(Đà Nẵng). Trong khi đó, Trường Đại học Kinh tế (DUE) – Đại học Đà Nẵng * là điểm sáng hợp tác với các trường Đại học trong mạng lưới AUN (Asean University Network). PGS.TS Lê Văn Huy – Hiệu trưởng Nhà trường cho hay, đến nay, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng đã chính thức ký kết hợp tác với 14 trường Đại học thuộc các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó nhiều nhất là Thái Lan: 4 và Indonesia: 4 .
Biên bản ghi nhớ hợp tác với Đại học Kalasin, Thái Lan, chính thức ký ngày 16/9/2024, đánh dấu bước tiến quan trọng trong tăng cường hợp tác quốc tế giữa 2 trường, làm sâu sắc hiểu biết, nâng cao năng lực và mở rộng hiểu biết về nền văn hóa của nhau. Mở ra nhiều cơ hội mới cho sinh viên và giảng viên trong trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học, khi cơ hội trải nghiệm môi trường học tập-giảng dạy quốc tế cao hơn. Đại diện Đại học Kalasin, nhấn mạnh rằng mỗi chương trình hợp tác đào tạo, nếu được phát triển mạnh mẽ sẽ nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng cơ hội học tập cho sinh viên trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là giữa các đối tác của quốc gia thành viên ASEAN, thể hiện tầm quan trọng của mở rộng hợp tác quốc tế ngay trong khu vực, thúc đẩy phát triển bền vững của mỗi đại học.

Hiện thực hóa nội dung hợp tác, ngày 24/2/2025, Đại học Kalasin (Thái Lan) đã cử đoàn sinh viên đầu tiên đến giao lưu tại DUE. Cộng đồng sinh viên cả 2 Trường nhìn nhận rằng, họ đã có cơ hội học hỏi và mở rộng tầm nhìn khi sinh viên Đại học Kalasin mang đến những chia sẻ đầy màu sắc về đất nước Thái Lan và học hiệu của mình; còn sinh viên DUE thì giới thiệu về Việt Nam, miền Trung, về Đà Nẵng và “trường đại học của chúng tôi”. Gần 2 tháng sau đó (ngày 22/4/2025), các học viên Cao học của Trường Đại học Kalasin tiếp tục đến giao lưu và mang theo, chia sẻ những bài thuyết trình hấp dẫn về các xu hướng mới trong nghiên cứu quản lý giáo dục. Đặc biệt là vai trò (của Giáo dục – Đào tạo) đối với tăng trưởng kinh tế, với góc nhìn thực tiễn từ đất nước Thái Lan. Sinh viên nước chủ nhà đã nhìn nhận: Thông tin đã làm phong phú thêm hiểu biết của chúng em rất nhiều.
Sau Đại học Kalasin, DUE đã tiếp tục ký kết hợp tác (ngày 21/3/2025) với Trường Đại học Udon Thani Rajabhat, (Thái Lan). Biên bản ghi nhớ thể hiện: 2 Trường nhất quán với các nội dung hợp tác thúc đẩy các hoạt động trao đổi giảng viên và sinh viên ; Phát triển chương trình liên kết bậc đại học, sau đại học và thực tập ; Phối hợp tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề và sự kiện học thuật ; Nghiên cứu khoa học ; cùng tổ chức hoạt động giao lưu học thuật, văn hóa. “Quan hệ hợp tác này mang lại những cơ hội học tập và nghiên cứu quý giá cho sinh viên và giảng viên hai bên” – PGS.TS. Kanisara Thanyasunthornsakun – Giám đốc Đại học Udon Thani Rajabhat, nhấn mạnh.
Trong quan hệ hợp tác với Thái Lan, một mốc son đáng nhớ, là DUE đã đón tiếp đoàn đại biểu đến từ Tổng Văn phòng Công tố Thái Lan, do Tiến sĩ Sonthaya Kruewate – Phó Tổng Giám đốc, Viện Đào tạo Công tố Vương quốc Thái Lan làm trưởng đoàn, đến thăm và làm việc. Hai bên trao đổi nhiều về cơ hội hợp tác, như trao đổi sinh viên Khoa Luật (giữa 2 phía) ; Nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên hai nước có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau; Hợp tác nghiên cứu. Đặc biệt, các nhà khoa học của hai bên cùng trao đổi và thực hiện dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực pháp luật. Dịp này, DUE chính thức có lời lời mời giảng viên Viện Đào tạo Công tố Vương quốc Thái Lan, sang Việt Nam tham gia giảng dạy và cùng tham gia hoạt động học thuật.

