Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Dấu mốc quan trọng trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc



ĐNA -

Hôm nay (22/11), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị diễn ra chỉ gần một tháng sau Hội nghị cấp cao thường niên ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24 vào ngày 26-10, trong đó, hai bên đã nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

ASEAN và Trung Quốc thiết lập quan hệ vào năm 1991 và nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào tháng 10-2003. Suốt 30 năm qua, quan hệ ASEAN-Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Trung Quốc luôn khẳng định coi trọng vai trò, vị thế của ASEAN ở khu vực và trên thế giới, phát huy vai trò lớn hơn tại các diễn đàn đa phương; ủng hộ vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN trong các tiến trình hợp tác khu vực.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy quan hệ ASEAN-Trung Quốc được triển khai thông qua nhiều cơ chế, bao gồm hội nghị cấp cao thường niên, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc (PMC+1), các hội nghị bộ trưởng hợp tác chuyên ngành…

Hợp tác được triển khai thông qua các kế hoạch hành động 5 năm, đồng thời, để thúc đẩy hợp tác có trọng điểm, Trung Quốc cũng đề xuất các chủ đề hợp tác cho từng năm với ASEAN.

Trong lĩnh vực chính trị-an ninh, Trung Quốc tham gia đầy đủ vào các cơ chế khu vực do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như ASEAN-Trung Quốc, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF), cũng như các cơ chế chuyên ngành khác trong lĩnh vực này.

ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào tháng 11-2002, tại Phnom Penh, Campuchia. Tháng 11-2012, Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 thông qua Tuyên bố chung về kỷ niệm 10 năm ký Tuyên bố DOC. Tiếp đó, vào ngày 25-7-2016, hai bên thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng tham gia hợp tác trong cơ chế ADMM+ ngay từ khi được thiết lập từ năm 2010 và hợp tác trong khuôn khổ cơ chế bộ trưởng và quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về tội phạm xuyên quốc gia.

Ở lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN nhiều năm liền, trong khi đó, vào năm 2020, ASEAN lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc vẫn đạt 516,9 tỷ USD; đầu tư trực tiếp (FDI) từ Trung Quốc vào ASEAN đạt 7,6 tỷ USD và là nguồn đầu tư FDI lớn thứ tư vào ASEAN.

Sau khi ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào tháng 11-2020, Trung Quốc là một trong những nước đối tác đầu tiên của ASEAN sớm hoàn tất chính thức phê chuẩn RCEP.

ASEAN và Trung Quốc cũng hợp tác chặt chẽ thông qua các cơ chế, diễn đàn do ASEAN chủ trì trong các lĩnh vực như kết nối, du lịch, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin… Bên cạnh đó, những năm gần đây, ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực, như: Y tế, giáo dục, văn hóa, lao động, an ninh xã hội, môi trường, truyền thông, thanh niên, giảm nghèo…

Đặc biệt, ASEAN và Trung Quốc đã chủ động thúc đẩy hợp tác phòng, chống Covid-19 ngay từ sớm, với việc tổ chức Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về Covid-19 tại Viêng Chăn, Lào vào ngày 20-2-2020.

Trung Quốc đã đề xuất tận dụng, phát huy các cơ chế hợp tác hiện có nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ các nước ASEAN nghiên cứu, phát triển vaccine ngừa Covid-19, cử các chuyên gia y tế đến hỗ trợ các nước ASEAN.

Trung Quốc cũng đã triển khai đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, đề xuất lập cơ chế ứng phó tình huống y tế công cộng khẩn cấp, cam kết trích 5 triệu USD từ Quỹ hợp tác ASEAN-Trung Quốc tài trợ các chương trình, dự án hợp tác y tế công cộng với ASEAN…

Quan trọng hơn, ASEAN và Trung Quốc đang đẩy mạnh các nỗ lực khôi phục các hoạt động kinh tế, giao thương giữa hai bên, từ đó thúc đẩy phục hồi toàn diện.

Là thành viên tích cực của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc tăng cường đối thoại chính trị, nâng cao hiểu biết, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, đẩy mạnh hợp tác toàn diện, đưa quan hệ hai bên trở thành hình mẫu của quan hệ đối tác ổn định và bền vững giữa các nước láng giềng.

Việt Nam cũng sẵn sàng phát huy vai trò cầu nối giữa Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Trung Quốc, cùng các nước ASEAN thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trên các lĩnh vực, giữ vững hòa bình, ổn định, giải quyết khác biệt vì lợi ích của các bên để bảo đảm các hoạt động hợp tác kinh tế-thương mại được triển khai thông suốt, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung của khu vực.

Việt Nam đang cùng các nước ASEAN hướng về Tầm nhìn Cộng đồng 2025, mở rộng hợp tác với Trung Quốc trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, hai bên cùng có lợi, đóng góp cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Diễn ra trong thời khắc đặc biệt, Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc không chỉ là dấu mốc minh chứng cho chặng đường hợp tác hiệu quả giữa hai bên, mà còn được kỳ vọng sẽ đề ra các định hướng hợp tác quan trọng cho ASEAN và Trung Quốc trong giai đoạn mới để đưa quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, tương xứng với tầm mức của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

(Theo: Báo Quân đội nhân dân).