Vấn đề về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trở thành một chủ đề nóng kể từ khi chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt và gần đây là chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đồng phạm bị Cơ quan điều tra bộ Công an khởi tố bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan việc phát hành mua bán trái phiếu trái quy định pháp luật.
Hàng nghìn nhà đầu tư đang đứng ngồi không yên và có nguy cơ mất trắng số tiền khi đầu tư trái phiếu và những công ty này. Theo công bố riêng Tập Đoàn Tân Hoàng Minh đã phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật với tổng trị giá 10.300 tỷ đồng để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu, theo kết quả điều tra đã xác định Tân Hoàng Minh đã chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ đồng của các nhà đầu tư. Doanh nghiệp này đã nhiều lần đưa ra lời hứa sẽ xử lý các tài sản hiện có để trả lại tiền cho nhà đầu tư. Nhưng cho đến nay, Tân Hoàng Minh vẫn không thể cung cấp thông tin về lộ trình trả tiền cho nhà đầu tư.
Và cùng với sai phạm tương tự trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định phát luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian 2018 – 2019. Sai phạm này xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn An Đông (An Đông) đây là một Doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Theo báo cáo trước đó, An Đông hiện có 3 lô trái phiếu đã phát hành với tổng giá trị lên gần 25.000 tỉ đồng. Các lô trái phiếu đều có kỳ hạn 5 năm, gồm 2 lô trái phiếu được phát hành vào tháng 9.2018, kỳ hạn trả lãi lần lượt là 3 và 6 tháng, đáo hạn ngày 10.9.2023 với tổng giá trị phát hành gần 15.000 tỉ đồng. Đến tháng 1.2019, An Đông phát hành một lô trái phiếu trị giá 10.000 tỉ đồng và đáo hạn vào ngày 22.1.2024. Giai đoạn 2018 – 2020, An Đông đã trả lãi trái phiếu tổng cộng hơn 2.800 tỉ đồng cho cả 3 lô trái phiếu.
Từ những sự việc xảy ra gần đây làm dấy lên suy nghĩ khi ngay cả đối với những nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp khác đang hoạt động bình thường cũng tỏ ra hết sức hoang mang vì lo sợ một ngày nào đó chính bản thân mình cũng phải đối mặt với khả năng mất tiền.
Hãy cùng phóng viên Tạp Chí Đông Nam Á tìm hiểu thêm về “loại hình trái phiếu Doanh Nghiệp này” và tại sao nhiều người dân sau khi đầu tư loại hình trái phiếu này đã ngã ngửa và cho mình bị lừa khi được các nhân viên của công ty chứng khoán, ngân hàng tư vấn mua những sản phẩm tài chính này.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã có bước phát triển nhanh để từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển cân bằng thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Theo dữ liệu cập nhật về trái phiếu doanh nghiệp từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) được tổng hợp từ HNX và SSC, 10 tháng đầu năm 2022, thị trường có 23 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng với giá trị gần 10.600 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 413 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá trên 240.700 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). Riêng trong tháng 10 chỉ có duy nhất 1 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ.
So với cùng kỳ năm trước, giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng đã giảm 56% và giá trị phát hành riêng lẻ giảm 51%.
Xét về cơ cấu, nhóm dẫn đầu về giá trị phát hành là ngân hàng với 136.287 tỷ đồng, tương đương 54% tổng giá trị phát hành. Liền kề là nhóm bất động sản với 51.699 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,5% tổng giá trị phát hành.
Thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có hiện tượng tăng trưởng “nóng”, phát sinh rủi ro do một bộ phận nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, trong đó có các vụ việc vi phạm nghiêm trọng như vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.
Điều đáng nói là rất nhiều lô trái phiếu của những Tập đoàn này phát hành 3 không:
(1) Không kèm chứng quyền
(2) Không có tài sản đảm bảo
(3) Không có bảo lãnh thanh toán
Mặc dù Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP đã quy định trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trên thị trường có nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp.
Trong trường hợp công ty không tuyên bố phá sản, đến kỳ hạn thanh toán trái phiếu mà doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán, trái chủ có thể chọn phương án thỏa thuận hoặc nộp đơn kiện yêu cầu tuyên bố phá sản ra tòa án. Khi đó mọi trình tự sẽ theo quyết định của tòa và nếu tuyên bố công ty phá sản thì cũng sẽ theo các thủ tục quy định.
Các nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần thận trọng và nghiên cứu kỹ trước khi đầu tư để đảm bảo quyền lợi của mình.
Trước thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh và phát sinh nhiều rủi ro, Bộ Tài chính đã thường xuyên khuyến nghị các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với trái phiếu doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân, khi cân nhắc tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp, cần lưu ý các nội dung sau:
Một là, trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
Hai là, khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư phải lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.
Ba là, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.
Bốn là, bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành, theo đó không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).
Năm là, tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư… Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hiện nay phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán).
Thông tin về tài sản đảm bảo được các doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các kết về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành.
Nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Với những lưu ý trên, trước khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân cần tự đánh giá bản thân phải có đủ năng lực để đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời mà không tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu hoặc chỉ mua trái phiếu vì lãi suất cao.
Nhà đầu tư phải rất cẩn trọng với các hình thức chào mời thông qua việc ký kết “Hợp đồng đầu tư trái phiếu” với các tổ chức (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp khác) theo hình thức thỏa thuận dân sự không được coi là chủ sở hữu trái phiếu hoặc theo các hình thức đầu tư khác không rõ ràng theo quy định của pháp luật là hết sức rủi ro, dẫn đến việc có thể bị mất tiền và không được pháp luật bảo vệ.
Mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Quang Vinh