(Đà Nẵng). Ngày 7/3/2024, tại trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng đã chính thức diễn ra lễ bàn giao 10 máy eCPR; nghi thức ký kết thương mại hóa và chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật, giữa Trường Đại học Duy Tân và Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing.
Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong ứng dụng công nghệ 4.0, khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực y tế. Đây cũng là thiết bị đầu tiên, hỗ trợ kỹ năng hồi sinh tim phổi (Cardiopulmonary Resuscitation – eCPR), do một đại học Việt Nam nghiên cứu, phát triển thành công. Sản phẩm có đầy đủ tiêu chuẩn thương mại hóa.
Câu chuyện cảm động về CPR và hành trình bền bĩ vì 1 triệu người Việt biết CPR
Theo tìm hiểu, tại Việt Nam, thời điểm hiện tại, chưa hề có sản phẩm tương tự. Cơ sở y tế trong nước hiện nay chỉ sử dụng CPR đơn thuần trên Manikin/Mannequin (hình nộm, hình nhân có kích thước như người thật) dùng trong y khoa. Hình nộm thì hẳn nhiên không hề có tương tác, không phản hồi, quá trình huấn luyện kỹ năng phải luôn có sự trợ giúp từ chuyên gia am tường.
eCPR do Nhóm nghiên cứu phát triển, Trung tâm Mô phỏng và Mô hình hóa (CVS) trường Khoa học Máy tính thuộc Đại học Duy Tân theo dõi sát sao quá trình phục hồi và có đánh giá chính xác, cùng khuyến cáo về kỹ thuật hồi sinh tim phổi (hiển thị lập tức trên màn hình).
Trong khi đó, với nguyên nhân không được CPR kịp thời, đúng kỹ thuật, tỷ lệ tử vong (phần lớn là ngưng tim ngoại viện), cao hơn nhiều nguyên nhân tử vong phổ biến khác (thống kê từ Wellbeing là 96,2% nạn nhân đã tử vong).
CEO của tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing, ThS.BS. Nguyễn Văn Công, đã kể lại câu chuyện đầy cảm động, rằng Bố của anh (cũng là một bác sỹ) đã tử vong do không hề được CPR kịp thời, đúng kỹ thuật. “Là một bác sỹ, bố tôi chuẩn bị sẵn sàng những gì cần cho bệnh của mình. Thuốc, thiết bị hỗ trợ. Nhưng bố quên dạy mọi người chung quanh cách cấp cứu người bệnh khi bị suy và ngưng hô hấp” – ThS.BS. Nguyễn Văn Công ngậm ngùi.
Sự ra đi đáng tiếc của một gia đình “có truyền thống ngành Y”, đã khiến ông ray rứt, ân hận suốt đời. Đây cũng là lý do, ông theo đuổi công việc đào tạo, huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu. Dù có khi, chính ông tự đặt câu hỏi với công việc này: Dừng lại hay đi tiếp?
ThS.BS. Nguyễn Văn Công cũng công bố những con số đáng quan tâm về CPR, đó là khi xảy ra tình trạng ngưng hô hấp của bệnh nhân, có đến 64,9% trường hợp có người chứng kiến (người thân, đồng nghiệp, cộng đồng), tuy nhiên, chỉ có 8,7% được cứu sống (nhờ được CPR kịp thời, đúng kỹ thuật). Qua một số trường hợp cụ thể được ghi nhận, phải mất 22,4 phút, xe cứu thương mới có thể tiếp cận nạn nhân. Trong khi đó, 3 phút đầu tiên sau khi tim ngưng đập, nếu được thực hành ngay CPR, sẽ giúp tăng cơ hội sống rõ rệt cho nạn nhân. Bác sỹ Công cũng kể lại câu chuyện “ân hận” của đời mình: Chị tôi lúc (bố nguy kịch) cũng đang làm việc trong ngành Y và làm ở phòng cấp cứu của một bệnh viện. Khi chị về đến nhà thì đã vượt quá thời gian vàng (mất hơn 1h30).
Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, Quỹ Tim Mạch Anh Quốc, đơn vị Cấp cứu trước viện Singapore – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, từng công bố thêm điều tra về thực trạng “hiểu biết về CPR” ở một số quốc gia. Tại khu vực Đông Nam Á, trong khi Thái Lan và Singapore, lần lượt là 40,4% và người trưởng thành hiểu biết về CPR, tại Tại Anh, là 70%; thì với Việt Nam chúng ta, tỷ lệ này chưa vượt quá 8,5%.
