Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Để dòng Hương kể chuyện của mình

ĐNA -

Hương giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu. (Nguyễn Du)

Ai cũng biết, sông Hương là báu vật mà trời đất đã ban tặng cho Huế. Đã tự bao giờ, sông Hương đã được xem là dòng sông của thi ca, nhạc họa, của kiến trúc, nghệ thuật xứ Huế. Nhưng còn hơn thế, sông Hương là cái nôi của văn hóa Huế, cả ý nghĩa về vật chất và tinh thần.

Trao đổi học thuật tại Bảo tàng Gốm sông Hương.

Sông Hương không dài, chỉ chừng hơn 100km, nhưng có diện tích lưu vực rất rộng, đến 2.830km2, chiếm gần 3/5 diện tích toàn tỉnh Thừa Thiên Huế do có hệ chi lưu, phụ lưu phong phú. Khởi nguồn từ các dãy núi cao đến 900m, độ dốc phía tây lớn, nhưng 1/3 phía đổ ra biển lại bằng phẳng nên nước sông Hương lúc nào cũng đầy, khác hẳn các con sông khác của miền Trung. Vậy nên: “ Con sông dùng dằng, con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” (Thu Bồn).

Từ hàng ngàn năm trước, cư dân bản địa đã chiếm lĩnh vùng đồng bằng và gò đồi ven sông Hương, họ khai thác các nguồn lợi tự nhiên, phát triển nông nghiệp, phát triển nghề làm đồ gốm và chế tác công cụ, vũ khí để phục vụ và bảo vệ cuộc sống. Sau công nguyên vài thế kỷ, những đô thị tiền thân của Huế đã dần hình thành, và suốt từ đó cho đến ngày nay, sông Hương vẫn luôn đóng một vai trò đặc biệt đối với quá trình phát triển và đặc trưng của đô thị Huế.

GS.TS. Thái Kim Lan chủ trì một buổi tọa đàm khoa học tại Bảo tàng Gốm sông Hương – Điểm hẹn liên văn hóa.

Từ khoảng thế kỷ thứ V-VII, người Chăm đã xây dựng một tòa thành khá đồ sộ ở bờ nam sông Hương, tại vị trí Phường Đúc ngày nay. Dấu tích của tòa thành này nay vẫn còn, đó là Thành Lồi nổi tiếng. Ở phía bờ đối diện, trên hai quả đồi chắn giữa khúc quanh của sông Hương-núi Ngọc Trản và đồi Hà Khê, người Chăm dựng hai công trình tôn giáo của họ: ngôi đền thờ nữ thần Ponagar (mà sau này người Việt đã biến thành Thiên Y A Na tại điện Hòn Chén) và một ngôi tháp (trên vị trí mà sau đó người Việt dựng chùa Thiên Mụ). Tại phía hạ lưu, đoạn sông Hương gặp sông Bồ, người Chăm lại dựng một tòa thành lớn để “khóa chặt vùng cửa sông”. Đó chính là toà thành mà người Việt tiếp tục kế thừa để biến thành lỵ sở của châu Hóa -tức thành Hóa Châu mà đến tận giữa thế kỷ XVI, Dương Văn An trong Ô Châu cận lục vẫn mô tả “Tòa thành cao trăm trĩ vươn cao, sừng sững như đám mây dài”.

Như vậy, sông Hương đã là trục chính mà người Chăm xưa lựa chọn để quy hoạch và thiết kế một trục đô thị, bao gồm cả thành lũy, miếu đền, linh tháp…Đó cũng là mô hình quy hoạch một “tiểu quốc” gồm đầy đủ các yếu tố: Núi (Thánh địa) -Đồng bằng (Trung tâm chính trị)-biển (cảng thị), trong đó có núi chúa (chủ sơn) là ngọn núi Kim Phụng, khu Thánh địa là điện thờ trên núi Ngọc Trản (sau là điện Hòn Chén) và cảng thị là cảng Thanh Hà, còn trục nối liền các yếu tố trên là sông Hương.

Bên trong Bảo tàng Gốm sông Hương.

