Thứ tư, Tháng mười hai 25, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đắk Lắk phải là trung tâm, liên kết, điều phối vùng Tây Nguyên



ĐNA -

Để Đắk Lắk phải phát triển xứng tầm vai trò trung tâm, liên kết và điều phối vùng Tây Nguyên, cần chú trọng phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… mở rộng không gian phát triển cho cảng hàng không Buôn Ma Thuột; phát triển hạ tầng giao thông liên vùng…

Các đại biểu tham dự cuộc họp (Ảnh: MPI)

Ngày 2/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với UBND tỉnh về việc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 10- NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị thời gian qua và nhiệm vụ, giải pháp phát triển tỉnh Đắk Lắk với vai trò trung tâm, liên kết, điều phối vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chí Trần Duy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ Biên tập tổng kết Nghị quyết chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp, về phía UBND tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND Nguyễn Tuấn Hà, cùng đại diện một số Sở, ngành trong tỉnh.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã báo cáo tình hình triển khai tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 và Kết luận số 12, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân trên địa bàn tỉnh, kinh tế – xã hội (KT-XH) của tỉnh Đắk Lắk đã có những chuyển biến quan trọng. Cụ thể, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giai đoạn 2002-2020, tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 13,8%/năm; quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, tăng gấp 11 lần, từ 5.600 tỷ đồng năm 2002 lên 61.800 tỷ đồng vào năm 2020.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng định hướng, từng bước giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của các bộ phận dân cư từng bước được cải thiện, GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, năm 2020 đạt 53,98 triệu đồng/người, gấp 18,4 lần năm 2002. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng đều qua các năm, năm 2020 đạt 8.294 tỷ đồng, cao gấp 18,76 lần so với năm 2002. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt cao và tăng qua các năm. Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đạt tốc độ tăng trưởng khá, giai đoạn 2002-2020, tỉnh Đắk Lắk có trên 13.300 doanh nghiệp dân doanh thành lập mới với số vốn đăng ký hoạt động hơn 89.500 tỷ đồng.

Bảo tàng thế giới cà phê tại Buôn Mê Thuột – một trong những điểm nhấn du lịch của Đắk Lắk (Ảnh: Đ.L)

Các hoạt động văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân, an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo, người có công được triển khai đồng bộ, kịp thời; chất lượng giáo dục, y tế và đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân được nâng lên. Công tác dân tộc và việc triển khai các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ cho đối tượng là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được quan tâm triển khai thực hiện, đời sống đồng bào các DTTS ngày càng được nâng cao. Giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giảm bình quân 4,54%/năm. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,34%, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS giảm còn 14,08%. QP-AN được tăng cường, giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển KT-XH; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được tăng cường.

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Đắk Lắk trong quá trình thực hiện triển khai Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12, trong đó có đề cập tới việc tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, việc xây dựng và phát triển TP.Buôn Ma Thuột chưa đạt được kỳ vọng như mong đợi, chưa thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên; chưa thực sự trở thành một cực tăng trưởng với những tác động lan tỏa tích cực tới các tỉnh khác trong vùng.

Đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: MPI)

Dịp này, các đại biểu đã thảo luận tình hình triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh; triển khai Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị, phát triển hạ tầng giao thông kết nối giao thông chiến lược liên vùng, công nghiệp chế biến, du lịch, phát triển và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; góp ý dự thảo Báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo; đề xuất các ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên trong giai đoạn tiếp theo; một số tồn tại hạn chế trong phát triển đầu tư hạ tầng giao thông liên vùng Tây Nguyên và hạ tầng chuyển đổi số, y tế, giáo dục, công nghiệp chế biến sâu nông sản, khoáng sản; bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc vật thể và phi vật thể.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, thông qua cuộc họp này Tổ biên tập Bộ KH&ĐT sẽ có đầy đủ thông tin, bổ sung luận cứ để đưa ra nhận định, đánh giá toàn diện Nghị quyết số 10- NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị góp phần hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng lưu ý tỉnh Đắk Lắk cần quan tâm đề xuất chính sách, giải pháp phát triển rừng trên đia bàn; giữ vững quốc phòng-an ninh; dân tộc – tôn giáo; tổ chức cơ sở đảng và chính quyền cơ sở; giải quyết vấn đề dân di cư và bố trí tái định cư; cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: MPI)

Trên cơ sở định hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho rằng, đây là cơ hội để tỉnh Đắk Lắk xây dựng hoàn thiện giải pháp chiến lược triển khai Nghị quyết số 10- NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị trong giai đoạn tiếp theo. Thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk đề nghị Trung ương cần sớm có cơ chế quản lý vùng; xuất phát tình hình thực tiễn cần có Phó Bí thư phụ trách hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; thành lập Trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng Tây Nguyên; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng chất lượng cao; thu hút nguồn nhân lực và cơ chế đào tạo nhân lực cho vùng Tây Nguyên; cơ chế quản lý đất thuộc Công ty nông lâm trường; mở rộng không gian phát triển cho cảng hàng không Buôn Ma Thuột; phát triển hạ tầng giao thông liên vùng.

Nguồn ĐCSVN