Đáng lưu ý, tại Việt Nam, kỹ năng hồi sinh tim phổi vừa ít người biết, và trong số những biết, thì lại không hề biết các kỹ thuật đúng cách của CPR. Trong thực tế, đã có nạn nhân ngưng tim, bị dẫm, đạp, đấm mạnh (lên vùng ngực, lưng), hay xốc ngược để hồi sinh.
WELLBEING hiện là Tổ chức Giáo dục sức khoẻ, thành viên chính thức của Hội đồng An toàn Anh quốc, được chứng nhận doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Thành lập năm 2014, sau nhiều năm hoạt động và phát triển, Wellbeing cũng là tổ chức hàng đầu Việt Nam trong cung cấp các giải pháp an toàn toàn diện cho cá nhân, tổ chức và cộng đồng. Wellbeing theo đuổi mục tiêu trọng tâm và lâu dài là trở thành một trong 10 tập đoàn y tế hàng đầu Việt Nam, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, chăm sóc sức khỏe toàn diện vào năm 2030.
Hành trình huấn luyện rất kiên trì của WELLBEING trong 10 năm qua là các khóa đào tạo được mở ở khắp 47/63 tỉnh, thành.
Ý tưởng đầu tiên về một eCPR nhân văn và nhân đạo
Với Đại học Duy Tân, mục tiêu nâng cao nhận thức và kỹ năng xử lý sơ cấp cứu trong cộng đồng, được Trường đặt ra rất sớm, nhưng cho đến lúc TS. Lê Nguyên Bảo – Hiệu trưởng, trong một chuyến công tác tại San Francisco, ông phát hiện một eCPR được đặt ở sân bay, và thắc mắc ngay “Vì sao Việt Nam chúng ta lại không làm được một chiếc máy nhân văn và nhân đạo” như thế? Suy nghĩ này, đã thổi bùng ý tưởng sáng tạo phát triển sản phẩm “máy hỗ trợ kỹ năng hồi sinh tim phổi”.
TS. Lê Nguyên Bảo đã truyền đạt ý tưởng đến nhóm nghiên cứu đề tài gồm TS. Lê Văn Chung – Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Mô hình hóa ̣(CVS) trường Khoa học Máy tính thuộc Đại học Duy Tân và là Trưởng nhóm phát triển. Các thành viên trong Nhóm: ThS. Nguyễn Duy Hòa, ThS. Nguyễn Đức Thuận, ThS. Nguyễn Hoàng Anh, Kỹ sư Châu Văn Huân và Kỹ sư Đặng Hoàng Hiếu. Và phải mất đến 3 năm, từ 2020 đến 2023, công trình mới hoàn thành trọn vẹn.”Cuối cùng, chúng tôi và chúng ta cũng đã đi đến đích, đạt được ước nguyện” – TS. Lê Nguyên Bảo bày tỏ.
eCPR do CVS – Đại học Duy Tân nghiên cứu, phát triển hoàn thiện, có sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm, tích hợp công nghệ IoT và thực tế ảo, tạo ra một hệ thống huấn luyện đặc biệt cho học tập và thực hành kỹ năng CPR.
Sản phẩm là kết quả rất thuyết phục, mang ý nghĩa sâu sắc “Nước xa không cứu được lửa gần”, trong khuôn khổ chương trình hành động First Aid (với hai bên tham gia là Trường Đại học Duy Tân và Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing) và dự án là H.E.R.O (viết tắt chữ đầu tiên của HEART. EMERGENCY. RESTART. OPPORTUNITY).
H.E.R.O chính thức ra đời với kỳ vọng Việt Nam có 1 triệu người biết các kỹ thuật CPR. Bao gồm: 700.000 học sinh tại các trường cấp 2 hoặc cấp 3 trên toàn quốc và 300.000 người từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam được đào tạo, huấn luyện bài bản CPR. H.E.R.O kỳ vọng kết quả của dự án là sự xuất hiện những người hùng trong cộng đồng gần gũi. Slogan hành động của H.E.R.O gói gọn trong 8 chữ: Anh hùng thường nhật – Đánh bật tử thần.
