Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Di sản Huế với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa

ĐNA -

Chủ quyền biển đảo là vấn đề thiêng liêng của Tổ quốc. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nhiệm vụ bảo vệ giữ gìn chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ sống còn của các triều đại quân chủ Việt Nam. Kể từ khi nước nhà giành lại được nền độc lập tự chủ cho đến nay, vấn đề chủ quyền biển đảo luôn luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Trong những năm gần đây, vấn đề chủ quyền biển đảo ở khu vực Biển Đông đang là đề tài nóng trên nhiều diễn đàn quốc tế và trong nước, do những tuyên bố và hành động của Trung Quốc đối với vùng biển và các đảo, quần đảo ở Biển Đông, đi ngược lại với thông lệ và luật pháp quốc tế, xâm phạm và ảnh hưởng tới quyền lợi của các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Cùng với những tư liệu lịch sử liên quan đến chủ quyền biển đảo đã được công bố trong thời gian qua, các di sản về chủ quyền biển đảo được phát hiện, lưu giữ tại Thừa Thiên Huế góp phần khẳng định Việt Nam đã có quá trình khai phá, xác lập, quản lý và thực thi chủ quyền biển đảo, đặc biệt trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách liên tục qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Bài viết của TS. Phan Thanh Hải và TS. Trần Văn Dũng (Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh  Thừa Thiên Huế) phân tích và nhận diện giá trị một số di sản về chủ quyền biển đảo ở Thừa Thiên Huế để đề xuất một số định hướng, giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản này trong bối cảnh đương đại.

Đơn trình của phường Mỹ Toàn
(Nguồn: Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế)

Từ giá trị di sản chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa ở Thừa Thiên Huế
Đơn trình của phường Mỹ Toàn về chiếc ghe của đội Hoàng Sa
Đình làng Mỹ Lợi (thuộc xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc) nổi tiếng không chỉ về bề dày lịch sử, văn hóa, đây còn là nơi lưu giữ một văn bản Hán Nôm giải quyết vụ kiện tụng giữa phường Mỹ Toàn (tên xưa của làng Mỹ Lợi) và phường An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang) về chiếc ghe của đội Hoàng Sa được lập cách đây hơn 260 năm, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam.

Nội dung văn bản quý này cho biết vào năm 1743, phường An Bằng bắt phường Mỹ Toàn kéo chiếc ghe của đội Hoàng Sa bị nạn trôi dạt vào bờ biển chỗ giáp ranh giữa 2 phường. Đến năm 1758, phường An Bằng cũng không chịu cùng phường Mỹ Toàn đem nộp vỏ chiếc ghe ấy. Qua năm 1759, làng Mỹ Toàn làm tờ đơn trình lên quan trấn thủ cửa Biện Hải (nay là cửa Tư Hiền) phân xử. Kết quả làng An Bằng phải đền tiền thuê công vận chuyển chiếc ghe của đội Hoàng Sa và các khoản thuế khác cho phường Mỹ Toàn (1).  Đây là bằng chứng quan trọng góp phần minh chứng một cách rõ nét cho các ghi chép trong sử sách về các hoạt động khai thác và kiểm soát của đội Hoàng Sa trên biển Đông ngay dưới thời kỳ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Chuông đồng và bài vị ngài Cai đội Đội Hoàng Sa tại chùa Tiên Linh (Nguồn: Tác giả)

