(Đà Nẵng). Ngày 17/11/2023, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 và công bố Nghị quyết của Hội đồng Đại học Đà Nẵng, bổ nhiệm Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021-2026.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh: Trong thời đại ngày nay, hơn bất kỳ tài nguyên nào khác, tri thức và nhân tài chính là nguồn vốn quý giá nhất, làm nên sức mạnh, giá trị cho mỗi con người, cộng đồng, quốc gia và dân tộc. Càng tự hào về nghề nghiệp bao nhiêu chúng ta lại càng suy ngẫm về trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp trồng người, đối với xã hội, nhất là sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Người Thầy ngày nay không chỉ cần có phẩm chất, kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải tiên phong trong chuyển đổi số, giáo dục số, phải làm chủ được công nghệ và khoa học giáo dục hiện đại, định hướng và dẫn dắt người học tự tìm kiếm và phát triển tri thức; thắp lên trong lòng các em tinh thần chủ động, sáng tạo, hứng khởi trong học tập cùng trách nhiệm với cộng đồng. Chính các Thầy giáo, Cô giáo với sứ mệnh vẻ vang của mình đã đóng góp một phần rất quan trọng trong trọng trách đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Hướng đến 30 năm xây dựng và phát triển Đại học Đà Nẵng (1994-2024)
Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm nay của Đại học Đà Nẵng cũng hướng đến chào mừng 30 năm xây dựng và phát triển Đại học Đà Nẵng (1994-2024); hướng đến xây dựng Đại học Đà Nẵng, trở thành “Trường học hạnh phúc”, đưa Đại học Đà Nẵng phát triển lên một tầm cao mới.
Đại học Đà Nẵng hiện là thành viên ngoài Châu Âu đầu tiên của Liên minh các Đại học Châu Âu Ulysseus. Hợp tác quốc tế ngày càng phát triển sâu rộng, Đại học Đà Nẵng còn là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế lớn; hằng năm, có rất nhiều trường đại học trên khắp thế giới đến thăm làm việc, đạt được hàng trăm thỏa thuận hợp tác được ký kết, hỗ trợ và tăng cường trong trao đổi giảng viên, sinh viên, trong hợp tác nghiên cứu, góp phần tạo thêm nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Đại học Đà Nẵng cũng là thành viên Liên minh 5 Đại học hàng đầu Việt Nam (gồm 2 Đại học quốc gia; Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Bưu chính Viễn thông, Đại học Đà Nẵng). Năm học vừa qua, đã có thêm 19 chương trình đào tạo, đạt kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài; tính đến nay, toàn Đại học Đà Nẵng đã có 84 chương trình đào tạo, đã kiểm định được công nhận chất lượng theo các tiêu chuẩn trong và ngoài nước.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cũng cho biết, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024, Đại học Đà Nẵng phải ưu tiên tập trung vào 5 “trụ cột”: Tăng cường gắn kết với các trường THPT; Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp; Chú trọng hợp tác với các bộ, ngành, địa phương; Mở rộng hợp tác quốc tế; Đổi mới quản trị đại học, gắn liền với chuyển đổi số và tinh thần phục vụ; đổi mới công tác quản lý tài chính đảm bảo hợp lý, công bằng, ưu tiên cho con người để tài chính thực sự tạo động lực cho sự phát triển.
Tiếp tục coi trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ Tiến sĩ gắn liền với việc chủ động tham gia Đề án 89 của Nhà nước. Các trường thành viên cần có các giải pháp thu hút các nhà khoa học đầu ngành có tầm quốc gia, quốc tế đến làm việc tại trường để nâng tầm quốc tế. Bên cạnh đó, Người Thầy phải được đặt vào vị trí “trung tâm trong yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo”, để tôn vinh và có chính sách đãi ngộ phù hợp.
Chú trọng mở các ngành đào tạo mới phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước; phát triển các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Kết nối với các chuyên gia và doanh nghiệp mở các khóa bồi dưỡng cho học viên và sinh viên, nhằm bổ sung kiến thức thực tiễn, kỷ năng mềm cho người học và tăng thu nhập cho nhà trường.
Khuyến khích, tạo điều kiện cho giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, xây dựng lực lượng nghiên cứu viên chuyên nghiệp, chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên, ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu khoa học nhất là nghiên cứu ứng dụng.
Thực hiện thành công đề án phát triển Đại học Đà Nẵng lên Đại học Quốc gia Đà Nẵng.
Cũng theo lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, đề án phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học quốc gia Đà Nẵng, đến nay đã đạt được nhiều kết quả ban đầu rất quan trọng, về cơ sở chính trị, pháp lý, tạo tiền đề triển khai thành công đề án trong tương lai.
Sau Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị (3/11/2022) về chủ trương “xây dựng Đại học Đà Nẵng thành Đại học quốc gia”; chương trình hành động của Chính phủ, tại Nghị quyết số 168/NQ-CP (29/12/2022), chính thức có nhiệm vụ “phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia”; và Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng đã đưa (nội dung này) vào “Quy hoạch mạng lưới các trường đại học Việt Nam”.
Quy hoạch thành phố Đà Nẵng (2021-2030, tầm nhìn 2050, theo Quyết định 1287/QĐ-TTg), đã đề cập một nội dung yêu cầu “phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia”. Các Tỉnh ủy (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kontum), Thành ủy Đà Nẵng, cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, ủng hộ chủ trương phát triển Đại học Đà Nẵng lên Đại học Quốc gia.
