Tủ sách Huế là sáng kiến được đưa ra vào năm 2020 của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế với mục tiêu cơ bản là bảo tồn, phát huy giá trị các ấn phẩm tiêu biểu gắn liền với vùng đất và con người xứ Huế, hình thành một Tủ sách riêng mang tính đặc trưng, đáp ứng nhu cầu đọc, nghiên cứu của đông đảo độc giả, hình thành sản phẩm quà tặng tiêu biểu, thiết thực phát triển văn hóa, xã hội của địa phương… Đến nay đã có 11 đầu sách được xuất bản, phần lớn đều là những công trình dày dặn, mang tính học thuật cao, được giới nghiên cứu và bạn đọc rất quan tâm. Tuy nhiên, quá trình hình thành, phát triển của Tủ sách Huế vẫn còn gặp không ít khó khăn, mức độ phổ biến của các công trình thuộc Tủ sách Huế vẫn còn nhiều hạn chế…
Từ năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu triển khai Đề án “Thiết lập và phát triển Tủ sách Huế” với mục tiêu cơ bản là bảo tồn, phát huy giá trị các ấn phẩm tiêu biểu gắn liền với Huế, hình thành Tủ sách Huế mang tính đặc trưng, đáp ứng nhu cầu đọc, nghiên cứu, hình thành sản phẩm quà tặng tiêu biểu, thiết thực phát triển văn hóa, xã hội địa phương. Đến nay, Đề án đã xuất bản 11 ấn phẩm có giá trị về cả mặt hình thức, nội dung, bao hàm trong đó các giá trị văn hóa và nghiên cứu, học thuật thu hút được đông đảo sự quan tâm từ bạn đọc.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, với kỳ vọng đưa Tủ sách Huế thành sản phẩm văn hóa đặc trưng của Huế thì đó là một con số còn khá khiêm tốn. Bên cạnh đó, nội dung các ấn phẩm thuộc Tủ sách Huế khá kén người đọc do phần lớn đều có hàm lượng tri thức về Huế và nghiên cứu cao.
Qua hai năm triển khai (do các năm 2020 và 2021 bị ảnh hưởng đại dịch covid 19 nên Đề án tạm dừng hoạt động), nhận thấy nhu cầu tìm hiểu, tiếp cận và đọc sách thuộc Tủ sách Huế của đông đảo người yêu sách, yêu Huế ở nhiều thành phần và nhiều nhu cầu khác nhau nên hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục tiếp thu những ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, cũng như nguyện vọng và mong muốn của bạn đọc gần xa để xin báo cáo Lãnh đạo tỉnh điều chỉnh cơ chế, các quy định liên quan để phát triển, phổ biến rộng rãi Tủ sách Huế trong cộng đồng, góp phần quảng bá, truyền thông về vùng đất và con người Thừa Thiên Huế.
Trong giai đoạn đầu của Đề án, sách thuộc Tủ sách Huế đều được thực hiện bằng ngân sách nhà nước, vì vậy, Tủ sách Huế không phải là sách để bán trên thị trường. Tủ sách Huế triển khai trong hệ thống các thư viện, trường học, trung tâm văn hóa, làm sản phẩm quà tặng của tỉnh trong các dịch, lễ, sự kiện quan trọng. Một thực tế là, sách thuộc Tủ sách Huế hiện chưa được bán trên thị trường nhưng nhiều đọc giả muốn tìm đọc nên sách đã bị làm giả không ít. Đây không chỉ là vấn đề riêng của Tủ sách Huế, mà vấn đề vi phạm bản quyền trong việc xuất bản sách nói chung đã trở thành một vấn đề vi phạm nghiêm trọng mà các nhà quản lý, các đơn vị xuất bản cũng như người làm sách phải quan tâm, chấn chỉnh.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất UBND tỉnh phương án xã hội hóa, tăng cường sự liên kết, phối hợp với các Nhà xuất bản, các công ty phát hành sách trên toàn quốc để tăng lượng ấn phẩm phát hành gắn logo Tủ sách Huế, giải quyết vấn đề nguồn lực tài chính. Hy vọng rằng, đây là cách làm hiệu quả để giá tăng nhanh chóng số lượng Tủ sách Huế mà vẫn đáp ứng tiêu chí của Đề án, lan tỏa rộng rãi Tủ sách Huế trong cộng đồng.
