Thứ Năm, Tháng Năm 16, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đại học Đà Nẵng mở diễn đàn kết nối Đại học và Doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản

ĐNA -

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21 tháng 9 năm 1973 – 2023) tại Đại học Đà Nẵng; ngày 13/7/2023, Đại học Đà Nẵng đã phối hợp với CTCP Morikosan (Nhật Bản) tổ chức “Sự kiện kết nối Đại học và Doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản”.

“Đại học Đà Nẵng được biết đến nhờ những thành tựu trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản đang rất cần nguồn nhân lực ấy để hợp tác đầu tư và phát triển sự nghiệp của mình ở khu vực miền Trung Việt Nam, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng năng động.

PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng (bên phải) tặng hoa ông Mori Hayato_Giám đốc Công ty Cổ phần Morikosan, Nhật Bản, tổ chức đồng hành cùng sự kiện. Ảnh trong bài: T.Ngọc

Chúng tôi cho rằng Đà Nẵng không chỉ là thành phố du lịch, mà còn là trọng điểm về thương mại, công nghệ thông tin, một số ngành kinh tế khác  và đặc biệt là nguồn nhân lực. Đà Nẵng cũng là một nhịp cầu quan trọng nối kết quan hệ hai nước chúng ta.

Nhật Bản đã chính thức mở Tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng, điều này cho thấy chúng tôi rất quan tâm đến Đà Nẵng nói riêng, khu vực miền Trung nói chung, bởi nơi đây còn rất nhiều tiềm năng để phát triển”, ông Mori Hayato-Giám đốc Công ty cổ phần Morikosan chia sẻ.

Đại học Đà Nẵng: Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu trong chiến lược hợp tác quốc tế
Với tầm nhìn phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia, hoàn thành trọng trách tiên phong, trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển đất nước ; Đại học Đà Nẵng đã ban hành Chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt tăng cường gắn kết, mở rộng và phát triển, nâng tầm hợp tác với các trường đại học, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước được xem là giải pháp quan trọng, cần thiết.

Hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, chúng tôi luôn đã chú trọng đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, tối đa hóa nguồn lực để phát triển bền vững, trong đó, Đại học Đà Nẵng  luôn xem Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu trong chiến lược hợp tác quốc tế của mình.

Đến nay, Đại học Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 50 đối tác là trường đại học, doanh nghiệp, hiệp hội của Nhật Bản với định hướng hiệu quả, bền vững. Toàn hệ thống từ cấp đại học vùng đến các trường thành viên, đơn vị thuộc/trực thuộc đều chú trọng hợp tác, gắn kết ngày càng sâu rộng với các doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có nhiều thương hiệu uy tín của Nhật Bản như: Fujikin, JFE Steel, SMC, Sun Frontier, Full time system, Esuhai, Mikazuki, Jesco Asia, Morikosan…

Cũng tại các trường thành viên, nhiều hoạt động hợp tác đa dạng, sinh động đã được triển khai trong thời gian qua : Chương trình kỹ sư định hướng làm việc tại Nhật Bản giữa Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật và Công ty TNHH Esuhai. Hợp tác về cơ hội thực tập, việc làm giữa Trường Đại học Ngoại ngữ với Tập đoàn Mikazuki,..

Liên đoàn kinh tế Keidanren và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật bản  JCCI, trao học bổng 2023 cho các bạn sinh viên.

Đặc biệt, dự án hợp tác giữa Trường Đại học Bách khoa với Tập đoàn Fujikin, cùng phối hợp tài trợ, nghiên cứu chung, tuyển dụng nhân lực và chuyển giao công nghệ được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều giá trị thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển Đà Nẵng trở thành “trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo”…», PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết.

Được biết ở cấp Đại học Đà Nẵng, trong suốt hơn 22 năm qua, Liên đoàn kinh tế Keidanren và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật bản  JCCI đã duy trì và ngày càng phát triển chương trình học bổng dành cho sinh viên. Với sự hỗ trợ của các đối tác Nhật Bản, sinh viên Đại học Đà Nẵng có thêm điều kiện để tập trung học tập, đạt thành tích xuất sắc và cơ hội việc làm tốt, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của đơn vị công tác và cho xã hội.

