Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đấu tranh phản bác luận điệu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc sau vụ gây rối ở Tây Nguyên

ĐNA -

Sau vụ gây rối, nổ súng ở Tây Nguyên đặt chúng ta trên một nấc thang mới, chủ động hơn, kiên quyết hơn trong cuộc đấu tranh với các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu chống phá chế độ ta. Đồng hành cùng các lực lượng trực tiếp chiến đấu với các đối tượng tại thực địa, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần đấu tranh mạnh mẽ với những luận điểm sai trái, bịa đặt, những hành vi cổ xuý cho bọn thù nghịch mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, năm 2018

Thứ nhất, đấu tranh phản bác cái gọi là “Nhà nước Đề Ga Tây Nguyên”
Cái gọi là “Nhà nước Đề Ga”, “Tin Lành Đề Ga” thực chất là một biến thể của FULRO do các thế lực thù địch, phản động bên ngoài dựng lên.  m mưu tuyên truyền, xuyên tạc các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước ta. Kích động, gieo rắc tư tưởng ly khai, tự trị, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc Việt Nam. Chúng được sự chỉ đạo, chi viện về vật chất của các thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài, ráo riết xây dựng, phát triển lực lượng ở trong nước, chủ trương cắm cờ FULRO, cho ra mắt “Nhà nước Đề Ga tự trị”; tổ chức biểu tình và cao hơn là tiến hành bạo loạn chính trị hòng tạo cớ để kẻ thù bên ngoài nhảy vào can thiệp.

Với luận điệu không mới và được chúng “nhai đi, nhai lại” để đầu độc đồng bào đó là: Tây Nguyên xưa là vùng đất của người thượng thì nay phải trả cho người thượng; Tây Nguyên xưa không chỉ là lãnh địa, mà còn là một thế lực; đất đai và những sản vật Tây Nguyên bị người Kinh với cái cớ khai hoang, làm kinh tế mới đã khai thác, tranh giành, nên phải phục hận và dựng tạo nhà nước Tây Nguyên cho người thượng…

Chúng phải biết rằng, vùng đất Tây Nguyên là lãnh thổ Việt Nam, người dân Tây Nguyên là máu thịt Việt Nam. Dấu chân của đoàn quân theo Vua nước Đại Việt đi mở cõi và xưng chúa còn in, vang vọng khu vực này từ hàng chục thế kỷ trước. Đến thời kỳ Pháp thuộc, Triều đình nhà Nguyễn do hoàn cảnh lịch sử đã ký kết với Pháp các hiệp ước về quyền khai thác lãnh thổ thể hiện chủ quyền không thể chối cãi đối với vùng đất Nam Bộ. Đến năm 1889, Pháp và Campuchia ký hàng loạt hiệp định về biên giới, lãnh thổ. Tất cả các văn bản pháp lý này đều thể hiện chủ quyền của vùng đất Nam Kỳ thuộc Việt Nam. Ngày 04/6/1949, Tổng thống Pháp ký Bộ Luật số 49 – 733 trả lại Nam Kỳ cho chính quyền Bảo Đại. Sau đó, chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ liên tục được các hiệp định có giá trị pháp lý quốc tế như Hiệp định Genève (1954), Hiệp định Paris (1973) công nhận. Vậy cớ sao các phần tử ly khai với chế độ cũ lại lấy ngày 04/6/1949 là ngày “quốc hận”? Và để thực hiện mưu đồ đen tối, ngày 20/9/1964, tại Campuchia, chúng thành lập “Mặt trận Thống nhất đấu tranh của các Sắc tộc bị áp bức” để đấu tranh cho chính nghĩa thì ít, còn để bị lợi dụng thì nhiều. Đến lúc này chúng nên tỉnh ngộ và nhớ rằng “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Thanh niên các dân tộc tỉnh Đắk Lắk hăng hái xây dựng vùng kinh tế mới sau 1975

Thứ hai, các thế lực thù địch xuyên tạc chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta ở Tây Nguyên
Chính sách dân tộc của Đảng ta trong suốt hơn 90 năm qua luôn nhất quán thực hiện theo nguyên tắc: bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xuyên suốt 13 kỳ đại hội, Đảng ta đều khẳng định chủ trương này. Văn kiện Đại hội II là nguyên tắc “Đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc’’, đến Đại hội XIII là “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Bình đẳng giữa các dân tộc là quyền ngang nhau, không phân biệt dân tộc đa số hay thiểu số, trình độ văn hóa, dân trí cao hay thấp, là bình đẳng trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, được bảo đảm bằng pháp luật và có cơ hội phát triển ngang nhau. Đoàn kết là Đảng ta vận dụng, kế thừa truyền thống cha ông, lấy đại đoàn kết để tập hợp được các lực lượng dân tộc, tạo sức mạnh vô địch vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù. Và lấy lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết là lực lượng mạnh nhất”, “Đoàn kết là sức mạnh vô địch”, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Thực tiễn, dưới sự lãnh đạo của Đảng và tinh thần đoàn kết mà Nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến thắng lợi. Cũng nhờ đại đoàn kết toàn dân mà dân tộc ta đã đánh đuổi đế quốc, tay sai thống nhất đất nước và xây dựng cơ đồ như ngày nay. Lực lượng đoàn kết Đảng ta huy động gồm các giai cấp, tầng lớp, dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam, đồng bào các tôn giáo, các đảng phái, các ngành, các giới, các lứa tuổi…hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc rộng rãi. Và theo tư tưởng của Hồ Chí Minh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt…Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”.

Ngân hàng chính sách hỗ trợ người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Để chủ trương công tác dân tộc được triển khai sâu rộng trong đời sống xã hội, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 “Về công tác dân tộc trong tình hình mới”. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng ta về công tác dân tộc trong thời kỳ đổi mới với khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam”. Ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Trung ương. Ngày 14/01/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP “Về công tác dân tộc”. Và mới đây nhất, ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP về chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cho thấy, dân tộc là vấn đề thường trực, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, hoàn toàn không như sự bịa đặt, xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch.

Luận điệu của những kẻ thù địch cho rằng, Đảng ta chủ trương đưa người Kinh đến Tây Nguyên mục đích chiếm đất, chèn ép người thượng là vô căn cứ. Từ trước thế kỷ XIX, người Kinh đã xuất hiện và sống xen kẽ với người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nhưng còn thưa thớt. Đến đầu thế kỷ XIX, cộng đồng người Kinh xuất hiện tại đây đông hơn và từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng chủ yếu do hoạt động tín ngưỡng và truyền đạo. Ví dụ, số giáo dân từ Bình Định lên Kon Tum thời phong trào Văn Thân (1885); nhóm những người theo Linh mục Nguyễn Do và số người đã chuộc lại lập ra một xóm nhỏ gọi là Trại Lý sống trong vùng người Ba Na được hình thành năm 1874…Về sau, phương pháp chuộc lại những người Kinh từ các làng người dân tộc thiểu số để thành lập nhiều gia đình và dần dần thành làng Công giáo đã được các điểm truyền giáo khác làm theo, là một trong những nguyên nhân hình thành các cộng đồng người Kinh sống xen kẽ với người bản địa Tây Nguyên.

Sau năm 1975, Đảng ta chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới, đưa dân từ các tỉnh khác đến để đầu tư khai hoang, mở rộng diện tích canh tác, mở ra các nông trường, hợp tác xã. Với tỉnh Đắk Lắk, thời kỳ này hình thành các điểm khai hoang như: Buôn Triết, Buôn Trấp, Ea Kuăng, Cư Knia,…Việc cộng đồng khác, chủ yếu là người Kinh đến sinh sống với khoảng 35 vạn người dân Đắk Lắk thời kỳ sau giải phóng 1975 là động lực cùng đồng bào địa phương từng bước xây dựng đời sống mới và phương thức sản xuất tiến tiến tại vùng đất cao nguyên này. Tập quán du canh, du cư cũ được thay bằng định canh, định cư. Các công trình lớn về điện, đường, trường, trạm được nhà nước đầu tư xây dựng. Lập ra các cánh đồng lớn. Người dân các dân tộc vừa khai hoang, sản xuất, vừa đoàn kết cảnh giác chống FULRO, từng bước khắc phục những khó khăn, thiếu thốn do ảnh hưởng của chiến tranh và hậu quả của việc phần lớn đồng bào bị dồn vào ấp chiến lược, đến khi giải phóng trở về thì đất sản xuất thiếu, các buôn làng xưa đã bị hoang hóa, mùa khô đồng ruộng bị bỏ cháy…

