Thứ bảy, Tháng mười hai 28, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Quan hệ Việt-Nhật vẫn phát triển mạnh mẽ



ĐNA -

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22-25/11/2021. Đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ sau khi đảm nhận cương vị và Nhật Bản có lãnh đạo mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tiếp xúc song phương nhân dịp tham dự COP26 ngày 2/11 tại Anh. (Nguồn: TTXVN)

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhằm duy trì một nét rất riêng, nổi bật của hai nước đó là quan hệ mật thiết của các nhà lãnh đạo Nhật Bản với lãnh đạo Việt Nam xuyên suốt qua các thời kỳ.

Điều đặc biệt là mặc dù Thủ tướng Kishida Fumio rất bận rộn trong những ngày đầu tiên nhậm chức, nhưng ông đã quyết định đón Thủ tướng Phạm Minh Chính, là chính khách nước ngoài đầu tiên thăm Nhật Bản trong nhiệm kỳ của mình.

Trước đó, vào tháng 1/2020, ông Toshihiro Nikai, người khi đó đang giữ chức Tổng Thư ký đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt, đã dẫn đầu một đoàn giao lưu hữu nghị lớn nhất trong lịch sử hai nước với hơn 1.000 thành viên, gồm các nghị sĩ, lãnh đạo các địa phương và đông đảo doanh nghiệp, sang thăm và giao lưu hữu nghị với lãnh đạo các cấp, các ngành và doanh nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng.

Nhằm duy trì quan hệ chặt chẽ đó, trong hai năm 2020 và 2021, hàng trăm cuộc điện đàm, hội nghị trực tuyến, thư thăm hỏi đã được thực hiện thường xuyên.

Về kinh tế, Việt Nam vẫn là địa điểm thu hút đầu tư tin cậy của các nhà đầu tư Nhật Bản. Trong nhu cầu tìm kiếm nguồn cung ổn định, hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản đã quyết định đặt nhà máy hoặc mở rộng nhà máy hiện có tại Việt Nam.

Rất nhiều doanh nghiệp khác đang tích cực xúc tiến thiết lập làm ăn ở Việt Nam. Nhờ vậy, Nhật Bản đã vươn lên vị trí thứ 2 trong số 141 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 4.765 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký gần 64 tỷ USD. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư trên 3,4 tỷ USD.

Bên cạnh đó, bất chấp tác động của dịch Covid-19, trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản vẫn đạt 34,3 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Nhật Bản đạt 16,3 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 18,1 tỷ USD, tăng 9,4%.

Sự cân bằng trong quan hệ thương mại giữa hai nước cho thấy quan hệ Việt-Nhật đã trở thành kiểu mẫu cho mối quan hệ hữu nghị, lợi ích cân bằng hài hòa, tạo nền tảng vững vàng cho sự hợp tác bền vững về kinh tế thương mại của hai nước.

Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam cũng có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản để xây dựng hạ tầng, giao thông, năng lượng, y tế, xóa đói giảm nghèo ở các vùng miền núi. Cho tới nay, Nhật Bản vẫn là nhà cung cấp ODA lớn nhất của Việt Nam.

Những công trình hạ tầng quan trọng sử dụng vốn ODA của Nhật Bản đã tạo sự phát triển kinh tế của các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam như: cầu Nhật Tân, nhà ga quốc tế ở các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, hầm đường bộ Hải Vân, các cầu Cần Thơ, Bãi Cháy và Thanh Trì, đường vành đai 3 của Hà Nội, cảng Cái Lân ở miền Bắc, cảng Tiên Sa ở miền Trung và cảng Cái Mép-Thị Vải ở miền Nam…

Về quốc phòng-an ninh, quan hệ giữa hai nước vẫn tiếp tục phát triển trong lĩnh vực này bất chấp đại dịch. Vào tháng 9 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã có chuyến thăm Việt Nam và hai nước đã ký thỏa thuận quan trọng về chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn đón các tàu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) thăm Việt Nam.

Hai nước đã sát cánh bên nhau trong cuộc chiến ứng phó với dịch Covid-19. Trong giai đoạn cao điểm của đại dịch, những lô hàng trang thiết bị y tế, đặc biệt là hơn 2 triệu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, từ Chính phủ, các bộ/ngành, các địa phương và người dân Việt Nam đã được trao tặng cho Chính phủ và nhân dân Nhật Bản.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và khan hiếm nguồn cung vaccine trên toàn thế giới, những liều vaccine đầu tiên chúng ta được tặng là từ Chính phủ và nhân dân Nhật Bản.

Tính đến nay, Nhật Bản đã viện trợ tổng cộng gần 4,1 triệu liều vaccine cho Việt Nam cùng hơn 4 tỷ Yen để giúp nâng cao năng lực phòng chống dịch của hệ thống y tế trong ứng phó dịch Covid-19. Có thể nói đây là sự hỗ trợ của những bạn bè thân thiết dành cho nhau trong khó khăn, hoạn nạn, là minh chứng cho sự hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Trong lĩnh vực hợp tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, Nhật Bản đã trở thành nước tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam lớn nhất (hiện có khoảng 202.000 thực tập sinh và khoảng 23.000 lao động đặc định ở Nhật Bản) và gần 65.000 du học sinh Việt Nam.