Trong Chiến lược phát triển Đại học Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, cùng chương trình hành động thực hiện chiến lược này của Đại học Đà Nẵng (đã được ban hành); nhiệm vụ trọng tâm được khẳng định rõ là “tập trung mọi nguồn lực, thực hiện thành công Đề án phát triển Đại học Đà Nẵng lên Đại học Quốc gia”, và triển khai thành công dự án ODA về xây dựng cơ sở vật chất cần thiết cho Làng đô thị Đại học Đà Nẵng tại Khu đô thị Hòa Quý (Đà Nẵng) – Điện Ngọc (Quảng Nam).
Liên quan đến dự án Đại học Đà Nẵng tại Khu đô thị Hòa Quý-Điện Ngọc, được biết đến nay, cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng 40ha về phía Đà Nẵng; đang tích cực phối hợp với các Bộ/ngành và địa phương, tiếp tục triển khai giải phóng mặt bằng, trong đó vẫn ưu tiên 30ha còn lại phía Đà Nẵng, sau đó, theo lộ trình, giải phóng mặt bằng về phía Quảng Nam.
Ngoài ra, các công trình cấp thiết tại Làng đô thị Đại học Đà Nẵng, cũng đang được triển khai đấu thầu xây dựng, bảo đảm về quy trình, quy định và cả tiến độ của dự án. Đại học Đà Nẵng xác định, đây là những nhiệm vụ, yêu cầu chiến lược, có ý nghĩa quyết định với mục tiêu phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen 48 cá nhân thuộc Đại học Đà Nẵng
Tại lễ kỷ niệm, Đại học Dà Nẵng đã công bố quyết định số 3557/QĐ-BGDĐT, tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho 48 cá nhân thuộc Đại học Đà Nẵng, với thành tích “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2 năm liên tục từ năm học 2021-2022 đến năm học 2022-2023”.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, và TS. Phan Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng Đại học Đà Nẵng, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã trao tặng trực tiếp Bằng khen của Bộ trưởng cho 6 cá nhân ngay tại buổi lễ: PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế; PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Kinh tế; TS. Bùi Bích Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm. Và 3 cá nhân của trường Đại học Ngoại ngữ, gồm PGS.TS. Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng; TS. Đào Thị Thanh Phượng, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Huỳnh Ngọc Mai Kha, Phó Hiệu trưởng.
Đặc biệt, với thành tích xuất sắc, vô địch kỳ thi ICPC quốc gia 2023, TS. Phạm Minh Tuấn, Giảng viên; 3 bạn sinh viên Phan Đình Khôi, Võ Đắc Bảo n và Lê Ngọc Bảo Anh (Khoa Công nghệ Thông tin, trường Đại học Bách khoa), đã đón nhận Giấy khen của Giám đốc Đại học Đà Nẵng, kèm theo tiền thưởng được trích từ Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ Đại học Đà Nẵng.
Đội tuyển dự thi ICPC quốc gia của Khoa Công nghệ thông tin – Trường Đại học Bách khoa, từng nhiều lần giành thứ hạng cao, nhưng đây là lần đầu tiên, đội tuyển (Olympic Tin học) của Khoa, giành ngôi vô địch kỳ thi ICPC Quốc gia. ICPC 2023 có đến 415 đội tham gia tranh tài, nhưng chỉ có 2 ngôi Vô địch ICPC quốc gia dành cho khối Đại học và khối THPT. Một thành tích rất đáng tự hào của Khoa, của Trường Đại học Bách khoa nói riêng và của Đại học Đà Nẵng nói chung.
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn giữ chức Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021-2026.
Được sự thống nhất của Ban Chấp hành Đảng bộ và Hội đồng Đại học Đà Nẵng, ngày 15/11/2023, Chủ tịch Hội đồng Đại học Đà Nẵng đã ký Nghị quyết số 90/NQ-HĐĐH, bổ nhiệm PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn giữ chức Phó GĐ ĐHĐN nhiệm kỳ 2021-2026.
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn sinh năm 1971, tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán, tại trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Thời điểm đó, Phân hiệu Đại học Kinh tế Đà Nẵng (tiền thân là Khoa Kinh tế thuộc Viện Đại học Đà Nẵng, sau đổi tên thành Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), sáp nhập trở lại vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, và trở thành 2 Khoa của Trường (từ 1988 đến 1994).
Sau khi tốt nghiệp Cao học (năm 2000), PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn bảo vệ luận án Tiến sỹ chuyên ngành Kinh tế (năm 2006), tại Đại học Kobe, Nhật Bản; năm 2011 được phong học hàm (chức danh khoa học) Phó Giáo sư.
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn từng là Giảng viên, Phó Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, Trưởng phòng Đào tạo, Phó Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng phụ trách; Hiệu trưởng; Chủ tịch Hội đồng trường, trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng. Giai đọan từ 2011 đến tháng 2/2014, là Trưởng ban, Ban Kế hoạch – Tài chính Đại học Đà Nẵng. Về các chức vụ trong Đảng, PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn từng là Phó Bí thư, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Đại học Đà Nẵng.
T.Ngọc