Tư liệu, hiện vật liên quan đến Cai đội Hoàng Sa Nguyễn Hữu Niên
Chùa Tiên Linh tọa lạc tại làng An Nông, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc. Chùa được xây dựng dưới triều vua Minh Mạng. Chùa hiện đang lưu giữ một số hiện vật liên quan đến vị Cai đội Hoàng Sa Nguyễn Hữu Niên như: Văn chuông chùa khắc ghi Hội thủ là Nguyễn Hữu Niên chức Cai đội tước Niên Trường hầu; Bài vị hiện thờ tại hậu điện chùa cũng đề dòng chữ: Bài vị của ngài Cai đội Đội Hoàng Sa tước Hiến đức hầu. Bên canh đó, dòng họ Nguyễn Hữu làng An Nông hiện cũng đang cất giữ một số văn bản Hán Nôm liên quan đến Cai đội Hoàng Sa Nguyễn Hữu Niên như: Gia phả ghi chép đời thứ 9 Tiên tổ khảo là ngài Nguyễn Hữu Niên trước làm quan triều Tây Sơn chức Đại Đô Úy, sau đến đầu triều Nguyễn được ban phong chức Khâm sai Cai đội tước Sách Trường hầu, kỵ ngày 16 tháng 3, mộ táng tại Cồn Bàng, danh tước ngài Tiên tổ do chùa bản xã (An Nông) thờ phụng và hồng chung khắc ghi. Ngoài ra, dòng họ Nguyễn Hữu còn lưu giữ hai văn bản gồm: Một tờ Sai gửi cho Cai đội Nguyễn Hữu Niên bố trí làm Khâm sai Cai đội tước Niên Trường hầu vào ngày 22 tháng 8 Gia Long năm thứ nhất (1802) và một tờ Sắc của triều đình Huế gửi Cai đội Nguyễn Hữu Niên quê quán làng An Nông được thuyên chuyển làm Hầu lái Cai đội tước Niên Trường hầu vào ngày 25 tháng 11 Gia Long năm thứ nhất (19/12/1802) (2). Điều này cho thấy, với tài năng và đức độ của mình, dù cho triều đại có sự thay đổi nhưng Nguyễn Hữu Niên vẫn được trọng dụng và bổ dụng vào những chức vụ quan trọng, đặc biệt triều đình nhà Nguyễn cho ông lãnh chức Cai đội Hoàng Sa.

Qua những tư liệu, hiện vật liên quan đến ngài Nguyễn Hữu Niên cho thấy, dưới thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn, triều đình không chỉ bổ dụng người Quảng Ngãi giữ chức vụ Cai đội Hoàng Sa mà còn tiến cử người Thừa Thiên Huế nắm giữ chức vụ quan trọng này nhằm thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và khai thác sản vật của biển.

Cửa biển Thuận An và Đông Hải- biển phía Đông nước Việt trên Cửu đỉnh

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Cửu đỉnh
Cửu đỉnh là 9 đỉnh đồng được đúc từ năm 1835, hoàn thành 1837 dưới triều vua Minh Mạng (1820-1841). Niên đại, trọng lượng từng đỉnh được khắc ở vành miệng. Đỉnh nặng nhất là Cao đỉnh (khoảng 2.600kg), nhẹ nhất là Huyền đỉnh (khoảng 1.930kg). Trên thân mỗi đỉnh đều được trang trí 17 hình đúc nổi và 2 chữ Hán mang tên đỉnh, ứng với miếu hiệu của các vị vua được thờ trong Thế Miếu. Mặc dù Cửu đỉnh thống nhất về hình dáng, tương đương về trọng lượng nhưng giữa các đỉnh có sự đa dạng, phong phú về kiểu thức và chủ đề trang trí, thể hiện sự bao quát các hình ảnh của vũ trụ, sinh vật, thực vật, địa danh sông núi, đồ tạo tác…, tượng trưng cho sự thống nhất đất nước, sự chính thống và bền vững của triều đại. Vua Minh Mạng cho rằng: “Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc 9 cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thật to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa; đúc 9 cái đỉnh để ở nhà Thế miếu… Đó là để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau” (3).

Đà Nẵng hải khẩu- cửa biển Đà Nẵng  và Hải đạo- thuyền đi biển thời Nguyễn trên Cửu đỉnh

Cửu đỉnh là đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam vào thế kỷ XIX, đồng thời là bảo vật khẳng định thông điệp về chủ quyền biển đảo độc đáo, sống động của vua Minh Mạng muốn gửi đến các thế hệ hôm nay và mai sau. Các hình ảnh được thể hiện trên Cửu đỉnh như: Đông Hải (chỉ vùng biển phía Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong Biển Đông có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) được khắc vào Cao Đỉnh là đỉnh lớn nhất trong Cửu đỉnh; Nam Hải (vùng phía Nam thuộc chủ quyền nước ta) được khắc vào Nhân đỉnh và Tây Hải (vùng biển nằm về phía Tây thuộc chủ quyền nước ta) được khắc vào Chương đỉnh, đây cũng là 3 đỉnh lớn nhất biểu trưng cho ba vị vua đầu tiên của triều Nguyễn (Vua Gia Long, vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị). Ba vùng biển Việt Nam được khắc trên Cửu đỉnh với hình ảnh nước biển nhấp nhô, ẩn hiện rất nhiều đảo lớn nhỏ, chính giữa hình ảnh là đại tự khắc nổi ghi tên mỗi vùng biển Đông Hải, Nam Hải, Tây Hải. Bên cạnh đó, ở Cửu đỉnh còn khắc nổi các thuyền đi biển, thuyền tuần tiễu, thuyền chiến, hệ thống đồn lũy, cửa trấn ven biển như cửa biển Thuận An, Cần Giờ, Đà Nẵng… đều được khắc trên Cửu đỉnh. Điều đó cho thấy, vua Minh Mạng đã xác định biển đảo có một vị trí quan trọng, thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế và chính sách an ninh quốc phòng. Nhận thức về vị trí của biển và mối lo ngại về việc có thể bị tấn công từ phía biển nên nhà vua đã luôn ý thức được việc bố phòng cẩn mật tại bờ biển thì việc thực thi chủ quyền trên biển đảo cũng thường xuyên được tiến hành bằng nhiều chính sách khác nhau.

Ngoài ra, Cửu đỉnh thể hiện hiện trình độ đúc đồng tinh xảo của những người thợ thủ công, với 162 họa tiết chạm khắc nhiều chủ đề khác nhau trên Cửu đỉnh, cùng nhiều giá trị ẩn sâu phía sau đã đưa Cửu đỉnh vượt ra ngoài tầm vóc của quốc gia. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp. Vì vậy vào ngày 08/05/2024 tại Kỳ họp thứ 10 diễn ra ở Thành phố Ulan Bator (Mông Cổ), “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” đã được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO.

Tây hải: vùng biển phía tây (tây nam) nước Việt, Nam hải: vùng biển phía nam nước Việt và Cần Giờ hải khẩu: cửa biển Cần Giờ khắc trên Cửu đỉnh

Hai tờ châu bản thời vua Bảo Đại
Phủ thờ Ngọc Sơn công chúa (tọa lạc tại số 31 Nguyễn Chí Thanh, TP. Huế) được xây dựng vào năm 1921 dưới thời vua Khải Định, là nơi thờ Ngọc Sơn công chúa (con vua Đồng Khánh, em vua Khải Định và là cô ruột vua Bảo Đại) và cũng là tư dinh của phò mã Nguyễn Hữu Tiễn. Nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã phát hiện tại phủ thờ vẫn còn lưu giữ hai châu bản có liên quan đến việc thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa dưới triều vua Bảo Đại. Nội dung của tờ châu bản thứ nhất đề ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (3/2/1939) là một tờ phiến do Tổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh dâng lên vua Bảo Đại xin phê chuẩn việc tặng huy chương Long tinh hạng 4 cho viên Chánh cai đội hạng nhất người Pháp tên là Louis Fontan vừa mất vì bệnh sốt sau một thời gian cùng đội lính Khố xanh công tác tại quần đảo Hoàng Sa. Bản tấu đã được nhà vua chuẩn y. Kèm theo tờ châu bản này còn có bản sao tờ văn thư của Khâm sứ Trung Kỳ đề nghị Ngự Tiền Văn Phòng tâu xin vua Bảo Đại truy tặng huy chương cho viên Cai đội Louis Fontan. Còn nội dung của tờ châu bản thứ hai ghi ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (15/2/1939) là một bản tấu của Tổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh dâng lên vua Bảo Đại xin phê chuẩn việc tặng thưởng Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính Khố xanh vì họ đã có nhiều công lao trong việc dẹp loạn ở miền núi và lập đồn phòng thủ ở quần đảo Hoàng Sa. Bản tấu đã được vua Bảo Đại chuẩn y (4).

Châu bản là khối tài liệu hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền quân chủ triều Nguyễn (1802-1945), trong đó triều vua Bảo Đại là 1 trong 11 triều vua nhà Nguyễn còn lưu giữ được tài liệu Châu bản. Đây là các văn bản hành chính chính thức của triều đình nhà Nguyễn, có châu phê của Hoàng đế và ấn tín các cơ quan nhà nước, là những văn bản mang tính pháp lý cao nhất của quốc gia theo chế độ quân chủ tập quyền. Do đó, nó có giá trị lịch sử và giá trị pháp lý mạnh, sức thuyết phục cao về chủ quyền quốc gia Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Qua hai châu bản nêu trên cho thấy trong một thời gian ngắn đã có tới hai châu bản liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa được triều đình Huế ban hành. Dù trong bối cảnh đó, Nam triều đang thuộc sự bảo hộ của Pháp nhưng những người lính đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa về đều được trọng thưởng xứng đáng với công lao của họ. Thậm chí khi những người Pháp đang thi hành công vụ tại Hoàng Sa mà chẳng may qua đời thì cũng được xét truy tặng. Điều này chứng tỏ vua Bảo Đại vẫn luôn tìm cách để khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong hải giới của Việt Nam. Đồng thời, chứng tỏ cho đến trước một tháng quân Nhật tuyên bố đã kiểm soát quần đảo Hoàng Sa (31/3/1939), thì quần đảo Hoàng Sa vẫn thuộc chủ quyền và quyền kiểm soát liên tục của Việt Nam. Vì vậy, hai châu bản này là những chứng cứ vô cùng quan trọng khẳng định sự thực thi liên tục chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa trong lịch sử.

Tờ châu bản gốc có chữ ký của vua Bảo Đại khen thưởng cho đội lính Khố xanh có công phòng thủ ở đảo Hoàng Sa. (Nguồn: NNC. Phan Thuận An)

Bộ hồ sơ Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa 1955
Bộ hồ sơ được mang tên “Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa 1955” do Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh Thừa Thiên Huế tìm thấy trong kho lưu trữ lịch sử III (hồ sơ tiếp quản từ chế độ cũ trước năm 1975) của chi cục. Bộ hồ sơ gồm 10 trang tài liệu (4 trang tiếng Việt và 6 trang tiếng Pháp), với nội dung đề nghị và phê chuẩn việc sửa chữa Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa năm 1955. Bộ hồ sơ này là tài liệu gốc với đầy đủ chữ ký, con dấu và bút tích xử lý công việc của các quan chức liên quan trong ngành giao thông công chánh, khí tượng và tài chánh đương thời, cho thấy Việt Nam đã thực thi chủ quyền đầy đủ trên quần đảo Hoàng Sa lúc bấy giờ. Nhóm văn bản tiếng Pháp, gồm hai loại văn bản: 1. Báo cáo việc sửa chữa Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa, của Ty Khí tượng Quảng Nam đóng tại Đà Nẵng, có ký tên, đóng dấu và bút phê qua từng cấp trình duyệt (gồm 3 trang văn bản); 2. Bảng chiết trù kinh phí kèm theo báo cáo, cũng do Ty Công chánh Quảng Nam lập, có ký tên, đóng dấu và bút phê qua từng cấp trình duyệt (3 trang tài liệu). Nhóm văn bản tiếng Việt, gồm 4 trang văn bản, có 3 nội dung như sau: Trang văn bản đầu chỉ có nội dung tỉnh Quảng Nam công thự – Trụ sở Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa (Pattle) Iles des Paracels; 2 văn bản của Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng do kỹ sư khí tượng người Pháp tên H.CECILION ký tên, đóng dấu gửi Quận trưởng Quận Công chánh Bắc Trung Việt (tại Huế) và Trưởng ty Công chánh Quảng Nam, yêu cầu xúc tiến việc sửa chữa Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa, như đã phê duyệt. Văn bản cuối cùng là bản sao công văn của Nha Giám đốc khí tượng Việt Nam (ở Sài Gòn) gửi Trưởng khu Công chánh Huế về công tác tu bổ công sự khí tượng tại Đà Nẵng và quần đảo Hoàng Sa, có nội dung điều chỉnh một số hạng mục và kinh phí tu sửa Ty Khí tượng Đà Nẵng và Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa (5).

Qua bộ hồ sơ nêu trên cho thấy, trong thời kỳ Việt Nam tạm thời chia 2 miền Nam Bắc, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 nên các chính thể ở miền Nam Việt Nam, với tư cách là những chính thể có tư cách pháp lý trong quan hệ quốc tế, đã tiếp tục bảo vệ và quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1954 đến 1975. Các chính thể miền Nam Việt Nam đã liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước, cũng như bằng việc triển khai thực thi chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này.

Bản sao công văn số GĐ/1052/C/VL ngày 16/8/1966 của Nha Giám đốc Khí tượng Việt Nam gửi Trưởng Khu Công chánh Huế. (Nguồn: Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh Thừa Thiên Huế)

Hai cột mốc đá phân vùng đánh cá thời vua Minh Mạng
Trong chiều dài lịch sử khai phá và xây dựng làng Phụ An và Vinh Hòa nằm ven hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc) tiếp giáp với cửa biển Tư Hiền đã từng đón nhiều chiến thuyền đội Hoàng Sa để thực hiện nghĩa vụ hỗ trợ lương thực của các địa phương ven biển và đầm phá đối với hoạt động của đội Hoàng Sa khi đi biển qua cửa Tư Hiền rồi lên Kinh thành Phú Xuân trình nộp các sản vật quý đã khai thác được cho triều đình. Hiện nay, hai ngôi làng này vẫn còn bảo tồn hai cột mốc đá phân vùng đánh cá thời vua Minh Mạng. Đây là mốc giới quyền đánh cá trên mặt nước hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai của cư dân làng cổ sống ven cửa biển Tư Hiền và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai dưới thời vua Minh Mạng để khai thác nguồn lợi thủy sản, môi trường thủy sinh.

Hiện vật cột mốc đá thứ nhất được Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản Thừa Thiên Huế phát hiện tại Gành Lăng (thuộc xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) vào năm 2012. Đặc điểm cột mốc đá có bề mặt bên phải khắc dãy dòng chữ Hán: “Minh Mạng nguyên niên ngũ nguyệt nhị thập bát nhật” (Ngày 28 tháng 5 năm Minh Mạng thứ nhất – ngày 8/7/1820); mặt chính khắc các chữ Phao Võng, Tăng Sà, Thủy Bạn tam xã thủy diện… (tạm dịch là 3 làng chài thủy diện Phao Võng, Tăng Sà, Thủy Bạn…). Các chữ dưới cùng của cột đá do bị mờ chữ, mất nét nên chưa đọc được.

Hiện vật cột mốc đá thứ hai được chúng tôi phát hiện tại làng Phụ An (thuộc thôn Hiền Hòa 2, xã Vinh Hiền, Phú Lộc) vào năm 2016. Kết quả khảo sát cho thấy, cột mốc nằm ở vị trí thấp trũng, bị cỏ mọc phủ kín, trong khu tái định cư của các hộ dân bị ảnh hưởng vùng sạt lở ở 2 xã Vinh Hiền và Lộc Bình. Nhìn vào hiện trạng cột mốc đá có thể thấy một nửa cột mốc đá đã bị chôn sâu dưới đất cát do phù sa bồi đắp hàng trăm năm. Phần cột mốc đá trên mặt đất có chiều cao 64cm, rộng 38cm và dày 13cm. Mặt chính của cột đá bị nước và thời gian bào mòn nên không còn thấy rõ chữ, còn phía mặt bên chữ còn khá rõ: “Minh Mạng nguyên niên ngũ nguyệt nhị thập bát nhật (Ngày 28 tháng 5 năm Minh Mạng thứ nhất – ngày 8/7/1820).

Qua hai hiện vật cột mốc đá nêu trên, chúng ta nhận thấy vào năm 1820, vua Minh Mạng đã ban hành lệnh cắm mốc giới trên toàn bộ vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai nhằm phân chia rất rõ ràng về quyền đánh cá trên mặt nước của các làng ven đầm phá, cửa biển nhằm phát huy tính hiệu quả trong việc quản lý, khai thác ngư trường đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á dưới triều Nguyễn.

Cột mốc đá tại Gành Lăng, xã Lộc Bình và Cột mốc đá tại thôn Hiền Hòa 2, xã Vinh Hiền. (Nguồn: Ảnh tác giả)

Đến phát huy giá trị di sản góp phần khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
Từ thời các chúa Nguyễn tiếp đến thời Tây Sơn rồi đến hết triều nhà Nguyễn, nhà nước Việt Nam đều liên tục quan tâm đến biển Đông và từng bước xác định vững chắc chủ quyền vùng biển đảo của đất nước thông qua việc liên tục cử người ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ… Vì vậy, những tư liệu lịch sử liên quan đến việc thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do các nhà nghiên cứu đã dày công tìm kiếm, sưu tầm, tập hợp trong thời gian qua ở Thừa Thiên Huế nói riêng và trong cả nước nói chung đã đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trong bối cảnh hiện nay. Lịch sử khai phá, xác lập, quản lý và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được phản ánh đậm nét trong các bản đồ quốc gia, tài liệu chính sử của nhà nước Việt Nam và các nguồn tư liệu thành văn, bản đồ quốc tế được sao chụp, in ấn và phát hành rộng rãi trong và ngoài nước như một bằng chứng hùng hồn để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa từ lâu đã là một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ bàn giao các văn bản gốc quý giá liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã được phát hiện tại Thừa Thiên Huế cho Bộ Ngoại giao để bổ sung vào hồ sơ tư liệu lịch sử về chứng cứ pháp lý không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm liên quan đến chủ quyền biển đảo tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như: Năm 2014, tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển Vùng 2 tổ chức triển lãm “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”; Năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; Năm 2019, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức triển lãm “Ảnh nghệ thuật chủ đề Biển, đảo quê hương”… Các cuộc trưng bày, triển lãm này đã cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ, người dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài những bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý vững chắc, khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khích lệ tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia trong công chúng. Đồng thời, qua các cuộc trưng bày, triển lãm và công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, công chúng có thể thấy được giá trị nổi bật của di sản về chủ quyền biển đảo ở Thừa Thiên Huế chính là những thông tin, tư liệu gốc quý giá khẳng định quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Để di sản về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Thừa Thiên Huế được bảo tồn và phát huy các giá trị một cách có hiệu quả trong đời sống đương đại cần thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất, nghiên cứu phương án xây dựng không gian trưng bày về “Quá trình xác lập chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế. Đây là nơi trưng bày, giới thiệu và tuyên truyền cho đông đảo nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế về những thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong lịch sử. Đây cũng là minh chứng mạnh mẽ về sự thật và công lý trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như trên Biển Đông qua các bằng chứng lịch sử, pháp lý, cổ vũ tinh thần đấu tranh, ý chí bảo vệ chủ quyền trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời, việc xây dựng không gian trưng bày về quá trình xác lập chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hoạt động ý nghĩa nhằm hệ thống hóa các tài liệu pháp lý có liên quan, các công trình nghiên cứu hướng tới xây dựng thiết chế văn hóa này trở thành một Trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Khi không gian trưng bày này được xây dựng hoàn thành sẽ phục vụ công tác học tập, nghiên cứu, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là học sinh, sinh viên, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Thứ hai, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về di sản chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Thừa Thiên Huế để làm cơ sở xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích đảm bảo các tiêu chí công nhận di tích của Luật Di sản văn hóa nhằm sớm có sự bảo vệ của luật pháp. Trước mắt cần nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng di tích một số công trình có giá trị như chùa Tiên Linh, phủ thờ Ngọc Sơn công chúa,…

Thứ ba, nghiên cứu ban hành các đề án, kế hoạch nhằm giới thiệu, phổ biến một cách sống động nội dung thông tin lưu trữ trong các di sản về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Thừa Thiên Huế tại các triển lãm, hội nghị, diễn đàn ở trong và ngoài nước, góp tiếng nói vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thứ tư, do Thừa Thiên Huế đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với chiến tranh, loạn lạc cho nên nhiều khối tư liệu có giá trị đã bị thất lạc. Chắc chắn hiện có nhiều di sản tư liệu liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn đang được cất giữ ở các nơi thờ tự hay tại các nhà dân vì vậy cần triển khai công tác nghiên cứu, kiểm kê sưu tầm một cách có hệ thống nhằm phát hiện, bảo quản các di sản về chủ quyền biển đảo có giá trị.

Thứ năm, phát huy vai trò giám sát của xã hội, của cộng đồng. Di sản về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tồn tại trong đời sống cộng đồng và chỉ có thể được bảo vệ, gìn giữ bởi cộng đồng. Nhân dân là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Thừa Thiên Huế một cách bền vững. Bởi vậy, điều quan trọng là phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; nâng cao niềm tự hào, vinh dự của người dân, để cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ di sản.

Thứ sáu, chính quyền địa phương cần phối hợp cùng nhà trường để lựa chọn những di sản về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có tầm quan trọng và mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa như: Đình Mỹ Lợi, chùa Tiên Linh, phủ thờ Ngọc Sơn công chúa, Nhà thờ và lăng mộ Cai đội Hoàng Sa Nguyễn Hữu Niên… để đưa vào thực hiện chương trình “Phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực” hoặc tổ chức các chuyến tham quan thực tế đến các di sản này để tạo môi trường cho học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ di sản, đây là một trong những giải pháp mang tính lâu dài và bền vững. Từ việc tìm hiểu, chăm sóc các di sản về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ giáo dục thế hệ trẻ hôm nay biết yêu biển đảo quê hương, có tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc.

Các di sản liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam được phát hiện, lưu giữ ở Thừa Thiên Huế có vai trò rất quan trọng trong việc minh chứng cho quá trình khai phá, xác lập, quản lý và thực thi chủ quyền của Việt Nam trong lịch sử đối với biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, đây là những tư liệu, hiện vật độc bản có giá trị văn hóa – lịch sử đặc sắc, quý giá không chỉ của cư dân xứ Huế mà của cả dân tộc, nhất là đối với những giá trị văn hóa biển đảo của Việt Nam.

TS. Phan Thanh Hải và TS. Trần Văn Dũng/Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh  Thừa Thiên Huế

Chú thích:
1. Lê Nguyễn Lưu (2009), “Chiếu ghe của đội Hoàng Sa”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Số 4 (75), Huế, tr. 92. Xem thêm Bảo tàng Văn hóa dân gian Huế (2008), Văn bản Hán nôm làng xã vùng Huế – Nghiên cứu, tuyển tập, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 259 – 260.

2. Tấn Chính (2011) “Phát hiện hai tư liệu gốc về Cai đội Đội Hoàng Sa Nguyễn Hữu Niên”, Báo điện tử Thừa Thiên Huế đăng ngày 6/12/2011.
3. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 4, Bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.792.
4. Phan Thuận An (2009), “Một tờ châu bản thời Bảo Đại liên quan đến đảo Hoàng Sa”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Số 4 (75), Huế, tr. 87.
5. Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (2010), “Giới thiệu bộ hồ sơ “Ty khí tượng tại đảo Hoàng Sa” vừa phát hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Số 4 (81), Huế, tr. 67.