Ngoài chuyên ngành Luật, phát huy thế mạnh của mình, DUE cũng đã giới thiệu về chuyên ngành quản trị chuỗi cung ứng và logistics với Học viện King Mongkut’s Institute of Technology Ladkrabang, Thái Lan, khi Đoàn sang thăm và làm việc. “Chuyên ngành Quản trị chuỗi cung ứng và Logistics của Trường chúng tôi, có nội dung đào tạo liên quan đến mạng lưới kết nối chuỗi theo nhiều quy trình khác nhau, nền tảng kiến thức lý thuyết luôn có sự kết gắn, thiết kế nội dung giảng dạy, dựa trên khả năng ứng dụng cao vào thực tiễn. Sinh viên có cơ hội được tương tác, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, được trải nghiệm thực tế hoạt động quản trị trên chuỗi cung ứng”. TS. Lê Thị Minh Hằng – Phó trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, DUE cho biết.
Trên cơ sở đó, đại diện Học viện King Mongkut’s Institute of Technology Ladkrabang, Thái Lan đã đề nghị phối hợp triển khai sớm, hoạt động trao đổi sinh viên vào dịp Hè ở ngay từ năm nhất, vì sinh viên ở Học viện đều muốn học thêm một ngành và được tham gia các chương trình trao đổi. Hai bên đi đến thống nhất, trước mắt, hai trường sẽ kết nối các chương trình thuộc các lĩnh vực chuyên môn là thế mạnh của cả hai bên.
Trao đổi giảng viên 2 chiều
Trong khuôn khổ chương trình trao đổi học giả với trường đối tác (Đại học Surabaya, Indonesia), chiều ngày 7/9/2023, các bạn sinh viên khoa Kế toán (trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng) đã có buổi học, lưu lại nhiều ấn tượng với giảng viên nước ngoài, đến từ một quốc gia Đông Nam Á: GS.TS. Dedhy Sulistiawan, Trưởng Khoa Kế toán – Đại học Surabaya, Indonesia. Các bạn sinh viên đã có một buổi học đầy thú vị, hiểu rõ hơn về ngành nghề của mình, tìm hiểu được cơ hội nghề nghiệp, xác định hành trang cần chuẩn bị cho mình, để sau khi tốt nghiệp là “hội nhập” vào cơ hội nghề nghiệp ngành kế toán.
Với chủ đề Management accounting in Indonesia (Kế toán quản trị ở Indonesia), GS.TS. Dedhy Sulistiawan đã có bài giảng về Role of management accounting in the industry (Vai trò của kế toán quản trị trong chuyên ngành) ; Career opportunities for graduates (Cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp). Diễn giả nhận định rằng, dịch vụ của kế toán là vô cùng quan trọng trong mọi xã hội. Kế toán hỗ trợ người dân và chính phủ trong một quốc gia bằng cách lưu giữ hồ sơ và báo cáo tài chính, lập kế hoạch ngân sách và tài chính, kiểm soát và kiểm toán nội bộ, phát hiện gian lận… Kế toán đóng một vai trò quan trọng trong thế giới tài chính và kinh doanh, cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ quan trọng,giúp doanh nghiệp phát triển và thành công.

GS.TS. Dedhy Sulistiawan cũng đưa ra đánh giá rằng, nhiều quốc gia khác nhau đang phải đối mặt với tình trạng thiếu kế toán viên, trong đó, Top 8 quốc gia thiếu kế toán viên nhiều nhất gồm Mỹ, Canada, Australia, Đức, Pháp.
Ở chiều ngược lại, trong khuôn khổ nội dung hợp tác trao đổi giảng viên với các trường đại học trên thế giới, vào quý I năm 2023, TS. Phùng Nam Phương – Phó trưởng Khoa Kinh doanh quốc tế (DUE) cũng đã có chuyến công tác đến Trường đại học Tunku Abdul Rahman (Malaysia). Tại chuyến công tác lần này, TS. Phùng Nam Phương đã gặp gỡ lãnh đạo Trường Đại học Tunku Abdul Rahman, thảo luận và trao đổi các vấn đề liên quan đến quan hệ hợp tác giữa hai trường.
Trường Đại học Tunku Abdul Rahman (TAR UMT) là một trong những đối tác chính của DUE tại khu vực Đông Nam Á trong các hoạt động: Trao đổi giảng viên và các nhà nghiên cứu và Trao đổi sinh viên (các dự án ngắn hạn và dài hạn, bao gồm: study-tour, thực tập…).
Ngoài trao đổi, bàn thảo các thỏa thuận hợp tác, TS. Phùng Nam Phương đã thực hiện 5 chuyên đề giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành Kinh doanh quốc tế, Quản trị chuỗi cung ứng, Quản trị nguồn nhân sự của Đại học Quản trị và Công nghệ Tunku Abdul Rahman University (Malaysia). “Thông qua các chuyên đề mà tôi trực tiếp giảng dạy, sinh viên Malaysia hiểu biết thêm về quá trình chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam; Đầu tư trực tiếp nước ngoài và vấn đề phát triển kinh tế ở Việt Nam; Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Ảnh hưởng của khác biệt văn hóa đến hoạt động kinh doanh quốc tế tại Việt Nam và Tác động của môi trường văn hoá đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam”, TS. Phùng Nam Phương chia sẻ.