Gần đây nhất, tháng 12/2022, Đại học Đà Nẵng cũng chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với CTCP Morikosan, Nhật Bản.

Nội dung trọng tâm của hợp tác bao gồm các hoạt động: Công ty Morikosan sẽ thiết lập cầu nối gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp Nhật Bản (JAPAN HUB); hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo ngôn ngữ Nhật và tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ cho sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp Nhật Bản. 2 bên cùng hỗ trợ quảng bá, giới thiệu học hiệu/thương hiệu của nhau, trong đó có phối hợp tổ chức Kỳ thi năng lực tiếng Nhật thương mại (BJT). Đây là kỳ thi quan trọng, đánh giá trình độ giao tiếp tiếng Nhật trong kinh doanh dành cho sinh viên (Đại học Đà Nẵng), mở ra thêm cơ hội việc làm tương lai cho các em.

Được biết, Morikosan là doanh nghiệp có mạng lưới kết nối với các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục của Nhật Bản không chỉ trong lĩnh vực ngôn ngữ tiếng Nhật mà còn có các ngành kỹ thuật-công nghệ, kinh tế khác, qua đó đem lại thêm cơ hội định hướng, tư vấn hướng nghiệp, kỹ năng và việc làm cho sinh viên quốc tế sẵn sàng hành trang làm việc phát triển tại Nhật Bản trong tương lai.

Ông Mori Hayato-Giám đốc Công ty Cổ phần Morikosan, Nhật Bản.

Kết nối Đại học và Doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản tại Đại học Đà Nẵng.
Tham dự sự kiện “Kết nối Đại học và Doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản tại Đại học Đà Nẵng”, có Đại học Konan, Học viện Anabuki, Trường Cao đẳng máy tính và kinh doanh Wakayama; 13 doanh nghiệp Nhật Bản chuyên về cơ khí, nguồn nhân lực, kinh doanh nội thất, ô tô, kinh doanh vận tải, kho hàng logistics, công nghệ thông tin, doanh nghiệp điều hành các bệnh viện, phòng khám, cơ sở y tế chăm sóc điều dưỡng, chăm sóc trẻ em, công nghệ làm đẹp, kinh doanh siêu thị bán lẻ và giải trí v.v…( Công ty CP Laser Tech, Công ty CP Takahata, Công ty Y tế Iseikai, Tập đoàn Holonics, Công ty CP KIBI, Tập đoàn Nozomi, Công ty CP Vận tải Sakai, Công ty CP Five, Tập đoàn Kominami, Công ty V-Stainless, Công ty CP Cloud Beauty, Công ty CP Tomizuya).

Trong thông cáo báo chí gửi đến các cơ quan truyền thông, Ban tổ chức sự kiện kết nối, chia sẻ rằng:
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng cường kết nối, giao lưu khăng khít giữa Đại học Đà Nẵng và các đối tác Nhật Bản, bao gồm các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp. Các bên đều mong đợi sẽ xúc tiến mạnh mẽ, tăng cường hợp tác hiệu quả đem lại lợi ích chung không những cho nhà trường, doanh nghiệp và người học, mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác truyền thống, tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản.

Đại học Đà Nẵng hướng đến tinh thần hợp tác và hỗ trợ về học thuật, tạo điều kiện học lên cao cho sinh viên Đại học Đà Nẵng, tại các trường ở Nhật Bản. Đây cũng là cơ hội trao đổi sinh viên giữa Đại học Đà Nẵng và các đại học của Nhật. Nội dung hợp tác cũng hướng đến giúp các em có thêm cơ hội đến thực tập tại các doanh nghiệp Nhật Bản, tìm được việc làm tại các doanh nghiệp Nhật Bản., đồng thời tìm kiếm”.

Trong khuôn khổ sự kiện, các đối tác Nhật Bản đã trao tặng 5 suất học bổng khuyến học, mỗi suất trị giá 3 triệu VNĐ, cho các sinh viên tiêu biểu, có hoàn cảnh khó khăn của các trường đại học thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc  Đại học Đà Nẵng có khối ngành đào tạo liên quan lĩnh vực kinh doanh của các doanh nghiệp đối tác tham gia.

