Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đề xuất tiết kiệm năng lượng với giải pháp, tham vấn từ doanh nghiệp Việt

ĐNA -

(ĐÀ NẴNG), Ngày 25/10/2023, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng (DECC, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố) đã tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp chuyển đổi số và quản lý năng lượng tại doanh nghiệp” và khóa đào tạo về “Tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp”.

“Mỗi doanh nghiệp, trong xu thế “chuyển đổi xanh”, sản xuất phải hướng đến phát triển bền vững, giảm thiểu tác động môi trường” – bà Nguyễn Thị Mỹ Linh – Giám đốc DECC. Ảnh trong bài: T.Ngọc.

Hoạt động nằm trong chương trình “Triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng trên địa bàn Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung”, thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2019-2030, đã được Bộ Công Thương giao trách nhiệm; và nhiệm vụ khoa học thường xuyên theo chức năng, do Sở chủ quản giao cho Trung tâm.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có giải pháp cho vấn đề tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí cho cả sản xuất lẫn nhu cầu dân dụng.

Tiết kiệm năng lượng với giải pháp, tham vấn từ doanh nghiệp Việt
“Mỗi doanh nghiệp, trong xu thế “chuyển đổi xanh”, sản xuất phải hướng đến phát triển bền vững, giảm thiểu tác động môi trường, việc quản lý và sử dụng hiệu quả năng lượng không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa quá trình sản xuất và tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh, mà còn có thể giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn của chính phủ trong giảm thải carbon”, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh – Giám đốc DECC nhấn mạnh.

Trong tham luận trình bày tại hội thảo “Giải pháp chuyển đổi năng lượng trong các lò hơi – Tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường”, ông Phạm Thanh Hòa – Phó Giám đốc Công ty TNHH Cơ nhiệt điện Hưng Tiến Việt đã có khuyến cáo: Do chi phí nhiên liệu chiếm phần lớn chi phí vận hành lò hơi, lựa chọn nhiên liệu là bước đầu tiên quyết định mức độ hiệu quả của việc đầu tư hệ thống lò. Để tối ưu hoá chi phí và đảm bảo nguồn cung ổn định, cần lựa chọn loại nhiên liệu Biomass theo phân bố vùng miền và phù hợp với đặc tính vận hành lò hơi.

Với đặc thù là một nước nông nghiệp, Việt Nam có thể xem như là nơi có nguồn nguyên liệu sinh khối với trữ lượng khổng lồ, ước tính lên đến hơn 160 triệu tấn mỗi năm, đảm bảo nguồn cung tương đối ổn định. Và sản phẩm lò hơi do Hưng Tiến Việt chúng tôi phát triển, chế tạo có khả năng đốt được hầu hết các loại biomass với hiệu suất cao đến 85~87%”.

Ông Phạm Thanh Hòa – Phó Giám đốc Công ty TNHH Cơ nhiệt điện Hưng Tiến Việt, chia sẻ về giải pháp chuyển đổi năng lượng trong các lò hơi”.

Tham luận “Giải pháp hệ thống quản lý năng lượng PMS” do đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ điện tự động Biển Đông (ESTEC) giới thiệu, cho biết đây là hệ thống do chính các kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, phát triển thực hiện (kể cả Phần mềm quản lý năng lượng EMS), giám sát dữ liệu theo thời gian thực, phân tích được năng lượng sử dụng, quản lý tốt máy móc thiết bị vận hành, cho phép hiển thị hiệu suất thiết bị, … Từ đó, chỉ với một hệ thống, doanh nghiệp hoàn toàn có thể hoạch định chiến lược sản xuất và cung ứng. Vừa kiểm soát được chi phí năng lượng, doanh nghiệp cũng có thể đáp ứng tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất xanh sạch đối với đối tác kinh doanh. Đặc biệt là kịp thời đưa ra phương án xử lý cho các cụm máy móc, dây chuyền sử dụng quá mức năng lượng từ đó đưa ra quyết định hợp lý trong quá trình bảo dưỡng, cải tiến hiệu suất hoạt động.

Mô hình rút gọn hệ thống quản lý năng lượng PMS của ESTEC, được giới thiệu tại hội thảo.

Doanh nghiệp phải chuyển đổi số để tránh tụt hậu !
Một điểm nhấn của hội thảo là giải pháp chuyển đổi số như thế nào đối với doanh nghiệp là phù hợp ?

 “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp có thể hiểu là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, như: Big data, IoT, điện toán đám mây,… nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp.

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp. Khi ứng dụng chuyển đổi số, sự liên kết thông tin giữa các bộ phận trong doanh nghiệp được kết nối trên nền tảng một hệ thống công nghệ đồng nhất, giúp cho các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được giải quyết ngay khi xảy ra và sự vận hành không bị tắc nghẽn, gây tác động xấu đến hoạt động của doanh nghiệp.

Đến nay, chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng các doanh nghiệp phải tham gia để có thể phát triển và tránh tụt hậu. Trong quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp có 3 trở ngại chính. Đó là công nghệ, nguồn vốn, thách thức từ nhận thức doanh nghiệp. Hội thảo và diễn đàn hôm nay, giúp doanh nghiệp tìm thấy lời giải cho 3 vấn đề vừa nêu”, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh – Giám đốc DECC, phân tích.

Thay mặt VCC, ông Trương Hữu Thắng giới thiệu hệ sinh thái ứng dụng công nghệ thông tin cho yêu cầu chuyển đổi số.

Theo ông Trương Hữu Thắng – đại diện Tổng CTCP Công trình Viettel (VCC) – Chi nhánh Đà Nẵng, trong báo cáo “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp”, trước hết, đơn vị dịch vụ được lựa chọn cần đánh giá năng lực chuyển đổi số của đối tác ở thời điểm hiện tại; bước tiếp theo là xây dựng kế hoạch tác nghiệp chuyển đổi số chi tiết cho doanh nghiệp. Và cuối cùng, nhưng không là cuối cùng, chính là quá trình xem lại quy trình, đánh giá, và cải tiến liên tục. Trong đó, yêu cầu số hóa toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, trên nền tảng triển khai ứng dụng đồng bộ công bộ công nghệ thông tin và quy trình nghiệp vụ lõi, được xem là ưu tiên quan trong của đơn vị dịch vụ.

“VCC chúng tôi có thể xây dựng một hệ sinh thái ứng dụng công nghệ thông tin. Tư vấn các giải pháp, để một doanh nghiệp có thể trở thành một doanh nghiệp số, trên nền tảng sở hữu tài sản dữ liệu, có công cụ hiện đại để phân tích số liệu trong điều hành, tăng năng suất lao động” –  ông Trương Hữu Thắng, nhấn mạnh.

Trong phiên làm việc chiều nay (25/10), DECC đã triển khai khóa đào tạo về “Tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp” với 3 chuyên đề “Giải pháp tiết kiệm năng lượng đối với hệ thống khí nén và động cơ”; “Giải pháp tiết kiệm năng lượng đối với hệ thống nhiệt và lò hơi” và giới thiệu một số nội dung chính cần lưu ý trong quá trình thực hiện Thông tư 25/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thực hiện kiểm toán năng lượng. Báo cáo tại khóa đào tạo, là các Chuyên gia đến từ trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.

DECC đã cấp chứng chỉ tham dự khóa đào tạo cho tất cả các học viên đã tham gia chương trình./.

Cùng với yêu cầu chuyển đổi số, vấn đề hằng ngày mà doanh nghiệp quan tâm là tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí cho sản xuất.

T.Ngọc