Ung thư là một trong những căn bệnh nguy hiểm, có thể cướp đi mạng sống của bất kỳ ai. Các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới cũng dành nhiều thời gian, công sức để tìm ra những phương án “chế ngự”, đẩy lùi căn bệnh này. Nghiên cứu của các nhà khoa học có thể tạo đột phá trong điều trị nhiều loại ung thư khác nhau.
Năm 2023, các nhà khoa học đến từ Trường Đại học California ở Davis (UC Davis) đã phát hiện ra “chìa khóa vàng” có thể khiến tế bào ung thư tự hủy diệt. Đây là tin vui trong công cuộc chống lại bệnh ung thư, có thể tạo nên đột phá trong điều trị căn bệnh này.
Cụ thể, nghiên cứu công bố trên tạp chí Cell Death & Differentiation đã khám phá ra một cơ chế mới có thể giúp “đánh thức” hệ miễn dịch, tạo điều kiện để cơ thể tự tiêu diệt các tế bào ung thư, đặc biệt là ở những loại ung thư khó điều trị như phổi, vú và tuyến tiền liệt.
Các nhà khoa học đã thành công trong việc kích hoạt thụ thể CD95, vốn được xem là một “công tắc tự hủy” tiềm năng trên tế bào ung thư. Mặc dù các nghiên cứu trước đây đã xác định được sự tồn tại của thụ thể này nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm ra cách kích hoạt hiệu quả, mở ra hy vọng mới cho việc điều trị nhiều loại ung thư.
Hiện tại, các liệu pháp miễn dịch đang dần được các nhà khoa học phát triển và ứng dụng. Ví dụ, liệu pháp CAR-T có thể được áp dụng cho các bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch. Trong phương pháp này, các tế bào T của bệnh nhân sẽ được thu thập, sau đó các nhà khoa học sẽ chỉnh sửa chúng để có khả năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư một cách chính xác. Cuối cùng, những tế bào T đã được chỉnh sửa sẽ được đưa trở lại vào cơ thể bệnh nhân để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Mặc dù tế bào T có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư nhưng trong nhiều trường hợp chúng lại không đủ mạnh hoặc không thể nhận biết được các tế bào ung thư một cách chính xác. Chính vì vậy, các liệu pháp miễn dịch ra đời với mục tiêu khắc phục những hạn chế này, giúp tế bào T trở thành “vũ khí” hiệu quả trong cuộc chiến chống ung thư.
Tuy những liệu pháp miễn dịch hiện vẫn có nhiều hạn chế như khó xâm nhập vào môi trường vi mô của tế bào ung thư nhưng đây vẫn là một bước tiến mạnh mẽ đối với các nhà nghiên cứu.
Đinh Hoàng Anh