Tủ sách Huế là một nhãn hiệu đã được chứng nhận, có logo riêng, vì vậy, bạn đọc thông thái cần phân biệt rõ để nhận diện sách thuộc Tủ sách Huế, tránh mua phải sách nhái, sách lậu, kém chất lượng. Để tránh tình trạng mua phải sách giả, tiếp tay cho các hành vi gian lận, chúng tôi rất mong bạn đọc yêu mến các ấn phẩm trong Tủ sách Huế có thể chọn một trong các kênh tiếp cần sau đây: Mượn đọc trong hệ thống thư viện công cộng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện trường Đại học, thư viện trường THPT, thư viện các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Hoặc đọc các ấn phẩm điện tử trên trang thông tin điện tử Tủ sách Huế thuộc quản lý của Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh và Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tuân thủ theo đích ban đầu của Tủ sách Huế là tập hợp những tác phẩm có liên quan đến Huế, có chất lượng nội dung, giá trị, hàm lượng về tri thức, văn hóa cao góp phần lưu giữ, quảng bá những nguồn tư liệu, các ấn phẩm về Huế đến đông đảo độc giả trong và ngoài nước; đến nay, Tủ sách Huế đã, đang và sẽ vẫn đảm bảo được mục tiêu trên trong thời gian tới. Như dự định, những người thực hiện sẽ vẫn giữ vững và gia tăng giá trị và hàm lượng tri thức, học thuật, nghiên cứu trong các xuất bản Tủ sách Huế và tìm cách để bạn đọc quan tâm, yêu mến Tủ sách Huế dễ tiếp cận, sở hữu sách hơn. Bên cạnh đó, việc quan tâm và xuất bản những ấn phẩm bình dân, phổ biến kiến thức cũng sẽ lưu ý để có thể thực hiện trong những dự án khác trong chuỗi hành động phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy xã hội học tập trong tương lai.
Đề án Thiết lập và phát triển Tủ sách Huế do UBND tỉnh đề xuất và giao cho các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện. Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao là đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề liên quan đến những nhiệm vụ, công việc cụ thể sẽ do một số ngành, đơn vị phụ trách theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện Đề án chưa đồng bộ, vướng mắc nhiều khâu, nhiều vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm, khó khăn cho các đơn vị trong quá trình triển khai Đề án, trong đó có công tác liên kết, hợp tác xuất bản các ấn phẩm gắn logo Tủ sách Huế.
Để triển khai hiệu quả Đề án, cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung Quy chế quản lý, phối hợp tổ chức thực hiện; kiện toàn bộ máy thực hiện Đề án theo hướng phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng được cơ chế liên kết, hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị với các nhà xuất bản, công ty phát hành; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của các bên nhằm chung tay phát triển Tủ sách Huế.
Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đang hoàn thành dự thảo kiện toàn Quy chế Quản lý, tổ chức Đề án mới, lấy ý kiến của các bên tham gia và tiến tới trình UBND tỉnh ban hành nhằm đưa Đề án Tủ sách Huế phát triển, hiệu quả hơn trong thời gian sớm nhất./.
Các ấn phẩm của Tủ sách Huế sau khi xuất bản, thông qua các đơn vị đầu mối là Thư viện Tổng hợp tỉnh, Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh để chuyển đến 9 thư viện công cộng (thư viện cấp tỉnh, huyện), thư viện của các trường đại học, cao đẳng trên địa bản tỉnh, 11 thư viện tư nhân và cơ sở đọc, 02 trại giam và tạm giam, 37 trường trung học phổ thông… Đến nay đã có trên 1.200 bản sách thuộc Tủ sách Huế đã được chuyển đến các đơn vị trên.
Linh Lam