Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Dấu ấn của Tham mưu trưởng khu Sài Gòn – Chợ Lớn Lê Đức Anh những năm 1948-1950



ĐNA -

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Lê Đức Anh trải qua nhiều chức vụ khác nhau, từ Chính trị viên Chi đội Vệ quốc đoàn Thủ Dầu Một đến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước, rồi Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ở cương vị nào, ông cũng có quan hệ công tác và đặc biệt quan tâm đến Sài Gòn – Chợ Lớn, TPHCM. 

Ảnh: Đồng chí Lê Đức Anh (hàng đứng thứ hai từ phải qua) cùng với bộ đội khu Sài Gòn – Chợ Lớn thời điểm 1948 – 1950.

Kiện toàn, phát triển lực lượng vũ trang

Từ trước tháng 12-1948, lực lượng vũ trang hoạt động trên địa bàn Sài Gòn – Chợ Lớn gồm 2 hệ thống: lực lượng vũ trang nội thành đặt dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, do Thành đội chỉ huy và lực lượng vũ trang ngoại thành trực thuộc Bộ Tư lệnh Khu 7. Lực lượng nội thành gồm 10 ban công tác (gọi là Ban công tác Thành). Ở ngoại thành Sài Gòn, các chi đội trực phát triển thành các trung đoàn. Sau khi xuống cơ sở nắm chắc tổ chức biên chế, khả năng hoạt động và nhu cầu của chiến trường, Tham mưu trưởng Lê Đức Anh đề nghị Bộ Tư lệnh Khu kiện toàn lại lực lượng vũ trang. Theo đó, 10 Ban công tác Thành biên chế lại thành 5 ban, lấy phiên hiệu từ 16 đến 20. Cả 5 ban nói trên đều trực thuộc Bộ Tư lệnh Khu do Tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy. Mỗi ban chủ yếu gồm các bộ phận chiến đấu tại chỗ trong nội thành, đồng thời có những bộ phận đảm bảo và phục vụ chiến đấu ở ngoại ô, vùng ven. Các ban được phân công phụ trách từng phạm vi khu vực xác định. Cùng lúc, hệ thống dân quân thành được củng cố lại, mỗi khu vực đều có binh công xưởng.

Đứng chân hoạt động ở địa bàn ngoại thành, Bộ Tư lệnh khu Sài Gòn – Chợ Lớn có các trung đoàn 300, 306, 308 và 312. Để tạo sự phối hợp nhịp nhàng trong hoạt động tác chiến giữa nội và ngoại vi thành phố, thực hiện “trong đánh, ngoài đánh”, Tham mưu trưởng Lê Đức Anh chỉ đạo thành lập một mặt trận chung, lấy tên là Mặt trận quân sự Thành Sài Gòn – Chợ Lớn. “Mặt trận” gồm 5 ban công tác thành trong nội đô và 5 tiểu đoàn bao vây xung quanh thành phố (1 tiểu đoàn của Trung đoàn 306 ở Gò Vấp, 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 312 ở Hóc Môn, 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 300 ở Cần Giuộc, 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 308 ở Trung Huyện và 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 306 ở Thủ Đức).

Tiếp đó, tháng 11-1949, chấp hành chỉ thị của Ban thường vụ Trung ương Đảng (ngày 18-8-1949) “về xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân trong giai đoạn tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công”, Bộ Tư lệnh Nam bộ chỉ đạo sắp xếp lại chiến trường, tổ chức lại lực lượng vũ trang theo hướng thành lập các liên trung đoàn, tiểu đoàn tập trung, đại đội độc lập. Theo đó, khu Sài Gòn – Chợ Lớn được mở rộng về phía Tây Bắc, gồm thêm toàn bộ địa bàn tỉnh Tây Ninh. Thực hiện chủ trương trên, Tham mưu trưởng Lê Đức Anh chỉ đạo các trung đoàn tổ chức lại lực lượng, mỗi trung đoàn xây dựng 1 tiểu đoàn chủ lực cơ động và các đại đội độc lập hoạt động tại từng địa bàn được phân công.

Tháng 12-1948, theo đề nghị của Bộ Tư lệnh Nam bộ (do Trung tướng Nguyễn Bình làm Tư lệnh), Ủy ban Kháng chiến – Hành chính Nam bộ ban hành quyết định tách TP Sài Gòn – Chợ Lớn cùng tỉnh Gia Định, tỉnh Chợ Lớn và một phần tỉnh Tây Ninh thuộc khu 7 để thành lập khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Khu Sài Gòn – Chợ Lớn trực thuộc Bộ Tư lệnh Nam bộ, Bộ Tư lệnh gồm: đồng chí Tô Ký – Quyền Tư lệnh, đồng chí Phan Trọng Tuệ – Chính ủy, đồng chí Huỳnh Văn Một – Phó Tư lệnh, đồng chí Lê Đức Anh – Tham mưu trưởng. Đang giữ chức vụ Tham mưu trưởng khu 8, cuối năm 1948, đồng chí Lê Đức Anh được lệnh về chiến khu Vườn Thơm nhận nhiệm vụ Tham mưu trưởng khu Sài Gòn – Chợ Lớn.

