Thứ tư, Tháng mười một 13, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam: Sẵn sàng hỗ trợ Đà Nẵng phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn

ĐNA -

(Đà Nẵng). Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper  khẳng định sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ Đà Nẵng trong hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ, ở các góc độ như chính quyền – chính quyền, doanh nghiệp – doanh nghiệp, đại học – đại học, qua đó, hỗ trợ các tỉnh, thành Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong hợp tác phát triển vi mạch bán dẫn; đặc biệt sẽ hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến đầu tư, mở rộng kinh doanh nhằm chia sẻ mục tiêu chung đưa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Chiều ngày 13/01/2024, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND thành phố, các ban ngành hữu quan, đại diện các trường đại học, … nhân chuyến thăm và làm việc tại Đà Nẵng.

Từ phải sang: Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper và Phó Chủ tịch Thường trực UBNDTP, ông Hồ Kỳ Minh chủ trì buổi làm việc. Ảnh: IPA.

“Xác định vi mạch bán dẫn là động lực tăng trưởng đột phá của thành phố trong thời gian đến, vừa qua và hiện tại, Đà Nẵng đã, và đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết, thu hút doanh nghiệp vi mạch bán dẫn Hoa Kỳ. Đà Nẵng nỗ lực để trở thành sự lựa chọn là thành phố điểm đến mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thành phố chọn cách tiếp cận phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở khâu thiết kế vi mạch, tiến tới kiểm thử, đóng gói dựa trên 3 nền tảng là phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng, các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù cho đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn”, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch Thường trực, cho biết.

Cuối năm 2023, Đà Nẵng đã chính thức thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo với chức năng thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo thiết kế trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo; chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế; huy động các nguồn lực, liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo, thiết kế vi mạch, bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo. Đà Nẵng cũng đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Phát triển nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn” (tháng 10/2023); tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ; ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Synopsys trong đào tạo và phát triển lĩnh vực bán dẫn (tháng 11/2023).

Thay mặt chính quyền thành phố, Phó Chủ tịch thường trực Hồ Kỳ Minh đã đề xuất nhiều nội dung cần đẩy mạnh hợp tác giữa hai bên, liên quan đến phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và bày tỏ gửi gắm đến Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper. Thông qua cầu nối là Ngài Đại sứ, Đà Nẵng có nhiều cơ hội hợp tác với doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ. Đồng thời, chính quyền thành phố cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ, thành lập Trung tâm đào tạo sản xuất, kiểm thử, đóng gói ATP (Assembling, Testing, Packaging) tại Đà Nẵng.

Đại sứ Marc E. Knapper đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền Đà Nẵng trong xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đặc biệt là sự liên kết, hợp tác chặt chẽ cùng các trường, cơ sở đào tạo trên địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực phục vụ thị trường này.

Đại sứ Marc E. Knapper chụp ảnh cùng lãnh đạo thành phố, các sở, ngành và đại diện lãnh đạo các Trường.

“Từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, Chính phủ Hoa Kỳ đã xây dựng các chương trình hành động hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Rất nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ lạc quan với triển vọng phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam và bày tỏ kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ có thể tận dụng tối đa các cơ hội mở ra từ cột mốc hai nước nâng cấp quan hệ song phương.

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, chính quyền thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng hệ sinh thái phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao khả năng tiếp cận với nguồn năng lượng tái tạo”, Ngài Marc E. Knapper nhấn mạnh.

Lãnh đạo các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng tham gia ý kiến tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đại diện các trường đại học trên địa bàn thành phố cũng đã chia sẻ về các kế hoạch tuyển sinh và đào tạo ngành đào tạo chuyên sâu về vi mạch bán dẫn nhằm đón đầu xu hướng đầu tư lĩnh vực này trong thời gian đến. Đồng thời, bày tỏ mong muốn được hợp tác sâu rộng hơn nữa với đối tác Hoa Kỳ để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được các tiêu chuẩn tuyển dụng toàn cầu, hiện thực hóa kế hoạch đào tạo 10.000 nhân lực ngành vi mạch bán dẫn của thành phố đến năm 2030.

Hoàng Lê – Trung Đức