Thứ Tư, Tháng Năm 8, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Để phát triển đột phá, Đà Nẵng phải giải bài toán tái cơ cấu nền kinh tế

ĐNA -

(Đà Nẵng). Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, ông Trần Văn Vũ nhấn mạnh rằng: Thành phố cần tiếp tục tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành lợi thế cạnh tranh cao, hình thành các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, hoặc cải thiện hệ thống quản trị theo hướng hiệu quả hơn.

Trong đó, cần tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như dịch vụ du lịch chất lượng cao, dịch vụ logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.

Đà Nẵng vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Cục Thống kê Đà Nẵng cho rằng, thành phố cần quản lý đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, tùy tiện kém hiệu quả, phá vở cảnh quan, môi trường sinh thái. Ảnh: T.T.Lâm.

Năm 2023, mức tăng chung thấp hơn mức tăng bình quân năm cả giai đoạn 2021-2023.
Sáng nay (29/12/2023), Cục Thống kê Đà Nẵng đã chính thức tình hình kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2023. Không có nhiều điểm sáng với Đà Nẵng, dù Đảng bộ, chính quyền thành phố đã luôn sát cánh, đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp và người dân, vượt qua thách thức, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 với quyết tâm cao nhất nhằm hướng đến mục tiêu “giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.

Qua phân tích số liệu, kinh tế thành phố Đà Nẵng có giữ được nhịp độ tăng trưởng, tuy nhiên xu hướng tăng trưởng kinh tế của năm 2023 được dánh giá là “thiếu ổn định qua các quý, một số lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu chịu tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, đặc biệt là các nước đối tác”.Diễn biến tăng trưởng qua các quý không đồng đều và đều phụ thuộc phần lớn vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước tăng 2,58% so với năm 2022, trong đó, quý I tăng 7,49%; quý II giảm 0,60%, quý III tăng 1,22% và quý IV ước tăng 2,82%. Mức tăng chung cả năm 2023 thấp hơn mức tăng bình quân 5,51%/năm của giai đoạn 2021-2023.

Xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, Đà Nẵng xếp thứ 54/63 địa phương; thứ 4/5 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; xếp vị trí 13/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và thấp nhất trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Xét về quy mô GRDP, Đà Nẵng tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu 5 địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; vị trí thứ 3/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; thứ 4/5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp thứ 17/63 địa phương trên cả nước.

Giảm sâu trong các ngành kinh tế, theo phân tích của Cục trưởng Trần Văn Vũ, những ngành có đóng góp lớn cho giá trị GDP, lại là những ngành giảm và giảm sâu. “Đơn cử ở 2 ngành chiếm tỷ trọng lớn, nhưng có mức giảm khá sâu, ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung, bao gồm: hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 29,28%; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy giảm hơn 5,12%”.

Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, ông Trần Văn Vũ: Thị trường bất động sản đóng băng, tác nhân trực tiếp làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của lĩnh vực xây dựng và cũng là nguyên dẫn đến giá trị sản xuất ngành xây dựng giảm sâu. Ảnh: T.Ngọc.

Điển hình là xây dựng, bất động sản. Nhu cầu xây dựng nói chung và mảng nhà ở nói riêng tiếp tục chững lại do giá cả vật liệu xây dựng tăng cao, tiến độ thi công các dự án chậm do thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để. VA toàn ngành xây dựng năm 2022 ước giảm 8,36% so với năm 2022, làm giảm 0,44 điểm phần trăm của mức tăng GRDP chung. Trong đó, xây dựng nhà các loại chiếm tỷ trọng lớn trong tổng VA nội bộ ngành xây dựng nhưng giảm khá sâu (-12,06%) so với năm 2022; hoạt động xây dựng chuyên dụng cũng cùng xu hướng (-17,87%); chỉ có VA hoạt động xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng tăng 6,05% so với năm 2022.

Thị trường bất động sản đóng băng, tác nhân trực tiếp làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của lĩnh vực xây dựng và cũng là nguyên dẫn đến giá trị sản xuất ngành xây dựng giảm sâu. Khi thị trường bất động sản bộc lộ nhiều hạn chế; một số dự án lớn phải tạm ngừng thi công do vướng thủ tục pháp lý… là những nguyên nhân chính tác động làm tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn giảm sâu trong năm 2023.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 ước đạt 30.962 tỷ đồng, giảm 16,8% so với năm 2022, trong đó khu vực nhà nước thực hiện ước đạt 9.844 tỷ đồng, tăng 14,1%; vốn ngoài nhà nước 18.030 tỷ đồng, giảm 21,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 3.088 tỷ đồng, bằng 56,2% năm 2022.

