Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Dấu ấn Văn hóa Pháp tại Đà Nẵng: Những đường nét kiến trúc Tây phương đầu tiên trong lịch sử một đô thị

ĐNA -

Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp (12/4/1973 – 12/4/2023), nhằm giới thiệu nét đẹp văn hóa Pháp đến với người dân, du khách; góp phần tăng cường giao lưu văn hóa, gắn kết tình hữu nghị thân thiết giữa Việt Nam – Cộng hòa Pháp; Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, sẽ mở cửa chương trình “Dấu ấn văn hóa Pháp tại Đà Nẵng”, kể từ 8h sáng ngày Chủ nhật, 9 tháng 4 năm 2023.

“Sự kiện, theo sáng kiến ​​của Bảo tàng Đà Nẵng cùng các bên liên quan, là ý tưởng đầy thiện chí về sự sẻ chia và tính tương trợ trong các mối hợp tác. Nước Pháp luôn đồng hành để cùng kỷ niệm sự kiện với các bạn Việt Nam. Và đây thật sự là biểu tượng của tình bạn. Chúng ta cùng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp, trên tinh thần văn hóa sẻ chia”, Giám đốc ủy quyền Viện Pháp tại Đà Nẵng, ông Samuel Delameziere nhấn mạnh.

Sau nghi thức khai mạc, tọa đàm “Dấu ấn kiến trúc Pháp tại Đà Nẵng” chính là hoạt động đầu tiên của chương trình. 2 khách mời gồm TS. KTS Lê Minh Sơn – Trưởng Bộ môn Kiến trúc, khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách Khoa và TS. KTS Đinh Nam Đức – Giảng viên khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) sẽ trò chuyện với khách đến tham dự chương trình, qua 3 chủ đề: Quá trình hình thành đô thị Đà Nẵng thời Pháp thuộc; các công trình kiến trúc Pháp tại Đà Nẵng và giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc Pháp tại Đà Nẵng.

Đà Nẵng là một trong những thành phố hiện đại vẫn còn bảo lưu nhiều dấu ấn kiến trúc Pháp. Chính những công trình kiến trúc của buổi đầu mang yếu tố THỊ (đô thị, thành thị), đã làm cho diện mạo của thành phố (lúc ấy) có nhiều chuyển biến khác lạ. Kiến trúc Pháp được xem là nền tảng bước đầu để hình thành nên một đô thị Đà Nẵng về sau, cho đến ngày nay.

Ông Samuel Delameziere cho rằng, “tôi chắc chắn, các cuộc thảo luận về “Những dấu ấn kiến ​​trúc Pháp ở Đà Nẵng” rất phong phú, bởi những dấu ấn của quá khứ, nay thuộc về Đà Nẵng các bạn và cộng đồng, những người đang tiếp tục xây dựng môi trường cho ngày mai. Nếu chúng ta nói về 50 năm quan hệ ngoại giao giữa 2 đất nước chúng ta, cũng là đã nói đến tương lai. 50 năm sẽ chuyển thành 100 năm và hơn thế nữa”.

“Thị xã Tourane” mở đầu cho sự xuất hiện của kiến trúc Pháp trên đất Đà Nẵng 
Lần giở lại lịch sử, những công trình kiến trúc có tính mẫu mực của buổi đầu “Thị xã Tourane”, gắn liền với Đạo dụ ngày 3/10/1888 (tức ngày 27 tháng 8 năm Mậu Tý) của vua Đồng Khánh. Theo Đạo dụ này, “các lãnh thổ thuộc các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng được chính phủ Đại Nam kiến lập thành nhượng địa Pháp”.

Theo phụ đính của đạo dụ này, với Đà Nẵng, có 5 xã gồm Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên Tây nằm bên tả ngạn sông Hàn của huyện Hòa Vang, được cắt giao cho Pháp để lập nhượng địa (concession) Đà Nẵng (Tourane). Ngày nay nhìn lại, 5 đơn vị xã đầu tiên của thị xã nhượng địa Tourane, trở thành những đơn vị hành chính có yếu tố “THỊ” sớm nhất trong lịch sử phát triển cùa thành phố. Cả 5 đơn vị xã đầu tiên, đều nằm ở trung tâm thị xã Tourane và sau này đều thuộc địa bàn quận Hải Châu – quận trung tâm Đà Nẵng.

Và kể từ đây (năm 1888), người Pháp bắt đầu quy hoạch (hạ tầng kỹ thuật, công sở nhà cầm quyền) đúng theo phân khu của mô hình và phong cách Tây  Âu, kể cả đặt tên đường, tên trường, trên địa bàn các xã Thạch Thang, Hải Châu, sau đó mở rộng, lan tỏa ra dần… Đường Bạch Đằng (sau này) của Đà Nẵng, cũng là con đường đầu tiên được hình thành (ban đầu có tên là Quai Courbet), sau đó, năm 1902, thêm một tuyến đường (mà sau năm 1975, mang tên vị Tổng bí thư đầu tiên của Đảng: đồng chí Trần Phú), được khai mở, chạy song song trục bắc nam, với đường Bạch Đằng.

