được thuận tiện, khả dụng hơn, đặc biệt tạo diện mạo mới đối với toàn khu vực.

“Dự án “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý – Điện Ngọc” là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp phát triển giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học của nước nhà nói chung và của Đại học Đà Nẵng nói riêng.

Phối cảnh quy hoạch Làng Đại học Đà Nẵng.

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định Chủ trương đầu tư tại Quyết định số 741 ngày 2/6/2020, được điều chỉnh tại Quyết định số 1060 ngày 21/7/2020. Trên cơ sở quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ Gíao dục và Đào tạo đã phê duyệt Tiểu dự án 1 (tại Quyết định số 3760 ngày 29/10/2021), với tổng mức đầu tư trên 117 triệu USD tương ứng trên 2.767 tỷ đồng.

Dự án được đầu tư xây dựng sẽ giúp cải thiện chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Đà Nẵng, nâng cao tiềm lực về cơ sở vật chất, tạo nên môi trường học thuật tiên tiến và hiện đại, là nhân tố quyết định góp phần đạt được mục tiêu phát triển tổng thể của Đại học Đà Nẵng, là trở thành Trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ theo chuẩn mực quốc tế, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và trình độ phát triển khoa học công nghệ của thế giới, trong giai đoạn mới – giai đoạn vươn mình của dân tộc, nắm bắt vận hội để tạo thêm những kỳ tích mới.

Đặc biệt, sự thành công của dự án sẽ góp phần nâng tầm Đại học Đà Nẵng phát triển thành Đại học Quốc gia Đà Nẵng (theo chủ trương, nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết số 26-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị) trong tương lai không xa”, PGS.TS Nguyễn mạnh Toàn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn mạnh Toàn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng: thành công của dự án sẽ góp phần nâng tầm Đại học Đà Nẵng phát triển thành Đại học Quốc gia Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc.

Nằm trong nhóm “Công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng”, trước đó ngày 15/11/2022, Nhà làm việc trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật và Nhà học tập, thực hành, thí nghiệm Khoa Y-Dược, sau này là trường Y-Dược – Đại học Đà Nẵng đã được khánh thành, đưa vào khai thác. Đây là 2 công trình được đầu tư xây dựng giai đoạn 2018-2020 (cùng có quy mô 55 tầng với diện tích sàn sử dụng lần lượt là 6.950m2 và 8.127m2. Cả 2 công trình ngoài chức năng tăng cường cơ sở vật chất cho 2 trường, đáp ứng yêu cầu đào tạo trong bối cảnh mới, còn mang ý nghĩa khởi động lộ trình đưa các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng về Khu Đô thị Đại học tập trung.

Dần ló dạng hình hài Làng Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia Đà Nẵng
Làng Đại học Đà Nẵng, nằm ở vị trí giáp ranh giữa phường Hòa Quý (Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) với phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) được xác định là khu vực chức năng đặc trưng, và là hạt nhân của Khu đô thị Đại học.

Theo quy hoạch phân khu Đổi mới sáng tạo của thành phố Đà Nẵng, Khu đô thị Đại học được kết gắn với Trung tâm đổi mới sáng tạo, Công viên phần mềm, và 1 Trung tâm y tế cấp vùng (tổng diện tích khoảng 3.770,3 ha).

Theo Quyết định số 1687/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng (ngày 5/8/2024), phân khu Đổi mới sáng tạo của thành phố Đà Nẵng có 2 trục chính gồm: Hành lang Đổi mới (kết nối các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao,…) và Hành lang Tri thức (kết nối các trường đại học và các trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo..). 2 hành lang mở ra môi trường tương tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực; các cơ quan, tổ chức nằm trên 2 vệt hành lang thuận tiện trong hợp tác, tăng cường trao đổi chuyên môn và sáng tạo, kiến tạo nên một không gian mở của đô thị xanh và thông minh.

Thời gian thực hiện thi công dự kiến trong khoảng 400 ngày, kết thúc vào cuối năm 2025.Ảnh: T.Ngọc.

Khu Đô thị Làng Đại học, dự án Không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân, Khu đô thị ven sông phía Tây Nam nhà máy nước Cầu Đỏ, và các tuyến giao thông chính trong mỗi phân khu, nút giao thông khác mức, hệ thống các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, được xác định ưu tiên đầu tư xây dựng…

“Gia tăng sự quyết tâm và tập trung chỉ đạo để thúc đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý-Điện Ngọc.

Một khu đô thị đại học hiện đại, thông minh, ngang tầm khu vực sẽ giúp chúng ta có không gian hoạt động, có chỗ để đổi mới giáo dục đào tạo, có chỗ cho những tầm nhìn mới, khát vọng mới. Sự chật hẹp của không gian rất dễ cản trở những tầm nhìn lớn”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đạo tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh trong phát biểu tại dịp kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển Đại học Đà Nẵng (vừa diễn ra hôm 17/10/2024).

Hiện trạng khu đất khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Làng Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý. Ảnh: T.Ngọc.

Bộ trưởng cũng lưu ý: Đất nước đang đứng trước yêu cầu và cơ hội để phát triển mạnh mẽ, bước vào kỷ nguyên vươn mình, điều đó đặt ra cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng thách thức lớn và cũng là cơ hội lớn. Các đại học cần có vai trò lớn hơn nữa trong thời kỳ mới, lịch sử đang đặt ta vào vị trí cần phải thể hiện trách nhiệm lớn hơn và mạnh mẽ hơn. Cũng như một người trí thức của thời đại, một đại học cần gánh trên vai trách nhiệm trước dân tộc, trước xã hội… đại học nơi tập trung những bậc trí thức lớn cần và càng cần tự nhiệm gánh vác sứ mệnh ấy./.

Trần Ngọc