Trong trao đổi Giảng viên 2 chiều, đã có 3 Giảng viên trường đại học nước bạn sang dạy, nói chuyện chuyên đề tại trường, gồm: GS.TS. Dedhy Sulistiawan, Giáo sư trường Đại học Surabaya (Indonesia); PGS.TS. Felizia Arni Rudiawarni, Giảng viên trường Đại học Surabaya (Indonesia); và PGS.TS. Khoong Tai Wai, Phó Trưởng Khoa Kế toán, Tài chính và Kinh doanh, trường Đại học Quản trị và Công nghệ Tunku Abdul Rahman University (Malaysia).
Mong muốn nội dung hợp tác sớm đi vào thực tiễn đào tạo-trao đổi sinh viên
TS.Chow Poh Ling, Phó trưởng Khoa Kế toán, Tài chính và Kinh doanh (TAR UMT), chia sẻ rằng, TAR UMT muốn cả hai phía “đặc biệt thúc đẩy nhanh hơn” hợp tác đưa sinh viên Malaysia sang DUE tham quan học tập, với một chương trình study-tour 7 ngày. Ngược lại, TAR UMT cũng sẽ thiết kế 1 study-tour , để sinh viên Việt Nam sớm sang Malaysia.
Theo TS. Bùi Huỳnh Nguyên – Phó trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (DUE), cho biết, các trường Đại học Thái Lan nói riêng, các quốc gia Đông Nam Á nói chung, còn quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học của DUE. Đòan Đại học Khon Kaen, Thái Lan khi đến thăm, cũng đặt lên bàn làm việc, việc đầu tiên là đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đội ngũ giảng viên, sau đó là trao đổi sinh viên.
Quan điểm này rất tương đồng với định hướng, mục tiêu nghiên cứu khoa học giữa hai trường. DUE từ đó đã đề xuất cả 2 phía cùng xúc tiến hợp tác trong nghiên cứu, đồng thời mời giảng viên Trường Đại học Khon Kaen, Thái Lan cùng tham gia các hội thảo, seminar quốc tế do DUE tổ chức. Điều này góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, sẵn sàng trong trao đổi giảng viên ở 2 Trường thông qua làm việc chung.

Một dẫn chứng khác, Đoàn Trường Đại học Duta Wacana Christian (UKDW), Indonesia khi đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức giữa 2 Trường, cũng đề đạt cả 2 phía cùng nghiên cứu phát triển các dự án, hoạt động giảng dạy, hội thảo khoa học quốc tế. Bên cạnh đó, cùng nhau hợp tác tiếp nhận sinh viên tham gia và trải nghiệm các khóa đào tạo ngắn hạn vào mùa hè. Đại diện Trường Đại học Duta Wacana Christian (UKDW), Indonesia, cho rằng, hướng hợp tác này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của hai đơn vị.
Trong khi đó, phát triển các chương trình liên kết đào tạo mới, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường du lịch quốc tế, là mục tiêu của Học viện Quản trị Du lịch Singapore (Tourism Management Institute of Singapore) – đối tác quan trọng của DUE trong lĩnh vực quản lý du lịch. Ngoài hợp tác trao đổi sinh viên, giảng viên, Học viện này còn đề nghị phối hợp tổ chức Hội thảo chuyên đề. Từ đó mở ra nhiều cơ hội học tập và nghiên cứu mới cho người học cả 2 Trường. Còn East Asia Management University (Đại học Quản lý Đông Á), Campuchia (EAMU), ngoài các đề nghị hợp tác trong nghiên cứu khoa học (của giảng viên và sinh viên); hợp tác tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề, giao lưu văn hóa … đã đề nghị hợp tác trong đào tạo đại học, lẫn sau đại học. Để thúc đẩy trao đổi học thuật, 2 Trường sẵn sàng trao đổi ấn phẩm, tài liệu phục vụ mục đích đào tạo và nghiên cứu.
Những năm qua, DUE cũng đã trở thành điểm sáng trong giao lưu quốc tế, tăng cường sự hiểu biết về văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN. Đơn cử như Đoàn giảng viên, sinh viên Universiti Teknologi Mara (Malaysia) khi đến DUE để giao lưu đã biến nhịp cầu nối văn hóa giữa 2 quốc gia, thành cơ hội để sinh viên “khách và chủ nhà” cùng trải nghiệm môi trường quốc tế. Mỗi hiểu biết thêm về các giá trị văn hóa ở mỗi quốc gia đã làm nên nền tảng mở rộng, và phát triển quan hệ hợp tác lâu dài hơn.