Như vậy, có thể khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước ta không chủ trương “đưa người Kinh đến chiếm đất của người thượng”; không chèn ép người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Và các thành phần dân tộc ở Tây Nguyên đều là “con Lạc”, “cháu Hồng” hợp thành dân tộc Việt. Đều có quyền công dân, hưởng phúc lợi xã hội và được Nhà nước bảo hộ, chăm lo như nhau, không bị đối xử, phân biệt với các dân tộc, vùng miền khác. Và cũng không có cơ sở nào khẳng định nếu người dân tộc Tây Nguyên nghe theo, đi theo cái gọi là nhà nước “Đề Ga Tây Nguyên”, nhà nước “Tin Lành Đề Ga Tây Nguyên” sẽ có cuộc sống tốt hơn, dân chủ hơn, sung sướng hơn. Có chăng chỉ là những lời lẽ lừa phỉnh, hão huyền của bọn phản động lưu vong mục đích dụ dỗ, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một bộ phận đồng bào Tây Nguyên, và kết quả là chúng chỉ đưa họ vào vòng lao lý.

Một đối tượng trong tổ chức Fulro ở Mỹ xâm nhập vào Việt Nam để kích động bạo loạn đã bị bắt giữ.

Thứ ba, vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng hoạt động tôn giáo ở Tây Nguyên để chống phá Đảng, Nhà nước ta
Nước ta là quốc gia đa hình thức tôn giáo. Quan điểm, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước luôn được quan tâm và tích cực đổi mới, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình chính trị, xã hội từng thời kỳ. Trong quá trình lãnh đạo đổi mới đất nước, Đảng ta tiếp tục khẳng định “Đảng và Nhà nước ta trước sau như một, thực hành chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng. Lãnh đạo và giúp đỡ đồng bào theo tôn giáo đoàn kết xây dựng cuộc sống mới và hăng hái tham gia bảo vệ Tổ quốc. Cảnh giác, kiên quyết và kịp thời chống lại âm mưu, thủ đoạn của bọn đế quốc và phản động chia rẽ đồng bào có đạo với đồng bào không có đạo, giữa đồng bào theo đạo này với đồng bào theo đạo khác”; “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đặc biệt, ngày 12/3/2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo, nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Và đến Đại hội lần thứ X, Văn kiện Đại hội tiếp tục nhấn mạnh “Đồng bào tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Những chủ trương của Đảng, Nhà nước được cụ thể chế hóa bằng các văn bản, như: Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2004) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 22/NĐ-CP (năm 2005), Nghị định số 92/NĐ-CP (năm 2012) của Chính phủ….Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Và đến năm 2018, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đầu tiên của nước ta được ban hành nói lên sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước để các tôn giáo hoạt động và người dân tự do sinh hoạt tôn giáo theo nguyện vọng trên lãnh thổ Việt Nam.

Đối với đạo Tin Lành, do chính sách tôn giáo cởi mở, hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thành phần tôn giáo hoạt động. Trong những tôn giáo lớn thì Đạo Tin Lành du nhập vào nước ta khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX do các tổ chức Tin Lành (Liên hiệp Phúc âm và Truyền giáo) viết tắt là CMA (Christian and Missionary Alliance), có nguồn gốc từ Mỹ truyền vào. Năm 1911, Hội thánh đầu tiên được thành lập tại Đà Nẵng, năm 1918, CMA đã lập được 5 chi hội ở Bắc Kỳ, 6 chi hội ở Trung Kỳ và 5 chi hội ở Nam Kỳ. Năm 1927, Tổng liên hội Hội thánh Tin Lành ở Việt Nam được thành lập tại Đà Nẵng. Sau năm 1975, cùng trào lưu đổi mới, đạo Tin Lành phục hồi sau thời gian một số giáo phái nhỏ giảm hoặc ngưng hoạt động do chiến tranh trên phạm vi cả nước.