Đường Quai Coubert, nhìn từ Khách sạn Morin (vị trí ngày nay là Khách sạn Hilton), đoạn từ Thư viện Khoa học tổng hợp đến ngã ba Bạch Đằng – Quang Trung bây giờ. Ảnh bưu thiếp, trích từ bộ sưu tập Mémoires sur l’Annam.

Sau khi hình thành, con đường được đặt tên theo đoạn, từ Đống Đa đến chợ Hàn (sau này) có tên là Rue (đường) Jules Ferry (một trong những nhà lãnh đạo của Đảng Cộng hòa ôn hòa, từng là Thủ tướng Pháp từ năm 1880 đến 1881 và 1883 đến 1885), và đoạn còn lại là Rue/Avenue du Musée (đường/đại lộ Bảo tàng; trước 1975 là đại lộ Độc Lập).

Trên 2 tuyến đường nằm cạnh và gần với sông Hàn, người Pháp đã xây dựng Tòa Đốc lý (theo hệ thống hành chính thời Pháp thuộc, Đốc lý là chức quan tương đương Quan chủ tỉnh), Ty kiểm toán thuế, Tòa án, Nhà dây thép, Ty hành thu quan thuế, Sở Quan thuế và công quản Trung Kỳ, Phòng thương mại và Nông nghiệp, Nhà thờ và Bệnh viện Pháp (trong khuôn viên Thành Điện Hải)… Đây cũng là những “Kiến trúc tây” xuất hiện sớm nhất, chấm phá làm nên một diện mạo của buổi đầu đô thị Đà Nẵng.

Trong đó, khi nói đến “Dấu ấn kiến trúc Pháp tại Đà Nẵng”, thì Tòa Đốc lý (sau 1955 cho đến 1975, gọi là Tòa Thị chính) luôn được nhắc đến trước tiên. Bởi câu chuyện về tòa nhà, có địa chỉ ngày nay là 42- 44 đường mặt Bạch Đằng (mặt sau là 31 đường Trần Phú), gắn liền với những cột mốc lịch sử.

Dấu ấn kiến trúc Pháp – Những chứng nhân lịch sử
Năm 1945, trong cuộc Cách mạng Mùa Thu do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh lãnh đạo, tại tòa nhà này,  những bậc cách mạng tiền bối của Thành Thái Phiên, đã cắm cờ đỏ sao vàng, đánh dấu sự kiện chính trị “cả vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng hoàn thành cuộc nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân”, xóa bỏ những gì mà Phát xít Nhật đã áp đặt, lập ra.

Năm 1975, cũng tại Tòa Thị chính, vào lúc 11h30, cờ của Mặt trân dân tộc giải phóng cũng tung bay, khắc ghi thời điểm Đà Nẵng – khu căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất miền Trung – cũng đã được giải phóng, cả nước sẵn sàng “tiến về giải phóng Sài Gòn”, thống nhất đất nước.

Tòa Đốc lý (sau đó là Tòa Thị chính). Ảnh tư liệu của TS. KTS Lê Minh Sơn.
Diện mạo Bảo tàng Đà Nẵng mới. Ảnh: T.Ngọc

Tòa Đốc lý, sau này là Tòa Thị chính được xây dựng sớm trong khoảng thời gian (khởi công: 1898 – hoàn thành 1900, nghĩa là chỉ hơn 10 năm, sau khi có Thị xã Tourane), theo TS. KTS Lê Minh Sơn – Trưởng Bộ môn Kiến trúc, khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng, là “công trình có vai trò quan trọng bậc nhất về thể chế chính trị. Sự hiện diện của tòa nhà, cũng được xem là “cột mốc kiến trúc đầu tiên” xác định vị trí quan trọng đầu tiên (trên thực địa, trên bản đồ) về xuất phát điểm sớm nhất của đô thị Đà Nẵng”.

Và từ khi ra đời (1900) cho đến năm 2018, Tòa nhà này luôn là nơi làm việc của cơ quan công quyền, cơ quan dân cử. Theo chủ trương của Ban Thường vụ  Thành ủy Đà Nẵng, từ tháng 1/2019, tòa nhà này bắt đầu được quy hoạch, cải tạo lại  và trở thành Bảo tàng Đà Nẵng mới (thay cho Bảo tàng hiện tại nằm trong khuôn viên thành Điện Hải).

Dự kiến từ tháng 12/2023, Tòa Đốc lý ngày nào, sẽ là nơi lưu giữ và trưng bày hình ảnh về lịch sử hình thành và phát triển của Đà Nẵng, lưu giữ những ký ức thiêng liêng của Đà Nẵng.

“Bảo tàng Đà Nẵng luôn là nơi đại diện cho ký ức của cộng đồng. Chúng tôi rất nóng lòng muốn đến thăm quan địa điểm mới của Bảo tàng Đà Nẵng, một nơi sẽ trở thành một điểm đến rất nổi bật trong đời sống văn hóa của thành phố Đà Nẵng.