Phân tích số liệu thu thập (qua 3 nguồn, trong đó, có cả nguồn điều tra thực tế), Cục Thống kê Đà Nẵng cho rằng, chính sự đóng băng của thị trường bất động sản, trong đó có yếu tố “thanh tra các dự án”, đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung và thanh khoản thị trường bất động sản, khiến hoạt động kinh doanh bất động sản giảm sâu, chưa thấy các dấu hiệu cải thiện. Bên cạnh đó, dòng tiền vốn huy động của các doanh nghiệp vẫn ở mức yếu; khả năng tiếp cận nguồn vốn vẫn khó khăn do chính sách siết chặt cho vay từ các ngân hàng, trong khi đó, các chính sách hỗ trợ vốn tín dụng, cắt giảm lãi suất…khó tiếp cận, (gần như) chưa mang lại hiệu quả cao.

Sụt giảm tăng trưởng nhìn từ bối cảnh chung
Điều dễ dàng nhận ra, là vào thời điểm cuối năm 2023, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của năm, được các tổ chức quốc tế (có uy tín trong đánh giá, phân tích và cả xếp hạng), tiến hành điều chỉnh theo các hướng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng năm 2022. Theo đó, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng (do gia tăng suy giảm vể tổng cầu; lạm phát có hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; xung đột quân sự; sự bất ổn của vấn đề địa chính trị; thiên tai, biến đổi khí hậu, …).

Đà suy giảm vể tổng cầu đã khiến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, đơn hàng liên tục sụt giảm, trong khi đó chi phí đầu vào luôn tăng cao. Ước tính VA toàn khu vực công nghiệp (và cả lĩnh vực xây dựng năm 2023), giảm 2,05% so với năm trước. Đặc biệt, các các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với quy định về một nền sản xuất công nghiệp xanh, bền vững ngày càng thắt chặt.

Một phân tích khác về IIP (chỉ số khối lượng sản phẩm công nghiệp) của toàn ngành công nghiệp (Đà Nẵng), cũng cho thấy mức suy giảm là 2,5% so với năm 2022. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù chỉ số đã được cải thiện dần , song chưa thoát khỏi mức tăng trưởng âm (-3,8%); chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2023 ước giảm 4,2% so với năm 2022. Trong đó, các ngành có chỉ số tiêu thụ thấp hơn nhiều so với chỉ số tiêu thụ chung như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (-50,1%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (-35,4%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) (-25,4%); ngành chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ (-14,7%).

Tăng trưởng xuất khẩu của Đà Nẵng đã giảm sâu, minh chứng rất rõ rệt  rằng tác động tích lũy của nhu cầu ngoài nước vẫn trên đà suy giảm. Trong bối cảnh chung, kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn, căng thẳng thương mại, xung đột địa chính trị và lạm phát, tất cả đã tác động rất tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng, sản xuất cầm chừng theo các đơn hàng truyền thống; một số doanh nghiệp cố gắng tìm kiếm các đơn hàng mới với khối lượng nhỏ, có tính chất tạm thời.  Năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3.015 triệu USD, giảm 16,2% so với năm 2022; trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.864 triệu USD, giảm 11,6%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.151 triệu USD, giảm 22,7%.

Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, ông Trần Văn Vũ: Thị trường bất động sản đóng băng, tác nhân trực tiếp làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của lĩnh vực xây dựng và cũng là nguyên dẫn đến giá trị sản xuất ngành xây dựng giảm sâu. Ảnh: T.Ngọc.

Các chỉ số tồn kho của ngành chế biến, chế tạo (ước tính tại thời điểm cuối tháng 12/2023) đã tăng 33,9% so với tháng cùng kỳ năm trước. Một số ngành có mức tồn kho tăng khá cao, chứng tỏ thị trường đầu ra tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp: ngành chế biến thực phẩm (+137,4%); ngành dệt (+116,7%); sản xuất phụ tùng xe có động cơ (+56,6%); sản xuất sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại khác (+24,4%)…

Điều này đưa đến, chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp của năm giảm 7,0%. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có số lượng lao động giảm sâu (-18,6%). Nguyên nhân chính là do tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu, dẫn đến phải cắt giảm lao động làm việc.

Cũng do ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng giảm 26% so với năm 2022; đồng thời số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng lại tiếp tục tăng 14,7%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, rút lui khỏi thị trường trong năm là 683 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc. Trong năm (tính đến 15/12/2023), thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 4.173 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký 18.059 tỷ đồng; so với năm 2022, giảm 6,7% về số doanh nghiệp và giảm 20,6% về số vốn.

Đà Nẵng kỳ vọng các dự án mới, có quy mô lớn của các Tập đoàn tên tuổi, sẽ góp phần tạo bước đột phá thực sự để phục hồi đà tăng trưởng. Ảnh: T.Ngọc.

Khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, cũng khiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đà Nẵng giảm 37,8% so với năm 2022 (tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm sơ bộ cả năm đạt 185 triệu USD). Nếu xét cả giai đoạn 2021-2023, số dự án cấp phép mới bình quân mỗi năm tăng 6,1%, song, giá trị góp vốn FDI đạt thấp, đã làm thu hẹp quy mô vốn FDI thực hiện trong năm 2023, ước tính cả năm, vốn FDI thực hiện từ phía đối tác nước ngoài ước đạt 125,4 triệu USD, giảm 43,8% so với năm 2022.

Và cũng trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cũng như giải quyết các gói hỗ trợ sau đại dịch đã tác động trực tiếp đến nguồn thu này, hầu hết các khoản mục thu đều giảm sâu. Hoạt động xuất, nhập khẩu liên tiếp gặp nhiều khó khăn, làm cho nguồn thu cân đối hoạt động xuất, nhập khẩu giảm đáng kể so với năm 2022. Tổng thu cân đối hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tính đến 20/12/2023 đạt 2.142 tỷ đồng, giảm 49,8%, tương đương giảm 2.127 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Những bệ đỡ còn lại của nền kinh tế
Cục Thống kê Đà Nẵng nhìn nhận: Khu vực dịch vụ vẫn tiếp tục là bệ đỡ cho kinh tế của thành phố, một số ngành dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá cao, nhu cầu tiêu dùng duy trì xu hướng phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19.

Ước tính VA khu vực dịch vụ năm 2023 tăng 4,10% so với năm trước. Trong đó, một số ngành có mức tăng trưởng khá cao phải kể đến như: hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 41,79%; dịch vụ khác tăng 30,68%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,83%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 20,80%…Các ngành còn lại tăng nhẹ so với năm trước. Một số ngành duy trì được nhịp độ tăng trưởng như: hoạt động tài chính ngân hàng (+5,01%); thông tin và truyền thông (+4,86%); hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ (+5,75%); giáo dục và đào tạo (+4,92%). Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 33,9%; doanh thu lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch tăng 133,8%; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác tăng 22,9%.

Tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ năm 2023 ước đạt 7,94 triệu lượt, tăng 98,4% so với năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,99 triệu lượt, cao gấp 4,2 lần so với năm 2022; khách trong nước đạt 5,4 triệu lượt, tăng 66,1%. Số ngày lưu trú bình quân của khách ngủ qua đêm tính chung cả năm 2023 là 1,77 ngày/lượt, trong đó khách quốc tế là 2,36 ngày/lượt; khách trong nước là 1,39 ngày/lượt.

Tổng số khách du lịch do các cơ sở lữ hành phục vụ năm 2023 ước đạt gần 1,5 triệu lượt, gấp 2,6 lần năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 503 nghìn lượt, cao gấp 7,9 lần; khách trong nước đạt 911 nghìn lượt, gấp 2,0 lần; khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đạt gần 64 nghìn lượt, gấp 2,1 lần năm 2022.

Nhiều sự kiện quy mô lớn trong năm qua được tổ chức thành công, tạo môi trường, chất xúc tác mạnh mẽ để lĩnh vực du lịch tiếp tục phát huy các ưu thế, đóng góp tích cực cho tăng trưởng.

Du lịch vẫn là bệ đỡ quan trọng của nền kinh tế thành phố biển. Ảnh: T.Ngọc.

Đà Nẵng phải giải bài toán tái cơ cấu nền kinh tế
Công bố tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 của Cục Thống kê Đà Nẵng cũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn đánh giá thành phố là điểm đến đầu tư hấp dẫn và đáng tin cậy. Đảng bộ, chính quyền Đà nẵng đã  luôn sát cánh, đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua thách thức, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 với quyết tâm cao nhất nhằm hướng đến mục tiêu “giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.

Trong mức tăng 2,58% toàn nền kinh tế năm 2023, giá trị tăng thêm (VA) khu vực dịch vụ tăng 4,10%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung. Quy mô nền kinh tế thành phố năm 2023 (theo giá hiện hành), ước đạt hơn 134.247 tỷ đồng, mở rộng 9.728 tỷ đồng so với 2022. Trong đó, phần mở rộng tập trung ở VA khu vực dịch vụ với 8.923 tỷ đồng.

