Hiện nước ta có một nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, có khoảng 5.117 loài loài thực vật có công dụng làm thuốc. Tuy nhiên, một nghịch lý vẫn đang tồn tại trong ngành sản xuất dược liệu của chúng ta đó là đa phần các công ty sản xuất dược liệu của Việt Nam hiện phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Có nguồn dược liệu phong phú nhưng vẫn phải nhập khẩu cây thuốc
Ông Phan Văn Thắng- Giám đốc Trung tâm Lâm sản ngoài gỗ- Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho biết, nước ta có khoảng 5.117 loài loài thực vật có công dụng làm thuốc. Tuy nhiên, mỗi năm nhu cầu dược liệu ở Việt Nam khoảng từ 60 nghìn – 80 nghìn tấn dược liệu nhưng thị trường nội địa chỉ cung cấp được từ 10 đến 20 nghìn tấn/năm. Phần còn lại phải nhập khẩu qua nhiều con đường.
Ruộng dược liệu được người dân trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại Bắc Hà -Lào Cai
Dược liệu chủ yếu được nhập khẩu thông qua các cửa khẩu như Lạng Sơn, Lào Cai và một số hợp đồng nhập khẩu của các bệnh viện trên cả nước. Tuy nhiên, việc nhập khẩu đang tồn tại những nghịch lý: Một số loại dược liệu nhập qua đường tiểu ngạch không thể kiểm soát được nguồn gốc hoặc có những dược liệu thuộc thế mạnh của Việt Nam nhưng cũng phải nhập ngoại. Lý do là bởi dược liệu từ nước ngoài có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với trong nước. Trong khi đó, dược liệu của Việt Nam có thể lại được xuất đi với giá thành cao hơn giá nhập. Hơn nữa, việc khai thác dược liệu tự nhiên không đi đôi với bảo tồn đã khiến tài nguyên này ngày càng cạn kiệt. Vấn đề trồng cây dược liệu chủ yếu là do kinh nghiệm mang tính quảng canh, nuôi trồng tự phát, chưa áp dụng theo tiêu chuẩn nuôi trồng nên năng suất và chất lượng thấp.
Theo ông Thắng, tồn tại những nghịch lý trên bởi chất lượng của dược liệu. Việc nhập khẩu dược liệu hiện rất khó kiểm soát về chất lượng đặc biệt là phần nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Có những loại nhìn bề ngoài còn nguyên hình dáng nhưng thực tế thì đã bị rút hết các hoạt chất có lợi và phần còn lại chỉ là “rác thải”.
Vận động bà con dân tộc chuyển đổi mô hình kinh tế, trồng dược liệu sạch
Những năm gần đây, thị trường dược liệu Việt Nam đã bắt đầu có sự thay đổi. Đã xuất hiện những vườn trồng dược liệu có quy mô lớn. Những khu vườn này đều được chăm sóc dưới sự theo dõi, giám sát về chất lượng của các chuyên gia nông nghiệp. Sản phẩm khi được đưa ra thị trường có chất lượng cao và bảo đảm không sử dụng các loại chất kích thích hoặc phân bón có hại. Tín hiệu đáng mừng này xuất phát từ việc các công ty sản xuất dược phẩm đang hướng tới những sản phẩm an toàn hơn và họ cũng là những đơn vị đi đầu trước xu thế chất lượng dược liệu ngày càng được siết chặt. Việc mua dược liệu trong nước tuy phải trả giá thành cao hơn nhưng chất lượng được bảo đảm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hiện có khoảng 20 công ty dược phẩm đã ký kết với các vùng dược liệu.
Theo lãnh đạo Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Hà – Lào Cai cho biết, bà con dân tộc thiểu số vùng Bắc Hà có thói quen trồng một số cây ngắn ngày, đặc biệt là ngô. Tuy nhiên, ngô chỉ mang lại hiệu quả kinh tế từ 8 đến 12 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, nếu đầu tư trồng cây dược liệu thì mỗi ha có thể cho thu nhập từ 50 đến hơn 100 triệu đồng.
Để vận động bà con chuyển sang trồng dược liệu, nhiều cán bộ khuyến nông xuống tận địa bàn nhưng gần như không nhận được sự hợp tác. Sau nhiều tháng vận động, một số hộ dân đã bắt đầu đồng ý tham gia trồng dược liệu. Tuy nhiên, do chưa quen với cách canh tác mới, các cán bộ khuyến nông gần như phải tự làm rất nhiều việc từ lúc trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch. Khi thấy trồng dược liệu đạt hiệu quả tốt, nhiều bà con đã tự nguyện xin được tham gia trồng. Tuy nhiên việc phát triển diện tích dược liệu vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó khó nhất là nguồn giống cây trồng và vốn đầu tư.
Người dân chăm sóc ruộng dược liệu trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại Bắc Hà -Lào Cai
Hiện nay, giống dược liệu đều phải nhập ngoại gần như 100% nhưng khá khan hiếm và có giá thành cao. Việc đầu tư giống, phân bón, màng che… cho 1 ha dược liệu có thể lên tới cả trăm triệu đồng. Điều này đang là trở ngại lớn trong việc phát triển cây dược liệu ở nhiều địa phương trong cả nước. Hiện các vùng dược liệu của Việt Nam hầu hết được Nhà nước hỗ trợ phần kinh phí, bà con chỉ đóng góp công sức chăm sóc cây trên phần ruộng của mình.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai, ông Tô Mạnh Tiến cho rằng, để phát triển được dược liệu, trước hết cần rà soát quy hoạch vùng sản xuất cây dược liệu phù hợp với từng địa phương và gắn với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó cần bố trí kinh phí từ ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng; phát triển các cơ sở thu mua kèm theo sơ chế, chế biến. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng cần đầu tư nghiên cứu cung ứng nguồn giống cho bà con kèm theo việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại…
THANH LOAN (Sức khỏe& Đời sống)