Về tình hình đạo Tin Lành ở Tây Nguyên: được truyền thụ và phát triển như các địa phương khác trong nước. Đến những năm cuối 1980, một số hệ phái Tin Lành mới xuất hiện ở Tây Nguyên. Đặc biệt, từ khi Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ về “Một số công tác đối với đạo Tin Lành” ban hành, theo đó, Nhà nước ta từng bước bình thường hóa hoạt động của đạo Tin Lành ở Việt Nam, số lượng tổ chức, hệ phái, tín hữu đạo Tin Lành ở Tây Nguyên tăng mạnh. Hiện ở Tây Nguyên có 18 tộc người thiểu số theo đạo Tin lành, trong đó có: Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, K’Ho, M’Nông, Xê Đăng, Giẻ Triêng…với hơn 600 ngàn tín đồ của hơn 30 tổ chức, hệ phái sinh hoạt tại 300 chi hội, 120 nhà thờ, nhà nguyện và 1.665 điểm nhóm. Nhìn chung, các hệ phái Tin Lành ở Tây Nguyên hoạt động tuân thủ pháp luật, tích cực tham gia quyên góp từ thiện, nhân đạo, góp phần thực hiện an sinh, xóa đói giảm nghèo, cùng chính quyền thực hiện các hoạt động xã hội. Hơn 90% tín đồ được sinh hoạt tôn giáo tự do trong các chi hội hay điểm nhóm; nhiều nhà thờ, nhà nguyện được trùng tu, sửa chữa hay xây mới đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân. Nhiều mục sư, truyền đạo được thụ phong. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch lợi dụng chủ trương đổi mới, mở cửa của Đảng và Nhà nước ta và tình hình đời sống mọi mặt của đồng bào nơi đây còn khó khăn, làng bản còn nhiều hủ tục, lạc hậu nặng nề chưa xóa được để móc nối với các tổ chức, cá nhân đội lốt Tin Lành quốc tế, luồn lách hoạt động tôn giáo, lợi dụng thần quyền giáo lý để lừa bịp, lôi kéo chống phá Đảng, Nhà nước ta tại địa bàn Tây Nguyên.

Việc bịa đặt ra cái gọi là “Nhà nước Đề Ga độc lập” và “Nhà nước Tin Lành Đề Ga” ở Tây Nguyên của bọn phản động lưu vong với mục đích đòi lại tự do tôn giáo cho người Tây Nguyên là hoang đường. Và mưu đồ này của bọn chúng chỉ mị được những người nhẹ dạ, chứ không thể qua mắt được Hội thánh Tin Lành Việt Nam và người dân Việt Nam. Và dĩ nhiên, hầu hết các tín hữu, tín đồ đạo Tin Lành ở Tây Nguyên đã và đang thực hiện sống theo pháp luật, phụng sự tôn chỉ của Tổng hội đề ra: “Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chấp hành các quy định của các cơ quan nhà nước Việt Nam. Giáo dục tín hữu lòng yêu nước, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng pháp luật, đoàn kết toàn dân xây dựng Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”.

