Thứ hai, Tháng mười 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đại học Đà Nẵng với mục tiêu là điểm đến tin cậy của sinh viên quốc tế

ĐNA -

(Đà Nẵng). “Thực hiện chiến lược phát triển Đại học Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2035, Đại học Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu tại Đại học Đà Nẵng và các trường Đại học thành viên, góp phần tạo nên môi trường học tập hội nhập quốc tế năng động và sáng tạo.

PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng khen thưởng sinh viên quốc tế có thành tích học tập, rèn luyện xuất sắc. Ảnh: T.Ngọc.

Đặc biệt những năm qua, đã có nhiều chương trình đào tạo có tính hội nhập quốc tế cao, khả năng thu hút sinh viên quốc tế mạnh mẽ, đã được triển khai và không ngừng phát triển ở nhiều phương diện khác nhau. Những nỗ lực vừa qua, góp phần đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục tại Đại học Đà Nẵng, và mục tiêu phấn đấu của chúng tôi, là Đại học Đà Nẵng sẽ trở thành điểm đến tin cậy của sinh viên quốc tế, được cộng đồng sinh viên quốc tế ghi nhận”, PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, nhấn mạnh.

Sinh viên đến từ các quốc gia Đông Nam Á và châu Á chiếm tỷ lệ rất cao
Ngày 22/12/2023, với sự hỗ trợ từ Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), đã diễn ra toạ đàm “Đổi mới phương pháp thu hút sinh viên quốc tế trong xu hướng quốc tế hóa giáo dục đại học” và “Chương trình gặp mặt và giao lưu sinh viên quốc tế của Đại học Đà Nẵng”.

Tọa đàm giúp sinh viên quốc tế hiểu hơn về Đại học Đà Nẵng, gắn kết mạng lưới sinh viên quốc tế dưới mái nhà chung Đại học Đà Nẵng, đặc biệt đã mở ra cơ hội trao đổi, chia sẻ, đề xuất các hướng đổi mới nhằm tiếp cận, thu hút thật sự, góp phần tăng số lượng sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu tại Đại học Đà Nẵng.

“Điều này làm “đa dạng hóa quốc tịch” của sinh viên và cũng làm “đa dạng văn hóa” , góp phần quảng bá hình ảnh học hiệu, uy tín của Đại học Đà Nẵng, cùng các trường, các tổ chức giáo dục thành viên”, PGS.TS Lê Quang Sơn cho biết.

Theo Thạc sỹ Hồ Lộng Ngọc – Phó Trưởng Ban Hợp tác quốc tế (Đại học Đà Nẵng), “Sinh viên quốc tế là động lực quan trọng cho sự phát triển và hội nhập quốc tế, góp phần tạo dựng uy tín, xếp hạng chất lượng của cả Đại học Đà Nẵng.

 Nhiều sinh viên quốc tế chọn các trường thành viên Đại học Đà Nẵng là điểm đến trau dồi và nâng cao trí thức. Ảnh: T.Ngọc.

 Với mục tiêu xây dựng, phát triển của Đại học Đà Nẵng là trở thành Đại học Quốc gia Đà Nẵng; là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ theo chuẩn mực quốc tế; Đại học Đà Nẵng đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của hội nhập và quốc tế hóa giáo dục.

Năm học 2022-2023, Đại học Đà Nẵng đào tạo 717 sinh viên và học viên người nước ngoài, trên tổng số sinh viên chung của toàn ĐHĐN là 42.316 sinh viên, tương đương tỷ lệ: 1.69%.

Trong 717 sinh viên nước ngoài, sinh viên đến từ các quốc gia Đông Nam Á và châu Á là 630 sinh viên.Về quốc tịch, sinh viên quốc tế đang theo học tại Đại học Đà Nẵng, có cả là công dân Úc, Vương quốc Anh, Bỉ, Pháp, Hoa Kỳ, Nga, Thụy Sỹ, Cộng hòa Litva, Hungary, Thụy Điển, Đức, đặc biệt có cả sinh viên đến từ Nigieria.

Thạc sỹ Hồ Lộng Ngọc – Phó Trưởng Ban Hợp tác quốc tế (Đại học Đà Nẵng): Sinh viên quốc tế là động lực quan trọng cho sự phát triển. Ảnh: T.Ngọc.

Nỗ lực bảo đảm chất lượng đào tạo, bảo đảm nơi ăn ở, điều kiện sinh hoạt và hòa nhập
PGS.TS Dương Minh Quân – Phó Trưởng ban công tác HSSV, nhìn nhận, suốt thời gian qua, các đơn vị thành viên Đại học Đà Nẵng luôn tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để lưu học sinh, sinh viên nước ngoài học tập và sinh hoạt; tạo điều kiện để người học đăng ký học phần phù hợp, đảm bảo đúng tiến độ và năng lực họa tập. Đặc biệt, đã tăng cường tìm kiếm học bổng tài trợ giúp người học có hoàn cảnh khó khăn và thành tích học tập tốt, an tâm trong học tập, rèn luyện.

PGS.TS Dương Minh Quân: có Trường đã tổ chức lớp học riêng cho sinh viên quốc tế. Ảnh: T.Ngọc.

Cũng theo PGS.TS Dương Minh Quân, sinh viên quốc tế thường gặp khó khăn trong thích nghi với hệ thống giáo dục mới, đặc biệt là khi có sự chênh lệch về ngôn ngữ.

Sau khi kết thúc khóa học dự bị tiếng Việt, người học phải tham dự kiểm tra trình độ tiếng Việt, nếu đạt yêu cầu sẽ được chuyển vào học chương trình chính thức; nếu không đạt yêu cầu thì phải tiếp tục học bổ sung và dự đợt kiểm tra khác đến khi đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ để được chuyển vào học chương trình chính thức, đúng theo chuyên ngành mà người học đã đăng ký. Tuy nhiên, với nhiều sinh viên quốc tế, chất lượng sau khi học tiếng Việt 1 năm vẫn không đồng đều khiến việc học tập chuyên ngành còn gặp nhiều khó khăn.

Cũng do khác biệt ngôn ngữ, nhiều sinh viên quốc tế còn gặp  khó khăn trong tiếp thu kiến thức, khi đi vào học chuyên ngành, dẫn đến kết quả học tập chưa được tốt,  và đã gặp khá nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu của quá trình học tập. Chỉ riêng các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh thì chất lượng tiếp thu của phần lớn sinh viên nước ngoài khá tốt.

Trước tình hình này, các Trường đều tăng cường dạy tiếng Việt cho lưu học sinh, cho sinh viên quốc tế; hay chương trình đào tạo thiết kế thêm các tín chỉ từ tiếng việt cơ bản đến tiếng Việt nâng cao, tiếng Việt chuyên ngành, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên theo học các học phần chuyên ngành của chương trình đào tạo. Trường cũng chủ động bố trí sinh viên quốc tế làm việc nhóm với sinh viên bản địa ở các học phần có tổ chức học nhóm, làm chung chuyên đề, đồ án,….

Đặc biệt, có Trường tổ chức lớp học riêng cho sinh viên quốc tế, bố trí cán bộ giảng dạy phù hợp và nhiều tâm huyết lên lớp, giúp các bạn nắm bắt, tiếp thu kiến thức tốt nhất. Trong vai trò cố vấn học tập, Giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ sinh viên quốc tế lựa chọn môn học, tận tình giải đáp các thắc mắc, giúp các bạn lên lộ trình học tập phù hợp với năng lực.

Cộng đồng sinh viên quốc tế dưới mái chung Đại học Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc

Ngoài bảo đảm bố trí chỗ ở cho sinh viên tại Ký túc xá của trường mình; các trường còn tổ chức chương trình Homestay, có chính sách hỗ trợ cho các gia đình cho phép sinh viên quốc tế đến lưu trú và học tập. Riêng trường Đại học Kinh tế có ký túc xá rất khang trang, có trang thiết bị hiện đại, điều kiện sinh hoạt đa dạng, tiện nghi (có bếp ăn riêng, có thể tự nấu ăn), dành riêng sinh viên quốc tế (đưa vào sử dụng năm từ năm 2018). Với kinh phí đầu tư hơn 30 tỷ,  ký túc xá này đáp ứng 216 chỗ ở.

“Nhiều hoạt động ngoại khóa chung cũng được các Trường quan tâm tổ chức, tạo môi trường tương tác và giao lưu giữa sinh viên quốc tế và sinh viên địa phương. Các sự kiện như hội thảo, lễ hội văn hóa và các hoạt động thể thao không chỉ mang lại niềm vui và sự kết nối, mà còn giúp mở rộng kiến thức và hiểu biết về đa dạng văn hóa. Bên cạnh những giờ học chính khóa, sinh viên quốc tế được tham gia hoạt động văn  hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao với sinh viên Việt Nam trong phạm vi nhà trường. Hàng năm, các LHS Lào thuộc diện thành phố Đà Nẵng tài trợ học bổng học tập sẽ được Đại học Đà Nẵng tổ chức cho đi tham quan, vui chơi tìm hiểu nền văn hóa Việt Nam tại Ba Na Hills, Hội An… Và định kỳ, tổ chức gặp mặt để lắng nghe ý kiến của sinh viên quốc tế”, lãnh đạo ban công tác HSSV Đại học Đà Nẵng, cho biết thêm.

Giám đốc Viện Pháp tại Đà Nẵng, Ngài Samuel Delamézière khẳng định rằng, Viện Pháp sẽ tích cực tham gia, đưa sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu tại Đại học Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc.

Đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục tại Đại học Đà Nẵng
Hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam đang diễn ra ngày càng sâu rộng và đã đem lại những thành tựu đáng kể trong việc hiện đại hoá, quốc tế hoá hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó công tác đào tạo sinh viên quốc tế được xem là một trong những nội dung chiến lược. Ngoài mang lại những lợi ích về kinh tế, văn hoá, sinh viên quốc tế còn góp phần tạo dựng uy tín, xếp hạng chất lượng, hình thành môi trường quốc tế cho các cơ sở giáo dục đại học. Do đó, nhiều quốc gia và cơ sở giáo dục đại học đang nỗ lực để thu hút sinh viên quốc tế đến học tập.

Đại học Đà Nẵng, bước đầu đã là  một điểm đến tin cậy của sinh viên quốc tế.
Nghiên cứu sinh Kiengcay Umvong, hiện là Chuyên viên thanh tra đảm bảo chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục – Thể thao tỉnh Attapeu (CHDCND Lào) chia sẻ: Các thầy cô hướng dẫn, hỗ trợ rất tận tâm, thân thiện trong giúp đỡ, nhà trường (trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng), có chính sách bố trí ăn, ở rất chu đáo, còn tạo mọi điều kiện tốt nhất sao cho nghiên cứu sinh an tâm. Chỉ tập trung vào làm việc và nghiên cứu. Tôi sẽ  cố gắng hoàn thành thật tốt, nhiệm vụ của một nghiên cứu sinh, mang kiến thức tích lũy được từ Việt Nam về quê nhà, chăm lo xây dựng hệ thống giáo dục địa phương.

Nghiên cứu sinh Kiengcay Umvong. Ảnh: T.Ngọc.

Nguyên là sinh viên (du học sinh) trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Học Cao học và lấy bằng Thạc sỹ tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, khi quyết định làm nghiên cứu sinh học Tiến sỹ, anh đã không nghĩ ngợi nhiều, chọn ngay ngôi trường đại học đầu tiên mà anh đã theo học. Đề tài luận án tốt nghiệp học vị Tiến sỹ (chuyên ngành Quản lý giáo dục) mà Nghiên cứu sinh Kiengcay Umvong đang thực hiện là “Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trường phổ thông tại 4 tỉnh Nam Lào”.

Trong khuôn khổ toạ đàm “Đổi mới phương pháp thu hút sinh viên quốc tế trong xu hướng quốc tế hóa giáo dục đại học”, Đại học Đà Nẵng cũng đã vinh danh khen thưởng 7 sinh viên – nghiên cứu sinh đã có những thành tích xuất sắc trong học tập (điểm tích lũy loại Khá trở lên), tích cực tham gia nhiều hoạt động và nổi bật với đóng góp của mình. Đặc biệt, có Nghiên cứu sinh (ngành Ngôn ngữ học, khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) còn giữ vai trò Đội trưởng Đội thu hùng biện tiếng Việt; có đóng góp tích cực, trở thành cầu nối quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng với Trường Đại học Dân tộc Quý Châu (Trung Quốc). Đó là chị Liu Li Xian (Lưu Lệ Tiên).

Mới đây, trên ASEAN News, chúng tôi cũng đã giới thiệu chân dung Tiến sỹ Hàn Quốc đầu tiên, bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại trường Đại học Kinh tế (DUE), Đại học Đà Nẵng.Tin từ trường, còn cho biết, sinh viên Hàn Quốc (đã và đang theo học tại DUE) cũng đều rất nỗ lực, và điểm tích lũy của các bạn rất cao. Một trong những “gương mặt xuất sắc” đó, là Cho Hanbe, hiện là sinh viên năm thứ tư (lớp 46K01.1 ngành Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng). Điểm tích lũy của Cho Hanbe đến nay đã là 3.72.

Rõ ràng, khi sinh viên quốc tế được quan tâm, các bạn nhận được sự hỗ trợ tích cực và trách nhiệm ngay từ đầu, nhu cầu sinh hoạt, học tập, đời sống, tinh thần sẽ nhanh chóng ổn định để bắt tay ngay vào học tập. Nếu vượt qua được rào cản ngôn ngữ, việc tiếp thu bài vở chuyên ngành sẽ thuận tiện, kiến thức thấm sâu, kết quả sẽ không ngừng được cải thiện.

“Lúc đầu, sinh viên ngoại quốc nào cũng rất khó khăn để học ngôn ngữ mới và thích nghi tại môi trường mới. Nhưng Hanbe có niềm tin rằng, tất cả mọi người ở Trường Đại Học Kinh Tế này, sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ mình, cũng như các bạn sinh viên nước ngoài khác”, Cho Hanbe bày tỏ cảm xúc. Hiện tại bạn đã tự tin trao đổi với các bạn bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, Cho Hanbe cũng đang cố gắng học thêm những thuật ngữ trong kinh tế và tập nói tiếng Việt nhiều hơn để có thể hoàn thành tốt những bài thuyết trình. Cho Hanbe cho biết, có nhiều từ ngữ chuyên môn khá khó hiểu, do vậy bạn sẽ không ngừng nỗ lực học tốt tiếng Việt.

Ngày hội văn hóa Việt-Lào tại Trường Đại học  Kinh tế, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hoàng.

Với một môi trường thân thiện và luôn gặp thuận lợi khi được tạo nhiều diều kiện, sinh viên quốc tế cũng sẽ nâng cao được tinh thần cầu tiến trong học tập. Chính họ cũng trở thành tấm gương chung cho cộng đồng trẻ.

Trong “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025”, mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành (tại Quyết định 69/QĐ-TTg), quốc tế hóa giáo dục đại học là một nhiệm vụ trọng tâm và thu hút sinh vien quốc tế đến học tập tại các cơ sở giáo dục đại học là một giải pháp quan trọng.

Lãnh đạo Trường Đại học  Kinh tế, Đại học Đà Nẵng tặng quà Tết cho các bạn sinh viên Lào ở lại ký túc xá. Ảnh: Thanh Hoàng.

Để thu hút sinh viên quốc tế đến với các trường, cơ sở giáo dục thành viên, nhiều hơn và đa dạng, Thạc sỹ Hồ Lộng Ngọc – Phó Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, đề xuất thêm: “Trong điều kiện, khả năng thực tế, Đại học Đà Nẵng cần có chính sách học bổng, dành kinh phí hỗ trợ sinh viên quốc tế, góp phần cải thiện các chỉ số đánh giá chất lượng và xếp hạng trong bối cảnh, yêu cầu hội nhập, quốc tế hoá giáo dục đại học”./.

T.Ngọc