Các đối tác Nhật Bản đã trao 5 suất học bổng cho các bạn sinh viên tại sự kiện.

Gắn kết chặt chẽ, nắm bắt khả năng và nhu cầu của hai phía
Theo PGS.TS Lê Quang Sơn, sự kiện kết nối hôm nay, chính là cơ hội tốt để Đại học Đà Nẵng, các đơn vị, tổ chức thành viên Đại học Đà Nẵng gặp gỡ, tăng cường gắn kết chặt chẽ và nắm bắt nhu cầu, khả năng của các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục Nhật Bản, từ đó, xây dựng kế hoạch hành động, hợp tác phù hợp.

Đánh giá cao hiệu quả hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản thời gian qua, và bày tỏ mong muốn hiệu quả hợp tác này tiếp tục được duy trì trong tương lai ; lãnh đạo Đại học Đà Nẵng cũng đề xuất một số ý tưởng hợp tác trong thời gian tới.

PGS.TS Lê Quang Sơn nhấn mạnh : Cần đẩy mạnh kết nối, mở rộng mạng lưới hợp tác nhà trường-doanh nghiệp giữa Đại học Đà Nẵng và các đối tác Nhật Bản đi vào chiều sâu, có tầm nhìn dài hạn, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo gắn với thực tiễn và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Tăng cường tính hiệu quả thiết thực trong hợp tác và đa dạng hóa hợp tác trên nhiều lĩnh vực: hợp tác trong đào tạo, đổi mới chương trình; mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, đánh giá, tư vấn và tuyển dụng sớm; hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tăng cường cơ sở vật chất, cơ hội học bổng, việc làm cho sinh viên.

Trong đó,chú trọng hoạt động đặt hàng đào tạo-tuyển dụng nhân lực; định hướng nghề nghiệp cho sinh viên; tối đa hóa cơ hội trải nghiệm, thực tập, học bổng và việc làm cho sinh viên; cập nhật công nghệ, sản phẩm mới cho cán bộ, giảng viên. Đồng tổ chức các tọa đàm, gặp mặt giữa Đại học Đà Nẵng và các đại học, doanh nghiệp Nhật Bản để tổng kết, rút kinh nghiệm các nội dung hợp tác đã triển khai, kịp thời định hướng, đề xuất các nội dung hợp tác thiết thực, sát nhu cầu và (hai bên) cùng tích cực tìm kiếm các dự án, các nguồn tài trợ để triển khai hoạt động hợp tác theo hướng ngày càng hiệu quả và bền vững.

PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng.

Tại sự kiện, đại diện các trường thành viên Đại học Đà Nẵng cũng đã có tham luận giới thiệu về năng lực đào tạo, nghiên cứu, thành quả hợp tác quốc tế và hợp tác với các đại học – doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời đề xuất chương trình hành động trong thời gian đến.

Theo TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh – Phó Hiệu trưởng, trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, hiện nay nhu cầu học tiếng Nhật của sinh viên của một số ngành như Du lịch, Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh rất cao. Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể hỗ trợ về mặt kinh phí, cách thức tổ chức, triển khai. Về lâu dài, những sinh viên đạt chuẩn về trình độ tiếng Nhật, cần được ưu tiên trong việc tuyển dụng thực tập sinh. Đây là cơ hội giúp sinh viên có cơ hội được trải nghiệm công việc tại các công ty của Nhật, các em hiểu rõ hơn về môi trường và văn hóa làm việc Nhật Bản, từ thực tiễn, các em nâng cao trình độ và kỹ năng. Và thông qua đó, các công ty Nhật đã có thể tiếp cận sớm với nguồn lao động chất lượng cao.

  1. Huỳnh Thị Hồng Hạnh cũng mong muốn, hai bên (trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, và phía đối tác Nhật Bản), cùng thực hiện các dự án nghiên cứu chung, đặc biệt là Fintech (công nghệ tài chính) và E-commerce (Thương mại điện tử). Đồng thời sớm có hợp tác xây dựng “Góc Nhật Bản”, nơi các đối tác Nhật có thể dễ dàng gặp gỡ và chia sẻ với sinh viên của Trường./.

T.Ngọc