Người Việt Nam ở Nhật Bản đã trở thành cộng đồng người nước ngoài đông thứ hai với khoảng nửa triệu người. Điều này thể hiện người Việt Nam là cộng đồng người nước ngoài được đón nhận, tin cậy và quý trọng trong xã hội và nền kinh tế của Nhật Bản; và ngược lại, người Việt Nam đã tìm thấy Nhật Bản như một địa chỉ phù hợp nhất để học tập kiến thức, tay nghề cũng như phát triển công việc và sự nghiệp của mình.

Trong chuyến thăm sắp tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio và gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản. Trong cuộc hội đàm ở Tokyo, hai thủ tướng dự kiến sẽ thảo luận về các định hướng phát triển quan hệ hai nước trong thời hậu đại dịch Covid-19, hướng tới kỷ niệm thiết thực 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2023.

Trong bối cảnh các nước trên thế giới đang cố gắng tìm kiếm mô hình phát triển phù hợp trong khi mối đe dọa của dịch Covid-19 vẫn còn, hai thủ tướng sẽ trao đổi sâu về các chính sách mới tạo thuận lợi cho mở cửa biên giới, duy trì xuất-nhập khẩu và hỗ trợ đầu tư.

Nổi bật nhất là vấn đề kinh tế-thương mại. Đây chắc chắn sẽ là chủ đề đầu tiên và chiếm nhiều thời gian nhất trong cuộc hội đàm giữa hai thủ tướng. Sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam đóng góp một tỷ lệ quan trọng trong GDP và xuất khẩu của Việt Nam.

Do vậy, việc tháo gỡ các khó khăn, thống nhất các biện pháp hỗ trợ, kêu gọi khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam sẽ được hai nhà lãnh đạo trao đổi kỹ lưỡng và sẽ có những thống nhất quan trọng làm định hướng cho lĩnh vực này. kinh tế số cũng sẽ được đề cập, bởi vì đây là biện pháp quan trọng nhất của kinh tế hai nước trong thời kỳ hậu đại dịch.

Việt Nam và Nhật Bản đều là hai thành viên sáng lập của các hiệp định thương mại tự do mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2022. Đây là cơ hội để hai thủ tướng thể hiện các cam kết mạnh mẽ quyết tâm mở cửa trong bối cảnh nhen nhóm tư tưởng bảo hộ mậu dịch của một số nền kinh tế trên thế giới.

Trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều thách thức, những diễn biến mới gần đây ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của của khu vực, chắc chắn vấn đề an ninh-chính trị sẽ được đề cập với một thời lượng không nhỏ.

Đây là lúc để hai thủ tướng cùng nhau thiết lập quan hệ hợp tác và định hướng phối hợp giữa hai nước nhằm mục tiêu phối hợp với các nỗ lực của cộng đồng quốc tế để duy trì ổn định, từ đó xây dựng nền hòa bình lâu dài ở châu Á, đặc biệt ở hai khu vực quan trọng nằm trên tuyến đường giao thương lớn nhất thế giới là Biển Đông

Ngoài cuộc hội đàm với người đồng cấp của nước chủ nhà, trong khuôn khổ của chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm việc và tiếp xúc với lãnh đạo của các tổ chức kinh tế lớn của Nhật Bản như JICA, JETRO, Keidanren và với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản trong các lĩnh vực năng lượng xanh, hạ tầng giao thông, y tế, các công ty thương mại có uy tín…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ trực tiếp tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản tại Tokyo và Hội thảo xúc tiến đầu tư, kết nối các địa phương Việt Nam và Nhật Bản tại Tochigi. Thủ tướng sẽ trực tiếp thông tin về chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cũng như tiềm năng của thị trường Việt Nam tới các doanh nghiệp Nhật Bản.

Ở chiều ngược lại, đây là dịp để lãnh đạo của các công ty trực tiếp gặp gỡ Thủ tướng và nêu các kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển làm ăn ở Việt Nam và với Việt Nam.

Thông qua các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp đông đảo như vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ khẳng định tính kế thừa và sự ủng hộ quan trọng của Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ hiện nay với các nhà đầu tư Nhật Bản.

Các hoạt động này là thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ hiện nay sẽ tiếp tục kế thừa và luôn hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng; truyền tải thông điệp Việt Nam sẽ tiếp tục là địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư thiết lập và mở rộng sản xuất để tạo ra nguồn cung ổn định và an toàn cho Nhật Bản nói riêng và chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung.

Các vấn đề khác mà hai thủ tướng cũng có thể đề cập là các dự án cụ thể để thúc đẩy giao lưu văn hóa, hợp tác về giáo dục và nguồn nhân lực.

Ngoài ra, Thủ tướng sẽ gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản nhằm khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về củng cố vững chắc đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy mạnh mẽ sức mạnh của toàn dân tộc, đồng thời gặp gỡ các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản để lắng nghe những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học cho công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Lược tin Bộ Ngoại Giao