Người Việt khi tiếp quản vùng Thuận Hóa đầu thế kỷ XIV không kế thừa toàn bộ di sản kiến trúc gắn với hệ sông Hương của người Chăm mà chỉ sử dụng một tòa thành ở phía hạ lưu-thành Hóa Châu. Mãi đến năm 1601, Tiên chúa Nguyễn Hoàng cho trùng kiến chùa Thiên Mụ trên gò Hà Khê, đánh dấu sự chuẩn bị cho việc xây dựng một đô thị gắn với sông Hương. Năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan đã chính thức chọn vùng đất dưới chân Thiên Mụ để xây dựng thủ phủ Kim Long (1636-1687). Kể từ thời điểm này đến hết thời chúa Nguyễn, đô thị đầu não của Đàng Trong luôn luôn gắn liền với sông Hương và ngày càng phát triển hoàn bị, và vai trò đó vẫn tiếp tục trong hơn 30 năm tồn tại của triều Tây Sơn, khi Huế đóng vai trò là  kinh đô của Đại Việt.

Chính dựa trên các cơ sở hoàn hảo này, triều Nguyễn sau khi thành lập đầu thế kỷ XIX đã tiếp tục chọn Huế là kinh đô và mở rộng việc quy hoạch, kiến thiết lại đô thị Huế. Trong con mắt của các nhà kiến trúc thời Nguyễn, sông Hương có một vai trò đặc biệt quan trọng về nhiều mặt: Trục quy hoạch chính để nối liền Kinh thành với vùng đền miếu lăng tẩm ở phía tây và các khu vực thương nghiệp, cảng thị ở phía đông; yếu tố phong thủy chủ đạo của kinh đô; tuyến hào tự nhiên để bảo vệ mặt nam của Kinh thành; tuyến giao thông đường thủy để nối liền kinh đô với các vùng miền…

Bởi thế, hầu như tất cả các công trình kiến trúc quan trọng của triều Nguyễn đều gắn liền với sông Hương hay các chi lưu của dòng sông này. Cũng từ thời Nguyễn, sông Hương trở thành một trong những chủ đề nổi bật của văn học, nghệ thuật xứ Thần kinh.

Trưng bày sưu tập áo dài cung đình và gốm sông Hương.

Cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, sau khi kinh đô Huế thất thủ, người Pháp từng bước đặt chân vào đô thị Huế; các công trình kiến trúc phục vụ chế độ thực dân xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành một hệ thống với những đặc thù riêng. Tuy nhiên, sự can thiệp của người Pháp vào đô thị Huế không thô bạo mà lại tạo được sự chuyển tiếp thống nhất hài hòa với đô thị truyền thống nhờ sự nghiên cứu kỹ lưỡng và áp dụng có văn hóa. Khu “phố Tây” xuất hiện dọc bờ nam sông Hương, từ Đập Đá đến nhà Ga Huế, lan dần đến Dòng chúa Cứu thế (theo trục đường Nguyễn Huệ ngày nay), đến sân vận động… được thiết kế rất phù hợp với cảnh quan, môi trường đô thị của một khu phố mới nhưng không hề lấn át Kinh thành cùng các kiến trúc cổ ở phía bờ đối diện. Trái lại, chính khu “Phố Tây”này lại bổ sung và tạo nên sự phong phú cho kiến trúc của kinh đô Huế.

Suốt 30 năm chiến tranh và hơn 45 năm sau ngày thống nhất đất nước, đô thị Huế sau khi bị tàn phá khá nghiêm trọng đã được tái thiết và bổ sung khá nhiều công trình kiến trúc mới, chủ yếu là các kiến trúc dân dụng. Tuy nhiên, về cơ bản diện mạo của đô thị Huế với trục quy hoạch chính là sông Hương cùng hệ chi lưu của nó vẫn không thay đổi nhiều.

Có một báu vật khác mà sông Hương đã, đang lưu giữ và dâng tặng cho Huế nhưng chưa nhiều người biết, đó là kho tàng cổ vật phong phú từ lòng sông.

Kho tàng cổ vật ấy là một phần ký ức quan trọng của người Huế qua bao đời, vì trăm ngàn lí do khác nhau mà đã gửi gắm cho dòng sông. Và trong muôn vạn cổ vật ấy, đồ gốm vẫn chiếm chủ đạo do tính phổ quát, tính bền vững cùng thời gian.

Toa đàm cùng GS.TS. Phan Lê Hà về gốm sông Hương.

Gọi là đồ gốm sông Hương nhưng thực ra bao gồm cả đồ sành, đồ gốm, đồ bán sứ, đồ sứ với chủng loại vô cùng phong phú: bình, ché, hũ, vò, ấm, bát, chén, dĩa, tô, chân đế, bát bồng, nắp, bình vôi, nồi, chum, vại, chì lưới… Đó là những di vật từng gắn bó mật thiết và phản ánh cụ thể, chân xác đời sống sinh hoạt của cư dân qua các thời kỳ lịch sử, từ khi con người biết làm gốm, trồng lúa từ hàng ngàn năm trước cho đến tận ngày nay. Chúng cũng phản ánh quá trình giao lưu trao đổi giữa các vùng miền của Việt Nam, giữa Huế với các tỉnh miền Trung, và các tỉnh phía Bắc, phía Nam; phản ánh cả quá trình giao lưu quốc tế của cư dân vùng Huế với nhiều quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, và cả các nước phương Tây.

Vậy nhưng gốm sông Hương lại xuất hiện khá ngẫu nhiên và mới được chú ý trong khoảng một thế kỷ trở lại đây thông qua hoạt động chài lưới và trục vớt cổ vật, cát sỏi từ lòng sông của cư dân vạn đò và những người sống bằng nghề sông nước. Đầu thế kỷ XX, đồ gốm và các cổ vật từ sông Hương đã được một số nhà nghiên cứu người Pháp quan tâm, nhưng có lẽ phải đến thập niên 70, 80 chúng mới được sưu tầm một cách có hệ thống để hình thành một số bộ sưu tập có giá trị. Tiêu biểu nhất trong giới sưu tầm loại hiện vật độc đáo này là nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan và anh em họa sỹ Thái Nguyên Bá- GS.TS Thái Kim Lan.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan bắt đầu quan tâm và sưu tầm đồ gốm sông Hương từ sau năm 1975. Với niềm đam mê đến kỳ lạ và nỗ lực không mệt mỏi, ông đã xây dựng được một bộ sưu tập vô cùng phong phú với hàng vạn hiện vật thuộc nhiều chủng loại có các niên đại khác nhau, từ thời Tiền Chămpa (trước thế kỷ thứ II), thời Chămpa (thế kỷ II-XIV) đến thời Đại Việt (thế kỷ XIV-XVIII), thời kỳ Việt Nam và Đại Nam (1804-1945) và cả thời kỳ 1945 -1975. Ông cũng từng tích cực tham gia nhiều diễn đàn học thuật, nhiều cuộc triển lãm để giới thiệu về bộ sưu tập của mình. Đáng tiếc là ông đã không kịp thực hiện giấc mơ xây dựng một bảo tàng về gốm sông Hương…!

GS.TS. Kim Lan trao đổi với du khách về bảo tàng.

Cố họa sỹ Thái Nguyên Bá và em gái mình, GS.TS Thái Kim Lan đã bén duyên với đồ gốm sông Hương từ năm 1984, và trong gần 40 năm qua họ đã sưu tầm được hàng ngàn hiện vật quý trong hàng vạn món đồ được trục vớt từ lòng sông. Khác với cách sưu tầm của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, họ chỉ chọn những món đồ nguyên vẹn, có tính thẩm mĩ cao theo cách nhìn riêng của bản thân, vốn là họa sỹ/nghệ sỹ. Cũng vì vậy, sưu tập gốm sông Hương của Thái Nguyên Bá- Thái Kim Lan không chỉ quý giá mà còn rất đẹp, rất ưa nhìn. Dẫu vậy, sưu tập này vẫn đầy đủ các loại hiện vật sành, gốm, bán sứ, sứ rất tiêu biểu cho hầu hết các thời kỳ lịch sử. Và gần đây, do những cơ duyên đặc biệt, một số hiện vật có giá trị của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã được tích hợp vào bộ sưu tập này, khiên nó càng thêm phong phú và quý giá.

Và điều đáng quý hơn là hiện nay, GS.TS Thái Kim Lan đang bền bỉ nỗ lực biến giấc mơ của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan và họa sỹ Thái Nguyên Bá trở thành hiện thực- thành lập bảo tàng gốm sông Hương!

Mọi thứ dường như đang rất thuận lợi, lãnh đạo tỉnh và thành phố Huế đều ủng hộ, đặc biệt, cuối năm 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn Thừa Thiên Huế đến năm 2030 với các nội dung cụ thể và khá thực tế. Vì vậy, hy vọng trong một thời gian rất gần, Bảo tàng gốm sông Hương của GS.TS Thái Kim Lan sẽ chính thức mở cửa. Và như vậy, du khách bốn phương khi đến Huế không chỉ có thêm một sự lựa chọn xứng đáng mà ngay cả cộng đồng nhân dân địa phương cũng sẽ có thêm một địa chỉ văn hóa để tìm hiểu, trải nghiệm và tự hào về vùng đất của mình.

Đó chính là nơi sông Hương kể câu chuyện về mình, về người Huế và lối sống Huế./.

TS. Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế