Trong dòng chảy văn hóa đặc sắc của Cố đô Huế, văn hóa dân gian là mạch nguồn nuôi dưỡng bản sắc và chiều sâu tâm hồn vùng đất. Góp phần gìn giữ và lan tỏa những giá trị quý báu ấy, Hội Văn nghệ Dân gian TP. Huế đã có một nhiệm kỳ 2020–2025 đầy nỗ lực và sáng tạo, đóng góp thiết thực vào công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong bối cảnh Huế đang chuyển mình mạnh mẽ trở thành đô thị di sản trực thuộc Trung ương.

Trong nhiệm kỳ qua, Hội Văn nghệ Dân gian TP. Huế đã từng bước kiện toàn tổ chức, phát triển đội ngũ hội viên cả về số lượng lẫn chất lượng. Đến nay, Hội có 104 hội viên, trong đó 26 người là hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.
Hội quy tụ đội ngũ trí thức và nghệ nhân giàu kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực, với thành phần chuyên môn đa dạng: 1 Phó Giáo sư, 21 Tiến sĩ, 28 Thạc sĩ, 26 Cử nhân, 5 Nghệ nhân Nhân dân, 17 Nghệ nhân Ưu tú, 4 Nhà giáo Ưu tú, 1 Nghệ sĩ Ưu tú…
Sự hội tụ của những gương mặt tiêu biểu này đã tạo nên nền tảng vững chắc, giúp Hội phát huy vai trò hạt nhân chuyên môn trong công cuộc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân gian Huế.
Tiêu biểu có thể kể đến các ấn phẩm như Làng Huế xưa, Truyện kể dân gian Thừa Thiên Huế, Tín ngưỡng dân gian miền sơn cước, cùng nhiều bài viết về lễ hội truyền thống, tục thờ Mẫu, ca dao Huế, tri thức dân gian trong ẩm thực và y học cổ truyền… được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành, báo trung ương và địa phương.

Nhiều hội viên của Hội Văn nghệ Dân gian TP. Huế còn tham gia thẩm định, cố vấn khoa học cho các hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có những hồ sơ đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Một số hội viên được mời tham gia Hội đồng xét duyệt danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú; đồng thời đảm nhiệm vai trò giảng dạy, truyền dạy tại các lớp đào tạo, tập huấn do thành phố và các đơn vị chuyên môn tổ chức.
Hội Văn nghệ Dân gian TP. Huế cũng tích cực phối hợp tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian, không gian văn hóa cộng đồng và trình diễn nghề truyền thống tại Festival Huế cũng như nhiều sự kiện văn hóa lớn của thành phố. Nhiều hội viên đảm nhiệm vai trò biên soạn kịch bản, đạo diễn và trực tiếp tham gia biểu diễn, góp phần mang đến hơi thở sống động, gần gũi của văn hóa dân gian trong đời sống đương đại.

Có thể khẳng định, những đóng góp thiết thực ấy đã góp phần định hình vị thế của văn nghệ dân gian trong bức tranh văn hóa tổng thể của Huế, một đô thị di sản năng động, hội nhập và sáng tạo.
Bước vào nhiệm kỳ 2025–2030, trong bối cảnh Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và là trung tâm văn hóa – du lịch đặc sắc của cả nước, Hội Văn nghệ Dân gian TP. Huế xác định nhiều phương hướng trọng tâm nhằm đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò trong công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân gian giữa lòng đô thị di sản đang chuyển mình mạnh mẽ.Trước hết, Hội sẽ tiếp tục củng cố tổ chức, phát triển đội ngũ hội viên chất lượng cao, đặc biệt chú trọng phát hiện, kết nạp các hội viên trẻ có trình độ chuyên môn, đam mê nghiên cứu và thực hành văn hóa dân gian. Việc xây dựng lực lượng kế cận là yếu tố sống còn để duy trì sức sáng tạo và bảo tồn di sản một cách bền vững.

Trong nhiệm kỳ 2025–2030, Hội Văn nghệ Dân gian TP. Huế sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sưu tầm và phổ biến văn hóa dân gian bằng nhiều hình thức đa dạng, kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và ứng dụng công nghệ số. Những loại hình có nguy cơ mai một như hát bội, tuồng, trò diễn dân gian, tri thức bản địa hay các tập tục đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được ưu tiên trong kế hoạch hành động.
Hội cũng chủ động tham gia xây dựng hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và quốc tế, qua đó góp phần tôn vinh và lan tỏa giá trị văn hóa Huế trên bản đồ di sản thế giới.

Song song với đó, Hội tiếp tục đồng hành cùng các sự kiện văn hóa – nghệ thuật lớn của thành phố như Festival Huế, Tuần lễ Văn hóa, các chương trình giáo dục di sản trong trường học… nhằm lan tỏa tình yêu và hiểu biết về văn hóa dân gian đến đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Đáng chú ý, Hội sẽ xúc tiến xây dựng tạp chí chuyên đề hoặc bản tin điện tử riêng, vừa là diễn đàn học thuật cho giới nghiên cứu, vừa là kênh truyền thông hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và hiện đại hóa công tác bảo tồn di sản trong giai đoạn mới.

Một định hướng giàu tính nhân văn được Hội Văn nghệ Dân gian TP. Huế xác định trong nhiệm kỳ mới là tiếp tục tôn vinh, biểu dương kịp thời những cá nhân có nhiều đóng góp trong nghiên cứu, gìn giữ và truyền bá văn hóa dân gian.
Hội cũng sẽ triển khai các hình thức hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện kết nối để các nghệ nhân, nhà nghiên cứu phát triển chuyên môn, công bố các công trình có giá trị, qua đó khích lệ tinh thần cống hiến và lan tỏa tình yêu di sản trong cộng đồng.
Có thể nói, trong nhiệm kỳ 2020–2025, vượt qua không ít khó khăn, Hội Văn nghệ Dân gian TP. Huế đã khẳng định vai trò là lực lượng chuyên môn nòng cốt, là cầu nối bền chặt giữa truyền thống và hiện đại, giữa cộng đồng và các thiết chế văn hóa.
Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và dấn thân, Hội bước vào nhiệm kỳ 2025–2030 với tâm thế mới, khát vọng mới, tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những trụ cột quan trọng trong công cuộc bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Cố đô Huế, thành phố di sản đang chuyển mình mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập sâu rộng.
Hương Bình- Minh Anh