Như vậy, các thành phần tôn giáo đều ở trong lòng dân tộc Việt Nam. Lợi ích của từng tôn giáo gắn với lợi ích của cộng đồng dân tộc. Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để người dân tự do sinh hoạt và tham gia tôn giáo theo nguyện vọng. Các tôn giáo cũng “Kính chúa gắn liền với yêu nước, phụng sự Thiên chúa, phụng sự Tổ quốc, nước có vinh thì đạo mới sáng, nước có độc lập thì tín ngưỡng mới được tự do”. Tôn giáo phát triển trong các thành phần dân tộc, trong đó có người dân Tây Nguyên. Dù cho các thế lực thù địch luôn lợi dụng sự sơ hở của các cấp ủy, chính quyền địa phương để chen vào những luận điểm sai trái, làm cho việc bình thường trở nên không bình thường, nhưng chúng không thể làm thay đổi chính sách nhất quán về tự do tôn giáo của nhà nước ta. Và chúng sẽ bị xử lý theo pháp luật khi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động chia rẽ Nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm anh ninh quốc gia.

Cuối cùng, hình ảnh người dân hỗ trợ lực lượng chức năng trấn áp, bắt giữ nhóm đối tượng gây rối ngày 11/6/2023 tại Tây Nguyên minh chứng chủ trương của Đảng ta về chính sách đại đoàn kết dân tộc

Mục đích xúi giục gây bạo loạn, cước bóc, giết chóc để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và lấy cớ để nhảy vào can thiệp, thực hiện ý đồ đen tối của bọn phản động lưu vong đã thất bại chỉ sau vài giờ chúng ra tay man rợ với đồng bào vào ngày 11/6/2023 tại huyện Cư Kuin. Chúng quên mất rằng, truyền thống của dân tộc Việt, cùng văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên và sử thi Đăm Săn, Xinh Nhã, Đăm Di của đồng bào Tây Nguyên đã sinh ra những nhân vật kiệt xuất như N’Trang Lơng, Anh hùng Núp,…với những chiến công huyền thoại về đấu tranh giữ nước, bảo vệ độc lập dân tộc. Và hôm nay, những người con Tây Nguyên tiếp nối cha anh sẵn sàng đánh trả mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù để giữ bình yên cho buôn làng mình.

Sau khi gây án tại xã Ea Tiêu và Ea Ktur, các đối tượng đã nhanh chóng rời khỏi hiện trường, lẩn trốn vào các khu đồi, rừng, rẫy vắng thì người dân đã cảnh giác, phát hiện, tin báo, tố giác, tìm kiếm, vây bắt, giúp đỡ nhiệt tình lực lượng Công an để nhanh chóng bắt giữ. Hình ảnh những thanh niên trên tay với “cuốc, xẻng, gậy, gộc” cùng các lực lượng truy tìm; và câu hỏi đầu tiên người dân hỏi những tên phản nghịch khi bắt được chúng: “ai xúi giục chúng mày…?”, cùng hình ảnh các đoàn thể Nhân dân, người dân góp thực phẩm, nước uống, nấu ăn phục vụ, động viên lực lượng làm nhiệm vụ là những việc làm cụ thể, thiết thực khẳng định tinh thần đoàn kết, tình nghĩa quân – dân, sự đồng lòng, son sắc của người dân Tây Nguyên với Đảng, Nhà nước và chế độ lúc này là hơn bao giờ hết.

Sau biến cố, tình hình an ninh trật tự đã được lập lại. Các phần tử gây rối sẽ bị trừng trị. Cuộc sống người dân huyện Cư Kuin đã trở lại bình thường. Với truyền thống đoàn kết của dân tộc và khí chất hào hùng của những người con miền đất đại ngàn gió núi, các tầng lớp Nhân dân Tây Nguyên sẽ tiếp tục gắn bó máu thịt với Đảng, chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn, vô địch để thực hiện khát vọng dân tộc, xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

ThS. Hoàng Đình Kê /Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy Vũng Tàu

  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 2, 8, 22, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, 2002.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021.
  4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam (dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021.
  5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh (dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021.
  6. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Tôn giáo và Tín ngưỡng (dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021.
  7. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, 2023.
  8. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, 2022.
  9. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2018.
  10. Trung tâm Nghiên cứu khoa học dân vận, Ban Dân vận Trung ương: Tập bài giảng Công tác dân vận ở cơ sở, Nxb. Chính trị quốc gia, 2004.
  11. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc.
  12. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo.