Ngày 29/3/2025, Văn phòng Chính phủ ký văn bản số 2589/VPCP-KGVX, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đồng ý trình Tổ chức Giáo dục- Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét, đưa di sản văn hóa phi vật thể “Võ cổ truyền Bình Định” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phó Thủ tướng ủy quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay mặt Chính phủ ký Hồ sơ theo quy định.

Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan làm các thủ tục cần thiết để gửi Hồ sơ di sản “Võ cổ truyền Bình Định” tới UNESCO, bảo đảm thời gian theo quy định của Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003 và pháp luật về di sản văn hóa.
Võ cổ truyền Bình Định ra đời, phát triển và có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Với người dân Bình Định, thực hành và luyện tập võ không chỉ nhằm tự vệ và rèn luyện sức khoẻ mà còn là phương cách trau dồi, truyền dạy tâm tính, đạo đức, giá trị, và triết lý, đạo lý sống của các cá nhân, cộng đồng.
Võ cổ truyền Bình Định không chỉ là một môn võ thuật, mà còn là kết tinh của tinh thần thượng võ, ý chí tự cường và văn hóa ứng xử cao đẹp của người Việt. Những bài quyền, thế võ, võ y, võ đạo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện đậm đà bản sắc của vùng đất và con người Bình Định.
Năm 2012, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ghi danh Võ cổ truyền Bình Định vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Được bảo tồn từ thế kỷ 18
Ngày 5/1, Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định phối hợp Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể và võ cổ truyền Bình Định”. Hội thảo nhằm tập hợp ý kiến chuyên gia, các nhà nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể phục vụ việc hoàn thiện hồ sơ võ cổ truyền Bình Định để đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tại hội thảo, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cho biết, việc hoàn thiện hồ sơ võ cổ truyền Bình Định đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là nhiệm vụ quốc gia, không chỉ nhằm mục đích bảo vệ di sản cho thế hệ hiện tại và tương lai, mà còn là cơ hội để giới thiệu tinh hoa văn hóa Việt Nam với thế giới, khẳng định vị thế trên bản đồ di sản văn hóa toàn cầu.
Theo các tài liệu ghi chép, võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm. Năm 1471, dưới triều vua Lê Thánh Tông, phủ Hoài Nhơn (vùng đất Bình Định ngày nay) được thành lập gồm 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, người Việt bắt đầu sinh sống tại đây. Võ cổ truyền Bình Định cũng bắt đầu hình thành trong giai đoạn này.

Đến thời Tây Sơn ở thế kỷ 18, để đáp ứng nhu cầu chiến đấu của cuộc khởi nghĩa với phạm vi và quy mô lớn, võ cổ truyền chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn biến đổi về chất. Môn võ này là sự kết tinh và hòa quyện giữa các dòng võ, phái võ và quy tụ nhiều võ sư, võ quan, anh hùng hào kiệt, từ đó tạo nên một dòng võ đậm nét tinh hoa của dân tộc. Từ thời Tây Sơn, võ cổ truyền đã được bảo tồn và phát triển.
Đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 2 đại võ sư quốc tế, 26 đại võ sư quốc gia, 12 võ sư cao cấp, 73 võ sư, 57 chuẩn võ sư, 415 huấn luyện viên… Bên cạnh đó, còn có 177 võ đường, câu lạc bộ võ cổ truyền, với hơn 12.000 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên.
Thế Nguyễn