Máy hỗ trợ kỹ năng hồi sinh tim phổi – eCPR – chính là thiết bị có khả năng hiện thực hóa rất cao, mong ước của H.E.R.O. Đến nay, eCPR do CVS – Đại học Duy Tân nghiên cứu, phát triển hoàn thiện, đã được đưa vào sử dụng tại Trường Y Dược (Đại học Duy Tân), thiết bị cũng có mặt tại nhiều địa phương, điểm dịch vụ công cộng (như 21 sân bay), phục vụ huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu.
Đại tá, Tiến sỹ, Thầy thuốc ưu tú Quách Hữu Trung Giám đốc Bệnh viện 199 (giữa) tìm hiểu các chức năng của eCPR qua giới thiệu của Kỹ sư Đặng Hoàng Hiếu. PGS.TS. Nguyễn Gia Như – Hiệu trưởng Trường Khoa học Máy tính.
Không chỉ nhận được sự quan tâm, yêu cầu hỗ trợ ứng dụng từ nhiều tổ chức, hoạt động trong lĩnh vực sơ cấp cứu, đào tạo Y khoa; eCPR cũng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Bằng Sáng chế. Đặc biệt, đơn hàng đầu tiên với 10 máy eCPR đã được Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing đặt mua, minh chứng cho tiềm năng và giá trị của sản phẩm, trong cải thiện và nâng cao các kỹ năng sơ cấp cứu trong cộng đồng.
Tại sự kiện đầy ý nghĩa này, Đại học Duy Tân đã trao tặng 1 máy eCPR cho trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), và Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing tặng toàn bộ tài khoản học lý thuyết về sơ cấp cứu cho học sinh lớp 12, hỗ trợ các em học sinh tiếp thu các kỹ năng sơ cấp cứu, hồi sức tim phổi thuần thục và thành thạo.
6 tháng nữa, công bố sản phẩm Made in Vietnam “Máy sốc tim ngoài lồng ngực tự động AED”
Ngoài eCPR, sản phẩm đầu tiên được Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing chính ký kết thương mại hóa ngày 7/3/2024; trước đó cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường Khoa học máy tính, Đại học Duy Tân, cũng đã có một số sản phẩm nghiên cứu tiêu biểu: Ứng dụng 3D Giải phẫu Người trong y học: được trao giải Nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017, danh hiệu Sao Khuê năm 2018, và giải Bạc tại ASEAN ICT Awards 2018; dtu-VENT: với đầy đủ các chức năng của một máy thở y tế chuyên nghiệp, đáp ứng các thông số cấp cứu và điều trị bệnh nhân COVID-19; Sản phẩm “Chân giả chủ động Flexi Legs”, giành giải Á quân 2, cuộc thi “Thiết kế cho Người Tàn tật- Accessibility Design Competition – ADC), đã đăng ký bản quyền sáng chế riêng.
Đặc biệt, sáng nay 7/3/2024, trong khuôn khổ sự kiện, TS. Lê Văn Chung – Giám đốc CVS, trường Khoa học Máy tính (Đại học Duy Tân), cũng chính thức công bố, sản phẩm tiếp theo của Nhóm Nghiên cứu phát triển CVS, đó là Máy sốc tim ngoài lồng ngực tự động AED-302.
AED-302 là sản phẩm “Made in Vietnam”, mà mọi người dân đều dễ dàng tiếp cận và sử dụng (theo nhu cầu) trong trường hợp khẩn cấp về ngưng tim. Các chức năng được thiết kế có mục tiêu (ưu tiên) là hỗ trợ phản ứng nhanh trong tình huống khẩn cấp, cứu sống mạng người khi ngoại viện. Từ đó, tăng tỉ lệ sống sót. Máy còn tự động đánh giá tình trạng nạn nhân và đưa ra quyết định cấp cứu phù hợp, hỗ trợ các quyết định lâm sàng tiếp theo, hồi phục sức khỏe cho người bệnh.
AED-302 có giá thành hợp lý, rất thân thiện với người dùng, dễ dàng sử dụng (Có hướng dẫn người dùng sử dụng bằng giọng nói, hỗ trợ người dùng trong mọi tình huống). Thiết bị có thể được lắp đặt ở nhiều nơi (cơ sở y tế, trường học, nơi công cộng), trợ lực đáng kể cho hệ thống y tế phòng ngừa và cấp cứu toàn diện, hiệu quả cao. AED – 302 chính là bước tiến quan trọng, hướng tới mục tiêu cứu hộ an toàn, mang lại kết quả cao trong cộng đồng Việt Nam.
Trung Đức