Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

ĐẮK LẮK: Nhiều giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

[the-subtitle]
ĐNA -

Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Bộ tiêu chí chung, tỉnh Đắk Lắk chủ trương sẽ thực hiện hai nhiệm vụ: xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro khí hậu và xác định các dự án, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu. Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề ra 22 nhiệm vụ, dự án ưu tiên thực hiện Kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương.

Bảo vệ tài nguyên rừng là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm chống biến đổi khí hậu.

Tầm nhìn xa kết hợp triển khai đa dạng các nguồn lực
Giai đoạn 2020- 2030, thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2024- 2025, thực hiện hai nhiệm vụ: xây dựng, thực hiện Kế hoạch hỗ trợ giống lâm nghiệp để trồng làm giàu rừng tự nhiên sản xuất, trang trại canh tác cảnh quan nông lâm nghiệp và điều tra, bảo tồn một số loại động, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm, loài được ưu tiên bảo vệ trên địa bàn tỉnh. Năm 2025, thực hiện Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Krông Bông thuộc địa phận thôn 1 và thôn 4 (xã Hoà Phong). Giai đoạn 2024- 2026, thực hiện 7 nhiệm vụ điều tra, đánh giá: khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất; hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hiện trạng xả nước thải vào nguồn trên địa bàn tỉnh; chất lượng đất, tiềm năng đất đai lần đầu; ô nhiễm đất lần đầu, phân hạng đất nông nghiệp; tiềm năng khoáng sản các khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản và rà soát, điều chỉnh, bổ sung các khu vực cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2024- 2030, thực hiện 8 nhiệm vụ: Tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực khí tượng thủy văn; Tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong thích ứng biến đổi khí hậu; Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, biên tập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 của tỉnh; Xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường; Xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Được biết, nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án từ ngân sách nhà nước (chi thường xuyên, chi cho đầu tư phát triển, sự nghiệp khoa học, sự nghiệp bảo vệ môi trường…) theo quy định; nguồn ngoài ngân sách nhà nước (vốn hỗ trợ, viện trợ không hoàn lại, đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp khối tư nhân; vay ưu đãi để thực hiện các công trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu có đồng lợi ích phát triển kinh tế – xã hội, giảm phát thải khí nhà kính… và nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác.

Các đại biểu tại chương trình “Triệu cây xanh- Vì một Việt Nam xanh” tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp.

Chú trọng tới việc sử dụng đất thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Tiến sĩ Y Kanin H’đơk- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk, một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh là việc sử dụng đất bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Đắk Lắk có lợi thế phát triển nông nghiệp, song cũng là nơi chịu nhiều ảnh hưởng do BĐKH, làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất và nguồn tài nguyên đất.

Tỉnh Đắk Lắk có 1.312.537 ha đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp là 1.160.328 ha (chiếm 88,42%), đất phi nông nghiệp 88.892 ha (chiếm 6,77%), còn lại là đất chưa sử dụng. Với 298.365,4 ha đất đỏ bazan, Đắk Lắk có lợi thế phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao như: cao su, cà phê, điều, hồ tiêu và cây ăn quả.

Những năm gần đây, BĐKH đã làm tăng tần số, cường độ, tính biến động và tính cực đoan của các hiện tượng thời tiết tiêu cực khiến gia tăng rủi ro đối với sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn 1996-2000, toàn tỉnh có 24.322 ha đất nông nghiệp bị ngập lụt thì giai đoạn 2001-2011 là 148.443 ha (tăng trung bình 2,77 lần), diện tích ao nuôi cá bị ngập lụt ở giai đoạn 1996-2000 là 473 ha, còn giai đoạn 2001-2016 là 4.156 ha (tăng trung bình 3,99 lần); từ năm 2001-2016 dịch lở mồm long móng ở trâu, bò, dịch heo tai xanh, cúm gia cầm xảy ra thường xuyên với tần suất ngày càng nhiều hơn. Giai đoạn 2001-2011, lũ lụt gây vỡ, hư hỏng 118 hồ đập, 35 công trình thủy lợi, trong khi đó giai đoạn 1996-2000 không có trường hợp nào xảy ra. Chưa hết, nền nhiệt có xu hướng tăng cao, khô hạn xảy ra nhiều hơn và kéo dài, xen lẫn có những đợt lũ quét, sạt lở đất… gây thiệt hại lớn đối với đời sống dân sinh, thách thức mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Thực tế cho thấy, yếu tố vị trí địa lý, địa hình đã khiến tài nguyên đất Đắk Lắk chịu ảnh hưởng rất lớn từ các điều kiện khí hậu.  Cùng với đó, việc sử dụng đất hiện nay của người dân cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng diễn biến phức tạp của BĐKH đối với tài nguyên đất. Phát triển ồ ạt diện tích cà phê, hồ tiêu… không theo quy hoạch cùng với việc chuyển đổi rất nhiều diện tích đất rừng khộp sang trồng cao su đã làm tăng tình trạng xói mòn, thoái hóa đất, thay đổi môi trường sinh thái cùng với suy giảm nguồn nước đã ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn tài nguyên đất và cơ cấu sử dụng đất. Tiến sĩ Y Kanin H’đơk dẫn chứng: “Việc chuyển đổi rừng khộp để lấy đất trồng cao su ở huyện Ea Súp và Buôn Đôn không chỉ gây thiệt hại lớn trước mắt về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Vài năm trở lại đây, cứ đến mùa mưa, khu vực Ea Súp luôn bị ngập lụt nặng (trước đây ít khi xảy ra) gây thiệt hại lớn về kinh tế – xã hội. Điển hình, đầu mùa mưa 2016, tuy lượng mưa không lớn lắm nhưng Ea Súp đã bị ngập nặng, gây chia cắt nhiều địa phương. Còn về mùa khô, nhiệt độ vùng Ea Súp luôn tăng thêm từ 10 trở lên so với các khu vực lân cận, càng gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân”.

Theo Tiến sĩ Y Kanin H’đơk, để sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH cần quản lý sử dụng đất theo phương án điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối, nhất là khu vực sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển  kinh tế – xã hội. Quản lý chặt chẽ diện tích đất lâm nghiệp, không để xảy ra tình trạng đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích; tăng diện tích rừng nhằm nâng cao tỷ lệ che phủ. Cùng với đó xác định cơ cấu cây trồng phù hợp; xác định và lồng ghép các yếu tố BĐKH vào quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp nhằm bảo đảm sự thích nghi và giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH đến sử dụng đất nông nghiệp trong tương lai.

Còn Tiến sĩ Võ Hùng- Tổ trưởng bộ môn Lâm sinh, Khoa Nông lâm (Trường Đại học Tây Nguyên) cho rằng, cũng như ở Tây Nam Bộ, vùng Tây Nguyên đang chịu ảnh hưởng không nhỏ của BĐKH, trước tiên là thiếu nước. Tỉnh Đắk Lắk có khoảng gần 210.000 ha cà phê; mỗi héc-ta cà phê kinh doanh cần khoảng 3.000 – 4.000 m3 nước để tưới trong 6 tháng mùa khô. Như vậy mỗi năm có hàng tỷ mét khối nước được tưới lên bề mặt, rõ ràng sắp tới nước là vấn đề lớn đối với sản xuất nông nghiệp và ngay cả đời sống. Đơn cử, tại TP. Buôn Ma Thuột vài năm trở lại đây, cứ vào mùa khô là xảy ra tình trạng 3 ngày cúp nước, một ngày có nước. Do đó cần thay đổi nhận thức về bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, thay đổi hệ thống canh tác trên cơ sở tài nguyên nước, trong đó chú trọng nâng cao độ che phủ của những cây thân gỗ lâu năm có đặc điểm chịu hạn, chứ không thể kéo dài tình trạng sử dụng nước tưới cho cây cà phê trong suốt 6 tháng mùa khô như vậy được. “Cho nên giải pháp tìm kiếm các loại cây thân gỗ chịu hạn để trồng xen trong vườn cây nông nghiệp dài ngày, độc canh được xem là hướng đi có tính tất yếu ở vùng Tây Nguyên này trong xu thế hướng đến một nền nông nghiệp bền vững”, Tiến sĩ Võ Hùng khẳng định.

Trong giai đoạn 2010- 2016, diện tích đất nông nghiệp của Đắk Lắk  tăng 28.795,33 ha do khai hoang mở rộng diện tích cây công nghiệp, cây lương thực. Tuy nhiên, hiện nay đất có khả năng sản xuất nông nghiệp không còn nhiều để mở rộng thêm nữa. Vấn đề đặt ra là cần bố trí, sắp xếp các loại hình sử dụng đất hợp lý trên cơ sở phát triển thị trường nông sản hàng hóa gắn với sử dụng tiết kiệm đất đai, hạn chế thấp nhất sự mất đất. Vì vậy, thạc sĩ Vũ Hải Nam, Khoa Nông lâm nghiệp (Trường Đại học Tây Nguyên) mạnh dạn đề xuất giải pháp sử dụng đất nông nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk trên cả 3 phương diện: chính sách, khoa học kỹ thuật và thị trường. Về giải pháp chính sách, cần quan tâm tính hợp lý của quy hoạch sử dụng đất, làm nền tảng cho sử dụng đất bền vững; xây dựng các chính sách trợ giá hợp lý để khuyến khích sản xuất, sử dụng các giống cây, con mới phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đặc biệt cần giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang các mục đích khác.

Nguyễn Sơn/tổng hợp