Nhờ sự phục hồi và tăng trưởng vượt trội của khu vực dịch vụ nên cơ cấu nền kinh tế tiếp tục có sự dịch chuyển với xu hướng mở rộng khu vực dịch vụ thêm 1,67 điểm phần trăm về cơ cấu so với năm 2022; ngược lại, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 1,54 điểm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,05 điểm. Cơ cấu quy mô nền kinh tế năm 2023, cho thấy: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 1,95%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,50%; khu vực dịch vụ chiếm 70,34%; thuế sản phẩm chiếm 9,21% trong tổng GRDP.

 Doanh thu hoạt động thông tin và truyền thông năm 2023 ước đạt 17.598 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2022. Xét trong nội bộ ngành, doanh thu dịch vụ viễn thông chiếm tỷ trọng lớn nhất với 69,4% ước tăng 6,7%; lập trình máy tính và các dịch vụ liên quan ước tăng 13,1%; xuất bản, điện ảnh, phát thanh và truyền hình tăng 8,4%; các hoạt động dịch vụ thông tin khác tăng 8,9%.

Nền kinh tế Đà Nẵng, rõ ràng có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, do tác động kép từ các yếu tố bên ngoài và những bất cập của quá trình khắc phục các hạn chế trong thời gian qua chưa thể giải quyết dứt điểm một sớm một chiều. Thực tế, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, khó khăn về tài chính, năng lực cạnh tranh thấp… sẽ tiếp tục là rào cản cho phát triển kinh tế của thành phố trong năm 2024.

Dự báo tăng trưởng GRDP năm 2024 của thành phố vẫn sẽ chưa bứt phá được như giai đoạn trước dịch Covid-19 và có thể sẽ tiệm cận ở mức 6-6,5%. Để đạt được mức tăng trưởng như dự báo, thành phố vẫn cần phải thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp trên nhiều lĩnh vực.

Ông Trần Văn Vũ – Cục trưởng và bà Nguyễn Thị Kiều Liên – Trưởng phòng, Phòng Thống kê tổng hợp (Cục Thống kê Đà Nẵng) chủ trì buổi họp báo công bố số liệu kinh tế, xã hội 2023. Ảnh: T.Ngọc.

“Trong cơ cấu nền kinh tế hiện nay của Đà Nẵng, dịch vụ chiếm 70,4% trong GRDP, do đó năm 2024 rất khó để tạo sự bức phá ngoạn mục. Chúng tôi cho rằng, cần giữ vững tăng trưởng một số ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực dịch vụ như: lưu trú, ăn uống; dịch vụ hành chính và hỗ trợ; hoạt động thông tin và truyền thông; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

 Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng, cần tạo sự đột phá và lấy lại đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế, biến chế tạo phải đạt mức tăng trên 3% so với năm 2023, trong đó cần có giải pháp để duy trì nhịp độ tăng trưởng của một số ngành sản xuất đang có mức tăng cao như: sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất phụ tùng của xe có động cơ.

Doanh nghiệp và ngành nhữu quan cùng chủ động tìm kiếm đơn hàng, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, góp phần mở rộng quy mô sản xuất đối với những ngành tăng trưởng còn khiêm tốn như: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất trang phục; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất thiết bị điện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy. Đặc biệt, tập trung nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho những ngành đang trên đà giảm sâu như: chế biến gỗ; sản xuất kim loại đúc sẵn; sản xuất sản phẩm cao su và plastic; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác (đồ chơi trẻ em, thiết bị câu cá…). Chính quyền và ngành chức năng, cần tiếp tục tập trung huy động và khai thác tối đa, bền vững các tiềm năng, lợi thế và nguồn lực của chính Đà Nẵng”, Cục trưởng Trần Văn Vũ, phân tích.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, thành phố cần tiếp tục rà soát, đánh giá tính hiệu quả của các dự án đầu tư trên địa bàn và có những cam kết, biện pháp xử lý phù hợp đối với những dự án ngưng thi công nhiều năm. Tiếp tục tăng cường tính công khai, minh bạch và tránh đầu tư dàn trải. Thực hiện quản lý đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, tùy tiện kém hiệu quả, phá vở cảnh quan, môi trường sinh thái. Khắc phục tình trạng tiêu cực, lãng phí, thất thoát trong đầu tư; tăng cường công tác giám sát đầu tư, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về quản lý đầu tư.

Đại học Đà Nẵng hợp tác liên minh với các Đại học lớn của đất nước, sẵn sàng nguồn nhân lực đón đầu cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn – một lĩnh vực công nghệ cao, có tác động tích cực đến sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Ảnh: T.Ngọc.

Đặc biệt, phải có kế hoạch, lộ trình phát triển và đổi mới công nghệ cụ thể đối với các ngành, lĩnh vực trọng tâm, cũng như tạo ra sự bứt phá của một số ngành sử dụng công nghệ cao, có tác động tích cực đến sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế./.

Trung Đức