Cùng với việc tổ chức lại bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, lực lượng dân quân, du kích được chú trọng xây dựng. Tự vệ ở khu phố, xí nghiệp trong thành phố phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Tính đến cuối năm 1949, toàn khu Sài Gòn – Chợ Lớn có tổng cộng 3.505 đội viên du kích xã, riêng TP Sài Gòn – Chợ Lớn có 36 tiểu đội không thoát ly. Bên cạnh lực lượng không thoát ly, các huyện ngoại thành đều xây dựng lực lượng du kích tập trung. Huyện Thủ Đức có 2 tiểu đội. Các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Gò Vấp, Trung Quận mỗi nơi có 1 tiểu đội.

Đến đây, trên chiến trường khu Sài Gòn – Chợ Lớn đã hình thành lực lượng vũ trang 3 thứ quân: bộ đội chủ lực (các tiểu đoàn chủ lực trong Liên trung đoàn 306-312, các trung đoàn 300, 308, 311 và Tiểu đoàn 870); bộ đội địa phương (các đại đội trong Liên trung đoàn, trung đoàn và Tiểu đoàn Quyết tử 950); tự vệ Thành Sài Gòn – Chợ Lớn và dân quân du kích các huyện ngoại thành.

 Đẩy mạnh hoạt động tác chiến

Cùng Bộ Tư lệnh Khu, Tham mưu trưởng Lê Đức Anh đã chỉ huy lực lượng vũ trang Sài Gòn – Chợ Lớn đẩy mạnh hoạt động quân sự, vừa đánh địch càn quét khủng bố, vừa chủ động phục kích, tập kích tiêu diệt tiêu hao quân địch cả ở trong và ngoài thành phố.

Đầu năm 1950, Tham mưu trưởng Lê Đức Anh tham mưu cho Bộ Tư lệnh Khu Sài Gòn – Chợ Lớn chủ trương mở một chiến dịch trên đường số 7 và đường 14, nhằm mở rộng khu giải phóng từ đường số 1 (Gia Định) qua tới đường số 13 và đường xe lửa Lộc Ninh – Thủ Dầu Một; bảo đảm sự an toàn cho căn cứ An Thành và Hóc Môn là 2 căn cứ chủ yếu của khu Sài Gòn và nhiều cơ quan chính đảng huyện Bến Cát và tỉnh Gia Định và nhiều mục tiêu quan trọng khác. Bộ Tư lệnh đồng ý với đề xuất của Tham mưu trưởng và ban hành quyết định thành lập “Ban chỉ huy chiến dịch” gồm Nguyễn Văn Thi (Chỉ huy trưởng), Trần Đình Xu (Chỉ huy phó), Lê Đức Anh (Tham mưu trưởng).

Đợt hoạt động diễn ra trong 3 ngày (từ 25 đến 27-1-1950). Kết quả, bộ đội và du kích đã loại khỏi vòng chiến đấu 84 tên địch, phá hỏng 3 xe thiết giáp, 3 cầu, thu nhiều súng đạn (trong đó có 6 súng máy) và một số đồ dùng quân sự khác. Đây là đợt tiến công quân sự tập trung lớn nhất của lực lượng vũ trang khu Sài Gòn – Chợ Lớn kể từ đầu cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp; cũng là trận chỉ huy cấp chiến dịch đầu tiên của ông Lê Đức Anh, một người chưa từng được đào tạo về quân sự, về công tác tham mưu, chỉ huy binh chủng hợp thành.

Tháng 8-1950, để thực hiện chủ trương “tiến tới tổng phản công thắng lợi”, tăng cường lực lượng cho khu 7, khu Sài Gòn – Chợ Lớn giải thể để thành lập Đặc khu, gồm TP Sài Gòn – Chợ Lớn và một phần các huyện vùng ven, đồng chí Lê Đức Anh rời Sài Gòn – Chợ Lớn hành quân về Chiến khu Đ làm Tham mưu trưởng khu 7. Trong vòng 2 năm giữ trách nhiệm Tham mưu trưởng khu Sài Gòn – Chợ Lớn, với lối tư duy sắc sảo, biện chứng và mẫn cảm với xu thế phát triển của thực tiễn, bản lĩnh chỉ huy quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng cấp ủy Đảng và Bộ Tư lệnh Sài Gòn – Chợ Lớn chỉ huy lực lượng vũ trang xây dựng, chiến đấu và công tác, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển phong trào chiến tranh du kích ở đô thị sau lưng địch. Đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn trong xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang 3 thứ quân, thiết kế và tổ chức một “chiến dịch” lớn và duy nhất của Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược./.

The Cuong (Theo Đại tá, PGS-TS Hồ Sơn Đài)

*Kỷ niệm 101 năm, ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh (1/12/1920-1/12/2021)

*Kỷ niệm sâu sắc về Đại tướng Lê Đức Anh