Trở thành địa chỉ được các Trường đại học quốc gia thành viên ASEAN tin cậy, tìm thấy nhiều nội dung hợp tác, năm 2023, 2024 và 6 tháng đầu năm 2025, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng đã đón 23 Đoàn các Trường Đại học thuộc các quốc gia thành viên ASEAN (Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, …) đến giao lưu, trao đổi sinh viên, tìm hiểu cơ hội hợp tác, …
Đón các đoàn bạn đến với Trường, DUE cũng “cử và gửi” đại diện xuất sắc, tham gia các chương trình giao lưu-đối ngoại nhân dân dành cho sinh viên. DUE tự hào là đại học duy nhất của thành phố Đà Nẵng, có 1 đại biểu (trong tổng số 9 đại biểu) của Đoàn sinh viên Việt Nam tham dự Hội nghị Sinh viên ASEAN -Nhật Bản (JENESYS). Đây là hoạt động được Chính phủ Nhật Bản ưu tiên tài trợ, chỉ đạo, với mục tiêu xây dựng lòng tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng phát triển giao lưu hữu nghị và hợp tác trên nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội, lịch sử, kinh tế, chính trị và ngoại giao, giữa Nhật Bản với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, góp phần gắn kết giữa Nhật Bản với các nước ASEAN. Đó là bạn Đặng Quỳnh Chi.
“Em rất tự hào khi được tham dự các diễn đàn, hội thảo, giao lưu trực tiếp và trực tuyến. Vinh dự lớn là em được phát biểu, nêu quan điểm và đề xuất giải pháp, ý tưởng cho một chủ đề có tính thời sự toàn cầu. Đó là phòng chống, thích ứng với biến đổi khí hậu và sử dụng năng lượng sạch để bảo vệ môi trường. Thông qua các hoạt động này, đại diện của sinh viên Việt Nam đã có tiếng nói của giới trẻ, chia sẻ tầm nhìn và đóng góp sức mình, cùng chung tay xây dựng kế hoạch cùng hành động quyết liệt. Bước vào kỷ nguyên mới, không gì hơn, người trẻ chúng em phải đóng góp trí tuệ, theo khả năng và hiểu biết, để giải quyết những thách thức của phát triển bền vững”, Quỳnh Chi cho biết.

“Cách đây 4 năm, Trường chúng tôi đã kiểm định chất lượng thành công chu kỳ 2 (vào tháng 12/2021). Trường có thêm 7 chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn Asean University Network – QA.
Tham gia kiểm định chất lượng của mạng lưới AUN, DUE đã có đến 11 (tổng số 19) chương trình đào tạo bậc đại học đạt chuẩn kiểm định AUN-QA, gồm: Quản trị kinh doanh ; Kế toán ; Kiểm toán ; Kinh doanh quốc tế ; CTĐT Marketing ; Quản trị khách sạn ; Quản trị nhân lực ; Tài chính – Ngân hàng ; Kinh tế ; Hệ thống thông tin quản lý và chương trình đào tạo Kinh doanh thương mại.
Mục tiêu đến cuối năm 2025, chương trình đào tạo trình độ đại học, có đủ điều kiện đánh giá ngoài, đều phải được công nhận chất lượng, trong đó trên 50% đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế. Bên ngoài là vậy, còn bên trong hệ thống đảm bảo chất lượng của Trường đã ngày càng hoàn thiện, với các chỉ số chất lượng được thiết lập và theo dõi, làm cơ sở cho việc cải tiến liên tục.
Đến nay, trong giai đoạn 2020 – 2025, Trường đã ký kết các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận với 32 trường đại học uy tín trên thế giới để hợp tác trong đào tạo (theo các hình thức 2+2, 3+1, trao đổi sinh viên, giảng viên), cũng như phối hợp để tổ chức các hội thảo quốc tế, triển khai các dự án”, PGS.TS Lê Văn Huy – Hiệu trưởng, phấn tích thêm và nhấn mạnh./.
Trần Ngọc
Chúng tôi xin phép sử dụng tên viết tắt DUE (Danang University Economics) thay cho cụm từ (phải lặp lại nhiều lần trong bài): Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng.
Cùng chủ đề:
30 năm, Việt Nam gia nhập ASEAN
Hội nhập quốc tế từ hội nhập giáo dục Đông Nam Á
P2A và hành trình từ Bangkok đến Đà Nẵng Việt Nam.