Thứ tư, Tháng Một 15, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đại tướng Đoàn Khuê – Một nhân cách lớn – một người cộng sản kiên trung, nhà chính trị, quân sự xuất sắc



ĐNA -

Vào tháng 4 năm 1983, tôi vinh dự được điều động lên giúp việc cho Tư lệnh vào đúng thời điểm Đại tướng Đoàn Khuê được cử sang Campuchia làm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719. Tôi vẫn nhớ rõ, lần gặp chuẩn bị đi chiến trường K, Đại tướng hỏi: “Anh có nguyện vọng gì không?” Tôi trả lời: “Nếu là nguyện vọng thì tôi không đi, nhưng là một quân nhân, tôi tuyệt đối chấp hành mọi nhiệm vụ tổ chức giao”. Đại tướng nghiêm nghị nhìn tôi với ánh mắt tin tưởng. Hình ảnh đó vẫn mãi in đậm trong ký ức của tôi cho đến hôm nay. Tôi cảm nhận Đại tướng là người chỉ huy có sức lan tỏa các phẩm chất của ý chí kiên định, lòng nhiệt huyết mạnh mẽ và tinh thần làm việc sâu sát, hiệu quả. Cho đến hôm nay, tôi vẫn xem Ông như người Thầy, người Cha mà tôi rất mực kính trọng, một nhân cách lớn mà tôi học tập được nhiều. Đại tá Nguyễn Trọng Nhu, nguyên thư ký Đại tướng Đoàn Khuê nhớ lại.

Đại tướng Đoàn khuê với cán bộ chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô tháng 12/1996

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê (29/10/1923 – 29/10/2023), Đại tá Nguyễn Trọng Nhu, nguyên thư ký của Đại tướng Đoàn Khuê gửi đến Tạp chí Đông Nam Á một bài viết về người Thầy, người Cha mà Đại tá Nguyễn Trọng Nhu rất mực kính trọng, một nhân cách lớn mà Đại tá Nguyễn Trọng Nhu đã học tập được rất nhiều. Trong bài viết này, tác giả thống nhất dùng cấp bậc quân hàm Đại tướng để thể hiện sự kính trọng, tri ân về những cống hiến, hy sinh to lớn của Đại tướng Đoàn Khuê đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Năm 1980, tôi được điều động về Bộ Tham mưu Quân khu 5 làm Trợ lý tác chiến. Thời kỳ này, Quân khu chuẩn bị diễn tập, do đó, Phòng Tác chiến được vài lần làm việc với Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn Khuê. Đến tháng 4 năm 1983, tôi vinh dự được điều động lên giúp việc cho Tư lệnh vào đúng thời điểm Đại tướng Đoàn Khuê được cử sang Campuchia làm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719. Tôi vẫn nhớ rõ, lần gặp chuẩn bị đi chiến trường K, Đại tướng hỏi: “Anh có nguyện vọng gì không?” Tôi trả lời: “Nếu là nguyện vọng thì tôi không đi, nhưng là một quân nhân, tôi tuyệt đối chấp hành mọi nhiệm vụ tổ chức giao”. Đại tướng nghiêm nghị nhìn tôi với ánh mắt tin tưởng. Hình ảnh đó vẫn mãi in đậm trong ký ức của tôi cho đến hôm nay. Tôi cảm nhận Đại tướng là người chỉ huy có sức lan tỏa các phẩm chất của ý chí kiên định, lòng nhiệt huyết mạnh mẽ và tinh thần làm việc sâu sát, hiệu quả. Cho đến hôm nay, tôi vẫn xem Ông như người Thầy, người Cha mà tôi rất mực kính trọng, một nhân cách lớn mà tôi học tập được nhiều.

Đại tướng Đoàn Khuê là Ủy viên Ban Chấp Trung ương Đảng từ khóa IV đến khóa VIII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VI, VII, VIII; là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa VII đến khóa X. Gần 17 năm được công tác bên cạnh Đại tướng, với vẻ ngoài nghiêm nghị, hơi khó gần, nhưng từ góc độ thân thế gia đình đến thực tiễn quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng là người có nội tâm rất lớn, luôn dĩ công vi thượng – suốt đời cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Thời kỳ ở chiến trường K, Đại tướng Đoàn Khuê đảm trách chức vụ Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719, Phó Trưởng Ban lãnh đạo Tổng Đoàn Chuyên gia Việt Nam tại Campuchia (B68); sau đó, làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719 kiêm Trưởng Ban lãnh đạo B68. Đại tướng Đoàn Khuê đã để lại dấu ấn sâu đậm, cùng tập thể Ban lãnh đạo B68, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh 719 lãnh đạo tổ chức, xây dựng lực lượng và kiến lập hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương, tạo nền tảng thế trận vững chắc cho cách mạng, chủ động ngăn chặn và đập tan mọi hoạt động chống phá của quân Pôn Pốt cùng lực lượng phản động quốc tế. Từ tháng 4 năm 1984 đến tháng 11 năm 1986, Đại tướng cùng cơ quan tham mưu xây dựng vành đai phòng thủ biên giới (K5); chỉ huy tiêu diệt 16 căn cứ trọng yếu của lực lượng ba phái (Pôn Pốt, Son San và Xihanúc) trên biên giới.

Điểm đặc biệt trong phong cách lãnh đạo, chỉ huy của Đại tướng là: Từ khi có ý định đến lúc triển khai bất cứ một chiến dịch nào (có một số chiến dịch Đại tướng trực tiếp theo), khi kết thúc chiến dịch, bao giờ Đại tướng cũng đến tận chiến trường xem xét, nghiên cứu cẩn thận nhằm rút kinh nghiệm bảo đảm hiệu suất chiến đấu cao hơn cho bộ đội. Ở chiến trường Campuchia, 16 căn cứ trọng yếu trên biên giới nước bạn, Đại tướng Đoàn Khuê đều trực tiếp đến kiểm tra. Ông đi tất cả các căn cứ trên biên giới để nghiên cứu cách tổ chức, bố trí, khả năng của lực lượng ba phái để xây dựng các phương án đối phó thích hợp. Nhiều khum (xã) phải đi bộ 10 – 15km, đi trên biên giới Campuchia – Thái Lan có độ cao từ 500 đến 700m, dù đã ở tuổi 60 nhưng với ý chí, tinh thần và bản lĩnh của vị tướng dạn dày kinh nghiệm trận mạc, Đại tướng không nề hà vất vả, khó nhọc, vẫn cùng bộ đội tiến lên. Hình ảnh đó có sức lan tỏa mạnh, cổ vũ tinh thần, ý chí và quyết tâm chiến đấu đối với cán bộ, chiến sĩ ta và bạn; mọi người nể phục, yêu mến và tin tưởng ở Quân tình nguyện Việt Nam. Trên biên giới Campuchia – Thái Lan, Đại tướng trực tiếp chỉ đạo đánh địch và tổ chức huy động lực lượng xây dựng vành đai phòng thủ biên giới, phối hợp chặt chẽ với bạn cùng làm. Quân tình nguyện Việt Nam truy quét địch liên tục, nhưng Đại tướng luôn luôn coi trọng và chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả xây dựng, huấn luyện nâng cao khả năng chiến đấu và bảo đảm chiến đấu thắng lợi của bộ đội.

Trên cương vị là Trưởng Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia, Đại tướng Đoàn Khuê quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm “giúp bạn là mình tự giúp mình”, không bao biện làm thay, bằng mọi cách phải từng bước nâng cao khả năng mọi mặt của bạn, để bạn ngày càng trưởng thành, tiến tới làm chủ công việc của nước mình. Từ năm 1986, nắm bắt được yêu cầu mới của tình hình cách mạng trong nước và quốc tế, trước lúc Đại tướng Lê Đức Anh về nước nhận nhiệm vụ làm Tổng Tham mưu trưởng, Đại tướng Đoàn Khuê đã trao đổi và bàn về vấn đề rút Quân tình nguyện khỏi Campuchia; để bạn tự đảm nhiệm công việc và có điều kiện tiếp cận ba phái, từng bước phân hóa kẻ thù. Thực tiễn này phản ánh rõ tư duy chiến lược nhạy bén, mạch lạc của Đại tướng Đoàn Khuê. Kinh nghiệm trong ba năm lãnh đạo, chỉ đạo bộ đội chiến đấu và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia chính là một trong những nền tảng quan trọng trước khi Đại tướng ra Bộ Quốc phòng đảm trách cương vị Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (15 – 18/12/1986) là sự kiện trọng đại, mở đầu quá trình đổi mới toàn diện đất nước. Là Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng, Đại tướng Đoàn Khuê cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội quán triệt và tổ chức thực hiện chặt chẽ quá trình chuyển đổi tư duy kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuất phát từ thực tiễn đất nước ta và xu thế thời đại lúc bấy giờ, Đại tướng cho rằng mở cửa cần được tiến hành từng bước, phải quản lý chặt chẽ, không thể nóng vội mà mất kiểm soát. Soi chiếu lại, đến nay, quan điểm đó vẫn còn tính thời sự sâu sắc.

Trong 5 năm làm Tổng Tham mưu trưởng (1987 – 1991) – giai đoạn có rất nhiều vấn đề trọng đại mang tính bước ngoặt đối với sự phát triển của đất nước và Quân đội. Đại tướng Đoàn Khuê để lại dấu ấn sâu đậm trong đổi mới tư duy về quốc phòng, quân sự, cả lý luận và thực tiễn xây dựng, huấn luyện Quân đội và lực lượng vũ trang, tiêu biểu là: Trực tiếp tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện thành công kế hoạch điều chỉnh chiến lược về thế trận quốc phòng, tập trung xây dựng thế trận phòng thủ chiến lược trên các hướng chiến lược, các khu vực trọng điểm; đã chấn chỉnh một bước cơ bản tổ chức biên chế lực lượng, giảm được hơn 60 vạn quân thường trực (trong đó có khoảng 27 vạn người hưởng lương); xây dựng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng và sức mạnh tác chiến của các quân, binh chủng.

Quá trình xây dựng Quân đội, từ chế độ sinh hoạt, nội dung và phương châm huấn luyện sẵn sàng chiến đấu… đến xây dựng đơn vị điểm, bước đầu được bảo đảm theo hướng chính quy, từng bước hiện đại và đủ sức mạnh bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đại tướng dành nhiều thời gian để thị sát chiến trường, đặc biệt là trên biên giới phía Bắc, đến thăm các chốt biên giới để nắm bắt tình hình. Khi đến Vị Xuyên – nơi Sư đoàn 316 Quân khu 2 đóng quân, trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu đủ thứ, Đại tướng tâm sự và chia sẻ cùng bộ đội. Kết thúc chuyến công tác, Đại tướng chỉ thị các cơ quan liên quan phải giải quyết ngay những yêu cầu bức thiết trước mắt của bộ đội, bắt đầu từ những thứ tối thiểu nhất.

Khi Bộ Quốc phòng chủ trương xây dựng các trung đoàn điểm, mặc dù bận nhiều việc, nhưng khi có thời gian, Đại tướng trực tiếp ra thao trường theo dõi hành động của từng người, từng tổ, tiểu tổ, trung đội, đại đội huấn luyện ra sao; việc nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị của Bộ đã được quán triệt đến người chiến sĩ chưa… Lấy thực tiễn năng lực, trình độ huấn luyện chiến đấu của bộ đội làm căn cứ đánh giá hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan Bộ, quân khu, quân đoàn, sư đoàn. Luôn bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo chất lượng lãnh đạo, chỉ huy.

Đại tướng Đoàn Khuê thường căn dặn: Cơ quan chiến lược xuống kiểm tra đơn vị phải phát hiện được vấn đề tồn tại của từng cấp; nghị quyết, chỉ thị đã có rồi, việc nào đó chưa sát thuộc trách nhiệm của trên thì chúng ta phải điều chỉnh, nội dung nào đó mà dưới thực hiện chưa đúng thì phải hướng dẫn cụ thể để anh em sửa chữa kịp thời. Thông thường, khi Bộ trưởng, Tổng Tham mưu trưởng đi kiểm tra các đơn vị, cơ quan thường xây dựng kế hoạch để cấp dưới chủ động. Đại tướng cảm nhận được có vấn đề gì đó chưa ổn! Nhưng cách xử trí của Đại tướng nhẹ nhàng, mềm dẻo, phù hợp. Thí dụ: Xuống Sư đoàn A, kế hoạch kiểm tra Trung đoàn 1, nhưng Ông kiểm tra đơn vị khác – không phải Trung đoàn 1, vì muốn nắm thực chất ra sao. Qua đó cũng nhìn được khá nhiều nội dung xây dựng đơn vị, huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp… Có thể thấy, những khẩu hiệu trong Quân đội hiện nay là được xây dựng trong thời kỳ Đại tướng Đoàn Khuê làm Tổng Tham mưu trưởng, từ cấp đại đội trở lên như: Chế độ sinh hoạt, chế độ thao trường, phương châm huấn luyện…

Về xây dựng cơ quan chiến lược, Đại tướng dành nhiều tâm sức trăn trở, suy nghĩ. Phương châm là phải tin cơ quan, nêu cho cơ quan chức năng nhiều ý tưởng; tổ chức kiểm tra chặt chẽ… nhằm phát huy những mặt mạnh và khắc phục triệt để vấn đề tồn tại, xây dựng cơ quan chiến lược vững mạnh toàn diện. Ngoài ra, Đại tướng Đoàn Khuê còn để lại dấu ấn sâu sắc gắn với sự ra đời của Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về khu vực phòng thủ tỉnh/thành phố; đồng thời, là người trực tiếp chỉ đạo nhiều cuộc diễn tập; góp phần quan trọng củng cố, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội và lực lượng vũ trang nhân dân.

Đối với đội ngũ cán bộ văn phòng và thư ký, Đại tướng là người sống giản dị, gần gũi, ít khi nặng lời với anh em. Trước khi quyết định một vấn đề mà Đại tướng còn chưa hoàn toàn yên tâm, việc đầu tiên là gọi Thư ký nêu vấn đề và chỉ đạo nghiên cứu, trao đổi với cán bộ trong cơ quan, rồi thảo luận thẳng thắn cùng Đại tướng; sau cùng, Đại tướng mới quyết định. Ông luôn xem những cộng sự giúp việc như chúng tôi là một thực thể độc lập, tạo cho anh em có chứng kiến rõ ràng, khuyến khích chúng tôi làm tròn phận sự của mình. Thực tiễn cho thấy, đây là thời kỳ khối lượng công việc của Bộ Tổng Tham mưu cực kỳ lớn lao, điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng hiệu quả và chất lượng công việc rất tốt.

Sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (24 – 27/6/1991), ở tuổi 68, Đại tướng Đoàn Khuê đảm nhiệm chức vụ là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong nhiệm kỳ của mình, Đại tướng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương lãnh đạo xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, tinh nhuệ, với cơ cấu tổ chức và quân số hợp lý; ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; tạo nền tảng quan trọng giữ vững sự ổn định để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trước hết là về đối ngoại quốc phòng, thực hiện chủ trương bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, cuối năm 1991, Bộ trưởng Đoàn Khuê có chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Kết quả chuyến thăm đã góp phần xác lập mối quan hệ chiến lược giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc thời kỳ mới; củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, thủy chung, trong sáng giữa Đảng, Chính phủ, Quân đội và Nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc; niềm tin chiến lược giữa lãnh đạo hai nước được củng cố, biên giới được ổn định, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước. Kết hợp với các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Đoàn Khuê tích cực đi thăm và góp phần tăng cường xây dựng quan hệ đặc biệt với Lào và Campuchia; củng cố và xây dựng quan hệ với nước Cộng hòa Cuba và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên; mở rộng quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, Đông Á, châu Âu… góp phần thúc đẩy đối ngoại quốc phòng vì hòa bình, ổn định ở khu vực và quốc tế.

Là Bộ trưởng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng Đoàn Khuê cùng với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành các nghị quyết, chỉ thị, xác định đúng hướng về nội dung, phương châm xây dựng, huấn luyện Quân đội, bảo đảm giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và chế độ, làm nền tảng cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Thời kỳ này, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động tăng cường hoạt động chống phá, chúng câu kết với những phần tử phản động trong nước gây bạo loạn, biểu tình chống phá Đảng, Nhà nước, hòng tạo sự bất ổn, gây rối loạn an ninh quốc gia; điển hình là ở Thái Bình, Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), Đông Anh, Đồng Nai.

Nhận thức được tính chất và yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ phòng chống bạo loạn, Bộ trưởng Đoàn Khuê đã tập trung lãnh đạo Quân đội phối hợp với Công an nhân dân chủ động và kịp thời đối phó hiệu quả với các tình huống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, ổn định trật tự trị an, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để thúc đẩy công cuộc đổi mới phát triển. Song song với việc tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, khi Bộ Chính trị có Nghị quyết về xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới, Đại tướng Đoàn Khuê đã tập trung nhiều tâm huyết góp phần xây dựng Bộ đội Biên phòng vững mạnh, tăng cường khả năng phối hợp giữa các khu vực phòng thủ, củng cố niềm tin đối với cán bộ, chiến sĩ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, góp phần thúc đẩy hiệu quả đối ngoại quốc phòng hướng đến xây dựng vành đai biên giới ổn định, hòa bình và hữu nghị.

Trong công việc, ngoài thời gian tham gia các cuộc họp Bộ Chính trị, Đại tướng chủ động cùng Thư ký xây dựng kế hoạch công tác. Phương pháp làm việc của Đại tướng bao giờ cũng gọn, nhẹ và quyết đoán. Để có thể nắm chắc tình hình Quân đội, Đại tướng đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra và phương pháp tiến hành kiểm tra, từ các tổng cục – quân khu, quân đoàn – tỉnh, sư đoàn – trung đoàn đến người lính. Với phương pháp kiểm tra dọc đó, Đại tướng nắm chắc tình hình quán triệt nghị quyết – chỉ thị đến người lính, năng lực các cơ quan triển khai, đôn đốc, kiểm tra và thẳng thắn chỉ ra mặt tồn tại nằm ở đâu trong quá trình quán triệt thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh xuống đơn vị để xây dựng và vận hành hệ thống lãnh đạo, chỉ huy ngày càng hiệu quả, thiết thực.

Sau thời gian trăn trở suy nghĩ từ những chuyến công tác đến các học viện, nhà trường, trường quân chính quân khu, quân đoàn, quân chủng và tiếp cận với các học viên ra trường về quản lý, chỉ huy, huấn luyện bộ đội… Đại tướng rút ra nhiều điều liên quan đến công tác giáo dục, đào tạo cán bộ. Đó là cơ sở để Đại tướng cùng các cơ quan xây dựng và triển khai hai nghị quyết lớn, quan trọng về công tác nhà trường (Nghị quyết số 115/NQ-ĐU) và tiếp tục đổi mới công tác đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và xây dựng nhà trường chính quy (Nghị quyết số 93/NQ-QUTW).

Mặc dù là người có tính nguyên tắc cao, nhưng trong công việc, Đại tướng xử lý linh hoạt, chặt chẽ. Làm việc gì cũng trăn trở, suy nghĩ thấu đáo, đặt lợi ích cách mạng và dân tộc lên trước hết. Thời kỳ làm Bộ trưởng, Đại tướng Đoàn Khuê cũng để lại dấu ấn sâu sắc trong quán triệt và thực tiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Tiêu biểu là tư duy phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch đất quốc phòng, chủ trương đưa một phần vào phát triển kinh tế như khu vực Sóng Thần 1 và Sóng thần 2 ở Quân đoàn 4; cảng dầu khí Vũng Tàu; khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về đất quốc phòng, khu vực biên giới… Đặc biệt, Đại tướng chỉ đạo rất chặt chẽ việc Quân đoàn 4 giao đất Sóng Thần cho tỉnh Sông Bé để phát triển kinh tế – xã hội thành khu vực trọng điểm phía Nam.

Đề cập đến vấn đề này, ngày 4 tháng 8 năm 2023, tôi có buổi làm việc với đồng chí Nguyễn Minh Triết – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí chia sẻ: “Đại tướng Đoàn Khuê là người nghiêm túc, chặt chẽ quán triệt nghị quyết của Đảng về tập trung đổi mới, xây dựng tiềm lực kinh tế. Khi đó, tôi là Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, gặp Bộ trưởng Quốc phòng để báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà và đề nghị Bộ Quốc phòng cho phép chuyển 300ha đất Sóng Thần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó, Khu Công nghiệp Sóng Thần 1 và Khu Công nghiệp Sóng Thần 2 là nền tảng để Sông Bé và sau này là Bình Dương phát triển như hôm nay. Trên cơ sở đó, tạo ra động lực thúc đẩy sự hình thành khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam: Bình Dương – Vũng Tàu – Đồng Nai – Thành phố Hồ Chí Minh”.

Tiếp đó, trao đổi với đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Minh Chữ – nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, đồng chí cho biết: “Chiến đấu liên tục ở chiến trường K, khi Quân đoàn 4 về nước bước vào thời kỳ đầu xây dựng là giai đoạn khá khó khăn, nhưng Đại tướng Đoàn Khuê – Bộ trưởng Quốc phòng đã chỉ đạo sát sao, nhiều nội dung cử cơ quan Bộ trực tiếp vào giúp xây dựng Quân đoàn 4 ngày càng vững mạnh, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, tập trung cho những nhiệm vụ trọng tâm. Như lần sau khi Bộ trưởng vào công tác phía Nam, xuống Quân đoàn 4 thấy nền nếp, tinh thần, tư tưởng bộ đội trong các đơn vị… Bộ trưởng vui hơn”.

Đại tá Nguyễn Trọng Nhu, nguyên thư ký của Đại tướng Đoàn Khuê phát biểu tại Hội thảo nhân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê tại tỉnh Quảng Trị ngày 27/10/2023

Những công việc đã qua hơn 40 năm không thể nhớ hết. Với thời gian được cộng sự bên Đại tướng, cá nhân tôi bao giờ cũng kính trọng, coi Ông như người Cha, người Thầy trong trường đời của mình. Lúc đi cùng Ông tôi còn khá trẻ, mới ngoài 30 tuổi, trưởng thành từ đơn vị, Ông dạy tôi những điều cụ thể, từ nội dung công việc đến cách ứng xử với cấp trên, cấp dưới và cả trong sinh hoạt đời thường. Khi dự thảo chỉ thị của cấp trên xuống phải bảo đảm yêu cầu: Một là, ở cương vị cấp trên, nội dung chỉ thị, mệnh lệnh phải xứng tầm về tư duy lãnh đạo, chỉ đạo. Hai là, trên vai cấp dưới, khi tiếp nhận mệnh lệnh, điện chỉ đạo phải hiểu được nội dung rõ ràng, đầy đủ là đơn vị tổ chức thực hiện được.

Trong đời thường, Đại tướng sống giản dị, thanh bạch, gần gũi và ít khi nặng lời với anh em cùng làm việc. Khi đi công tác, Đoàn của Bộ trưởng được tổ chức gọn, thiết thực. Trong các chuyến công tác dài ngày, trên xe luôn có đồ dùng để tự nấu ăn; thời gian sau, Đại tướng gợi ý nên vào quán ăn bên đường cho tiện; tránh làm phiền địa phương. Quan điểm của Ông là xe chạy lúc sớm lúc muộn, để cấp dưới phải chờ đợi mình thì không nên.

Gia đình Đại tướng có nền gia phong mang đặc trưng văn hóa của người miền Trung, việc của người nào cũng phải phấn đấu theo cách riêng của mình, không được trông chờ, dựa dẫm. Bữa cơm gia đình, nếu không có gì đột xuất thì đông đủ và đó là lúc mọi người thể hiện sự quan tâm đến nhau. Đối với Đại tướng, việc gia đình và việc nước luôn rõ ràng, tuyệt đối không để xen vào công việc mình phụ trách.

Thời gian đã lùi xa, nhưng trong ký ức và tâm thức của tôi vẫn khắc sâu hình ảnh Đại tướng Đoàn Khuê – Một người cộng sản kiên trung, nhà chính trị, quân sự xuất sắc, một nhân cách lớn. Mỗi lần nhắc đến Ông, tôi thường nói với anh em, đồng đội và người thân về những kỷ niệm sống mà Đại tướng là tấm gương sáng cho những người lính nói chung và đội ngũ giúp việc chúng tôi nói riêng. Có thể khẳng định rằng, giá trị tinh thần được viết nên từ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đại tướng Đoàn Khuê là tinh thần yêu nước, sự kiên trung và nhiệt huyết cống hiến, hy sinh đối với cách mạng; luôn lấy thực tiễn làm chân lý cho hành động, luôn dĩ công vi thượng, lấy tư tưởng, phong cách và đạo đức Bác Hồ để tự rèn luyện bản thân. Đó cũng là tấm gương chuẩn mực về đạo đức, trách nhiệm đối với đất nước, quê hương và gia đình.

Tác giả bài viết Nguyễn Trọng Nhu (bên trái).

Trên đây là vài dòng tâm huyết, những mong có thể truyền một chút cảm hứng đến các thế hệ hôm nay và mai sau. Đến đây, bản thân có phần tiếc nuối, vì Đại tướng Đoàn Khuê không viết hồi ký. Đại tướng nói: Mình làm được việc gì, thì những nơi mình ở, những người mình cùng công tác ghi nhận là tốt rồi!.

Đại tá Nguyễn Trọng Nhu, Nguyên Thư ký Đại tướng Đoàn Khuê, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ – Cứu nạn/Bộ Tổng Tham mưu.
Thế Cương/Biên tập.