Giám đốc ủy quyền Viện Pháp, ông Samuel Delameziere (trong ảnh đang phát biểu khai mạc một sự kiện văn hóa tại Đà Nẵng). Ảnh: T.Ngọc.

Bảo tàng mới càng khẳng định thêm về khoảng cách rất gần của chúng ta, trước hết là sự đóng góp cho công trình (được cải tạo sắp hoàn thành) của kiến ​​trúc sư người Pháp, Jean François Milou. Còn về mặt địa lý, thì trong năm nay thôi, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ là « người hàng xóm” của Viện Pháp Việt Nam tại Đà Nẵng. Và những điều này càng cho phép chúng ta, hai tổ chức chúng ta, càng có nhiều hợp tác hơn nữa” – Giám đốc ủy quyền Viện Pháp tại Đà Nẵng, ông Samuel Delameziere, chia sẻ.

Nhắc đến “Những dấu ấn kiến ​​trúc Pháp ở Đà Nẵng”, không thể không nhắc đến Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm, được Trường Viễn Đông Bác cổ (École Française d’Extrême-Orient, EFEO) chủ trì khởi công xây dựng năm 1915. Phần chủ trì thiết kế dự án Viện Bảo tàng Chàm (Musée Cham – tên ban đầu) là hai kiến trúc sư người Pháp (gồm Delaval và Auclair). Năm 1919 công trình được khánh thành (lần 1). Năm 1927 kiến trúc sư J. Y. Claeys (EFEO) khởi xướng khuếch trương mạnh mẽ công trình này (mở rộng thêm diện tích).

Musée Cham (Viện cổ Chàm) năm 1930 (ảnh tư liệu)
và Bảo tàng điêu khắc Chăm – Đà Nẵng ngày nay (ảnh: T.Ngọc)

Năm 1936 (hoàn tất phần mở rộng), ngày 11 tháng 3, nhân khánh thành (lần 2), EFEO muốn vinh danh nhà khảo cổ (đồng thời cũng là Kiến trúc sư) Henri Parmentier (người có công sưu tập cổ vật điêu khắc, làm nên các bộ sưu tập quý giá ở Bảo tàng Chăm, vẫn tồn tại cho đến ngày nay); nên đổi tên thành Musée Henri Parmentier. Trong giai đoạn từ 1955-1975, tên gọi Viện Bảo tàng Chàm được sử dụng trở lại, Viện Bảo tàng Guimet rất quan tâm, nên đã vận động, kêu gọi gìn giữ an toàn, cẩn thận, có người canh gác thường xuyên, nên không bị thiệt hại (so với trước đó, giai đoạn 1946-1948, bị cướp phá, hư hại).

Không chỉ là “Cổ viện Chàm” có một không hai trên thế giới, Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm, theo TS. KTS Lê Minh Sơn, còn là công trình “của sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc cổ điển với những đường nét kiến trúc Chăm. Đây cũng là minh chứng rõ nét nhất cho thấy sự ảnh hưởng của kiến trúc bản địa đến các thiết kế ngoại lai”.

Nhà thờ Con gà (Nhà thờ Chánh Tòa, Nhà thờ lớn Đà Nẵng).
Nhà thờ Con gà (Nhà thờ Chánh Tòa, Nhà thờ lớn Đà Nẵng), do linh mục Louis Vallet phác thảo phối cảnh tổng thể và chủ trì xây dựng. Công trình được khởi công vào tháng 2/1923, trên khoảng đất rộng lớn nằm ven đường Rue du Musée. Ngày nay, Nhà thờ Con gà là điểm đến du lịch – không thể không đến đây khi đến Đà Nẵng.

Kể từ phiên mở cửa chương trình “Dấu ấn văn hóa Pháp tại Đà Nẵng” (sáng 8/4/2023), kéo dài đến ngày 15/4/2023, Bảo tàng Đà Nẵng thực hiện giới thiệu 20 ảnh các công trình kiến trúc Pháp tại Đà Nẵng, theo hình thức trưng bày “trước đây – bây giờ” (then & now).

Nhà thờ Con gà (Nhà thờ Chánh Tòa, Nhà thờ lớn Đà Nẵng). Ảnh trích từ bộ ảnh triển lãm của Bảo tàng Đà Nẵng

Được biết, cũng trong buổi sáng ngày 9/4/2023, còn có các hoạt động: Giới thiệu ẩm thực Pháp (với 2 hoạt động gồm giới thiệu một số món ăn ngọt đặc trưng của Pháp, do cửa hàng bánh Sucré Atelier thực hiện; trải nghiệm vẽ và trang trí bánh quy nướng); Góc Pháp ngữ (giới thiệu sách, truyện, trò chơi ô chữ bằng tiếng Pháp) cùng một số trò chơi dân gian của Việt Nam và Pháp.

T.Ngọc