Chủ Nhật, Tháng 6 22, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

“Đêm hội áo dài” tại cung An Định, dạ khúc lụa trời trong lòng cố đô



ĐNA -

Huế bước vào mùa hè 2025 với diện mạo mới trong năm đầu tiên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Hòa trong không khí sôi động của Năm Du lịch Quốc gia và Hội nghị Chính quyền địa phương Đông Á lần thứ 14, Huế khai màn mùa lễ hội Festival mùa Hạ bằng “Đêm hội áo dài” tại Cung An Định vào tối 6/6/2025, một điểm nhấn văn hóa đặc sắc, mở ra hành trình hội nhập và phát huy giá trị di sản.

Áo dài, dải lụa nối liền quá khứ và hiện tại
Bắt đầu từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, những dòng người Việt theo bước chân Nam tiến đã đưa theo cả tâm hồn và văn hóa dân tộc. Trong hành trình đó, chiếc áo dài ngũ thân, nền móng của áo dài Việt Nam đương đại đã ra đời. Đến năm 1744, Chúa Nguyễn Phúc Khoát chính thức định chế loại áo này làm trang phục chuẩn mực cho cư dân Đàng Trong. Và rồi vào đầu thế kỷ XIX, Hoàng đế Minh Mạng tiếp tục kế thừa, phát triển, đưa áo dài thành quốc phục của người Việt.

Qua thời gian, dù chịu nhiều tác động từ các trào lưu văn hóa phương Tây, chiếc áo dài vẫn được gìn giữ, đổi mới để trở nên hiện đại, mềm mại hơn mà không đánh mất linh hồn truyền thống. Từ những nếp gấp cổ điển đến đường cắt hiện đại, áo dài hiện nay không chỉ là trang phục của nữ sinh, giáo viên, nghệ sĩ mà còn thể hiện nét văn hóa riêng của Việt Nam trong các sự kiện quốc tế. Không có gì ngạc nhiên khi áo dài thường xuất hiện bên cạnh các nguyên thủ quốc gia, các phu nhân đại sứ, hay các nghệ nhân trên sân khấu toàn cầu như một khúc dạ khúc nhẹ nhàng mà kiêu hãnh của người Việt.

Một đêm nghệ thuật thăng hoa giữa lòng cung điện
Tại Cung An Định, viên ngọc kiến trúc bên bờ sông An Cựu, nơi từng là biệt cung của hai vị hoàng đế Khải Định và Bảo Đại, khán giả sẽ được thưởng thức một không gian trình diễn áo dài chưa từng có: nơi vẻ đẹp của thời gian, lịch sử và nghệ thuật đan cài vào nhau trong từng bước chân, ánh đèn, giai điệu.

Sân khấu của “Đêm hội áo dài” sẽ dẫn dắt người xem xuyên qua các chặng đường lịch sử của tà áo, từ cổ xưa đến hiện đại bằng những bộ sưu tập áo dài độc đáo, sáng tạo, đậm chất truyền thống nhưng không kém phần cách tân. Mỗi tà áo là một nét văn hóa, một hình ảnh quê hương, một hơi thở dân tộc.

Không chỉ dừng lại ở trình diễn thị giác, chương trình còn hòa quyện với âm nhạc và múa, những bản tình ca ngọt ngào, những vũ điệu uyển chuyển như chính nhịp đập mềm mại của lụa là. Câu chuyện áo dài sẽ không chỉ được kể bằng vải vóc, mà bằng cả tiếng lòng của những người yêu Huế, yêu văn hóa Việt Nam.

Giao lưu văn hóa Đông Á, Áo dài Việt Nam sánh bước cùng kimono, hanbok và trường bào
Một điểm nhấn không thể bỏ qua trong chương trình chính là phần giao lưu văn hóa Đông Á, nơi áo dài Việt Nam sánh bước cùng kimono của Nhật Bản; hanbok của Hàn Quốc và Hán phục, trường bào Trung Hoa. Không gian Cung An Định sẽ biến thành một sân khấu lộng lẫy của văn hóa truyền thống khu vực, nơi sự đa dạng tỏa sáng trong hòa hợp, và mỗi quốc phục không chỉ là trang phục mà là văn hóa, lịch sử, tinh thần của từng dân tộc.

Đây cũng là một món quà tinh thần đặc biệt mà Huế gửi tới hàng trăm đại biểu đại diện cho gần 50 thành phố thuộc khối Đông Á, những vị khách quốc tế đang có mặt tại Huế để tham dự hội nghị hợp tác chính quyền địa phương cùng đông đảo du khách và nhân dân địa phương. Từ những tà áo thướt tha đến ánh sáng lung linh của cung điện, “Đêm hội áo dài” chính là cánh cổng mở ra không gian giao lưu, kết nối đầy tính nghệ thuật, thân thiện và sâu sắc.

Từ Festival mùa Hạ đến khẳng định thương hiệu “Kinh đô áo dài Việt Nam”
Là chương trình khai mạc của Festival mùa Hạ 2025, “Đêm hội áo dài” không chỉ mở ra mùa lễ hội sôi động tại Cố đô, mà còn là một dấu ấn quan trọng trong việc khẳng định thương hiệu “Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam”. Qua nhiều năm gìn giữ và sáng tạo, Huế ngày nay không chỉ là nơi lưu giữ hồn cốt của chiếc áo dài truyền thống, mà còn là nơi khởi phát những xu hướng mới, những góc nhìn đương đại về áo dài trong đời sống hiện đại và hội nhập.

Không gian cung An Định rộng gần 23.000 m² sẽ không chỉ là địa điểm tổ chức mà còn là bạn đồng hành, người dẫn chuyện cùng các nghệ sĩ. Phong cách kiến trúc Tân Cổ điển, vẻ đẹp lãng mạn và huyền ảo của nơi từng là biểu tượng sống động của triều Nguyễn sẽ tạo nên khung nền hoàn hảo cho một chương trình nghệ thuật cấp cao, đậm chất văn hóa, mang tầm quốc tế.

“Đêm hội áo dài” không chỉ là một đêm diễn, mà là một khúc nhạc văn hóa trong lòng mùa Hạ cố đô. Một lời chào mừng trân trọng từ Huế, thành phố di sản gửi đến bạn bè khắp Đông Á và thế giới. Một khẳng định nhẹ nhàng mà sâu sắc rằng: Ở Huế, mỗi tà áo dài là một dải lụa nối liền giữa quá khứ với hiện tại, giữa mạch nguồn truyền thống với vận hội mới.

“Đêm hội áo dài” không đơn thuần là một buổi trình diễn thời trang, mà là bản hòa tấu nghệ thuật kể lại hành trình xuyên thời gian của chiếc áo dài, từ chiếc áo ngũ thân mộc mạc nơi đất Đàng Trong xưa, đến biểu tượng thanh lịch, tinh tế và đầy tự hào của bản sắc Việt trên trường quốc tế. Tà áo dài không chỉ tôn vinh vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Việt, mà còn mang đậm khí chất dân tộc, chiều sâu lịch sử và sức sống bền bỉ của một di sản văn hóa. Đó chính là biểu tượng của quyền lực mềm, đưa hình ảnh Việt Nam vươn xa thế giới bằng chính vẻ đẹp đậm đà bản sắc truyền thống.

Hương Bình